TRÁI ĐẤT CỦA CHÚNG TA TỪNG TƯƠI ĐẸP NHƯ THẾ NÀO?
Giữ những gì còn lại là mục tiêu cấp thiết để bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Và chính vì những điều này Ngày Quốc tế về Rừng, viết tắt là IDF (International Day of Forests) là ngày 21 tháng Ba, là ngày hành động quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 28/11/2012 theo Nghị quyết A/RES/67/200. (Theo wikipedia)
Mỗi năm thế giới có hơn 13 triệu ha (32 triệu acre) rừng bị mất, một khu vực rộng bằng cỡ nước Anh. Khi rừng mất đi, thì các loài thực vật và động vật trong quần thể đó cũng theo nhau mất đi. Rừng chứa 80% tất cả các đa dạng sinh học trên cạn.
Và điểm quan trọng nhất, rừng đóng vai trò hấp thụ khí CO2, trả lại oxy cho sinh giới cũng như giảm hiệu ứng nhà kính do tích tụ CO2 là yếu tố gây ra sự nóng lên toàn cầu. Kết quả phá rừng làm giảm sự hấp thụ CO2 tương đương với lượng khí thải ra của ngành giao thông vận tải toàn cầu.
Hiện nay, rừng còn bao phủ hơn 30% diện tích đất trên thế giới và có hơn 60.000 loài cây. Rừng cung cấp thực phẩm, chất xơ, nước và thuốc men cho khoảng 1,6 tỷ người nghèo nhất thế giới, bao gồm cả người dân bản địa với các nền văn hóa độc đáo.
Giữ những gì còn lại là mục tiêu cấp thiết để bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Và chính vì những điều này Ngày Quốc tế về Rừng, viết tắt là IDF (International Day of Forests) là ngày 21 tháng Ba, là ngày hành động quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 28/11/2012 theo Nghị quyết A/RES/67/200. (Theo wikipedia)
Hưởng ứng ngày Quốc Tế về Rừng hôm nay Kim muốn chia sẻ một bài viết, hy vọng có thể hữu duyên lan toả thông điệp được đến nhiều người, biết được “hiện trạng thực tế báo động” của Trái Đất ta đang đối mặt, của ngôi nhà chung của chúng ta, ngày này chính là “ngày hành động quốc tế”, nếu bạn chưa thể hành động, chỉ cần hiểu được hiện trạng mà sống có ý thức hơn, thì đã là sự chung tay.
Để tôi kể cho bạn nghe về ngôi nhà của chúng ta - Trái Đất của chúng ta từng là một biểu tượng của sự tươi đẹp và sự phong phú trong tự nhiên. Mỗi góc cạnh của hành tinh này đều rực rỡ với sự đa dạng của cuộc sống, từ những cánh rừng rậm rạp đến những sa mạc bao la, từ những rặng núi cao vút đến những thung lũng xanh mướt… Nhưng nhìn lại, ta không thể không cảm thấy một nỗi buồn về những thay đổi mà Trái Đất đã trải qua.
Trái Đất của chúng ta từng là một biểu tượng của sự tươi đẹp và sự phong phú trong tự nhiên. Mỗi góc cạnh của hành tinh này đều rực rỡ với sự đa dạng của cuộc sống, từ những cánh rừng rậm rạp đến những sa mạc bao la, từ những rặng núi cao vút đến những thung lũng xanh mướt… Nhưng nhìn lại, ta không thể không cảm thấy một nỗi buồn về những thay đổi mà Trái Đất đã trải qua.
Nhà sinh vật học người Anh, David Attenborough đã thông qua bộ phim “A Life on Our Planet” đã mang đến cho người xem bức tranh đối lập giữa Trái Đất từ thời kỳ xa xưa với Trái Đất trong khoảng 40 năm trở lại đây, cho chúng ta thấy chính con người đã và đang phá huỷ sự thế giới tự nhiên tàn khốc đến mức nào.
Ngày xưa, mặt đất phủ đầy màu xanh của rừng già nguyên sinh và đại dương bao la. Các loài sống dưới biển duy trì được sự sinh tồn đa dạng phong phú. Rừng rậm nhiệt đới đóng vai trò bảo vệ bầu khí quyển của Trái Đất, cung cấp oxy cho các loài động thực vật, đồng thời cung cấp mái ấm cho các loài sinh vật. Các động vật hoang dã đi lang thang trong rừng sâu, tạo nên một hình ảnh hòa quyện giữa sự hoang sơ và sự hài hòa. Cây cỏ, hoa lá cùng các loài động vật, thực vật cùng nhau sinh sống trên hành tinh xinh đẹp này, tạo nên sự đa dạng sinh học. Nhờ có Thiên Nhiên, các loài sinh vật, thực vật có thể có dưỡng chất, môi trường để sinh sống và phát triển. Đó chính là sự đa dạng sinh học. Sự đa dạng sinh học chính là cách mà Thiên Nhiên duy trì sự ổn định, bởi mỗi loài đều đóng góp vào các quá trình sinh thái quan trọng như quá trình hoà tan chất hữu cơ, sản xuất oxy và kiểm soát sự phát triển của các loài khác. Có thể nói rằng, sinh vật, động vật được lớn lên và sinh trưởng nhờ tự nhiên, và tự nhiên cũng được hưởng lợi từ sự đa dạng sinh học.
Thiên nhiên, tạo hoá chính là nguồn cảm hứng sáng tạo tuyệt vời. Nhìn vào Thiên Nhiên nước non hùng vĩ hay nhìn các loài động thực vật xinh đẹp với những bộ cánh đầy màu sắc rất tự nhiên và hài hoà, bạn đã bao giờ cảm thán, sao chúng có thể được tạo tác một cách công phu và tinh tế đến như vậy?
Đại dương cũng là một phần quan trọng của vẻ đẹp tự nhiên của Trái Đất. Mặt nước xanh biếc rộng lớn, với sự đa dạng của đời sống dưới nước từ cá ngừ lớn đến những sinh vật nhỏ bé không ngừng chuyển động. Đáy biển cũng chứa đựng những bí mật lớn của hành tinh này, với hàng nghìn loài sinh vật và cả một thế giới san hô tuyệt vời. Trong vòng 10.000 năm, nhiệt độ trên Trái Đất không dao động quá 1 độ C, các loài sinh vật chung sống với nhau theo cách tự nhiên. Con người chúng ta cũng được sinh ra bởi Thiên Nhiên, chính là Đấng Tạo Hoá này. Như những sinh vật khác, chúng ta được ôm ấp và nuôi dưỡng bởi Thiên Nhiên, được Thiên Nhiên ban tặng cho thức ăn, nơi ở, nước, không khí, và sự sống. Điều này thực chất chưa bao giờ thay đổi, và chúng ta đang càng ngày càng phụ thuộc vào Thiên Nhiên nhiều hơn. Minh chứng đơn giản nhất chính là khi thời tiết trở nên thất thường, nguồn lương thực cạn kiệt, nguồn nước cũng trở nên khan hiếm, vậy khi đó ta ăn gì, uống gì để sinh tồn đây?
“Từng” - đúng vậy, Trái Đất của chúng ta “từng tươi đẹp”. Vẻ đẹp nguyên sơ của tự nhiên dường như chỉ còn là quá khứ, và đối với nhiều người, vẻ đẹp ấy chỉ còn tồn tại trong ký ức…
Biến đổi khí hậu đang gây ra hiện tượng băng tan, làm tăng mực nước biển và đe dọa các thành phố ven biển trên toàn cầu. Đại dương là nơi hấp thụ nhiệt độ dư thừa từ những hoạt động công nghiệp diễn ra mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta, và bởi Đại dương đã làm điều đó, những tác hại kinh khủng của chúng ta đối với môi trường đã được che giấu. Nhưng giờ đây, đại dương khả năng hấp thụ nhiệt của Đại Dương đã đạt mức giới hạn, khiến cho băng ở 2 cực của Trái Đất tan chảy, lượng băng ta có 2 cực đã giảm 40% so với 40 năm trước.
Rừng già đang bị chặt hạ với tốc độ chóng mặt, mất đi những khu rừng nguyên sinh quý báu. 15 tỉ cây đã bị đốn hạ mỗi năm, để phục vụ cho nhu cầu lấy đất canh tác hay nhu cầu sử dụng gỗ của chúng ta. Việc đốn rừng, chặt cây đã khiến biết bao loài động vật mất nhà? Sự tuyệt chủng của các giống loài đang diễn ra ngày một nhanh chóng. Hơn thế nữa, một nửa số đất hiện nay đã trở thành đất trồng trọt. Đại dương của chúng ta đang bị ô nhiễm và đánh bắt cá vô độ đã đe dọa sự sống của nhiều loài sinh vật. 90% cá ngoài đại dương đã bị giết hại, đánh bắt.
Với những gì con người đang làm đối với tự nhiên, ta đã biến Trái Đất này thành CỦA CHÚNG TA, khi các loài động vật hoang dã đang dần tuyệt chủng; VÌ CHÚNG TA khi mọi thứ đều đang phục vụ lợi ích của chúng ta, và VẬN HÀNH BỞI CHÚNG TA. Chúng ta đang là BÁ CHỦ Trái Đất này, biến ngôi nhà chung của mọi sinh vật thành nơi dành riêng cho con người. Chúng ta đã thay đổi nguyên tắc cơ bản của thế giới tự nhiên này, khiến cho thế giới vận hành theo quy luật và những mong muốn của bản thân mình.
Tới năm 2020, diện tích hoang dã trên Trái Đất chỉ còn dưới 35%, giảm gần 20% so với những năm 1970s. Với tốc độ phá huỷ của chúng ta, các nhà khoa học dự báo tới những năm 2030s, rừng rậm Amazon sẽ cháy rụi, làm chết nhiều giống loài, Trái Đất trở nên mất độ ẩm cần có. Bắc Cực sẽ tan hết băng khiến năng lượng mặt trời ít phản xạ lại không gian, khiến tốc độ nóng lên toàn cầu tăng chóng mặt. Tới năm 2050s, Đại Dương trở nên đầy tính axit, khiến cho san hô chết, cá cũng chết do môi trường sống bị huỷ hoại. Tới năm 2080, việc lạm dụng đất quá đà sẽ xảy ra khủng hoảng lương thực diện rộng, các loài côn trùng thụ phấn chết và thời tiết trở nên khó đoán. Cứ như vâỵ cho tới năm 2100s, không một loài nào có thể tiếp tục sống trên Trái Đất nữa khi nhiệt độ tăng lên 4 độ C. Có thể nói, sự tuyệt chủng hàng loạt đang đến ngày càng gần chúng ta hơn, và dường như không gì có thể ngăn cản được tốc độ của nó. Nhà của chúng ta không vô tận.
Con người là loài thông minh bậc nhất trên thế giới này, bởi con người đã được tạo hoá ưu ái ban cho một món quà mà không giống loài nào có được - trí tuệ.
Chỉ với một ý tưởng loé lên trong đầu, chúng ta có thể biến hoá ra một phát minh, rồi rất nhiều phát minh, và rồi rất nhiều nền công nghiệp. Mọi thứ đang hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta từ thức ăn, đến công nghệ, vật chất, và cả những hệ tư tưởng đều được tạo tác nên bởi chính chúng ta. Tâm trí chúng ta luôn nhìn thấy những điều “cần phải cải thiện từ cuộc sống”, và bởi vậy luôn không ngừng phát triển và sáng tạo thêm nhiều cái mới, nhưng có mấy ai thực sự nhận ra hướng phát triển này có vấn đề là gì, hay chúng ta cứ đòi hỏi càng nhiều hơn mỗi ngày?
Vấn đề nằm ở việc, chúng ta đủ thông minh để phát triển cuộc sống của mình với một tốc độ thần tốc, chưa bao giờ đạt được trong lịch sử, nhưng chúng ta lại đủ vô tâm và nhẫn tâm để huỷ hoại chính Ngôi Nhà mình đang sống, chính là Trái Đất. Con người tự cao tự đại mà cho rằng, chỉ vì có trí tuệ nên tôi đứng đầu chuỗi thức ăn, chỉ vì có trí tuệ nên tôi “cao cấp” hơn các giống loài khác và tôi có thể biến Trái Đất này thành một nơi như ý muốn của tôi. Điều đó có phải là quá ngạo nghễ và ấu trĩ không?
Trong chúng ta, có ai là không biết đến việc phải “Bảo Vệ Môi Trường”? Có ai không biết Bảo Vệ Môi Trường để làm gì và có tác dụng như thế nào đối với chính chúng ta và môi trường sống? Người người nhà nhà đều biết đến trách nhiệm và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, rất nhiều những dự án đã tuyên truyền rộng khắp, báo đài cũng đã nhiều lần nhiều ngày đưa tin về hệ quả của các vấn đề về môi trường xuất phát từ thói quen của chúng ta, nhưng có mấy ai thực sự có ý thức với việc bảo vệ môi trường đó? Ai cũng biết mà lại làm như không biết, sống một cách tuỳ tiện - mỗi hành vi nhỏ của chúng ta đều đang góp phần tự giết chết chúng ta, MỖI NGÀY.
Không có môi trường thì chúng ta sẽ chết. Bảo vệ môi trường thực chất là chúng ta đang tự cứu lấy chính mình. Bạn đang không làm điều này vì ai cả, bạn đang làm điều này vì chính bạn. Bởi thực tế, Thiên Nhiên không cần chúng ta, mà chúng ta cần Thiên Nhiên. Mọi thứ chúng ta đang sở hữu, từ cái bàn, cái ghế, cái điện thoại, máy tính, cái áo, cái quần, hay chính năng lượng tồn tại bên trong chúng ta, có cái gì không đến từ Thiên Nhiên, có cái gì không đến từ Vũ Trụ này? Sự thật là, chúng ta có thể làm được mọi thứ, nhưng sẽ chẳng làm được gì nếu như Thiên Nhiên và Tạo Hoá không ban cho chúng ta những sức mạnh ấy. Và bởi Thiên Nhiên ban cho ta sức mạnh, Thiên Nhiên cũng hoàn toàn có thể lấy lại những điều đó.
Thiên Nhiên thực chất rất khắc nghiệt nhưng rất công bằng. Những thảm hoạ động đất, sóng thần, núi lửa khiến hàng triệu người thiệt mạng, gây ra bao nhiêu sự mất mát cho toàn thể loài người. Đúng vậy, sự khắc nghiệt này chính là thể hiện sức mạnh quyền năng của Thiên Nhiên. Bởi lẽ, ta phá huỷ Thiên Nhiên thực ra là ta đang phá huỷ chính mình, còn Thiên Nhiên luôn luôn có thể tự tái tạo như 5 lần huỷ diệt trước đây, và thế giới rồi sẽ tươi đẹp trở lại, chỉ là dấu vết của con người khi đó, sẽ chỉ còn lại những mẩu hoá thạch hay những mảnh xương vụn.
Một thực trạng khác ta cần lưu tâm chính là lượng nước ngọt giờ đây đã giảm xuống hơn 80%. Những vấn đề về thiếu nước uống đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
“Làng ung thư” - làng tái chế nhôm ở Bắc Ninh chính là một minh chứng rõ rệt cho sự ô nhiễm và cho sự tàn nhẫn của con người đối với Thiên Nhiên. Theo VOV, người dân kiếm tiền triệu mỗi ngày, và mỗi ngày một lò cô đúc nhôm loại nhỏ hoạt động có thể sản xuất ra vài tạ phôi nhôm thành phẩm. Những người lần đầu bắt đầu làm công việc này cảm thấy khó chịu, khó thở, nhưng vì miếng cơm manh áo nên bất chấp sức khoẻ làm việc để nuôi gia đình để có một cuộc sống sung túc đầy đủ hơn, nên dù có lựa chọn khác thì họ cũng không chọn. Câu chuyện về làng nghề nhôm, các bạn có thể đọc thêm tại đây: https://vov.vn/kinh-te/lang-ung-thu-tai-che-nhom-o-bac-ninh-danh-doi-suc-khoe-lay-kinh-te-post1046793.vov
Vì lý do gì mà chúng ta lại hành động bất chấp tính mạng, sức khoẻ của mình như vậy? Ai ai cũng nói là vì miếng cơm manh áo, vì gia đình, mong muốn cho những người mình yêu thương có cuộc sống sung túc hơn,... nhưng có cuộc sống sung túc hơn để rồi đổi lại những nguy cơ ung thư, hít khói bụi mỗi ngày, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, vậy những đồng tiền đó có xứng đáng? Không những thế, chỉ vì để có tiền, ta sẵn sàng giết chết cả những người khác xung quanh ta sao? Giết người không đao, đó cũng là một sự nhẫn tâm, đến cái tâm tham nằm trong mỗi chúng ta.
Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, chúng ta đang quá coi thường chính mình mà chìm đắm vào những thứ vật chất vô thường. Chỉ vì tiền, vật chất mà sẵn sàng hại mình, hại người, phá huỷ ngôi nhà của mình, điều đó cho chúng ta thấy, thứ giết chết chúng ta chưa bao giờ là Thiên Nhiên, mà chính là sự ÍCH KỶ, cái tôi mong cầu LỢI ÍCH luôn nhen nhóm bên trong ta đang giết chết ta, mà chính ta nhiều khi hay nhân danh “tình yêu” dành cho gia đình hay những người xung quanh để bao biện. Ở một mặt khác, đó chính là NỖI SỢ nghèo, sợ khổ đang cuốn lấy chúng ta, khiến chúng ta hành động như những kẻ vô ơn. Tất cả chính là nằm ở TÂM THỨC của chúng ta!
Vẫn còn hy vọng, nhưng tuy nhiên, chúng ta cần HÀNH ĐỘNG NGAY! Càng để lâu, cơ hội sẽ càng thấp xuống và chúng ta lại càng lãng phí thời gian. Chúng ta có thể thay đổi vận mệnh của hành tinh bằng cách bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên tự nhiên của chúng ta. Sự tưởng nhớ về những thời khắc tươi đẹp trên Trái Đất sẽ là động lực cho chúng ta để hành động, bảo vệ và chăm sóc cho hành tinh mà chúng ta gọi là Nhà. Khi bắt đầu hành động vì môi trường, bạn hãy ghi nhớ quy luật này của tự nhiên: Khi bạn chăm sóc Thiên Nhiên, Thiên Nhiên sẽ chăm sóc cho bạn.
GIẢI PHÁP: Và cách để chúng ta đảo ngược tình thế, chính là tái tạo sự đa dạng sinh học, và chúng ta có nhiều cách để làm điều đó:
- Biển, đại dương quan trọng đối với sự sống của chúng ta, và thế giới không thể vận hành nếu thiếu đại dương. Đối với chúng ta, đại dương quan trọng như một nguồn thức ăn, và nếu chúng ta biết cách khai thác đúng, sẽ có nhiều nguồn thức ăn hơn cho chúng ta. Để bảo vệ biển, tạo ra những vùng biển cấm đánh cá chính là một cách để tái tạo sự đa dạng sinh học, trên 1/3 biển duyên hải. Chỉ cần làm được điều đó, tất cả chúng ta sẽ có đủ cá.
- Đất, cách nhanh nhất để tái hoang dã chính là giảm số lượng đất trồng trọt. Tưởng rằng đây là một điều lớn lao, nhưng thực chất, cách mà mỗi chúng ta thực hiện điều này thực ra rất đơn giản - đó chính là mỗi chúng ta thay đổi thói quen ăn uống của mình bằng việc ăn nhiều rau và thực vật. Khi chúng ta ăn nhiều thực vật, lượng đất rừng bị chặt phá sẽ giảm xuống bởi nhu cầu chăn nuôi giảm xuống; kéo theo đó, người người nhà nhà sẽ tích cực trồng cây, trồng thực vật để đáp ứng nhu cầu chung của xã hội. Khi đó, tuy rằng có ít vùng đất bị khai thác, nhưng chúng ta vẫn có rất nhiều đồ ăn để hấp thụ. Trồng rừng, trồng nhiều cây xanh và các loại thực vật chính là cách để chúng ta thanh lọc chính bầu không khí mà chúng ta đang hít thở, bởi cây cối sẽ giúp hấp thụ khí CO2, giảm ô nhiễm bầu khí quyển. Hơn thế nữa, khi chúng ta không còn ăn thịt động vật, hệ sinh thái sẽ dần lấy lại sự cân bằng khi sự đa dạng sinh học dần được hồi phục. Bạn thấy không, chỉ một thay đổi trong thói quen ăn uống cũng giúp cứu lấy Ngôi Nhà của chúng ta đó!
Ngoài ra, một cách khác để có nguồn lương thực ổn định chính là nuôi trồng trong nhà. Có rất nhiều loại cây đơn giản ta có thể tự trồng ở nhà, tự thu hoạch và tiêu thụ, thậm chí cũng không tốn quá nhiều công sức để chăm sóc. Khi chúng ta có thể tự cung nguồn thức ăn đó, chúng ta sẽ chẳng cần khai thác đất nhưng vẫn có thể ăn uống đầy đủ và khoẻ mạnh. - Thiên Nhiên, Môi Trường là mái nhà, là Mẹ của chúng ta, và Mẹ sẽ luôn có cách để khiến những đứa con mình ấm no, hạnh phúc và phát triển khoẻ mạnh. Thiên Nhiên cho chúng ta năng lượng, cho chúng ta thức ăn, một nguồn thức ăn không bao giờ cạn kiệt nếu ta biết khai thác đúng và vừa đủ và có một lối sống thuận tự nhiên. Điều này không có nghĩa là chúng ta nên ngừng phát triển cuộc sống hiện đại, mà chúng ta cần tìm những giải pháp ổn định và bền vững hơn cho môi trường. Đơn giản, thay vì sử dụng nguyên liệu hoá thạch - một nguồn nhiên liệu tạo ra khoảng 21,3 tỉ tấn CO2 mỗi năm làm tăng sự nóng lên toàn cầu, chúng ta có thể sử dụng nguồn năng lượng mặt trời hay năng lượng từ gió để thực hiện những hoạt động cần thiết trong đời sống của chúng ta. Trong 20 năm tới, năng lượng tái tạo được dự đoán là nguồn năng lượng chính và không bao giờ cạn kiệt.
Để làm được những điều trên và thực sự nhận thức được tình hình cấp bách của thế giới, mỗi chúng ta cần phải nhận thức được SỰ THẬT, chấp nhận sự hiện diện của nó và hành động để cứu lấy chính mình. Chính chúng ta cũng đang chết dần chết mòn mỗi ngày vì không được hít thở một cách thoải mái. Và một lần nữa, việc chúng ta đang chống lại Thiên Nhiên cũng chính là chúng ta đang chống lại chính mình đó các bạn ạ! Hãy vượt lên trên những cám dỗ của đời sống vật chất, thực sự nhìn nhận mọi việc đúng bản chất của nó, và thay đổi TÂM THỨC của mình.
Trí Tuệ đã không còn đủ quyền năng để giúp chúng ta tiếp tục sống, đây là lúc chúng ta cần sự Thông Thái. Hãy cùng nhau đứng lên, bảo vệ Ngôi Nhà của chúng ta! Công cuộc bảo vệ Nhà của chúng ta cũng giống như công cuộc đánh giặc, giữ nước mà ở đây những người đang tâm phá hoại môi trường chính là kẻ thù của ta. Nếu ta không hành động quyết liệt và giữ tinh thần quyết tâm, một ngày nào đó Ngôi Nhà của chúng ta sẽ bị huỷ hoại dưới tay của kẻ thù của chúng ta. Hãy hành động vì một Trái Đất xanh, sạch và đẹp đẽ, để chúng ta có thể kế thừa và truyền lại một hành tinh tươi đẹp cho những thế hệ tiếp theo.
Vashna Thiên Kim