Yoga và Thiền Định
Thiền định trong Yoga cổ điển
Trong Yoga cổ điển, việc thực hành Yoga có mối liên hệ trực tiếp với việc thực hành Thiền Định. Asana (tư thế) đầu tiên của Yoga cũng chính là tư thế ngồi thiền định. Xuất xứ của Yoga là Thiền Định và Thiền Định cũng là Yoga.
Yoga cổ điển Vedanta: KHÔNG GIỐNG như Yoga hiện đại chỉ chú trọng vào các Asana (tư thế) mà Yoga cổ điển là một trường phái triết học. Vedanta (Devanagari: वेदान्त, Vedānta) là một trường phái triết học nằm trong Ấn Độ giáo xem xét đến bản chất của thế giới hiện thực. Từ Vedanta là từ ghép của veda "kiến thức" và anta "cuối cùng, kết luận", dịch ra là "kiến thức cao nhất". Cách đọc khác của anta như là "chủ yếu", "cốt lõi", hay "bên trong", tạo ra từ "Vedānta": "những điểm chủ yếu của kinh Veda" (Kinh Vệ Đà).
“Thiền Định là con đường duy nhất dẫn đến sự giải thoát, là con đường để quay vào bên trong tìm về chân ngã, dẫn dắt sai lầm đến chân lý, từ tối tăm đến ánh sáng, từ u mê đến kiến thức, từ đau đớn đến phúc lạc, từ chết chóc đến bất tử, từ hỗn loạn đến bình yên tĩnh tại.” theo như Swami Sivananda.
THIỀN ĐỊNH LÀ GÌ?
Thiền là cách giữ thân thể, hơi thở và tâm thức của mình luôn an trú trong hiện tại. Chứ không phải thiền là phải ngồi xếp bằng mắt nhắm nghiền thì mới gọi là thiền. Nhưng, để giữ được bản thân “an trú trong hiện tại là một điều đơn giản ấy thế lại vô cùng khó thực hiện, ví dụ như ta đang đọc sách, bên ngoài có tiếng ồn làm sao vẫn không làm nhiễu tâm ta cho việc chú tâm đọc sách? Hoặc tập trung ăn chỉ biết đang ăn không nghĩ việc khác, có mặt trong giây phút hiện tại trọn vẹn tất cả các thời gian để thực sự “thiền trong sống, sống trong thiền”, không để ngoại cảnh ảnh hưởng thật sự không phải chuyện dễ, nên thường mới phải có phương pháp tập luyện ngồi thiền tĩnh, để quản lí các suy nghĩ và rèn luyện tâm trí giữ tâm vắng lặng.
Còn chữ Ðịnh phiên âm theo tiếng Phạn là Tam muội (Samadhi), có nghĩa là tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất, không để cho tâm ý tán loạn. Hợp hai chữ Thiền và Ðịnh lại, ta có một định nghĩa chung: Tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất không cho tán loạn, để tâm thể được vắng lặng và cho tâm vận dụng được mạnh mẽ, quan sát quán chiếu tâm và suy nghiệm chân lý.
"Thiền Định" là sự bất động của tâm và thân theo từng cấp độ tăng dần theo nội lực của Ý thức cho đến đỉnh cao của sự giải thoát hoàn toàn của thân và tâm "Định" vào một khối của sự vắng lặng, và từ đó đạt được “Tuệ” để tìm về sự giải thoát hay đơn giản là sống trong Tỉnh Thức, thấu tỏ mọi sự. Thiền Định cũng chính là cách để ta nhận ra được những cái “tôi”, phần tâm trí vốn dĩ che mờ đi chân lí và dẫn dắt ta đến những bế tắc, chán chường và nghịch cảnh liên quan nghiệp quả cứ lặp đi lặp lại trong đời.
TẠI SAO TA CẦN PHẢI THIỀN ĐỊNH?
Ta cần tập thiền để trả lời những câu hỏi trong đời, vì tâm trí ta không hiểu trọn vẹn bản chất những gì ta được hiểu, vì tâm trí luôn dẫn dắt ta đến những điều mà tâm trí muốn thấy, chứ nó không thật sự là những gì đã diễn ra, ta mất đi sự thấu suốt nếu cứ mãi nhìn đời qua lăng kính “tâm trí”. Rồi ta cũng băn khoăn với hàng hà sa số câu hỏi: Ta là ai? Ta đến từ đâu? Ta đến đây để làm gì? Đôi khi bản thân ta cũng mơ hồ về mọi thứ và hoài nghi với tất cả những điều mình đang làm, ta không thật sự minh mẫn để hiểu thấu chính mình.. những điều này diễn ra khiến ta trở nên vô định, nổi lên những nỗi bất an, lạc lõng và cô đơn trong cuộc đời.
Đây chính là lúc tâm trí ta cần lắng xuống, để ta quan sát được chân ngã, cái sự thật đằng sau. Mà chỉ có thông qua thiền định ta mới có thể dịch chuyển tâm trí mình sang những thói quen mới và hữu ích, thay đổi sâu sắc được bản thân ta, giúp ta ý thức được hiện tại và sáng suốt với những sự lựa chọn của ta, để cuộc sống ta không bị quá khứ quy định hay đeo đuổi tương lai một cách ảo tưởng. Thiền giúp ta có được sự thấu hiểu và trí tuệ đến từ trực giác, kết nối chúng ta đến một thực tại bình yên mà không có từ nào diễn tả được điều này. Thực tại ấy chính là Chân Ngã (bản ngã thật sự của chúng ta, trong Yoga được ví như đó là Brahman-Ý Thức Hoàn Hảo Tối Cao/Sự Tồn Tại Tuyệt Đối, hay trong đạo Phật có câu : Ai Cũng Có Phật Tánh Bên Trong Mình, Ai Cũng Có Thể Thành Phật/Giác Ngộ cũng là ý này). Thiền-không phải để thành Phật, thành Thượng Đế hay thành bất cứ điều gì, mà đơn giản chỉ để ta kết nối được với ý thức cao nhất có sẵn bên trong mỗi chúng ta/Ý Thức Thuần Khiết Tuyệt Đối để ta đạt được trạng thái suy nghĩ thanh khiết, trí tuệ, từ bi, yêu thương và không bị các ý thức nhị nguyên chi phối.
- Mục đích của Thiền là đạt được giác ngộ bằng cách trực tiếp nhìn thấy bản chất thật của sự tồn tại mà không có sự can thiệp của “cái tôi”.
- Thiền quan tâm đến bản chất thật hơn là những gì chúng ta suy nghĩ hay cảm nhận. -Thiền cố gắng giải phóng tâm trí khỏi sự nô lệ của lời nói và sự bóp nghẹt của logic.
- Thiền có liên quan đến những sự vật như chúng đang có, mà không cố giải nghĩa chúng.
- Thiền chỉ ra điều gì đó trước khi suy nghĩ, trước tất cả những ý tưởng của bạn.
- Chìa khóa cho Thiền chỉ đơn giản là tự hiểu biết.
LỢI ÍCH CỦA VIỆC THIỀN ĐỊNH
- Thiền giúp tăng sức mạnh nội tâm, tìm lại sự bình yên trong tâm trí, sự tập trung, sự kết nối với Chân Ngã, sáng suốt trong những mục tiêu và giải thoát bản thân khỏi những phiền não tinh thần.
- Là một biện pháp giúp bạn thay đổi tâm trí, từ đó giúp bạn thấy rõ hơn và tự điều chỉnh chính xác hành vi trong mỗi hoàn cảnh sống. Bạn cũng trở lên bình tĩnh và thông thái hơn, đầy tràn năng lượng sau mỗi thời thiền.
Còn thời đại tân tiến ngày nay nghiên cứu ở Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng thiền trong thời gian ngắn có thể làm giảm mức độ trao đổi chất của cơ thể, giảm lượng máu trong tim, làm chậm nhịp tim và giảm huyết áp; mức tiêu thụ oxy của não giảm đáng kể, tương đương với tình trạng cơ thể được nghỉ ngơi sau một giấc ngủ sâu.
Đồng thời, các chất hóa học trong mạch máu gây hại nghiêm trọng cho các cơ quan của con người, chẳng hạn như lactate và cồn “gây mệt mỏi”, sẽ bị loại bỏ và nồng độ của chúng sẽ giảm xuống.
Các sóng não đại diện cho sự bình tĩnh cũng được tăng lên rất nhiều, có nghĩa là, thiền định có thể làm cho con người bình tĩnh hơn, hoàn toàn thư giãn và thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực của trầm cảm và lo lắng.
Các cơ quan khoa học đã nghiên cứu những người ngồi thiền trong thời gian dài và phát hiện ra rằng:
- Hoạt động của tế bào thần kinh liên quan đến hạnh phúc trong não của những người này nhiều hơn gấp nhiều lần so với những người bình thường.
- Họ cũng gia tăng kiểm soát sự chú ý và khả năng nhận thức hơn người thường.
- Vỏ não dày lên và mật độ chất xám tăng lên ở vùng hải mã, một vị trí quan trọng để học tập và ghi nhớ.
Điều đó có nghĩa là, thiền định trong thời gian dài có thể gây ra những thay đổi về chất trong não bộ của con người.
Năm 2009, ba nhà khoa học của Đại học California, Hoa Kỳ đã đoạt giải Nobel Y học vì đã phát hiện ra rằng telomerase trong cơ thể người, còn được gọi là "enzym bất tử", có thể làm chậm quá trình lão hóa của tế bào.
Năm 2015, một trong những nhà khoa học và đoạt giải Nobel đến từ Đại học California, Los Angeles đã phát hiện ra rằng 12 phút thiền mỗi ngày trong 8 tuần làm tăng hoạt động của telomerase lên 43%, cho thấy thiền định có thể cải thiện đáng kể tình trạng lão hóa. Tức là không tốn một xu, không cần uống thuốc, chỉ cần ngồi thiền một lúc mỗi ngày sẽ giúp duy trì trạng thái tươi trẻ.
Vào năm 2016, các nhà khoa học Đức, Mỹ và Úc đã so sánh hình ảnh não bộ của những người ngồi thiền lâu với những người bình thường và phát hiện ra rằng thiền định có thể làm cho não của những người trung niên trẻ hơn 7,5 tuổi.
Vashna Thiên Kim