Chia sẻ tri thức
Serie Sang Chấn Tâm Lý (Phần 9)
Vì sao phải đối mặt với bóng ma sang chấn tâm lý - Trong cuộc sống, những biến động và thay đổi đến với ta là điều có thể hiểu được, tuy nhiên những biến động quá lớn và thay đổi quá đau thương thì có thể gây ra sự sang chấn. Sự sang chấn có thể xuất phát từ trải nghiệm đau buồn, mất mát, khủng hoảng,...
*Tiếp tục serie chia sẻ tri thức về Sang chấn tâm lý. Chuỗi bài viết này bao gồm 10 phần. Mời các bạn đón đọc trong phần Blog - Sống Thức Tỉnh - Chia Sẻ Tri Thức của Vashna Thiên Kim nhé.
BÀI 9 : VÌ SAO PHẢI ĐỐI MẶT VỚI BÓNG MA SANG CHẤN TÂM LÝ
Trong cuộc sống, những biến động và thay đổi đến với ta là điều có thể hiểu được, tuy nhiên những biến động quá lớn và thay đổi quá đau thương thì có thể gây ra sự sang chấn. Sự sang chấn có thể xuất phát từ trải nghiệm đau buồn, mất mát, khủng hoảng,...
Những sang chấn tạo ra các vết thương chồng chất vết thương, vì vậy, đối mặt với sang chấn chưa bao giờ là điều dễ dàng, sự sợ hãi hoặc cảm thấy nguy hiểm khi đối mặt với nỗi đau cũng luôn là phản ứng tự nhiên của con người.
Khi ta cảm thấy bản thân đang gặp nguy hiểm, đang bị kích ứng, cơ thể sẽ phản ứng bằng hàng loạt hóa chất, có thể ta sẽ bỏ chạy hoặc chiến đấu để bảo vệ chính mình.
Khi xuất hiện sang chấn, sự căng thẳng tràn ngập trong ta, ta có thể bị nhấn chìm trong mớ cảm xúc hỗn độn vì các sự kiện tái hiện lại, ta dễ giật mình, lo lắng, bồn chồn, né tránh. Đôi khi, ta cần hiểu các biểu hiện đó sẽ tan rã, có thể nó tồn tại vài ngày, vài tuần hoặc lâu hơn, nhưng rồi nó sẽ ổn khi ta học cách đối mặt với chính ta. Khi ấy, những bóng ma sang chấn sẽ không thể nào trở thành lý do để ta hoảng sợ hay bám lấy ta nữa.
1. Nhận diện bóng ma sang chấn tâm lý
Trước hết, ta có thể hiểu một số phản ứng với sang chấn sẽ xuất hiện như sau
- Cảm xúc mãnh liệt không thể đoán trước và kiểm soát được: khi ta gặp sang chấn, ta có thể lo lắng, căng thẳng, choáng ngợp và đau buồn. Ta trở nên cáu kỉnh, ủ rũ hơn bình thường và cảm thấy khổ đau vô cùng, chìm đắm trong cảm xúc như thể không có lối thoát.
- Thay đổi suy nghĩ và hành vi: tái sang chấn có thể khiến ta bị thay đổi ký ức một cách rối loạn, ký ức lặp đi lặp lại dẫn đến tim đập nhanh, đổ mồ hôi, thở gấp và khiến ta đưa ra các quyết định không tỉnh táo. Tiếp đến, ta có thể không muốn ăn uống, lao vào ngủ nhiều hoặc thậm chí là ngược lại ăn quá nhiều, mất ngủ.
- Nhạy cảm với môi trường: ta trở nên nhạy cảm với các tiếng ồn, tiếng nhạc, lời rì rầm xung quanh hoặc là cảm giác không gian trở nên tách rời khỏi bản thân, trở nên thu mình khỏi các hoạt động thông thường.
- Mối quan hệ cá nhân trở nên căng thẳng: khi đối mặt với sang chấn, ta dễ bất đồng với mọi người hơn, hoặc thậm chí có cái nhìn tiêu cực về các mối quan hệ. Từ đó, ta trở nên có vấn đề với giao tiếp xã hội.
- Các triệu chứng cơ thể: đau đầu, đau dạ dày, buồn nôn, đau ngực sẽ xảy ra khi ta đối mặt với sang chấn.
Tất cả điều trên đều gây ra cản trở vô cùng lớn đối với cuộc sống tinh thần và thể chất của ta. Khi nỗi đau trở nên quá lớn, ta sẽ bị đè bẹp mà mất đi cân bằng cuộc sống.
2. Đối phó với bóng ma sang chấn cần những gì?
Có rất nhiều cách để đối mặt với sang chấn. Nhưng chủ yếu chìa khóa của sự chữa lành vẫn nằm ở bản thân ta. Đầu tiên, ta cần xây dựng cho mình các mối quan hệ chăm sóc, dựa vào người thân yêu và bạn bè hỗ trợ là việc cần thiết, nếu như ở một mình hoặc nằm quá nhiều, ngủ ly bì ta sẽ bị cảm xúc nhấn chìm. Vì vậy, gia đình và bạn bè có thể hỗ trợ ta, lắng nghe tâm sự và hỗ trợ chăm sóc sẽ tốt hơn là ta làm điều ấy một mình.
Ngoài người thân hỗ trợ, ta cũng cần đối mặt với cảm xúc đau buồn của mình. Việc trốn tránh không nghĩ về sự kiện đau thương là bình thường, nhưng cô lập bản thân với thế giới bên ngoài hoặc thậm chí có hành vi tự hại, lạm dụng chất kích thích thì sẽ không bao giờ là cách đối phó lành mạnh. Tránh né là điều dễ hiểu, nhưng khi tránh né quá nhiều, ta không có cơ hội chữa lành nữa. Vì vậy, khi ta khỏe mạnh hơn, ta cần đối mặt với nó, và đối mặt được ta sẽ có thể quay trở lại nhịp sống khỏe mạnh.
Trong thời gian sang chấn, ta cần ưu tiên chăm sóc bản thân. Nhiều người bạn quanh ta trước sự đổ vỡ, đặc biệt về tình cảm, họ có xu hướng đổ lỗi và bỏ bê bản thân mình, thậm chí họ còn luôn tìm cách bằng cách cố chăm sóc cho đối phương. Ta cũng có thể giống họ, nhưng điều ấy hoàn toàn không tốt, thậm chí còn gây tình trạng căng thẳng trở nên căng thẳng hơn. Thay vì ưu tiên thứ bên ngoài, ta cần phải nhìn vào trong bản thân, ưu tiên chăm sóc bản thân, lên kế hoạch ăn uống, hoạt động thể thao để cân bằng lại sức khỏe và giấc ngủ. Ta có thể tìm cách lành mạnh để xả căng thẳng như thiền, nghệ thuật, âm nhạc, spa, dành thời gian cho thiên nhiên.
Sau cùng, ta cần kiên nhẫn và phải nhớ rằng khi cơ thể hay bản thân bị căng thẳng cực độ trước sự đau buồn là điều bình thường, ai cũng sẽ trải qua việc ấy. Vì vậy, ta cũng sẽ phục hồi được khi ta có cách chữa lành lành mạnh, tìm được điểm cân bằng và các triệu chứng sẽ dần được cải thiện theo thời gian.
Đối mặt với sang chấn là điều khó khăn, vì vậy trong cuộc sống hàng ngày, ta cũng nên xây dựng các mối quan hệ bạn bè thân thiết lành mạnh để có thể hỗ trợ tinh thần cho nhau trước các sự cố. Nếu không đối mặt với sang chấn, ta sẽ không bao giờ chữa lành được cho mình.
3. Hậu quả của việc né tránh
Né tránh, không đối mặt với sang chấn là một phản ứng tự vệ, khi né tránh ta có thể cố gắng lẩn tránh đối mặt cảm xúc, suy nghĩ hoặc tác động liên quan đến sang chấn. Né tránh có thể giảm nhẹ sự đau khổ trong thời gian ngắn nhưng lại gây các hậu quả lâu dài về tâm lý và xã hội.
- Tăng cường cảm xúc tiêu cực: né tránh sang chấn làm tăng cường và kéo dài cảm xúc tiêu cực. Thay vì giải quyết vấn đề, ta trốn tránh nó và tăng sự căng thẳng cho chính bản thân trong thời gian dài
- Mất kiểm soát: né tránh dẫn đến việc mất kiểm soát về cảm xúc và cuộc sống. Ta có thể cảm thấy mất niềm tin vào bản thân và không biết đối mặt với các khó khăn như thế nào.
- Tác động xã hội: né tránh ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội, ta có thể cô lập mình, khó chia sẻ với người khác.
- Tăng rủi ro với vấn đề tinh thần: né tránh sẽ tăng nguy cơ phát triển các hội chứng về tinh thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn hoặc các vấn đề phức tạp hơn như rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn tâm thần.
Trong cuộc sống, ta luôn mong muốn có thể vui vẻ, hạnh phúc và người xung quanh ta cũng tương tự. Vì vậy, để có thể vượt qua các bóng ma tinh thần, để có thể an lạc, khi ta bị sang chấn, ta cần có các kế hoạch lành mạnh để vượt qua. Có lẽ, đối mặt với rất nhiều vấn đề luôn khó, nhưng nó sẽ càng khó khăn hơn nếu ta trở nên né tránh và chìm mãi ở trong căng thẳng. Hãy tìm cho mình các chữa lành và cân bằng để có thể vượt qua các cơn sang chấn và tìm lại chính mình, bạn nhé!
Vashna Thiên Kim
Danh mục tài liệu tham khảo:
Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành (Bessel Van Der Kolk, M.D)
Não bộ kể gì về bạn (David Eagleman)
Bộ não siêu phàm ( Deepak Chopra – Rudolphe. Tanzi)
Psychology Today
What are eating disorders? (Rối loạn ăn uống là gì?)
Anxiety Disorders (Rối loạn lo âu)
Cấu tạo và cách hệ thần kinh trung ương hoạt động
How Does Trauma Affect the Brain? - And What It Means For You (Chấn thương ảnh hưởng đến não như thế nào? - Và nó có ý nghĩa gì với bạn)
Why Trauma Can Lead to Depression — and How to Cope (Tại sao chấn thương có thể dẫn đến trầm cảm - và cách đối phó)
Cách thoát khỏi sang chấn tâm lý đơn giản bạn nên thử