TỰ DO và HAM MUỐN
03
03/2024

TỰ DO và HAM MUỐN

Bạn có đang thật sự TỰ DO? Bạn có biết tự do không phải là một khái niệm đơn giản hay duy nhất.

 
Trong Phật Giáo Nguyên thuỷ, có hai kiểu tự do có thể được tìm thấy trên đời, đó là: tự do ham muốn, và tự do thoát khỏi ham muốn!
Nhưng hai kiểu tự do này có gì khác biệt? Câu hỏi đầu bài đặt ra của mình ở trên trong bối cảnh thời bình này chúng ta sống dưới tôn chỉ: “Độc lập - Tự Do - Hạnh Phúc” nhưng bạn có thật sự tự do để độc lập và hạnh phúc không? Trong bài tản mạn ngày hôm nay mình sẽ phân tích và so sánh hai kiểu tự do này qua nguồn cảm hứng khi đọc tác phẩm “Ai đổ đống rác ở đây” của thiền sư Ajahn Brahm - một nhà truyền bá Phật giáo nổi tiếng.
 
Tự do là một khái niệm quan trọng, luôn khiến chúng ta tự hỏi và tìm kiếm. Tuy nhiên, không phải ai cũng thật sự hiểu đúng về tự do. Gần nửa đời người, mình là kiểu người sống theo đuổi hoài bão và đam mê, luôn tự lập tự chủ và nỗ lực hết mình để đạt được những gì mình mong muốn, có thể nói mình đã thành công và luôn chinh phục được những mục tiêu mình đặt ra. Mình đã từng rất tự hào tự tin rằng mình có cuộc sống rất tự do, luôn thoã mãn được những gì mình thích.
Kể cả việc lựa chọn kinh doanh rất sớm từ lúc mới trưởng thành, để không đi theo con đường trở thành một bác sĩ như cái nôi truyền thống của gia đình, cũng vì mình rất coi trọng sự tư do, mình nghĩ dù gì tự làm chủ vẫn tự chủ động trong công việc và thời gian hơn. Vì vậy trong tất cả mọi việc, chỉ cần mình muốn, mình sẽ làm, mình không đặt ra bất kì giới hạn nào cho bản thân, và mình tự tin mình đã “làm chủ” cuộc sống của mình. Cho đến khi tỉnh thức, mình nhận ra mình hoàn toàn bị làm chủ bởi một “ông chủ” khác, đó chính là cái tôi của mình - cái tôi là khởi nguồn của tất cả các ham muốn. Vì thế, để hiểu rõ hơn về hai kiểu tự do trong Phật Giáo mà Kim đang nói đến, chúng ta cần tìm hiểu về ham muốn là gì trước!
 
HAM MUỐN
Theo lời Đức Phật, ham muốn là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự đau khổ cho con người.
Ham muốn là sự mong muốn hay thèm khát một điều gì đó mà chúng ta cho là tốt, là đẹp là hạnh phúc… hay đơn giản ham muốn là sự thoã mãn các nhu cầu từ bản năng. Chính vì vậy, ai cũng có ham muốn cả, chứ không riêng gì ai, nên chúng ta không phủ nhận hay loại bỏ mà cần hiểu về nó, để đối diện với nó một cách khôn ngoan và sáng suốt hơn vì nhu cầu bản năng ấy cũng sẽ tăng dần theo thời gian và hoàn cảnh.
 
Và rồi nó sẽ gây ra sự đau khổ, bởi vì khi ham muốn không được đáp ứng, chúng ta sẽ thấy thất vọng, buồn bã hay đau khổ, còn khi ham muốn được đáp ứng, chúng ta sẽ thấy sung sướng, hài lòng và vui vẻ, nhưng nó chỉ là tạm thời, mình nhấn mạnh đó chỉ là những cảm giác nhất thời, và ngay sau đó chúng ta sẽ muốn có cái gì đó mới mẻ hơn, to lớn hơn. Đây là một chu kỳ vô tận của ham muốn và khổ đau, gọi là vòng luân hồi vì chúng ta thường không nhận ra quy luật vô thường mọi thứ sẽ luôn luôn thay đổi.
 
Theo Phật giáo, ham muốn là 1 trong 3 nguồn gốc của phiền não (tham, sân, si) và cũng là 1 trong 5 ràng buộc (tham, hận, kiêu, si, ngờ) cản trở con đường giải thoát. Mà quy luật của vũ trụ là vô thường (luôn biến đổi), mà vì ham muốn đã khiến cho con người gặp nhiều khổ đau và phiền não vì thứ mà họ muốn thay đổi hay mất đi.
 
Theo Phật giáo, tự do không phải là sống theo ý thích của bản thân, mà là sống theo đạo lí của Đức Phật, tức là bát chánh đạo. Nhưng Đức Phật không bắt buộc con người phải tận diệt với ham muốn, mà chỉ khuyên nhủ họ phải biết nhận diện và sáng suốt với những ham muốn, để không bị ràng buộc bởi chúng. Đức Phật cũng không ép buộc con người phải tu theo đạo Phật, mà chỉ dùng lý lẽ và ví dụ để thuyết phục họ. Đức Phật cho rằng con người có quyền tự do lựa chọn con đường của mình, phần cũng do nghiệp quả, nhưng cũng phải chịu trách nhiệm về hậu quả của sự lựa chọn đó.
Sau khi phân tích sơ về ham muốn là gì và nó liên quan gì đến sự tự do của chúng ta, chúng ta phân tích cụ thể đến hai kiểu tự do trong thực tế.
 
Kiểu tự do thứ nhất: Tự do ham muốn
Đây là kiểu tự do phổ biến được tôn thờ trong nền văn hoá phương Tây. Ở đấy con người sẽ sống trong một xã hội mà quyền tự do theo đuổi các ham muốn được coi trọng và bảo vệ. Tự do ham muốn cho phép chúng ta tự do lựa chọn, theo đuổi và đạt được những gì mình mong muốn. Nền văn hoá phương Tây thường đặt trọng tâm vào quyền tự do cá nhân và quyền tự do kinh tế. Ví dụ, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng, và quyền tự do kinh doanh… là những giá trị được ca ngợi.
 
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là dù có quyền tự do theo đuổi ham muốn, người ta lại không thực sự cảm thấy tự do. Bởi vì khi chúng ta luôn theo đuổi những ham muốn và nỗ lực trong việc đạt được chúng, chúng ta dường như bị trói buộc bởi những yêu cầu và áp lực xã hội. Đôi khi, chúng ta trở nên quá ám ảnh bởi sự so sánh và cạnh tranh với người khác vì ham muốn được công nhận và điều này khiến chúng ta mất đi sự tự do thực sự trong lòng mình, và rồi bản thân mỗi người sẽ cuốn vào cuộc đua không hồi kết với tất cả những quy tắc, áp lực để đạt được những điều ham muốn này.
Chưa kể đến việc tự do chạy theo ham muốn tiêu cực có thể ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sức khoẻ của chúng ta.
 
Hãy xem xét một số ví dụ cụ thể để hiểu rõ hơn về tác động của việc tự do này:
  • Tự do ăn uống vô tội vạ:
    Khi chúng ta có tự do ăn uống mà không có sự kiểm soát, chúng ta có thể bị cuốn vào việc ăn những thức ăn không lành mạnh hoặc quá nhiều. Ví dụ, nếu chúng ta chạy theo ham muốn ăn nhiều đồ ngọt, thức uống có gas, thức ăn nhanh, điều này có thể dẫn đến vấn đề về cân nặng, sức khỏe tim mạch, và các vấn đề bệnh tật khác phần lớn đều đến từ việc ăn uống vô độ hoặc thường xuyên nạp quá nhiều chất độc hại vào cơ thể
  • Chạy theo những thú vui cá nhân:
    Khi chúng ta quá tập trung vào những sở thích cá nhân như chơi game suốt ngày sáng đêm, việc này có thể gây hại cho mắt và sức khỏe tổng thể của chúng ta. Việc không có sự cân bằng giữa thú vui và các hoạt động khác trong cuộc sống có thể dẫn đến thiếu thời gian cho công việc, quan hệ gia đình và xã hội, chưa kể bạn sẽ bị trò chơi game ấy chiếm hết thời gian và sự tự do của bạn. Ví dụ bạn phải lên chơi cho đủ điểm mà lố giờ ăn cơm đôi khi bạn bỏ bữa cơm để tiếp tục chơi để hoàn thành nhiệm vụ vậy… vậy là bạn để món game làm ông chủ của bạn chỉ bởi ham muốn thoả mãn trong game
  • Nghiện rượu và phụ nữ hoặc nghiện công việc:
    Tự do vô độ trong việc tiêu thụ rượu bia và sự nghiện phụ nữ hoặc công việc cũng có thể gây ra những hậu quả xấu. Nghiện rượu và quan hệ tình dục không lành mạnh có thể gây tổn thương đến tâm lý, sức khỏe và quan hệ với người khác. Nghiện công việc cũng gây ra căng thẳng, mất cân bằng trong cuộc sống cá nhân, và ảnh hưởng đến sức khỏe và mối quan hệ gia đình.
  • Nghiện tình yêu:
    Đây là cảm giác lệ thuộc vào những cảm xúc do người mình thương đem đến, kể cả là bố mẹ, người yêu hay bất kì ai….nó đến từ ham muốn được chăm sóc, được yêu thương của bạn, và bạn sẽ bị lệ thuộc vào một người nào đó.
Thật ra còn có rất nhiều ví dụ về những ham muốn tiêu cực nhưng có thể thấy rõ một điều, tự do ham muốn là một kiểu tự do "có điều kiện", vì nó dựa trên những lệ thuộc vào điều kiện bên ngoài, như vật chất, cảm xúc hay người khác. Khi những điều kiện đó thay đổi hay mất đi, bạn sẽ thấy chán nản, buồn phiền, đau khổ hay mất mát, tự do ham muốn cũng khiến chúng ta không nhìn thấy được giá trị thật của bản thân hay người khác, mà chỉ nhìn những thứ mà chúng ta muốn nhìn thấy.
 
Đối với cá nhân Kim, tự do ham muốn là một kiểu ràng buộc mà chính chúng ta đã tự giam cầm phụ thuộc trong ấy. Nói thật đi, có ai chưa từng bị ham muốn của mình hành? Như để ăn một món ngon nổi tiếng trông hình ảnh bắt mắt, và ngay lúc đó cơn thèm sẽ khiến bạn có thể đi từ tỉnh này sang tỉnh khác mặc dù thành phố của bạn có đầy món ăn tương tự, vậy ta có thật sự tự do? Nhưng có rất nhiều người vẫn ý thức hiểu được điều này và chấp nhận sống thoả đam mê hưởng thụ và bị ràng buộc bởi chúng.
 
Kiểu tự do thứ hai: Tự do thoát khỏi ham muốn
Trái ngược với kiểu tự do ham muốn, kiểu tự do vì thoát khỏi ham muốn chỉ được tôn vinh trong một số cộng đồng tôn giáo hay những đất nước phương Đông đạm bạc dựa trên nhận thức và sự tu tập để trừ bỏ những nguyên nhân gây ra khổ đau cho con người. Đây là kiểu tự do đề cao sự mãn nguyện và bình yên do không bị ham muốn quấy nhiễu.
 
Những người theo đuổi kiểu tự do này tìm cách tịnh tâm và giảm bớt những thói quen cũ, giải phóng tâm trí khỏi những sự chiếm giữ từ những khao khát và kiếm tìm hạnh phúc bên ngoài. Khi chúng ta không còn bị vướng bận bởi những ham muốn không cần thiết, chúng ta sẽ cảm thấy thanh thản, vui vẻ và tự tin dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta sẽ biết trân trọng, yêu thương bản thân và người khác một cách chân thành và vô điều kiện. Tự do thoát khỏi ham muốn là tự do mãi mãi, không phụ thuộc vào bất cứ điều gì bên ngoài hay không có điều gì có thể cản trở.
 
Nhưng dĩ nhiên sẽ rất khó đạt được kiểu tự do thứ hai, đa số chúng ta đều sống tôn sùng kiểu tự do ham muốn và bị mắc kẹt lại, có khi không hiểu thì phần đông mọi người còn lên án số ít những người sống kiểu buông bỏ những giá trị bên ngoài là "lối sống tôn giáo" hay "sống không bình thường". Vì đơn giản, ít người có thể sống như vậy, nó không thông dụng. Kiểu tự do này là cả một hành trình sống trí tuệ, tu tâp và sửa mình, cả một hành trình phải tự đấu tranh với chính mình rất nhiều, để vượt lên trên cái tôi, mà thật sự làm chủ chính mình.
 
Kim cũng trải qua rất nhiều thăng trầm và cũng từng sống tự do theo kiểu thứ nhất để rồi nhận ra bao khổ đau, thành công song song buồn phiền và mỏi mệt, bạn cứ hình dung kiểu tự do thứ nhất thì hạnh phúc và sự hài lòng của bạn như biểu đồ hình sin cứ lúc lên lúc xuống, còn kiểu tự do thứ hai để thoát khỏi ham muốn, thì sự hài lòng hạnh phúc như một đường thẳng chân trời không thay đổi.
 
Vì thế bây giờ mình đã sống với kiểu tự do thứ hai và một chút ít vẫn còn vật lộn với phần tự do thứ nhất, vì nếu nói hoàn toàn thoát khỏi những ham muốn thì rất khó, đó là mình chưa đi phân tích sâu hơn ở những ham muốn vi tế có chiều hướng tích cực, ví dụ ham muốn giác ngộ, ham muốn phụng sự, ham muốn thực hiện sứ mệnh thì đó cũng là những ham muốn. Mình đã phải đấu tranh với cái tôi từng ngày từng ngày một trong suốt một hành trình dài để nhận ra và thay đổi từ những ham muốn đời thường trước đây, cho đến bước ra những ham muốn vi tế hơn.
 
Nhưng dù gì, để bắt đầu thay đổi, mình có một lời khuyên dành cho các bạn, hãy thay đổi những ham muốn đời thường tiêu cực thành ham muốn tích cực trước, những mong muốn tạo giá trị lợi ích tốt đẹp cho đời, cho người… rồi từ từ bạn sẽ tìm được bình an trong nội tại khi phát hiện ra, đến cuối cùng, thực chất bạn không cần gì cả, cũng sống trọn vẹn đủ đầy và hạnh phúc nếu bạn tìm thấy được sự tự do bên trong nội tâm. Tỉnh thức chính là thức dậy khỏi cái tôi, thoát ra khỏi sự ràng buộc của nó, để thật sự sống thoải mái an nhiên cả từ trong suy nghĩ.
 
Sự tự do không phụ thuộc vào việc thoả mãn mọi ham muốn, mà là sự giải phóng khỏi chúng.
Cả hai kiểu tự do đều có ý nghĩ và tầm quan trọng riêng của chúng trong hành trình trải nghiệm của chúng ta. Việc hiểu và khám phá sự tự do trong cuộc sống từ nhiều góc độ khác nhau có thể giúp chúng ta trở nên tự tin hơn trong việc định hình ý nghĩa của tự do cho bản thân. Hãy suy nghĩ và tự đặt ra câu hỏi cho bản thân: Bạn tìm thấy sự tự do nào trong cuộc sống của mình?
 
Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger