Y Học Cổ Truyền Ayurveda
BỆNH TẬT ĐẾN VỚI TA NHƯ THẾ NÀO?
Theo Ayurveda, bệnh tật là kết quả cuối cùng của một quá trình lâu dài, và nếu nó được phát hiện và xử lý ở giai đoạn càng sớm càng tốt. Cũng như vậy, xác định được giai đoạn của bệnh thì sự can thiệp sẽ giải quyết gốc rễ vấn đề. Vậy câu hỏi đặt ra là y học Ayurveda sẽ giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe, can thiệp vào quá trình hình thành bệnh tật như thế nào. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản về tình trạng sức khỏe và những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Trạng thái khỏe mạnh – tình trạng lý tưởng của sức khỏe
Khi ta nói một ai đó đang mạnh khỏe, không đơn giản chỉ là sự vắng bóng bệnh tật mà chính xác đó là trạng thái cân bằng giữa thể xác, tâm trí và ý thức.
Sức khỏe được tạo thành từ trạng thái cân bằng giữa ba khí chất (các dosha), bảy loại mô (các dhatu), ba loại chất thải (các mala) và lửa tiêu hóa (agni), cùng với đó là sự thông suốt và cân bằng của các giác quan, tâm trí và tinh thần.
1.1 Bảy loại mô cấu thành cơ thể vật lý (dhatu)
Nếu như ba dosha được coi như ba nguyên lý sinh học chi phối hoạt động của cơ thể thì thành phần vật lý tạo nên cơ thể - các mô (dhatu) cơ bản của cơ thể. Đây là yếu tố sống còn, tạo nên toàn bộ cấu trúc cơ thể, tạo nên sự vận hành của các cơ quan và hệ thống. Chúng lần lượt là các thành phần sau:
- Rasa (huyết tương hay tế bào chất): chứa các dưỡng chất được lấy từ thức ăn đã tiêu hóa sau đó đem đi nuôi các mô, cơ quan và hệ thống trong cơ thể.
- Rakta (máu) chi phối quá trình cung cấp oxi trong tất cả các mô và cơ quan trọng yếu, từ đó mà duy trì sự sống, hoạt động của cơ thể.
- Mamsa (cơ bắp) che phủ các cơ quan trọng yếu, dễ bị tổn thương, thực hiện cử động các khớp và duy trì thể lực cho cơ thể.
- Meda (chất béo) duy trì độ trơn của các mô và đóng vai trò như một chất cách nhiệt để giữ cho nhiệt trong cơ thể không bị thoát ra ngoài.
- Asthi (xương và sụn) để nâng đỡ toàn bộ cấu trúc cơ thể.
- Majja (tủy và các dây thần kinh) lấp đầy không gian trong xương, vận chuyển các xung vận động và cảm giác, tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao tiếp giữa tế bào và các cơ quan trong cơ thể.
- Shukra và artava (mô sinh sản nam nữ) chứa các tinh chất thuần khiết của tất cả các mô cơ thể và có thể tạo ra sự sống mới.
Các dhatu – mô cơ bản kể trên có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Nếu lượng chất liệu thô được lấy từ hệ tiêu hóa chưa đủ, hoặc xảy ra trục trặc thì lần lượt từng loại mô sẽ không nhận được đủ dưỡng chất cần thiết và ảnh hưởng đến các mô khác. Vì vậy, nền tảng của sức khỏe tốt là hệ thống các mô – dhatu phát triển và vận hành đúng đắn.
1.2. Ba loại chất thải: phân, nước tiểu, mồ hôi – là những thứ để qua quan sát, chúng ta đánh giá được lượng đào thải – khả năng vận hành tốt của cơ thể.
1.3. Agni: lửa sinh học hay năng lượng nhiệt chi phối quá trình trao đổi chất, nó tương đương với các enzyme tiêu hóa cùng các quá trình trao đổi chất liên quan đến sự phân giải, tiêu hóa, hấp thu và đồng hóa thức ăn. Đây là yếu tố cốt tử với sức khỏe vì nó phá hủy các vi sinh vật và vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài, duy trì sức khỏe của hệ miễn dịch. Có thể nói đây là ngọn lửa sống còn, lúc nó lụi tắt cũng là lúc cái chết cận kề.
Tuổi thọ, sức khỏe, khả năng miễn dịch, năng lượng, sự trao đổi chất, nước da, thể lực, nhiệt huyết, vẻ rạng rõ và hơi thở thiết yếu cho sự sinh tồn của con người đều phụ thuộc vào các agni (ngọn lửa của cơ thể). Con người sẽ sống trường thọ và khỏe mạnh nếu ngọn lửa này vận hành đúng đắn; sẽ trở nên ốm yếu nếu nó bị đảo lộn. Năm loại agni tương đương với dĩ thái, khí, lửa, nước và đất sẽ tiêu hóa các thành phần tương ứng với chúng trong thức ăn. Agni cần thiết cho quá trình tiêu hóa thông thường, năng lượng vi tế của agni sẽ biến đổi những phân tử không có sự sống trong thức ăn, nước và không khí thành ý thức của tế bào.
2. Các yếu tố liên quan đến sức khỏe và bệnh tật.
Bệnh tật không tự nhiên mà có. Chúng chỉ là sự phát lộ kết quả của một quá trình, lối sống và thói quen. Một người chữa bệnh giỏi sẽ là người xem xét toàn diện các yếu tố liên quan đến sức khỏe và bệnh tật: yếu tố con người, môi trường sống, sự mất can bằng bên trong, các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng: khí hậu, tập quán, các loại bệnh phổ biến nơi họ sống, thói quen ăn uống, nề nếp sinh hoạt của họ, họ thích gì ghét gì, có thế mạnh gì và trạng thái tâm lý ra sao…Trong đó, ta cần chú ý đến một vào yếu tố:
- Cái giống nhau thì tăng cường nhau. Cái đối nghịch nhau thì giảm trừ nhau: đây cũng là chìa khóa của việc chữa trị. Căn cứ vào thể tạng bẩm sinh và thể tạng hiện tại, người ta có thể sử dụng thức ăn, đồ uống, các yếu tố bên ngoài, hoạt động để tăng cường, cải thiện tăng giảm các dosha.
- Thực phẩm và chế độ ăn: các thể tạng khác nhau sẽ có nhu cầu cần cung cấp thực phẩm và sử dụng dinh dưỡng khác nhau để gia tăng hoặc điều tiết. (thể tạng pitta sẽ dễ gặp rắc rối với những đồ ăn cay nóng, vata khó tiêu trái cây khô, đậu, còn thể kapha thì dễ gia tăng với các đồ ăn lạnh). Việc kết hợp thực phẩm sai, ăn đồ không đảm bảo hoặc có nhiều phụ gia hóa học. Cách ăn vội vàng, giờ giấc ăn quá muộn cũng góp phần gây mất cân bằng và tiềm ẩn bệnh tật.
- Các mùa trong năm: với đặc tính riêng về nhiệt độ, độ ẩm, tính chất và hệ sinh thái đi kèm, mỗi mùa trong năm sẽ đem đến những thách thức riêng cho sức khỏe.
- Rèn luyện thể chất: Việc tập thể dục đều đặn giúp cải thiện tuần hoàn máu và tăng thể lực, sức bền và khả năng miễn dịch, tăng giấc ngủ, thanh lọc chát độc qua việc thải mồ hôi và thở sâu. Tuy nhiên việc ít vận động hoặc vận động quá nhiều đem đến ảnh hưởng không tốt.
- Tuổi tác: ở mỗi giai đoạn trong đời sống sẽ có một số dạng bệnh tật phổ biến nhất định: thời thơ ấu là khi kapha chiếm ưu thế, nên trẻ dễ mắc các bệnh liên quan đến kapha. Trưởng thành là giai đoạn thống lĩnh của pitta nên cũng dễ mắc các rối loạn tiêu hóa liên quan pitta. Tuổi già là giai đoạn của vata nên dễ mắc táo bón, ít ngủ, thoái hóa…
- Các yếu tố tinh thần và cảm xúc: mỗi một nhận thức, ý nghĩa, cảm giác và cảm xúc, dù tích cực hay tiêu cực đều là một sự kiện sinh hóa ảnh hưởng đến các dosha và tác động tới mọi tế bào, mô và cơ quan trong cơ thể.
- Sự căng thẳng: sự căng thẳng đi kèm những thói quen không lành mạnh sẽ làm xáo trộn các dosha, tạo ra sự mất cân bằng của vata, pitta hoặc kapha.
- Các giác quan bị lạm dụng hoặc sử dụng sai cách: Khi chúng ta sử dụng quá nhiều các giác quan tới mức lạm dụng sẽ gây căng thẳng cho hệ thần kinh. Sử dụng giác quan sai cách cũng gây ra tác hại. Hoặc tận dụng thiếu triệt để giác quan (mất tập trung) cũng dễ tạo ra các nguy cơ đáng tiếc.
- Hiểu biết/ nhận thức của con người: hiểu biết/ nhận thức hạn chế sẽ ảnh hưởng đến việc giữ gìn sự cân bằng cho cơ thể. Ngược lại sự hiểu biết giúp ta phát triển mình hài hòa với tự nhiên và vũ trụ, tạo cơ hội phát triển tốt hơn.
- Các mối quan hệ: thiếu hài hòa và sáng suốt trong các mối quan hệ sẽ đem lại hệ quả xấu. Sự gãy đổ hay mất cân bằng trong các mối quan hệ cũng dẫn đến tổn thương sâu.
Như vậy, qua nội dung bài viết, chúng ta đã có cái nhìn tổng quan về các yếu tố tạo thành và chi phối sức khỏe. Cùng với việc tìm hiểu kiến thức, ta sẽ có thêm những lựa chọn sáng suốt để tăng cường sức khỏe và nội lực cho chính mình.
Vashna Thiên Kim