Chia sẻ tri thức
Serie Sang Chấn Tâm Lý (Phần 2)
Thương tổn hằn lên cơ thể - Theo nghiên cứu năm 2006 của NIH, sang chấn sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến ba phần quan trọng trong não bộ con người: hạch hạnh nhân - trung tâm cảm xúc và bản năng; vùng hải mãi - nơi kiểm soát trí nhớ; vỏ não trước trán - nơi điều chỉnh cảm xúc. Với sang chấn, ba thành phần này của não sẽ phải làm việc cùng nhau để giải quyết căng thẳng.
*Tiếp tục serie chia sẻ tri thức về Sang chấn tâm lý. Chuỗi bài viết này bao gồm 10 phần. Mời các bạn đón đọc trong phần Blog - Sống Thức Tỉnh - Chia Sẻ Tri Thức của Vashna Thiên Kim nhé.
BÀI 2: THƯƠNG TỔN HẰN LÊN CƠ THỂ SAU SANG CHẤN
Những uẩn ức của con người qua thời gian không mất đi, nó sẽ hằn in qua gương mặt, cơ thể và não bộ. Như vậy, người hôm nay ta gặp đều có thể vừa trải qua xáo trộn nên mặt họ mới “vừa tối vừa khó đăm đăm như thế”, hiểu điều ấy ta có thể cảm thông và biết rằng tất cả chúng ta đều cần được có không gian để chữa lành, vì khi mọi thứ đã tích tụ thành vấn đề của vật lý, sẽ cần phải có thời gian rất lâu để cơ thể hồi phục.
1. Hậu quả của những thương tổn
Bản thân sang chấn mang lại hậu quả nhiều về mặt tâm lý và cả thể chất. Các sang chấn tích tụ lâu ngày không được hỗ trợ sớm sẽ mang lại các hậu quả như sau:
- Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD): Rối loạn này được cho là dễ dàng xảy ra và khá phổ biến với người bị sang chấn, tức trải qua sự kiện chấn động. PTSD gây ra các triệu chứng như ác mộng, các ký ức liên tục được tái hiện, dễ hồi hộp, dễ thay đổi tư duy và cảm xúc, thậm chí có thể bị chìm trong cảm xúc đau buồn và khó thoát ra. Các triệu chứng khác của PTSD trên cơ thể có thể thấy rõ như tim đập nhanh, run rẩy, khó thở, đau đầu.
- Trầm cảm và lo âu: Sang chấn có thể khiến cho nạn nhân có các vấn đề tinh thần như trầm cảm, lo âu. Nạn nhân sau khi trải qua các triệu chứng căng thẳng cực độ của PTSD sẽ dễ dẫn đến buồn bã kéo dài và khi đó, họ chìm sâu trong trầm cảm. Các triệu chứng của trầm cảm do sang chấn có thể xảy ra như: khó tập trung, tránh tiếp xúc xã hội, dễ lạm dụng chất gây nghiện. Ngoài ra, các triệu chứng căng thẳng của sang chấn sẽ gây ra vấn đề về lo âu. Một số triệu chứng của lo âu như dễ đổ mồ hôi, cảm giác lo lắng thường trực mà không có lý lo rõ ràng và khó kiểm soát được, lo sợ giao tiếp xã hội, có các nỗi sợ phi lý hoặc các cơn hoảng loạn như “sắp chết” “sắp bị tấn công”. Đối với các cơn lo âu, bạn có thể thấy nhịp tim tăng cao và thở nặng nhọc, cơ thể bị căng cứng, thắt chặt phần ở ngực, thường trực cảm giác bồn chồn. Nếu không được hỗ trợ sớm, rối loạn lo âu có thể dẫn đến bệnh tim, bệnh hen suyễn, tiểu đường và các vấn đề tuyến giáp. Bên cạnh đó, trầm cảm và lo âu kéo dài có thể giảm chất lượng cuộc sống, dẫn đến căng thẳng liên quan đến công việc.
- Tăng cường sự kích động và tức giận: sự ảnh hưởng của sang chấn có thể khiến nạn nhân trở nên dễ tức giận, dễ bị kích động, thiếu khả năng kiểm soát bản thân hơn. Thông thường, họ phải trải qua cảm xúc bất ổn và có khả năng phản ứng với các tình huống theo chiều hướng cực đoan.
- Rối loạn ăn uống: Rối loạn ăn uống là một hội chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lao động, học tập, sức khỏe thậm chí còn đe dọa tới tính mạng của người bị mắc phải. Sự sang chấn có thể gây ra thói quen ăn uống và rối loạn ăn uống. Các biểu hiện của rối loạn ăn uống như sau:
- Thời kỳ cuồng ăn/ăn uống vô độ. Thời kỳ này xảy ra, người có biểu hiện này sẽ ăn trong bất kỳ thời gian nào và lượng thức ăn rất lớn. Thông thường, người trải qua thời gian này sẽ cảm giác thiếu kiểm soát với việc ăn uống, không thể ngừng ăn và không thể kiểm soát được lượng thức ăn. Người rơi vào tình trạng cuống ăn sẽ ăn nhanh, ăn nhiều, cảm thấy no một cách rất khó chịu hoặc lại không thấy đói dù có một lượng lớn. Từ đó trở nên xấu hổ vì ăn nhiều, thấy chán ghét bản thân và cảm thấy tội lỗi. Trung bình, chứng cuồng ăn xảy ra ít nhất một lần một tuần trong 3 tháng. Việc cuồng ăn dẫn đến co thắt dạ dày, các triệu chứng khác về tiêu hóa như táo bón, trào ngược; trọng lượng lên xuống thất thường, khó tập trung.
- Thời kỳ chán ăn: song song với thời kỳ cuồng ăn, rối loạn ăn uống gây ra thời kỳ chán ăn. Đặc trưng của thời kỳ này người có biểu hiện rối loạn ăn uống sẽ hạn chế không ăn uống được, có thể cơ thể sẽ không tiếp nhận, thậm chí buồn nôn. Bản thân người mắc phải chứng chán ăn có thể có cái nhìn méo mó về cơ thể, hoặc có cảm giác no không thể tiếp nhận được thức ăn. Khi ở thời kỳ chán ăn có thể sẽ gây ra tình trạng trọng lượng cơ thể thấp, rối loạn chuyển hóa và nội tiết tố, dễ bị đau đầu, buồn ngủ và thiếu năng lượng để duy trì cuộc sống lành mạnh. Thời kỳ này cũng được ghi nhận với tên là Anorexia (chán ăn tâm thần).
- Sự cô lập xã hội: sang chấn cũng sẽ khiến cho người bị ảnh hưởng trở nên cảnh giác và tránh xa các giao tiếp xã hội. Như vậy, nó tạo ra sự mất kết nối với mọi người, cộng đồng và tạo ra sự cô lập xã hội với nạn nhân.
- Ảnh hưởng tới công việc, học tập, chất lượng cuộc sống: sự sang chấn tác động tiêu cực đến khả năng tập trung, tư duy và hiệu suất công việc. Người bị ảnh hưởng có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin, dễ bị trì hoãn và có khả năng ra quyết định khi không tỉnh táo.
2. Những vấn đề của sang chấn hằn lên não bộ
Những thương tổn, sang chấn không chỉ gây ra các vấn đề tinh thần, vật lý mà nó còn hằn lên não bộ. Khi ta trải qua sang chấn, não bộ của chúng ta hoạt động khác đi và chuyển sang chế độ sinh tồn. Việc này đã được nhiều người ví như một con nai nhìn vào đèn pha ô tô thì nó sẽ phải tập trung để xử lý chạy khỏi nguy hiểm, tương tự vậy, lúc này, não bộ của chúng ta sẽ dồn tất cả năng lượng tinh thần và thể chất để đối phó với nguy hiểm cho đến khi nó biến mất. Nhưng các cơn sang chấn sẽ không mất đi trong ngày một ngày hai, vì vậy, hiểu một cách nôm na não bộ trở nên căng thẳng để xử lý hơn cả. Tin vui là, trạng thái đó sẽ phai nhạt theo thời gian.
Khi mới bước vào cơn sang chấn, não bộ sẽ phản ứng và có thể chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu vì nó đang hoạt động không như mong muốn: cơ thể căng ra, đau đầu, đầu óc xáo trộn, ong ong,... Sang chấn sẽ tác động lại chúng ta, thay đổi cách chúng ta suy nghĩ, khiến ta gặp ác mộng hoặc chìm đắm trong hồi tưởng. Khi đó, ta thấy cô đơn, tức giận, đau khổ và dễ trở nên có các hành động như tự hại, khóc không dừng được,... Tất cả điều này là điều khá phổ biến với người bị sang chấn và chúng có thể không tự biến mất. Chúng khiến não bộ bị thay đổi, thậm chí ảnh hưởng đến quyết định và hành vi của ta với thế giới xung quanh. Nhiều nghiên cứu cho rằng vùng não là vùng bị sang chấn tấn công rất nhiều.
Theo nghiên cứu năm 2006 của NIH, sang chấn sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến ba phần quan trọng trong não bộ con người: hạch hạnh nhân - trung tâm cảm xúc và bản năng; vùng hải mãi - nơi kiểm soát trí nhớ; vỏ não trước trán - nơi điều chỉnh cảm xúc. Với sang chấn, ba thành phần này của não sẽ phải làm việc cùng nhau để giải quyết căng thẳng.
Như vậy, khi ta nhớ ra trải nghiệm đau buồn, hạch hạnh nhân sẽ phản ứng và hoạt động quá mức, đối với những người có triệu chứng nặng, hạch hạnh nhân có thể tái hiện toàn bộ ký ức như thể ta vừa trải qua sang chấn đó lần đầu tiên. Sau đó, vỏ não trước trán cũng bị ức chế khiến cho ta có ít khả năng kiểm soát nỗi sợ hãi, ta có thể trở nên đông cứng và mắc kẹt trong trạng thái đó hoàn toàn, nhiều người trải qua điều này sẽ chỉ có thể nằm và khóc nức nở, không thể hoạt động được. Lúc này, não của ta không thể phân biệt được sự khác biệt với sang chấn thực tế (đang diễn ra) và ký ức về nó, chức năng phân biệt giữa quá khứ và hiện tại dường như khó hoạt động.
Sau khi cơn sang chấn qua đi, do não bộ phải hoạt động rất nhiều nên cơ thể bạn có thể bị rơi vào tình trạng mệt mỏi, hay quên hoặc có thể sẽ trở nên mất trí nhớ tạm thời. Nếu ở trong tình trạng này lâu, cơ thể vật lý cũng sẽ xuất hiện các chứng bệnh vì hệ thần kinh và não bộ bị vắt kiệt.
Tuy nhiên, não bộ vẫn có thể phục hồi nếu như ta có thể can thiệp sớm và được chữa lành. Quá trình vượt qua sang chấn là quá trình khó khăn, nhưng nếu chữa lành được ta sẽ có thể khiến não bộ của mình tác động và kiểm soát được cơn sang chấn. Quá trình chữa lành sẽ giúp não bộ trở nên cân bằng được, ta có thể củng cố cơ quan vỏ não trước để kiểm soát cảm xúc hợp lý, sau đó thì tác động vào vùng hồi hải mã để giúp trí nhớ hoạt động như bình thường. Và tiếp đến có thể khuất phục hạch hạnh nhân để mang lại bình yên. Với thời gian và lộ trình chữa lành phù hợp, não bộ và các tế bào thần kinh sẽ được phục hồi và ta sẽ trở nên kiểm soát được cơn sang chấn của mình.
Vashna Thiên Kim
Danh mục tài liệu tham khảo:
Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành (Bessel Van Der Kolk, M.D)
Não bộ kể gì về bạn (David Eagleman)
Bộ não siêu phàm ( Deepak Chopra – Rudolphe. Tanzi)
Psychology Today
What are eating disorders? (Rối loạn ăn uống là gì?)
Anxiety Disorders (Rối loạn lo âu)
Cấu tạo và cách hệ thần kinh trung ương hoạt động
How Does Trauma Affect the Brain? - And What It Means For You (Chấn thương ảnh hưởng đến não như thế nào? - Và nó có ý nghĩa gì với bạn)
Why Trauma Can Lead to Depression — and How to Cope (Tại sao chấn thương có thể dẫn đến trầm cảm - và cách đối phó)
Cách thoát khỏi sang chấn tâm lý đơn giản bạn nên thử