Sống Tỉnh Thức
VƯỢT QUA CÁC VẤN ĐỀ RIÊNG CỦA NÃO BỘ
Bất kì thứ gì có mặt trong tự nhiên, đều trải qua quá trình phát triển và các chu kì vận động của nó. Bộ não cũng vậy. Chúng ta đã nói nhiều đến cơ chế của não bộ, tiềm năng, cách chúng ta phát triển bộ não. Nhưng thật thiếu sót nếu chúng ta không xem xét những trở ngại, hay những vấn đề khó khăn mà não bộ gặp phải khi đương đầu với nghịch cảnh.
Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những vấn đề nảy sinh bên trong não bộ: trầm cảm và âu lo – những trạng thái tinh thần ảnh hưởng mật thiết các yếu tố bên trong não bộ (các yếu tố điện sinh học, mạng lưới kết nối sóng, yếu tố hóa học – hormone nội môi) với môi trường bên ngoài và cách để chúng ta vượt lên các trạng thái ấy theo hướng chữa lành.
1. Trầm cảm và cách để vượt qua trạng thái trầm cảm
Theo cách hiểu thông thường thì trầm cảm là một rối loạn tâm lý gây ra sự giảm sút nghiêm trọng trong tư duy, cảm xúc và hoạt động hàng ngày. Nó không chỉ là tình trạng buồn chán tạm thời mà kéo dài và gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống trong một thời gian dài. Đây là dạng rối loạn về tâm trạng do bộ não mất khả năng phản ứng tương thích với sự căng thẳng bên trong và bên ngoài, từ đó ảnh hưởng lên toàn bộ cơ thể. Nó làm cho nhịp sinh học của cơ thể bị xáo trộn, gây mất hứng thú, làm người trầm cảm mệt mỏi và thờ ơ. Các kết nối xã hội gần mất đi, họ ở trong trạng thái phân ly: không thể hiểu rõ những điều người khác đang nói với mình và cũng không thể nói được cảm giác của mình cho người khác.
Theo khoa học, bộ não có liên quan đến các triệu chứng toàn thân này: bản chụp não của những người mắc chứng trầm cảm có hình mẫu đặc biệt cho thấy sự hoạt động quá mức ở một số vùng trên vỏ não, và những vùng khác kém hoạt động. Cụ thể là trầm cảm thường ảnh hưởng đến vỏ não trước (vỏ não liên quan cảm xúc và đồng cảm), hạch hạnh nhân (chịu trách nhiệm cho những cảm xúc và phản ứng trước tình huống lạ) và vùng dưới đồi (liên quan đến ham muốn). Những khu vực này ở người trầm cảm tạo thành một mạng lưới mang đặc trưng của dạng hệ mạch trầm cảm. Và chúng ta luôn tìm cách tác động tích cực để mạng lưới này trở lại bình thường.
-
Trầm cảm bị gây ra bởi một sự kích hoạt.
Thoạt tiên, sự kích hoạt nhẹ tới mức ta không hề để ý, nhưng đã đủ để ghi dấu trong não bộ. Khi sự kích hoạt ấy lặp đi lặp lại thì trầm cảm chính thức bắt đầu. Khởi nguồn của nó là nỗi buồn và nỗi đau kéo dài. Nhưng khác với buồn đau thông thường, trầm cảm là một nỗi đau đeo bám làm cho người ta cảm thấy quá tải với các hoạt động, cuộc đời mình thất bại và không tìm thấy lý do để tiếp tục sống (80% các vụ tự tử bị gây ra bởi một cơn trầm cảm nghiêm trọng).
-
Ba bước đi trong trạng thái trầm cảm
Trầm cảm không phải là hiện tượng cảm xúc của ngày một ngày hai, nó có từng bước đi phụ thuộc vào ba yếu tố: tác động bên ngoài, phản ứng sai lệnh ở bên trong, thói quen phản ứng sai lệch trở thành một hành động tự động:
- Nguyên nhân bên ngoài: đó là những khoảng thời gian khó khăn: mất việc, khủng hoảng, suy thoái, bệnh tật…việc mất người thân, phá sản hay tất cả những “cú sốc” bên ngoài đưa bạn vào trạng thái lo lắng, đau buồn. Đôi khi sự nhàm chán thất vọng trong công việc, mối quan hệ…Người rơi vào trạng thái trầm cảm là người luôn có phản ứng với các hoàn cảnh tồi tệ của hiện tại hay quá khứ.
- Cách phản ứng từ bên trong: Trạng thái trầm cảm diễn ra khi cách phản ứng của bạn với bên ngoài trở nên sai lệch. Một vài cách phản ứng sai lệch mà chúng ta vẫn hay gặp phải đó là nghe theo các tiếng nói dạng “đó là lỗi của tôi” “tôi không đủ tốt, tôi không xứng đáng” “chẳng có cách nào hiệu quả” “tôi biết là mọi thứ sẽ tồi tệ mà”…những tiếng nói đang tước dần đi vai trò và sự chủ động của bản thân, những tiếng nói cho thấy sự tổn thương và đổ vỡ niềm tin vào khả năng của chính mình.
- Thói quen cảm thấy trầm cảm: khi bạn đã từng phản ứng với nỗi đau trong quá khứ thì nó sẽ củng cố phản ứng tiếp theo khi bạn đối mặt với căng thẳng mới từ thế giới bên ngoài. Ví như bạn trải qua nỗi đau bị phản bội trong cuộc tình đầu tiên, thì các cuộc tình sau, bạn vẫn có xu hướng đề phòng lo sợ, bất an…và thay vì lựa chọn đối tượng khác đi, bạn oán trách số phận, lo sợ và bất lực….các dạng thức này sẽ ăn sâu vào não bộ và lập trình cho cảm giác của bạn lặp đi lặp lại như một thói quen.
Biết được về các bước đi này, quá trình hỗ trợ não bộ vượt qua trầm cảm của ta cũng sẽ tuần tự đúng hướng hơn. Ta đang nói đến việc chữa lành trầm cảm một cách tích cực, toàn diện và từ chối việc can thiệp của các yếu tố hóa học bên ngoài, nhằm hạn chế tối đa những tác dụng phụ lên cơ thể. Bản chất của trầm cảm là tô vẽ mọi thứ. Nên khi bạn thay thế những niềm tin sai lầm vào các niềm tin định tâm đúng đắn hơn hoặc có sự linh động mở rộng, bạn sẽ làm chủ được trầm cảm. Đôi khi việc ấy rất khó khăn nếu bạn cứ chìm đắm trong nỗi buồn và cơn lười vận động. Cho nên, song song với các niềm tin và suy nghĩ, việc thay đổi hành động hoặc chấm dứt tiếp xúc/ lảng tránh với các nguồn cơn trầm cảm cũng khá hiệu quả trong việc giúp bạn cải thiện tình hình.
2. Lo lắng, căng thẳng và sợ hãi
Sự lo lắng tạo ra hình ảnh sai lệch về thế giới, làm ta sợ hãi những điều vô hại. Dĩ nhiên cuộc sống không thể tồn tại mà không có nỗi sợ hãi, nhưng khi sợ hãi tạo ra tê liệt và đau khổ thì đó là lúc chúng ta cần xem xét lại các yếu tố gây ra sự sợ hãi lo lắng.
-
Vì sao nỗi lo lắng lại trở nên dai dẳng?
Khi nỗi lo lắng trở đi trở lại, sự lặp lại đào sâu lối mòn mang tính cố định của não bộ. Khi bạn phải sống trong nỗi lo sợ quá lâu, thì bạn sẽ học cách thích nghi với nó, tuy nhiên sự lặp đi lặp lại thường không đơn giản, và sau nhiều năm thì nỗi lo lắng này sẽ tạo thành phản ứng sợ hãi bám chặt vào bộ não. Và khi vướng vào nỗi sợ thì tâm trí sẽ không thể nhìn đủ xa để nhận thức đâu là nguy cơ thực sự, đâu là sự tô vẽ của tâm trí. Chưa kể là người lo lắng thường tin rằng nếu họ biết lo lắng, có thể điều đó sẽ không xảy ra.
Và bạn biết không, nỗi sợ có lý lẽ thuyết phục riêng của nó. Khi tin vào nỗi sợ, lập tức bạn sẽ hành động dựa trên nỗi sợ mà đánh mất chính mình. Nỗi sợ có thể hù dọa bạn bằng việc nghĩ đến những nguy cơ to lớn đối với những thứ bạn cho là quan trọng bằng việc suy diễn đến một trạng thái mà bạn không muốn nhất.
Nỗi sợ cũng khuấy động bộ nhớ. Nó đánh thức những điều tồi tệ trong phản ứng xưa cũ trở về. Ví dụ: khi bạn đang cảm thấy bất an trong mối quan hệ với người yêu hiện tại, rất có thể bạn sẽ bị gợi lại những đổ vỡ trong một loạt các mối quan hệ trước đây, điều này càng làm trầm trọng thêm cảm giác hiện tại.
Nỗi sợ cũng dẫn đến sự im lặng. Từ mặc cảm tội lỗi, bạn không nói về nỗi sợ của mình, do đó, nó trở nên day dứt. Nhiều người, vì các lý do khác nhau, đồng nghĩa nỗi sợ với sự yếu đuối, hèn nhát…và bởi vậy, họ giữ nỗi sợ hãi cho riêng mình. Sự im lặng sẽ làm cho nỗi sợ trở nên tồi tệ hơn.
Đôi khi, cách chúng ta đối xử với nỗi sợ: dồn nén, giấu diếm chúng vào góc khuất nhưng vẫn âm thầm chịu đựng cảm giác dồn nén. Nội tâm ta mâu thuẫn giữa việc chế ngự nỗi sợ và việc ta đấu tranh với chính mình. Rõ ràng đây không phải là cách hay.
Như vậy, ta có thể thấy, việc ta chế ngự nỗi sợ, đối xử với nó không công bằng sẽ gây ra những hậu quả xấu. Thay vào đó, chúng ta hãy nhận diện, lắng nghe để hiểu nhiều hơn về những câu chuyện liên quan nỗi sợ, thừa nhận nỗi sợ rồi dần dần làm bạn với nó bằng quá trình thay đổi nhận thức, hướng đến vấn đề.
3. Giải quyết vấn đề
-
Chữa lành cho quá khứ
Đối với người đang trong trạng thái trầm cảm thì điều cần thiết là chữa lành cho những nguyên nhân đã diễn ra mang đến tổn thương cho họ nhiều hơn là tập trung vào các giải quyết các biểu hiện trong hiện tại. Đó là lý do mà bạn sẽ thất bại nếu muốn kéo họ vào các cuộc vui, tham gia hoạt động hay bất cứ thứ hoạt náo nào khác. Vì họ vẫn mang nặng nỗi sợ hãi âu lo với những việc từng xảy ra trong quá khứ.
Việc đầu tiên chúng ta nên làm với tình trạng này là xem xét kỹ lại quá khứ để có thể mở ra những cách thức phản ứng khác nhau cho não bộ ngoài cách phản ứng sai lệch đã từng diễn ra. Vai trò của tham vấn tâm lý hoặc những “cuộc trò chuyên nội tâm” rất có ích trong những tình huống này.
Ví dụ: một người mẹ trẻ bị mất đứa con từ trong bụng sẽ khó tránh khỏi cảm giác dặn vặt tự kết tội khi chứng kiến việc sinh thai nhi lưu. Nỗi đau ấy sẽ hóa vào trạng thái nội tâm và tạo thành chứng ám ảnh. Nhưng nếu bình tĩnh xem xét lại tình huống, phân tích cặn kẽ các nguyên nhân để đi đến kết luận đúng mức cho tình huống trên, hoặc người mẹ được tiếp cận với một khả năng khác “em bé gặp phải một vấn đề nghiêm trọng nên mọi chuyện đã diễn ra theo hướng có lợi cho em bé hơn là khi em được sinh ra” thì cảm giác dằn vặt tự kết tội ấy sẽ biến mất.
Trong quá trình hỗ trợ chủ thể, Vashna Thiên Kim đã sử dụng thôi miên trị liệu tiềm thức như một hình thức hiệu quả để đưa chủ thể trở lại với các vấn đề quá khứ, quan sát khách quan vấn đề ấy dưới hình thức xem một câu chuyện, một cơn mơ, một cuốn phim, từ đó giải phóng cho chủ thể khỏi những nỗi sợ hãi mơ hồ, hiểu rõ vấn đề để thông suốt với tình trạng hiện tại. Và tỷ lệ tiến triển sau các ca thôi miên này khá cao.
-
Gỡ bỏ những niềm tin độc hại
Rõ ràng, sau khi đối diện với vấn đề, bạn có thể hiểu ra được các khả năng khác nhau của cùng một sự việc, từ đó nhìn nhận được những niềm tin lành mạnh. Nhưng quá trình hồi phục còn cần bạn có thói quen từ bỏ các niềm tin độc hại:
-
Tất cả là do lỗi của tôi
Đây không phải là cách để bạn “tự chịu trách nhiệm” cho hành động của mình như bạn nghĩ. Mà cách chịu trách nhiệm thiết thực nhất là việc dồn vào tập trung vào giải pháp giải quyết vấn đề. Việc quan tâm xem đó là lỗi của ai dẫn đến những suy nghĩ dằn vặt và mâu thuẫn khiến bạn mất năng lượng.
-
Tôi không xứng đáng/ không đủ tốt
Đây là tiếng nói vang lên từ cảm giác tự ti, thiếu tôn trọng bản thân. Điều này sẽ đi kèm sự thất vọng, ủ dột. Thay vào đó bạn có thể nói “tôi có thể làm tốt hơn vào lần sau” “tất cả là bài học” “dù sao tôi cũng đã biết cách”.
-
Chẳng điều gì có tác dụng cả
Suy nghĩ này sẽ tự giới hạn chính bạn. Thay vào đó, bạn có thể mở rộng khả năng ra bằng việc nghĩ “sẽ có cách, có thể là chưa phải bây giờ” “dần dần mình sẽ làm được, sẽ biết được”. Việc mình cần làm là làm theo cách mới.
-
Sử dụng thiền định và thực hành lối sống tỉnh thức
Thiền định là một phương pháp thực hành cực kì tốt cho não bộ. Nó đưa não vào trạng thái sóng chậm (Theta, Alpha và Gamma) – những loại sóng não đưa chúng ta vào trạng thái thư giãn, tĩnh lặng, tập trung và phát huy tư duy sáng tạo hoặc trạng thái cao cả của ý thức. Thiền định có thể được sử dụng để ta cải thiện chứng mất ngủ, điều hòa hơi thở, khơi thông các vùng rối nhiễu năng lượng và cung cấp cho não bộ nguồn nuôi dưỡng tuyệt vời.
Lối sống tỉnh thức tập trung vào hiện tại giúp ta nâng cao năng lực thực tế, có thói quen quan sát cảm xúc để tách biệt phản ứng trước các sự việc xảy ra. Với lối sống này, con người tập trung vào giải pháp, nuôi dưỡng và phát triển bền vững toàn diện các yếu tố cả bên trong và bên ngoài cơ thể.
Vashna Thiên Kim