Dinh Dưỡng Không Có Đường Tắt: Trở Về Khu Vườn Vi Sinh Bên Trong Bạn
18
04/2025

Dinh Dưỡng Không Có Đường Tắt: Trở Về Khu Vườn Vi Sinh Bên Trong Bạn

Dinh dưỡng không có đường tắt. Những gì tốt đẹp và bền vững luôn cần sự kiên trì, đầu tư thời gian và lòng chân thành trong từng lựa chọn nhỏ nhất.

Thực phẩm chức năng hay những sản phẩm bổ sung không phải là kẻ thù. Trong một số trường hợp đặc biệt, như cơ thể đang suy yếu, cần hỗ trợ tức thì, chúng có thể là giải pháp tạm thời. Nhưng chúng không thể và cũng không nên trở thành thứ thay thế cho sự chăm sóc thật sự, từ gốc rễ. Sức khỏe không phải là kết quả của một viên thuốc, mà là kết quả của lối sống được nuôi dưỡng mỗi ngày.

Và nếu bạn đang tìm một nơi để bắt đầu lại, Kim muốn mời bạn trở về với nơi tưởng chừng như rất nhỏ bé, nhưng lại có sức ảnh hưởng to lớn đến toàn bộ hệ thống cơ thể: hệ vi sinh đường ruột.

Một sự thật thú vị là cơ thể chúng ta không tự tiêu hóa hoàn toàn. Chúng ta cần vi sinh vật để thực hiện điều đó đúng cách. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng vi khuẩn là có hại, nhưng thực ra 99% trong số chúng không gây hại đến chúng ta và một số thậm chí còn có ích cho sức khỏe. Và nó, vi khuẩn có vai trò quan trọng hơn những gì ta nghĩ. Nếu lợi khuẩn có trong hệ tiêu hóa, chúng sẽ cho ta mượn khả năng của chúng. Chúng giúp tổng hợp các vitamin, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Chúng giúp làm dịu những chứng viêm và làm cho hệ thống miễn dịch ít gây bệnh tự miễn. Khoảng 70% hệ thống miễn dịch của ta sống trong ruột. Vi khuẩn huấn luyện hệ thống miễn dịch tiêu diệt với các sinh vật xấu có thể gây hậu quả cho sức khỏe. Chúng giúp sản xuất các hợp chất mà ta không thể.

Nói một cách đơn giản: Ruột khỏe thì người mới khỏe

Và chất xơ tự nhiên có trong rau xanh, củ quả, trái cây chính là thức ăn yêu thích của các vi sinh vật có lợi này. Nhưng theo thống kê, hầu hết chúng ta chỉ nạp được khoảng 20–30g chất xơ mỗi ngày, thay vì mức khuyến nghị 50g/ngày. Càng ít chất xơ, hệ vi sinh càng nghèo nàn. Càng nghèo nàn, hệ miễn dịch càng yếu, tâm trạng càng thất thường, và cơ thể càng dễ mệt mỏi, bệnh tật.

Vậy nên, chìa khóa dinh dưỡng để hồi phục sức khỏe chính là quay về với thực vật, với thực phẩm tươi sống.

Điều mấu chốt là cần ăn đa dạng các loại thực vật ở mọi hình thái, nhiều hết sức có thể để nuôi các vi sinh vật của bạn và làm đa dạng hóa hệ vi sinh này. Đây là lý do tại sao để mạnh khỏe, chúng ta cần phải ăn rau xanh và trái cây?

Nhưng điều khó là: ngày nay, hầu như thực phẩm tươi sống thuần khiết đã bị tước đi phần lớn dinh dưỡng từ những nguyên liệu tự nhiên ban đầu để “đóng gói”. Và sau đó, nhà sản xuất thêm vào tất cả các loại hóa chất và một lượng lớn đường, muối hóa học. Ngay cả những thực phẩm trông có vẻ lành mạnh cũng không còn thật sự lành mạnh. Bạn sẽ thấy nhãn ghi "giàu chất xơ", "ít calo", "thêm vitamin", "không đường"... Nhưng khi đọc kỹ bảng thành phần, chúng ta lại thấy đường tinh luyện, hương liệu, chất bảo quản và một danh sách dài các phụ gia hóa học.

Có một nghiên cứu cho thấy: hơn 60% thực phẩm hiện nay là đồ đã qua chế biến. Và đó là lý do vì sao dù ăn rất nhiều, chúng ta vẫn mệt, vẫn thiếu chất, vẫn bệnh.

Một lý do cơ bản là truyền thông quảng cáo đã thực sự có thể định hướng sai cho chúng ta, khi họ tập trung về lượng calo trên các nhãn dán sản phẩm. Họ nói để chúng ta tin rằng đó là lượng năng lượng chúng ta dung nạp và việc chúng ta cần làm chỉ là đếm lượng calo nạp vào cơ thể được ghi sẵn trên đó. Nhưng vấn đề không nằm ở calo. Vấn đề nằm ở chất lượng thực sự của thức ăn và khả năng cơ thể hấp thụ được gì từ nó.

Hệ vi sinh là một hệ sinh thái sống. Nó cần sự đa dạng, cần chất xơ thật, cần thực vật tươi, cần sự tự nhiên. Nhưng cuộc sống hiện đại lại khiến hệ vi sinh bị phá hủy mỗi ngày, bởi thực phẩm chế biến sẵn, bởi đường hóa học, bởi áp lực, căng thẳng, ngủ muộn, ít vận động...

Và khi hệ vi sinh mất cân bằng, không chỉ tiêu hóa bị ảnh hưởng, mà cả hệ miễn dịch, hormone, giấc ngủ, tâm trạng… cũng rối loạn theo. Đó là lý do vì sao nhiều em nhỏ dù được “bồi bổ đủ thứ”, nhưng vẫn hay ốm, hay mệt, hay táo bón, dị ứng vì gốc rễ của sức khỏe chưa từng được quan tâm đúng cách.

Kim muốn nhấn mạnh một điều rằng: không có sản phẩm nào, không có viên kẹo, không có viên uống “siêu vi sinh” nào có thể thay thế cho một chế độ ăn thực sự lành mạnh và tự nhiên. Cái cơ thể cần không phải là “thêm sản phẩm”, mà là bớt sự rối rắm để quay về với rau củ, trái cây, các loại hạt, thực phẩm tươi.

Đó là điều đơn giản nhưng cũng là điều mà chúng ta đã quên mất từ lâu. Và đó cũng chính là thông điệp quan trọng mà Kim muốn gửi đến bạn trong tập podcast này: Sức khỏe bền vững bắt đầu từ việc bạn chăm sóc “khu vườn vi sinh” của mình mỗi ngày. Bằng sự lựa chọn có ý thức, bằng thực vật sống, bằng chất xơ thật, bằng tình yêu và lòng kiên nhẫn.

Lời khuyên và hành động:

Kim biết rằng mọi sự thay đổi đều có những bước đầu khó khăn. Để tạo nên được một hệ vi sinh lành mạnh.

Kim hay so sánh ví von giống như bạn muốn tạo nên một khu rừng vậy. Bạn không thể đặt vài cây khỏe mạnh vào đó và mong đợi mọi thứ sẽ thay đổi. Một khu rừng cần sự cân bằng, lành mạnh, nơi cây cối và sự sống có thể hòa nhập với tổng thể, với ánh sáng, với nước, với chất dinh dưỡng, với đất và cùng nhau hoạt động. Càng tiêu thụ nhiều loại thức ăn tự nhiên từ rau xanh, củ quả, trái cây, hệ vi sinh sẽ càng trở nên phong phú. Sẽ càng nhiều loài vi khuẩn hiện diện trong ruột của chúng ta và điều đó cho phép chúng ta đối phó với dị ứng và chứng không dung nạp một cách tốt hơn, vấn đề không phải hạn chế một thứ gì đó mà phải mở rộng dịch thự thế giới thực phẩm tự nhiên ra những gì có thể ăn được.

Đối với những người đã quen với việc tiêu thụ thực phẩm chế biến, hạn chế ăn rau củ quả trái cây, chúng ta ít tiêu thụ chất xơ, bỏ đói các vi sinh vật đường ruột trong thời gian dài, nếu muốn tái hấp thụ chất xơ, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn hơn một chút. Những người bắt đầu ăn uống lành mạnh sẽ bị đầy hơi, sẽ bị đau dạ dày nhẹ. Đó là lý do tại sao nhiều người đã có quyết tâm thay đổi có thể phải bỏ cuộc sau vài ngày thực hiện. Đối với những người bắt đầu lại thì đó thực sự là một cuộc đấu tranh.

Bạn hãy cố gắng thử bắt đầu bằng việc hấp thụ những thứ gì đó theo một số lượng rất nhỏ, sau được bồi đắp theo thời gian bằng liều lượng lớn, có sức nặng hơn. Làm như thế dần dần nhiều tháng có thể thấy được kết quả. Hãy tạo thói quen đếm số lượng loại rau xanh, củ quả, trái cây mà bạn tiêu thụ trong tuần thay vì đếm số calo tiếp nạp. Hãy bắt đầu với 20-30 loại mỗi tuần.

Lời kết:

Bạn biết không, Kim luôn tin rằng sự thay đổi bắt đầu từ từng cá nhân. Mỗi lần bạn dành thêm chút thời gian tìm hiểu kỹ hơn về thực phẩm bạn ăn, mỗi lần bạn từ chối một sản phẩm không rõ nguồn gốc, và mỗi lần bạn chọn lựa những thứ thực sự tốt cho cơ thể, bạn không chỉ đang bảo vệ bản thân mà còn góp phần xây dựng một thị trường thực phẩm trung thực và minh bạch hơn.

Hãy xem mỗi bữa ăn như một cơ hội để bạn chăm sóc bản thân thật sự. Đừng vì áp lực cuộc sống mà đánh đổi sức khỏe và niềm tin của mình bằng những thứ “ăn liền” dễ dàng nhưng độc hại. Hãy cố gắng tỉnh thức trong từng hành động, và bạn hãy biết rằng: Không có sức khỏe nào đến từ sự vội vã cả.... Ngày hôm nay, Kim mong mỗi chúng ta đều có tể lắng nghe cơ thể mình thật kỹ càng. Trở thành một người một người tiêu dùng thông thái, chủ động và tỉnh thức. Vì sức khỏe, niềm vui và sự an lành của chúng ta, và của thế hệ tương lai.

Mỗi khi đứng trước một sản phẩm “ăn liền” với lời quảng cáo hấp dẫn, bạn hãy dừng lại một chút và tự hỏi chính mình:

Sản phẩm này có thật sự tốt cho cơ thể tôi hay chỉ đang đánh lừa tôi bằng vị giác?

Tôi đã hiểu rõ về thành phần, xuất xứ của sản phẩm này chưa?

Liệu tôi đang tìm kiếm một giải pháp bền vững hay chỉ là sự thỏa mãn tức thời?

Hãy cùng Kim, làm chủ sức khỏe từ bên trong. Kim rất mong được đồng hành cùng bạn trên hành trình trở lại với những điều giản đơn nhưng chân thật nhất. Vì sức khỏe thật sự bền vững, bắt đầu từ từng bữa ăn, từng lựa chọn nhỏ bé mà đầy ý thức. Chúng ta sẽ không để cho những kẹo Kera hay những hộp sữa giả có cơ hội được xuất hiện để làm hại đến sức khỏe của chính bạn hay những người yêu thương.


Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger