Sống Tỉnh Thức
Sống tỉnh thức giữa thế gian vội vã
2023 được dự đoán là một năm tiếp tục đột phá của trí tuệ Al, nền tảng ứng dụng âm thanh kiểu Podcast, các video trực tiếp (livestreaming), các video ngắn kết hợp hình ảnh âm thanh và các thông điệp ngắn gọn rõ ràng. Những xu hướng này đem lại sự tiện lợi, thỏa mãn nhiều giác quan và nhu cầu nắm bắt, xác thực thông tin nhanh của người dùng. Nhưng nó cũng tạo ra những cái bẫy cuốn hút con người vào một cuộc sống bận rộn với mãnh lực vô hình.
Chúng ta đang ở trong một thời kì ưu tiên Nhanh - Gọn - Dễ nhưng cũng chính vì vậy mà chúng ta dễ rút ngắn khoảng thời gian chất lượng cho chính mình trên mọi phương diện.
Bài viết này đặt ra ba vấn đề để giải quyết nhằm đem lại hiệu quả hơn cho cuộc sống hàng ngày của chính chúng ta.
- Thế nào là thời gian sống chất lượng?
- Sống nhanh hay sống chậm sẽ cho tư duy tốt hơn?
- Làm thế nào để sống tỉnh thức giữa thế gian vội vã.
Rất nhiều người trong số chúng ta, sau một thời gian stress, khủng hoảng bệnh tật hoặc gặp biến cố gì đó trong cuộc sống nên tìm tới những khoảng thời gian sống chậm, những mô thức chữa lành, chú tâm vào bản thân…. nhưng khi bình ổn trở lại, họ lại lao mình vào nhịp sống cũ hoặc những motip trước đây mà quên mất những khoảng lặng nội tâm cần có.
Nhiều người khác dễ cảm thấy thua sút, chậm chạp, trì trệ hoặc chóng mặt với những guồng quay của công việc, đời sống hiện đại.
Một số khác thì ngập tràn trong rối nhiễu thông tin, mâu thuẫn chồng mâu thuẫn giữa các thế hệ trong một gia đình, công ty, hội nhóm….
Có những người rơi vào cảm giác “nghiện bận rộn” như một cách khẳng định sự tồn tại và giá trị. Thử thách lớn với họ lại chính là việc Không-làm-gì.
Để mô tả những vấn đề nêu trên một cách ngắn gọn, chúng ta có thể nhớ đến bộ phim Cú Click huyền bí do nam diễn viên hài gạo cội Adam Sandler thủ vai từ năm 2006. Đó là một bộ phim mô tả lại cuộc sống tua nhanh của nhân vật chính - vốn là một chàng trai trẻ bận rộn với công việc tới mức cạn kiệt năng lượng và hết cả khoảng trống dành cho gia đình. Giả tưởng về cuộc sống lý tưởng nơi có chiếc điều khiển vạn năng có thể tua nhanh những phân cảnh của cuộc sống để anh chàng đạt đến thành công tưởng như là thứ đem lại hạnh phúc. Nhờ có chiếc điều khiển ấy, anh chàng dễ dàng bỏ qua những khoảng thời gian anh ta cho rằng không cần thiết để đến những thời điểm thành công. Nhưng toàn bộ cuốn phim cuộc đời - toàn - thành - công như thế lại là một cuộc sống vô vị nhiều tiếc nuối cho đến khi nhắm mắt của anh chàng.
Vậy điều chúng ta thực sự muốn ở đây là gì? Chắc hẳn là những khoảng thời gian sống chất lượng.
1. Thế nào là khoảng thời gian sống chất lượng?
Trước hết đó phải là khoảng thời gian cho bạn sự bình tâm, vui vẻ, thoải mái và dễ chịu. Bản chất của sự sống là sinh dưỡng, nuôi nấng, tốt tươi nên bất kì lúc nào bạn có những cảm nhận tích cực như vậy là bạn đang sống đúng nghĩa, sống chất lượng. Có thể nói mọi khoảnh khắc trôi qua mà bạn đang mạnh khỏe, hài lòng, sáng suốt, bình an….và cảm nhận rõ sự giàu có dồi dào bên trong chính mình thì đó là khi bạn sống chất lượng. Nhiều người vẫn liên tưởng khoảng thời gian này giống như thời gian ta sạc pin - để trở lại với guồng quay của cuộc sống.
Ta khó có thể khẳng định toàn bộ thời gian sống của mình đều là khoảng thời gian sống chất lượng, nhưng ta cần sự cân bằng để cuộc sống của chúng ta có đủ cảm giác hạnh phúc và ý nghĩa trọn vẹn. Vậy nên ta cần những khoảng lặng một cách tự nhiên, chứ không xem xét lối sống với một thái độ phê phán hay định kiến.
2. Sống nhanh hay sống chậm sẽ cho tư duy tốt hơn?
Nhiều người cho rằng nhịp sống chung đang theo guồng quay nhanh. Mọi thứ ta tiếp xúc, khám phá đều theo xu hướng nhanh dần đều, tiết kiệm thời gian:
- Đọc nhanh thay cho đọc chậm.
- Đồ ăn nhanh thay cho những bữa ăn thong thả.
- Phương tiện di chuyển nhanh thay cho việc di chuyển cơ bản.
- Việc cập nhật thông tin được thúc đẩy nhanh chóng qua các kênh thông tin đa phương tiện, phân bổ ngắn, tranh thủ.
Với nhịp sống như thế, con người dễ bị cuốn đi, nhịp sống dần bị “lập trình - tối ưu hóa - tự động hóa” - sống nhanh. Bất cứ thứ gì phát triển theo hướng rút ngắn thời gian, gia tăng số lượng đều được xem là nhanh. Vậy sống nhanh chính là cách sống “rút ngắn thời gian cho mọi thứ”. Tâm thức hiện đại khiến chúng ta ngộ nhận rằng nhanh chính là hiệu quả, vì “nhanh” đem lại “nhiều” dẫn đến gia tăng số lượng, lợi nhuận, lợi ích… Nhanh cũng rèn cho người ta cách tư duy nhạy bén, nhanh gọn, biến việc tư duy nhanh thành thói quen, thành bản năng…Nhưng có thật vậy không?
Chắc chắn là không! Đẩy nhanh mọi thứ cũng giống như ta dùng chiếc điều khiển vạn năng tua nhanh cuộc đời của mình, trong khi mọi thứ trong tự nhiên đều có quy luật, đều cần thời gian để phát triển. Tua nhanh thì chín ép, mất cân bằng, dồn nén…
Khi ta sống nhanh, cơ thể ta cùng hệ thống tế bào và các cơ quan nội tại buộc phải thích nghi với nhịp điệu nhanh như thế: hơi thở nông và gấp, dạ dày và ruột tiêu hóa nhanh đào thải nhanh, tim co bóp nhiều hơn để mạch đập nhanh…. và rồi tắc nghẽn, rối nhiễu và bệnh tật phát sinh khi ta chạy theo nhịp sống nhanh ấy. Đến khi ta kiệt sức, ta nhận ra là lối sống nhanh ấy dẫn ta đến kết cục cuối cùng của mình nhanh chóng và bi thảm hơn ta tưởng.
Đến đây, ta nảy sinh nhu cầu sống chậm. Làm chậm lại mọi thứ. Thong thả lại một nhịp để tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc. Sống chậm giúp ta có thêm thời gian để nhìn nhận mọi thứ tốt hơn, tiếp thêm năng lượng nghỉ ngơi…Khi sống chậm, trạng thái cơ thể ta tốt hơn vì ta có điều kiện lắng nghe đầy đủ cơ thể và nội tâm của mình. Nhưng ta cũng không thể mãi giữ nhịp điệu chậm như thế, năng lượng có nạp vào thì cũng cần xả ra.
Mục tiêu khi sống của ta được hiện thực bằng một chuỗi hành động. Mà tư duy suy nghĩ thì chi phối hành động. Cái đích của ta muốn hướng đến là hành động hợp lý với một tư duy sáng suốt để vừa đem lại kết quả tốt, vừa duy trì được cảm giác bình an cho cơ thể.
Vậy sống nhanh hay sống chậm sẽ cho tư duy tốt hơn?
Thực tế là sống nhanh và sống chậm sẽ như một quá trình nạp và xả năng lượng tuần hoàn để ta tiếp tục tiến lên với cuộc sống.
Sống chậm là quá trình để ta tiếp nhận mọi thứ: tiếp nhận năng lượng, tiếp nhận thông tin, tri thức, tiếp thêm động lực….để ta cân bằng bản thân, từ đó nâng cao năng lực, sức khỏe của bản thân để trở lại hành động. Và khi hành động với trạng thái tốt nhất của bản thân thì dĩ nhiên hiệu quả sẽ tốt hơn - ta vô tình có luôn kết quả là đẩy nhanh được quá trình mà ít tổn hại năng lượng.
Trong mọi tình huống thì chúng ta là thứ có trước, làm chủ mọi hành động và quyết định, thậm chí cả mọi kết cục đến với chính mình. Nhưng chúng ta dần đánh mất quyền lựa chọn và chủ động ấy nếu rơi vào nhịp sống nhanh mà quên đi những khoảng sống chậm. Đến đây, hẳn bạn đã có câu trả lời cho chính mình về sự cần thiết của những khoảng sống chậm rồi chứ? “Sống chậm lại, cả thế giới sẽ chờ đợi bạn!"
3. Sống tỉnh thức giữa thế gian vội vã
Khi có được câu trả lời hợp lý cho chính mình về việc nên sống thế nào thì ta có khái niệm sống tỉnh thức - một lối sống hiệu quả, phù hợp với nhịp điệu riêng của chính bạn, cho bạn cảm giác hạnh phúc trọn vẹn suốt một quá trình.
Đó là lối sống mà bạn tách bạch mình với những nhịp điệu, guồng xoáy đang diễn ra. Bạn tập trung trong hiện tại và quan sát mọi thứ với con mắt bình tâm, thấu suốt. Bạn không lo lắng cho tương lai, vì bạn biết hiện tại tạo ra tương lai. Bạn cũng không day dứt với quá khứ vì bạn biết quá khứ luôn cho những bài học có ích, chúng cần thiết để bạn tiến lên.
Khi bạn tập trung và nhận diện tốt mọi thứ trong hiện tại, bạn cũng dễ bình tâm để ý thức tốt các vai trò, diễn biến, nhờ vậy, bạn ứng tác với các kịch bản mà cuộc sống đem lại - thú vị như chơi một trò chơi, xem một vở diễn hoặc nhập vai vào sân khấu.
Người diễn viên hay người nghệ sĩ, trước và sau khi bước vào phân cảnh diễn xuất hoặc phần trình diễn của mình, họ thường có một khoảng trống để “nhập vai và xả vai”. Khoảng trống đó chỉ ngắn ngủi nhưng tập trung, nhắc cho họ biết huy động những yếu tố cần có để bước vào hành trình trọn vẹn và rời bỏ hành trình với sự cân bằng. Đó cũng là điều cần thiết cho chúng ta trong những kịch bản khác nhau của cuộc sống - lối sống tỉnh thức.
Tin vui là lối sống này rất dễ dàng áp dụng, luôn có thể bắt đầu và duy trì được bắt chấp trạng thái giàu nghèo, vui buồn hay được mất. Chỉ đơn giản là bạn có muốn thực hiện nó không. Nếu thực sự yêu thích lối sống này, bạn hãy cùng đồng hành cùng với các hoạt động của Vashna Team - làm bạn với các tri thức, bài tập thực hành và phương pháp giúp sống tỉnh thức, chữa lành, mà điều đầu tiên của nó là tìm hiểu cách vận hành hơi thở thông qua thiền định.
Chúc các bạn có được sự an lành trọn vẹn trong từng khoảnh khắc cuộc đời!
Vashna Thiên Kim