Điều gì tốt cho sức khỏe? Thức ăn hay là thuốc?
15
04/2023

Điều gì tốt cho sức khỏe? Thức ăn hay là thuốc?

N.T.H 25 tuổi, làm công việc pha chế trong nhà hàng. Nhịp độ và đặc trưng công việc khiến cô ăn uống thất thường, trào ngược, ợ nóng và thường xuyên đau dạ dày. Giải pháp cô lựa chọn là luôn có thuốc giảm đau dạ dày bên cạnh cho những cơn đau chứ không phải việc điều chỉnh chế độ ăn.

Vừa sinh con được 6 tháng, Đ.K.N thấy mình bị dư thừa cân quá nhiều. Ngay khi cai sữa cho con, cô lập tức tìm đến uống các loại thuốc giảm béo, ức chế cơn thèm ăn, giải phóng việc tích nước để lấy lại vóc dáng. Theo như cô tâm sự thì cô quá bận và cũng không đủ kiên nhẫn để luyện tập hay tìm đến các chế độ ăn vì thường ăn cùng mọi người ở cơ quan vào bữa trưa.

N.T.H chỉ là một trong số rất nhiều các bạn trẻ hiện nay, dễ rơi vào cảnh “uống thuốc nhiều hơn ăn cơm”. Hoặc ưa chuộng các loại thực phẩm chức năng hơn so với các hấp thụ tự nhiên thông thường (vì quan niệm thực phẩm chức năng chứa nhiều thành phần tốt hơn cho sức khỏe) Vậy điều gì tốt cho sức khỏe hơn, thức ăn hay là thuốc?

Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận lại bản chất của vấn đề và lựa chọn thứ thực sự tốt cho sức khỏe

1. Bản chất của thuốc, thức ăn và thực phẩm chức năng

Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán, chữa, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người. Thuốc bao gồm có thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc-xin và sinh phẩm. Thuốc được sử dụng khi cơ thể có mầm mống, nguy cơ hoặc biểu hiện của bệnh tật.

Thực phẩm chức năng là loại thực phẩm được bào chế chứa các thành phần dinh dưỡng đặc biệt như vitamin, khoáng chất, chất xơ, các chất chống oxy hóa, được dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, giúp tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh. Tuy nhiên, việc hấp thụ thực phẩm chức năng còn phụ thuộc vào tình trạng cơ thể và thành phần dinh dưỡng có trong mỗi loại, và nó cần thời gian để tạo ra đề kháng hay năng lượng dự trữ cho cơ thể.

Thực phẩm thông thường – thức ăn – là những đồ ăn thức uống có chứa dinh dưỡng mà ta sử dụng để cung cấp năng lượng hàng ngày cho cơ thể, qua những bữa ăn, dùng phổ biến, liên tục và dùng ngay khi cơ thể khỏe mạnh, là nguồn dễ hấp thụ nhất. Nếu có con đường tác động đến sức khỏe nhanh nhất chính là nguồn dinh dưỡng qua thức ăn. Nó cho ta sức lực, năng lượng để làm việc, hoạt động mỗi ngày.

Như vậy thứ chúng ta cần cho cơ thể khỏe mạnh chính là DINH DƯỠNG.

Trong cuộc sống, đại đa số mọi người biết thiếu dinh dưỡng sẽ bị bệnh, nhưng lại không biết dinh dưỡng có vai trò quan trọng đến vậy, lại càng không biết rằng khi đã mắc bệnh có thể dùng dinh dưỡng để trị bệnh mà chỉ nhớ đến thuốc. Nhưng có sự thật là người ta có thể dùng điều chỉnh chế độ dinh dưỡng mà không dùng thuốc để cải thiện sức khỏe, mà hoàn toàn không thể dùng thuốc thay cho chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Đông y vẫn coi thực phẩm là “thuốc” – phương cách trị bệnh lâu dài, gốc rễ và hữu hiệu gần gũi với chúng ta. Bởi lẽ, thực phẩm cũng chính là nguồn gốc của dược phẩm.

Vậy rõ ràng, thứ mà chúng ta có thể điều chỉnh, nắm bắt và tận dụng ngay từ hôm nay chính là chế độ ăn uống với đầy đủ thành phần dinh dưỡng cho chính mình!

2. Thế nào là chế độ dinh dưỡng hợp lý? 

Đây là một câu hỏi đơn giản nhưng để trả lời thấu đáo cần có cái nhìn toàn diện về sức khỏe con người trong mối liên hệ với môi trường tự nhiên và hoàn cảnh sống.

Về cơ bản, chế độ dinh dưỡng hợp lý là chế độ ăn uống cân bằng phải có những thành phần chất dinh dưỡng cần thiết là đảm bảo carbohydrate, các acid béo thiết yếu (được tìm thấy trong mỡ), các amino acid thiết yếu (được tìm thấy trong protein), các loại vitamin, khoáng chất và nước...

- Ăn theo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể: Nhu cầu dinh dưỡng thay đổi theo tuổi, giới, sức khỏe và mức độ hoạt động thể lực. Một khẩu phần ăn đủ, cân đối sẽ cung cấp đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho phát triển cơ thể, duy trì sự sống, làm việc và vui chơi giải trí. Trung bình ngày ăn 3 bữa. Không nên nhịn ăn sáng; bữa tối không nên ăn quá no.


- Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng: Không một loại thực phẩm nào có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Chính vì vậy, cách ăn uống thông minh nhất là phối hợp ăn nhiều loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi món ăn để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng phức tạp của cơ thể. Mỗi ngày, mỗi người cần ăn tối thiểu 15 loại thực phẩm đại diện từ 4 nhóm này.

- Ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý: Vừng, lạc là thực phẩm giàu chất béo và cũng giàu cả chất đạm. Chất béo của vừng, lạc có chứa nhiều axit béo không no oleic, linoleic và ít cholesterol. Vừng, lạc còn có nhiều vitamin nhóm B. Khi ăn phối hợp chất béo thực vật (dầu, vừng, lạc) với chất béo động vật (mỡ, bơ) tạo nên sự hỗ trợ, cân đối trong cấu trúc bữa ăn. Chúng ta nên sử dụng vừng, lạc trong bữa ăn hàng ngày.

- Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật, nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ. Trong đạm động vật có nhiều axit amin cần thiết không thay thế được ở tỷ lệ cân đối nên có giá trị sinh học cao. Thức ăn giàu đạm động vật gồm có: thịt, trứng, cá, sữa, tôm, cua, ếch và các loại thuỷ sản. Các thức ăn thực vật giàu đạm như các loại đậu đỗ thường có ít hoặc không có cholesterol. Trong khẩu phần ăn cần tối thiểu là 1/3 hoặc tốt hơn là 1/2 đạm/tổng số là đạm động vật. Tôm, cua, cá là nguồn chất đạm quý, có đủ các axit amin cần thiết. Mỡ cá có nhiều vitamin A, D; ngoài ra còn có nhiều axit béo chưa no cần thiết và ít cholesterol. Cá, nhất là cá biển có nhiều chất khoáng quan trọng. Mỗi tuần nên ăn từ 2 - 3 bữa cá. Vì vậy nên chọn chế độ ăn nhiều cá hơn nhiều thịt động vật.

- Ăn ít đường: Đường hấp thụ nhanh và thẳng vào máu nên có tác dụng trong trường hợp hạ đường huyết. Tuy nhiên, không nên ăn đường quá mức. Cả trẻ em và người lớn đều không nên ăn bánh kẹo, không được uống đồ ngọt trước bữa ăn. Mỗi tháng chỉ nên ăn bình quân khoảng 500g đường mỗi người.

- Không ăn mặn: Nên sử dụng muối lốt vì nó rất cần cho cơ thể, nhất là phòng bệnh bướu cổ. Chỉ cần sử dụng muối Iốt trong chế biến thức ăn hàng ngày là đủ đáp ứng nhu cầu Iốt cho cơ thể. Nhu cầu muối của cơ thể chỉ cần dưới 5 gam mỗi ngày. Ăn mặn dễ bị tăng huyết áp, dễ bị các bệnh về thận và có thể dẫn đến các nguy cơ như ung thư dạ dày, loãng xương hay hen suyễn.

- Cần ăn rau xanh, quả tươi hàng ngày: Trong rau, quả có nhiều vitamin, chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Rau, quả gây thèm ăn, kích thích chức năng tiết dịch của các tuyến tiêu hóa (rau mùi, hành, tỏi...) chống táo bón và thải nhanh chất độc, cholesterol thừa ra khỏi ống tiêu hóa. Một số loại rau, nhất là rau gia vị còn có tác dụng chữa bệnh và là nguồn kháng sinh thực vật quý như hành, tỏi, tía tô... Mức rau quả tiêu thụ cho người trưởng thành cần khoảng 300g/người/ngày; với trẻ em cần lượng từ 100 - 200g/trẻ/ngày.

- Đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm: Thực phẩm cần tươi sạch, không chứa các chất bảo quản cấm sử dụng và các hóa chất độc hại; không mang các mầm bệnh đường tiêu hóa như thương hàn, tả, lỵ, viêm gan, giun sán và gây ngộ độc thức ăn do vi khuẩn. Cần chế biến và bảo quản thực phẩm đúng cách để không gây ngộ độc và giữ được các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm.

- Uống đủ nước sạch hàng ngày: Nước là một trong những thành phần cơ bản của sự sống, chiếm khoảng 1/2 trọng lượng cơ thể người trưởng thành, ở trẻ em lượng nước chiếm 2/3 trọng lượng. Hàng ngày cơ thể cần được cung cấp khoảng 2.500ml, trong đó qua nước uống khoảng 1.000-1.500ml, số còn lại là nước được cung cấp từ thức ăn. Nên dùng nước trái cây, nước rau, nước chè tươi, nước chè khô không pha quá đặc, nước lá hay nụ vối. Hạn chế các loại nước có ga, nước ngọt, rượu, bia.

- Theo Đông y Ăn cần cân bằng âm dương ngũ hành : Theo quan niệm của người Việt Nam thì mọi bệnh tật sinh ra là do cơ thể bị mất cân bằng âm dương, thức ăn chính là vị thuốc để điều chỉnh sự mất cân bằng ấy, giúp cơ thể khỏi bệnh. người Việt Nam phân chia thức ăn theo 5 mức âm dương ứng với ngũ hành: Hàn (lạnh, tức âm nhiều, tương đương với hành Thủy trong Ngũ hành), Nhiệt (nóng, tức dương nhiều, tương đương với hành Hỏa trong Ngũ Hành), Ôn (ấm, dương ít, Mộc); Lương (mát, âm ít, Kim), Bình (trung tính, Thổ). Ẩm thực truyền thống Việt tuân thủ nghiêm ngặt theo quy luật âm dương này, bù trừ và chuyển hóa khi chế biến các món ăn.

Trong nền ẩm thực Việt, từ những món cầu kỳ, phức tạp cho tới những món ăn đơn giản, ăn vặt, quà sáng cũng đều chứa đựng rõ nét ý thức về nguyên lý âm dương như: canh chua (âm) ăn với cá kho tộ (dương); cá trê (âm) nướng (dương) chấm nước mắm gừng (dương); cà tím (âm) đem nướng (dương) rồi trộn mỡ hành dằm nước mắm (dương); trứng vịt lộn (âm) ăn với rau răm và muối tiêu (dương), ốc nhồi (âm) hấp lá gừng (dương).

Đối với các món ăn uống Âm như nước dừa thì dân ta biết bỏ muối (dương) vào để làm cho bớt cái âm của nước dừa có thể gây hại cho người uống. Khi ăn dưa hấu phải làm cho bớt âm bằng cách chấm muối.

Người Việt có tập quán dùng gia vị rất nhiều. Gia vị ngoài tác dụng kích thích dịch vị làm dậy mùi thơm ngon của thức ăn còn chứa các kháng sinh thực vật có tác dụng bảo quản thức ăn hạn chế sự phát triển của vi sinh vật và đặc biệt là điều hòa âm dương, hàn nhiệt của thức ăn.

Do vậy, khi chế biến thức ăn, cần kết hợp các nguyên liệu với nhau một cách hài hòa tự nhiên theo âm dương để món ăn trở nên hấp dẫn hơn, ngon hơn.

  • Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương

Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger