BẠN CÓ ĐỦ TIỀN ĐỂ MUA CHO MÌNH MỘT HƠI THỞ TRONG LÀNH?
Những năm trở lại đây, đâu đó chúng ta đã nghe rất nhiều những cảnh báo về biến đổi khí hậu, về sự nghiêm trọng của việc tàn phá thiên nhiên ảnh hưởng đến sự sinh tồn của nhân loại. Hãy cùng tìm hiểu thêm về thông điệp này qua bài bài viết từ một Vashna Karma Yogi tham gia cuộc thi “Hành động bảo vệ ngôi nhà chung, lên tiếng kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường xanh” nhé.
Chà, bạn của tôi, một câu hỏi thật ngớ ngẩn phải không? Nhưng phải có bóng gió hay gì ở đây đâu, câu hỏi này thực sự tôi dành cho bạn đó.
Vì “hít - thở” vốn dĩ là một cơ chế hành vận hành của cơ thể, là một điều đương nhiêu xảy đến để con người tồn tại, “Tắt thở” có lẽ là từ đầu tiên được nhắc đến khi người xác nhận một “cái chết”. Hơi thở tự nhiên đến nỗi trong cả cuộc đời, bạn có dám chắc rằng mình “biết thở” hay chỉ là trông chờ điều đó diễn ra một cách vô thức?!
Hơi thở là điều thiết yếu, mang trong mình sức mạnh kỳ diệu không thể phủ nhận. Mỗi hơi thở là một hành động cần thiết để cung cấp Oxy cho cơ thể và loại bỏ CO2.
Hơi thở đúng cách sẽ giúp cải thiện sức khỏe một cách đáng kể. Hít thở sâu giúp tăng cường sự lưu thông máu, cải thiện chức năng của hệ thần kinh, giảm căng thẳng và cải thiện hệ miễn dịch.
Hơi thở bên cạnh đó cũng là một công cụ mạnh mẽ để giúp làm giảm căng thẳng, lo âu, tăng cường sự tập trung và mang lại cảm giác yên bình và bình an.
Đó là những vai trò, lợi ích căn bản của hơi thở, từ việc duy trì sự sống cho đến cải thiện sức khỏe và tinh thần nhưng lại bị chúng ta thường xuyên bỏ qua trong cuộc sống bận rộn này.
Ừ thì những điều cũ rĩch này bạn thừa biết nhỉ. Ai cũng nói những điều này, ai cũng cho rằng mình hiểu những câu chữ này, ai cũng là người thông minh xuất chúng cả.
Cũng nhờ có ô nhiễm không khí, bệnh dịch, khủng hoảng kinh tế… mà may thay một bộ phận trong chúng ta có lẽ giờ đây đã thấu hiểu được tầm quan trọng của hơi thở.
Chẳng vậy mà ngày càng có nhiều các đội, các nhóm, các hội rèn luyện sức khỏe thi nhau hình thành, các bộ môn yoga, hít thở thiền xuất hiện khắp nơi.
Thật dễ để thấy hàng dài người thành thị cứ mỗi buổi sáng sớm hay mỗi buổi chiều tan làm về lại tranh thủ rủ nhau chạy tập thể dục trong các công viên, tập thể lực, vươn vai hít thở, đi quyền dưỡng sinh… Từ các ông cụ bà tới cả những thanh niên trai tráng, họ tinh tấn lắm, họ hăng say lắm. Ra công viên, ra bờ hồ, đi dạo trên phố, người ta hít một hơi thật sâuuu, cảm giác khoan khoái quá, hạnh phúc quá. Âu đó cũng là điều tốt đẹp. Và nếu như vậy mà tốt đẹp thật sự thì tôi cũng mỉm cười không có gì để lo nghĩ.
Nhưng hỡi ôi, sự thật rằng chính những hơi thở đó lại là các tác nhân đang giết dần giết mòn hệ hô hấp của chúng ta. Bởi lẽ đơn giản, WHO đã chỉ ra cho chúng ta một sự thật rằng hơn 90% nhân loại đang bị chìm trong không khí bẩn.
Mỗi hơi thở sâu mang lại cho chúng ta sự khoan khái lại chính là 1 lần chúng ta nạp thêm độc tố vào người. Ô nhiễm không khí được coi là “kẻ giết người” thầm lặng, khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Mỗi năm, WHO dự báo có khoảng 7 triệu người tử vong vì ô nhiễm không khí. Rút ngắn trung bình ba năm tuổi thọ kỳ vọng của mỗi chúng ta.
Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra 6 chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm: Các hạt bụi mịn (PM2.5 và PM10), oxit nitơ (NOx), oxit lưu huỳnh (SOx), carbon monoxit (CO), chì (Pb), ozone (O3) tầng mặt đất, các hạt vật chất khí quyển lơ lửng. Mà những chất này, không may thay lại có mặt đủ cả ở những thành phố lớn của chúng ta như Hà Nội và tp. Hồ Chí Minh. Hình ảnh thành phố ở HCM và Hà Nội chìm trong màn sương mờ thật chất đó không chỉ đơn giản là bụi, đó chính là các Sol khí tổng hợp các chất kể trên. Nó không khác gì các hạt khí độc mà bạn sẽ hấp thụ qua hơi thở.
Như vậy đó, khi chúng ta không nhớ tới việc thở thì nói là chúng ta đã bỏ quên đi một liệu pháp tự nhiên tuyệt diệu. Và khi chúng ta càng tích cực hít thở thì chúng ta lại vô tình đưa càng nhiều độc tốt vào cơ thể. Thật đáng buồn!
Tại sao chuyện này lại xảy ra? Tại sao chúng ta phải chịu đựng sự tàn khốc này? Sự thật thì lại chính do chúng ta. Ý tôi là chính bạn đấy, người đang đọc những dòng này chứ phải một xa xôi nào đó bên kia địa cầu đâu.
Chúng ta chỉ đang sống rất nửa vời, sống ở trên ngọn, hô hào những thứ trên mây nhưng lại đau khổ vì những điều do chính chúng ta gây ra. Phải, do chính sự ngu muội và ích kỷ của chính chúng ta. Loài người đã bị tha hóa, con người đang bị vòng xoáy của vật chất cuốn đi rất xa, rất xa. Chúng ta mong muốn con trẻ của chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp nhưng chúng ta lại đang dạy cho chúng theo lối trở thành những nô lệ thực sự của thế giới vất chất như chúng ta đã bị.
Trước năm 1963, khi nhớ về hình ảnh một lão điền chủ tư bản vênh váo chỉ vào một đám người và nói “này, ta mua các ngươi, hãy phục dịch cho ta” thì đó là một quá khứ đen tối, một quá khứ mà nhân loại đã phải đứng lên cùng nhau phản kháng, đấu tranh chống lại nó, chống lại thời kỳ nô dịch, nô lệ.
Nhưng đến nay, một ông chủ giơ tay về đám đông và nói “này, ta trả tiền cho các người, hãy làm việc cho ta” thì đám đông hú hét sung sướng, cạnh tranh, xô đẩy nhau để được làm việc và nhận tiền. Rồi đám đông ấy, chắc trong đó có bạn và tôi, cùng cày cuốc đêm ngày, bán sức khỏe, bán tuổi trẻ, bán cả bản thân để lấy về những đồng tiền được trả công.
Đâu đó tôi còn được nghe bảo rằng phải biết tự marketing bản thân, phải tự định giá được mình. Trời ơi, tôi là một món hàng thực thụ?! Tư bản tạo ra phương tiện trao đổi vật chất, tư bản vẽ ra nhu cầu cho xã hội, tư bản làm ra sản phẩm vật chất, tư bản thuê bạn làm công. Bạn cày cuốc đêm ngày, bạn nhận tiền rồi bạn mua sản phẩm của tư bản, bạn thỏa mãn nhu cầu giả tưởng của bạn mà tư bản đã tạo ra rồi bạn lại cần kiếm nhiều tiền hơn nữa cho nó và bạn lại cày cuốc cho tư bản.
Rồi con cái bạn, bạn yêu cầu chúng phải học, phải phấn đấu để có thể phục vụ nhu cầu của xã hội, phải có nhà cao, phải có xe sang, phải có cuộc sống đầy đủ hiện đại. Nhu cầu của xã hội, tôi gọi cách khác, là nhu cầu của vật chất tạo ra để “đô hộ” bạn. Bạn vui vẻ trong sự điên cuồng đó. Đây là một vòng xoáy không bao giờ kết thúc.
Và tôi, bạn, con cái bạn chính là những nô lệ chánh hiệu không sai. Những tư tưởng ấu trĩ kiểu “thà khóc trên xe ô tô còn hơn cười sau xe máy”, “phụ nữ chỉ cần có tiền”.. là minh chứng cụ thể cho chứng bệnh nô lệ vật chất tràn lan này. Tại sao lại chọn tiếng khóc mà không phải nụ cười chứ?! Khóc xong rồi lại mong cầu hạnh phúc ư?! Người ta gọi đó là tiêu chuẩn kép đấy.
Rồi, vậy thì có liên quan gì đến hơi thở và ô nhiễm không khí? Có chứ. Liên quan mật thiết luôn.
Vì chúng ta đắm chìm trong thế giới vật chất. Chúng ta làm việc điên cuồng chỉ để thỏa mãn toàn bộ những nhu cầu thừa thãi của con người. Rồi sau đó khi đã mệt mỏi, áp lực, stress, chúng ta lại mong muốn hưởng thụ thiên nhiên và sự trong lành ư. Làm gì còn nữa đâu.
Chính chúng ta đã phá hủy thiên nhiên một cách tàn bạo để thỏa mãn những nhu cầu đó rồi mà. Thiên nhiên không thể phục hồi như trước, hay thậm chí là còn có thể cung cấp sự sống cho chúng ta nếu tiếp tục bạn và tôi đang có những nhu cầu thừa thãi chờ đợi được thỏa mãn.
Những năm trở lại đây, đâu đó chúng ta đã nghe rất nhiều những cảnh báo về biến đổi khí hậu, về sự nghiêm trọng của việc tàn phá thiên nhiên ảnh hưởng đến sự sinh tồn của nhân loại.
Nhưng, bạn chú ý được bao nhiêu? Điều đó không xa vời đâu, nó nằm ngay trong hơi thở của bạn lúc này. Bạn làm gì còn không khí sạch mà hít thở nữa. Cứ làm việc điên cuồng đi, cứ tàn phá đi, cứ sống vật chất đi rồi đến một lúc không xa, chỉ trong đời này thôi bạn sẽ phải thốt lên rằng “TÔI CÓ ĐỦ TIỀN ĐỂ MUA MỘT HƠI THỞ TRONG LÀNH KHÔNG?” Tôi tin rằng bạn không đủ tiền đâu. Vì e rằng lúc đó có tiền cũng chẳng mua được.
Vậy phải làm như thế nào?!
Cũng không có gì phức tạp lắm đâu. Chỉ cần chúng ta giảm nhu cầu thừa thãi đi, thoát khỏi vòng xoáy vật chất, thoát khỏi cuộc sống tham lam là vẫn còn cơ hội dành 1 lối sống cho nhân loại.
Nhưng đến đây lại xuất hiện một điều khó khăn hơn nữa. Đó là sự ích kỷ: “Ôi, các ông cứ nói chuyện xa xôi, chuyện thế giới có thế giới lo, chuyện ăn gì hôm nay tôi phải tính toán đây này, cứ hưởng thụ đi, cuộc đời chỉ sống có 1 lần”. Điều này không trách được. Vì ai đó đã từng nói loài người vốn ngu dốt và điều ngu dốt nhất chính là cho rằng mình thông minh. Sự ích kỷ này là hệ quả của thế giới vật chất. Tất cả là một vòng tròn, đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhau chứ chẳng hề xa rời. Bạn không thể tách từng bộ phận của thế giới ra và đánh giá riêng lẻ.
Ví dụ như bạn không thể trồng vài cây xanh nho nhỏ ở quanh nhà bạn và bạn cho rằng đó là nơi trú ẩn an toàn của bạn, ô nhiễm không khí ở ngoài cổng và bạn ở trong vườn nhà. Không, mọi sự không vận hành như vậy. Tất cả đều liên quan đến nhau, một khi toàn bộ hiện tượng tự nhiên thay đổi thì bạn cũng không có chỗ trú ấn.
Và việc làm của những người bên kia bán cầu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của bạn, chỉ là có độ trễ khác nhau thôi. Và vì như vậy nên sự đoàn kết mới có giá trị. Nếu không cùng chung tay đoàn kết thì sự chết đến càng nhanh hơn thôi. Hãy ngừng ích kỷ, hãy run sợ đi vì vị trí của tôi và bạn bây giờ chính là sát bờ vực thẳm rồi mà chúng ta vẫn đang tịnh tiến về phía trước.
Những ranh giới của hành tinh Trái đất đã bị vượt qua cả rồi, thời gian của chúng ta chỉ còn đếm bằng năm thôi trước khi sự sụp đổ của hệ sinh thái bắt đầu. Chẳng cần đến những câu chuyện tâm linh trong Kinh thánh hay trong Lời dạy của Phật hay thậm chí cả những lời tiên tri đáng sợ vì mọi thứ đang diễn ra rồi, một cách rất vật lý, một cách rất đời thường.
Bạn hãy an tĩnh ngồi xuống, uống miếng bánh, ăn miếng trà, tôi sẽ trình bày tới bạn sự khốc liệt này ngay bây giờ để nếu có điều kiện, hãy run sợ đi trước khi hết cơ hội.
Bạn thân mến, nơi chúng ta đang tồn tại hãy gọi là hành tinh Trái đất. Chúng ta không xét xa, chỉ đi từ 100.000 năm trở lại đây, khi mà người hiện đại được xác định là lần đầu tiên xuất hiện.
Các nhà khoa học đã đưa cho chúng ta nhiều biểu đồ để đánh giá sự phát triển của chính nhân loại, trong đó, quan trọng nhất có lẽ là biểu đồ lõi bang, tiết lộ cho ta biết sự biết đổi nhiệt độ toàn cầu trong 100.000 năm qua. Thời xa xưa ấy, nhiệt độ địa cầu rất khắc nghiệt, nó nhảy liên tục cộng trừ 10 độ C trong vòng nhiều thập kỷ, rất khó khăn để có thể tồn tại chứ đừng nói đến phát triển.
Ấy thế mà chỉ mới 10.000 năm trở lại đây, với sự kỳ diệu nào đó, sự ổn định thần kỳ xuất hiện. Các nhà khoa học gọi thời kỳ gian bang phi thường với một cái tên đặc biệt Thế Toàn tân (Holocence). Đó là một thời kỳ ấm áp, nhiệt độ trung bình toàn cầu của hành tinh dao động ở mức vỏn vẹn chỉ cộng trừ 01 độ C trong suốt cả thời kỳ. Đó là thời kỳ đặt nền móng cho thế giới hiện đại như ta đã biết cho tới nay. Mức nhiệt ổn định của thế Toàn tân đã đem lại cho ta một hành tinh ổn định. Mực nước được ổn định. Lần đầu tiên ta có các mùa có thể dự báo và một thời tiết đáng tin cậy.
Tính ổn định này là nền tảng đầu tiên để có thể thiết lập nền văn minh và loài người đã ngay lập tức tận dụng. Chúng ta đã thuần hóa lúa (rice), lúa mì (wheat), hạt teff, lúa miến (sorghum), ngô (maize)... ở nhiều lục địa gần như cùng một lúc. Và ta bước vào hành trình văn minh như ta đã biết.
Đó là giai đoạn gian băng, giai đoạn cho phép chúng ta xây dựng những nền văn minh hiện đại cho tới ngày nay. Thế Toàn tân là thế địa chất duy nhất của hành tinh mà ta biết chắc có thể hỗ trợ thế giới hiện đại cho tới ngày nay. Từ thửa sơ khai của nền văn minh ta đã lệ thuộc vào thế địa chất ổn định này của hành tinh, một hành tinh sở hữu hai chỏm băng vĩnh cửu, những dòng sông chạy dài và những cánh rừng bao phủ cùng thời tiết đáng tin cậy cũng như sự sống phong phú.
Xuyên suốt thế Toàn tân, hành tinh ổn định này đã cho ta thức ăn, nước để uống và không khí sạch để hít thở. Nhưng ta đã vừa vứt bỏ thế Toàn tân lại sau lưng. Sự gia tăng theo cấp số mũ áp lực của con người lên Trái đất giờ đã tới giai đoạn mà ta tự tạo ra một kỷ nguyên địa chất riêng cho chính loài người. Giới khoa học mới đây tuyên bố rằng thế Toàn tân đã chấm dứt và nhân loại đang bước vào thế Nhân sinh (Anthropocene), thời đại của con người.
Bởi giờ đây, ta chính là những tác nhân thay đổi chính trên hành tinh Trái đất. Ta đã chuyển đổi một nửa diện tích đất sinh sống để trồng trọt và chăn nuôi gia súc,. Ta đã dịch chuyển nhiều trầm tích, núi đã hơn mọi quy trình tự nhiên của trái đất. Hơn một nửa đại dương đang được tích cực đánh bắt. Cứ 10 người chúng ta thì 9 người hít thở không khí độc hại./ Và chỉ trong 1 đời người, chúng ta khiến Trái đất âm lên hơn 1 độ C.
Một thông điệp tàn khốc nhất đối với nhân loại là chỉ trong vòng 50 năm qua, chúng ta đã tìm ra cách để tự đẩy mình ra khỏi một thế địa chất mà ta cư ngụ trong 10.000 năm trước đó. Ta đang đối mặt với nguy cơ gây bất ổn cho toàn bộ hành tinh này? Tình hình hiện nay quá đỗi phức tạp.
Khoa học hiện đại lần đầu tiên giúp chúng ta buộc phải nhìn nhận nghiêm túc nguy cơ gây bất ổn cho toàn bộ hành tinh. Vậy những hệ thống nào điều tiết tình trạng của hành tinh Trái đất? Đó là những hệ thống đã giữ cho hành tình này ở trạng thái ổn định trong suốt thế Toàn tân. Khi ta gia tăng áp lực lên Trái đất, nguy cơ là những hệ thống đó sẽ bắt đầu sụp đổ và ta sẽ phá vỡ những ranh giới cho phép của sự tồn tại, khiến tính ổn định mà ta lệ thuộc bị phá hủy.
Trong bài chia sẻ này, tôi chỉ để cập đơn giản đến ranh giới đầu tiên: Địa chất và rừng (Quần thế sinh vật: Biomes), ba rừng mưa nhiệt đới, rừng ôn đới, rừng phương bắc, những đồng cỏ và những đầm lầy. Dù chúng ta đang sống ở Việt Nam thì những ảnh hưởng chung của khí hậu toàn cầu cũng không bỏ lơ chúng ta được. Do đó, đầu tiên hãy nói về Amazon, rừng mưa nhiệt đới giúp cân bằng sinh quyển tự nhiên lớn nhất của chúng ta hiện nay. Nhà nghiên cứu Carlos Nobre đã nghiên cứu tầm quan trọng của rừng mưa nhiệt đới với tính ổn định của hành tinh này. Nhiều vạt rừng lớn của Amazon đã bị phát quang để chăn nuôi và trồng trọt. Ông đã phát hiện ra điều này đang đẩy ta đến gần việc gây ra sự thay đổi không thể cứu vãn trên phần lớn các khu vực còn sót lại. Hạn hán đã kéo dài hơn mỗi mùa cùng với sự suy giảm của rừng do những hoạt động của con người.
Khả năng tái tạo nước của rừng để tạo mưa vào mua khô của nó cũng giảm theo. Nếu mùa khô tiếp tục kéo dài đến ngưỡng 4 tháng (hiện nay đã là hơn 3 tháng 10 ngày) cây rừng nhiệt đới sẽ chết và thế chỗ chúng là các thảo nguyên (savanna), hay quá trình thảo nguyên hóa. Đã có những dấu hiệu cho thấy nhiều khu vực ở Amazon đã thay đổi.
Nếu nạn phá rừng vượt quá 20-25% diện tích rừng, cùng với việc ấm lên của địa cầu, chúng ta sẽ trải qua một quá trình thảo nguyên hóa không thể đảo ngược và nguy cơ cao sẽ gây ra sự chết của 60% rừng Amazon. Hiện nay ta đã mất gần 20% diện tích rừng mưa nhiệt đới Amazon, và nếu tiếp tục mất đi, chúng ta sẽ đẩy Amazon từ người bạn trở thành kẻ thù của hành tinh. Khi rừng biến thành thảo nguyên, một lượng lớn cây sẽ chết và các bon sẽ thải lại vào không khí. Khi ấy rừng cây không thể cung cấp oxi sạch cho chúng ta nữa, mà ngược lại, chúng phát tán các bon.
Chúng ta đã quá gần điểm bùng phát rồi, và chúng ta đã bắt đầu lo lắng cho hơi thở của mình chưa hay “kệ chúng”. Hãy nhớ rằng mọi thứ không mãi mãi tồn tại ở đó, dù là không khí để thở nếu chúng ta không biết cách giữ chúng lại. Việc tàn phá rừng mưa nhiệt đới với tốc độc cao sẽ khiến cả hệ thống gặp nguy hiểm. Không chỉ những rừng mưa nhiệt đới mà mọi loại cây đều là vô giá trong công cuộc giữ gìn tính ổn định của hành tinh. Chúng vô giá đến nỗi, chỉ cần mất 25% độ che phủ rừng trên thế giới thôi đã đe dọa gây ra những điểm bùng phát ở mức thảm họa. Thế mà ta đã dẹp quang gần 40% rồi, chúng ta đã tiến quá sâu vào vùng nguy hiểm.
Hậu quả to lớn thứ hai đến từ nạn phá rừng là sự mất mất tính đa dạng sinh học trong tự nhiên. Đây cũng là điểm vi phạm đến những ranh giới tiếp theo, đe dọa trực tiếp sự tồn vong của nhân loại, trong đó có bạn, có tôi và con cái chúng ta.
Biến đổi khí hậu do nạn phá rừng còn tác động trực tiếp đến hơi thở của chúng ta qua bầu không khí chúng ta đang hít thở.
Hãy nhớ lại và nhìn lên bầu trời, bạn sẽ nhận ra ngày càng xuất hiện nhiều những ngày mà bầu trời bị che mờ bởi một lớp sương mịt mù. Đó là các “hạt” Sol khí (aerosols) độc hại, đã đem đến cái chết cho hàng triệu người. Chúng ta đang hít thở những không khí đó mỗi ngày, chúng ta đang cứ tiến dần đến sự hủy diệt mà không hề có chút run rẩy.
Biến đổi khí hậu, thiệt hại về rừng, suy thoái dưỡng chất và hủy hoại sự đa dạng sinh học là những điểm bùng phát không thể cứu vãn nổi mà chúng ta đang sắp vượt qua. Ta đang thấy những bằng chữ rất rõ ràng khi đang ở trong vùng nguy hiểm của sự tàn lụi, lún sâu vào vùng đặc biệt nguy hiểm của thiệt hại đa dạng sinh học, ta bắt đầu thấy hạn hán gia tăng, rừng mưa nhiệt đới bị cằn hóa, cháy rừng khủng khiếp ở Úc, Hawaii, bang tan nhanh đến 10.000 mét khối mỗi giây, các hệ san hô bị tàn phá thải chất độc vào không khí.
Sự hủy hoại tích cực của chúng ta trong vỏn vẹn 50 năm qua đã khiến sự ổn định trong 10.000 năm bị thay đổi tiêu cực. Hàng trăm, hàng ngàn loài sinh vật, thực vật đã tiệt chủng. Điều nghiêm trọng ở đây là các điểm bùng phát có một đặc tính, đó là một khi bạn đã bắt đầu quá trình là không thể dừng lại nó. Nó đã ngự trị ở đó. Quá muộn rồi. Bạn không thể bảo rằng: “Ôi, tôi đã nhận ra rồi, tôi không muốn sự hủy diệt đến, ta hãy đảo ngược lại đi”. Lúc đó đã quá muộn rồi.
Vượt qua những điểm bùng phát đó, bạn sẽ tới ngưỡng một đi không trở lại. Khi đó, về cơ bản là bạn khiến hành tinh rơi vào cảnh trượt dài không thể cứu vãn khỏi trạng thái mà trong trường hợp của ta, là để hỗ trợ cho sự sống con người.
Giống như một đoàn tàu đang dừng trên dốc một con đèo và nó bắt đầu dịch chuyển vậy. trên tàu ta đã mất phanh, nên con tàu cứ thế tăng tốc ngày một nhanh và tới một thời điểm, ta sẽ hoàn toàn mất kiểm soát. Và trên thực tế hiện nay chúng ta đã mất cơ chế “phanh” để ngăn chặn.
Cơ hội duy nhất để ta ở lại trong ranh giới hành tình chính là khí hậu, là hơi thở của bạn. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi nhu cầu thừa thãi được giảm bớt, nền kinh tế thế giới không dùng nguyên liệu hóa thạch trong 30 năm tới. Đây không phải là chuyện của Tây, của Đông, của chính phủ, của người khác mà là của mỗi chúng ta.
Bạn hãy tự cảnh tỉnh chính bản thân mình, hãy run sợ đi vì chỉ còn 30 năm nữa chúng ta sẽ dẫm chân lên ranh giới của sự sụp đổ không thể cứu vãn. Chỉ còn 30 năm nữa để loài người tự quyết định xem mình có tiếp tục tồn tại hay không.
Những điều này xảy ra chỉ vì những nhu cầu của các bạn. Nhu cầu ăn uống thừa thãi, nhu cầu sử dụng đồ xa xỉ lãng phí, nhu cầu hưởng thụ những thứ vui vật chất tham lam… chính vì những thứ đó mà thiên nhiên bị tàn phá một cách khủng khiếp. Chính vì tôi và bạn mà loài người đi đến bờ diệt vong mà không cần ông Thần nào ra tay hủy diệt cả. Khi thời điểm đến, đồng tiền của bạn, vật chất của bạn liệu còn có giá trị không?!
XIN HÃY ĐỪNG MÃI LÀ CON QUỶ HÚT MÁU TÀN ĐỘC, XIN HÃY TỈNH GIẤC KHỎI CƠN U MÊ, XIN HÃY THƯƠNG MẸ TRÁI ĐẤT ĐÃ DUNG DƯỠNG CHÚNG TA QUA NHIỀU THẾ HỆ.
Bạn và tôi hãy lựa chọn sống xanh, hãy sống tối giản, hãy ăn uống đúng cách, hãy biết ơn, hãy cho thiên nhiên được chữa lành, hãy cho loài người chúng ta thêm một cơ hội nữa để tồn tại, để được hít một hơi thở trong lành không mất phí. Hãy thực hành lối sống Vasha, đó là điều đơn giản nhất chúng ta có thể bắt đầu ngay từ hôm nay.
(Bài viết từ một Vashna Karma Yogi tham gia cuộc thi “Hành động bảo vệ ngôi nhà chung, lên tiếng kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường xanh” của Vashna Group )