Sống Tỉnh Thức
THẾ GIỚI CÓ NHƯ CÁCH CHÚNG TA THẤY?
Một buổi sáng đẹp trời, bạn khởi đầu ngày mới bằng cốc café quen thuộc, không quên đi dạo và mang về căn phòng nhỏ một bó hoa. Thế giới trong mắt bạn lúc đó thật đẹp, café rất ngon, hoa thì rộn hương và chẳng có gì bình yên hơn như thế.
Nhưng rồi có những việc không hay xảy ra khiến bạn buồn phiền. Bạn vẫn giữ thói quen cũ: vẫn cốc café quen thuộc, vẫn con đường đi dạo và những bó hoa, nhưng mọi thứ không còn bình yên trọn vẹn như ban đầu nữa.
Chuyện gì đã xảy ra? Sự thay đổi đến từ hương vị café, màu sắc của hoa hay nằm trong chính cách não bộ truyền thông điệp tới bạn?
Bộ não của chúng ta chỉ nặng khoảng 1,5kg nhưng nó chứa một sức mạnh khổng lồ nhờ vào triệu triệu kết nối sống – liên kết mô thần kinh giữa khoảng 100 tỷ neuron thần kinh. Những liên kết này ở trạng thái tái tạo liên tục và năng động để phản ứng với thé giới xung quanh. Quả thật, bộ não xứng đáng là một kì công của tạo hóa nhờ những khả năng kì diệu của nó đem đến cuộc sống của chúng ta.
Bài viết ngày hôm nay sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc về món quà mà não bộ đem lại cho chúng ta: khả năng sáng tạo trong việc phản chiếu thế giới. Từ đó ta học được cách làm chủ bộ não để khai thác những tiềm năng phi thường ẩn chứa bên trong con người chúng ta: từ suy nghĩ tới hành động kiến tạo, thay đổi cuộc sống.
1. Sự đồng bộ các giác quan – cách mà não bộ “tô màu” lên hiện thực của chúng ta.
Làm thế nào để tế bào sinh học của bộ não giúp tăng trải nghiệm cho chúng ta: chúng ta thấy màu xanh của trời, mùi của đất ướt, vị của bạc hà…Bên ngoài não bộ của bạn chỉ có năng lượng và vật chất. Trong hàng triệu năm tiến hóa, bộ não đã trở nên thông thạo trong việc chuyển những năng lượng vật chất này thành trải nghiệm cảm giác phong phú về sự tồn tại trên thế giới này, thông qua các giác quan.
Bạn biết đó, não bộ vốn nằm trong không gian kín của hộp sọ, nên cách duy nhất nó lấy thông tin từ bên ngoài vào là qua các giác quan (mắt, mũi, miệng, tai, da – hoạt động như những người truyền tin. Chúng phát hiện ra các nguồn thông tin bao gồm photon, sóng nén không khí, mật độ phân tử, áp suất, kết cấu, nhiệt độ và chuyển đổi chúng thành: tín hiệu điện hóa. Những tín hiệu điện này phóng qua các mạng neuron dày đặc thành các xung điện. Có khoảng 100 tỉ neuron trong não người, và mỗi neuron gửi hàng chục hoặc hàng trăm xung điện đến hàng ngàn neuron khác mỗi giây trong cuộc đời bạn. Từ đây, mọi thứ bạn trải nghiệm – mỗi hình ảnh, âm thanh, mùi vị - thay là vì trải nghiệm trực tiếp, thực chất lại chỉ là một sự dịch chuyển điện hóa trong rạp hát tối đen.
Như vậy, mấu chốt nằm ở Sự dẫn truyền cảm giác: Ngành sinh học đã phát hiện ra nhiều cách để chuyển đổi thông tin từ thế giới thành tín hiệu điện hóa: các tế bào lông trong tai trong, một số thụ thể cảm ứng trên da, chồi vị giác ở lưỡi, các thụ thể phân tử trong bóng khứu giác và các thụ cảm quang ở phía sau mắt…chính là những “chiếc máy dịch” tín hiệu từ môi trường xung quanh thành tín hiệu điện hóa:
- Mắt chuyển hóa các photon thành tín hiệu điện
- Tai chuyển đổi sự rung động trong không khí đặc quánh thành tín hiệu điện
- Thụ thể trên da chuyển đổi áp suất, sức căng, nhiệt độ, chất độc…thành tín hiệu điện
- Mũi chuyển các phân tử mùi, lưỡi biến đổi các phân tử vị thành tín hiệu điện.
Và thế là tất cả những ấn tượng nhộn nhịp bên ngoài được qui đổi về cùng một loại công cụ giao dịch “đồng tiền chung” của não bộ : tín hiệu điện hóa. Nhưng vấn đề cũng đến từ đây: nhờ đâu mà não có thể tạo ra chỉ một bối cảnh thống nhất về thế giới khi hình ảnh xử lý một vùng, âm thanh, va chạm ở những vùng khác (ấn tượng từ các giác quan). Để nhận thức được thế giới, bộ não cần đối chứng các luồng dữ liệu cảm quan khác nhau vốn được xử lý với tốc độ khác nhau.
Trong rất nhiều thí nghiệm khoa học, người ta đều nhận thấy chúng ta phản ứng với âm thanh chậm hơn ánh sáng. (Đó cũng là lý do hiệu lệnh các cuộc thi chạy thường bằng tiếng súng chứ không phải ánh đèn). Nhưng trong thực tế, chúng ta thường nhìn thấy mọi thứ một cách đồng bộ: khi ta vỗ tay: âm thanh và hình ảnh đến cùng một lúc. Điều này cho thấy nhận thức của chúng ta về thực tại chính là kết quả của những mẹo chỉnh sửa khéo léo của bộ não: ẩn đi chênh lệch về thời gian truyền tín hiệu. Bộ não thu thập mọi thông tin từ các giác quan trước khi quyết định câu chuyện về những gì xảy ra. Và như thế, tức là những gì chúng ta cảm nhận chỉ là trong quá khứ - sống trong quá khứ. Vào thời điểm ta nghĩ sự việc đang xảy ra thì nó qua lâu rồi. Để đồng bộ hóa các thông tin đến từ các giác quan thì sự nhận biết có ý thức của chúng ta tụt lại phía sau so với thế giới thực.
2. Nếu các giác quan bị cắt đứt thì cái nhìn thế giới của bộ não sẽ tiếp tục hay dừng lại?
Ở phần trước ta đã hiểu rằng cách mà não bộ đem lại nhận thức cho ta về thế giới là qua sự đồng bộ của các giác quan. Nếu như vậy thì những người rơi vào hoàn cảnh “vô hiệu hóa” các giác quan họ sẽ ra sao? Não bộ của họ sẽ tiếp tục phản ánh thế giới hay dừng lại? Câu hỏi này thực sự thú vị.
Chúng ta hãy nghĩ đến những người tù bị biệt giam. Ở trong một căn phòng tối bưng như khối hộp, không có âm thanh hay ánh sáng, ở đây bạn chỉ có chính mình với sự “vô hiệu hóa” của các giác quan. Bị cô lập như thế, đôi mắt và đôi tai đã hoàn toàn mất thông tin đầu vào, nhưng tâm trí của ta sẽ không từ bỏ ý niệm về thế giới bên ngoài, nó tiếp tục tạo ra thế giới của riêng nó bằng mô hình nội tại tạo ra thực tại của chính nó. Bởi vậy ta thấy có rất nhiều tù nhân bị giam giữ luôn nuôi dưỡng ý niệm về những thứ bên ngoài tự do để vượt lên thực tại.
Trong giải phẫu học, người ta quan sát được mô hình nội tại này: khu vực đồi não giữa 2 mắt ở phía trước đầu và vùng vỏ não thị giác ở phía sau đầu chính là 2 điểm đến quan trọng đưa thông tin đến vùng thích hợp của vỏ não:
- Kết nối từ đồi não vào vỏ não thị giác (truyền tín hiệu điện hóa từ ngoài vào trong – chiều tiếp nhận)
- Kết nối từ vỏ não thị giác đi ra đồi não (đi theo chiều ngược lại – chiều phản hồi) thường nhiều gấp 10 lần so với chiều tiếp nhận.
Điều nay phản ánh những “kỳ vọng”, thông tin được “nhìn thấy” thường là kết quả những “phỏng đoán” – kinh nghiệm, dữ liệu cũ của não bộ. Phần thông tin “không trùng với dự đoán” - phần quan sát có kết quả không giống với phỏng đoán là những gì được gửi lại vỏ não thị giác để tiếp tục tích lũy thành những kinh nghiệm bên trong, hình thành những mô hình nội tại mới của não bộ. Bởi vậy, những gì chúng ta quan sát được phụ thuộc nhiều vào những gì đã có trong đầu chúng ta.
“Chúng ta thường chỉ nhìn thấy những gì chúng ta muốn nhìn” Hẳn bạn đã nghe câu nói ấy. Và có một sự thật khác là ngay cả khi não bộ không có dữ liệu bên ngoài, chúng vẫn tiếp tục tạo ra hình ảnh của riêng mình nhờ các mô hình nội tại có được từ những ghi nhận trải nghiệm bên ngoài đã diễn ra.
Đến đây, chúng ta phần nào thấy được phần tiềm năng của não bộ trong việc sáng tạo không phụ thuộc vào giác quan mà ta vẫn gọi là tính siêu thăng – vượt lên hoàn cảnh, hiện thực. Và nếu như cách ta phản ứng với thế giới bên ngoài là kết quả của cái nhìn bên trong thì bạn biết rồi đó, não bộ sẽ quyết định hành động để thay đổi thực tại, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Não bộ vẫn phát triển, vẫn cung cấp “cái nhìn về thế giới” cho dù ta có bị mất đi các giác quan. Đó là món quà của não bộ đến từ các “mô hình nội tại”.
3. Thực tại khách quan và “thực tại trong não bộ” – những lát cắt thực tế giới hạn
Khi bạn đi trên con đường quen thuộc, gần như bạn đi theo bản năng mà không phải quan sát quá nhiều, vì não bộ của bạn đã nhiều lần ghi nhận chi tiết. Mỗi một lần đi qua, bạn đóng góp thêm cho mô hình nội tại trong não bộ. Thay vì sử dụng giác quan để không ngừng phục dựng lại thực tế trong từng khoảnh khắc, não bộ chỉ cần cập nhật, tinh chỉnh, sửa chữa nó. Ta thấy rõ điều này khi trải nghiệm với các tác phẩm nghệ thuật đánh lừa thị giác. Thói quen thị giác làm cho ta thấy những thứ khác hẳn so với thực tại – có vẻ mâu thuẫn.
Thế giới không như ta thấy! Những gì ta nhìn thấy chỉ là kết quả quá trình xử lý của não bộ!
Để dễ hình dung hơn, bạn hay so sánh mắt bạn với một chiếc camera tân tiến nhất: thay vì lướt camera từ từ qua khung cảnh như bạn vẫn quay, bạn hãy di chuyển nó nhanh như cách bạn đảo mắt. Và bạn sẽ thấy là: ngay khi đảo mắt như thế, bạn vẫn dễ dàng thấy cảnh vật ở trạng thái ổn định. Còn khi xem lại video được quay theo cùng tốc độ đó ở camera thì nó là một video lỗi với sự lắc lư mà bạn không thể xem nổi. Rõ ràng, thế giới có vẻ ổn định hơn khi bạn nhìn vào nó – đó là do mô hình nội tại của bạn hoạt động dưới giả định rằng thế giới bên ngoài ổn định: cái cây, con đường, ngôi nhà đều đứng yên.
Đừng mắc kẹt trong những cái nhìn như những “lát cắt thực tế mỏng” – đó là dạng niềm tin cố hữu chỉ xây dựng dựa trên những gì “tai nghe, mắt thấy” và giới hạn của giác quan.
Theo bạn thì các sắc màu có phải là một đặc tính cơ bản của thế giới xung quanh hay không? Có nghĩa là lá cây luôn xanh, hoa rực rỡ, mặt trời sáng rực…?
Thực tế thì màu sắc không thực sự tồn tại. Vậy nên các loài vật không thấy các màu sắc như mắt người. Hoặc con mắt của những người có khiếm khuyết về thị giác không nhìn thấy sắc màu như chúng ta nhìn. Màu sắc thực ra là biểu hiện của các bước sóng vốn chỉ tồn tại bên trong chúng ta. Đó là một ví dụ về “lát cắt thực tế mỏng”. Và đó cũng là cách mà con người hay các loài sinh vật tri giác về thế giới:
- Ve nhận thức thế giới bằng các tín hiệu từ môi trường là nhiệt độ và mùi cơ thể.
- Dơi định vị thế giới bằng sóng âm.
- Cá lông vũ xác định thế giới qua các sự nhiễu loạn trong điện trường.
Vậy thì thực tại khách quan thực sự “trông như thế nào”. Không có màu sắc, không có âm thanh, không có mùi vị: chỉ là sự giãn nở và nén ép của không khí được tai thụ nhận biến thành tín hiệu điện, não trình diện những tín hiệu này thành “cảm nhận của đủ dạng thanh âm”. Các phân tử lơ lửng trong không trung liên kết với các thụ thể trong mũi, được não kiến giải thành các mùi…Thế giới thực tại thực sự khác rất xa so với thế giới mà não bộ của chúng ta phản ánh với cảm giác riêng của chúng.
4. Tôn trọng khác biệt, chấp nhận sự đa dạng, mở rộng giới hạn niềm tin – cách để “làm chủ bộ não”
Chúng ta thật dễ nổi xung lên hoặc cảm thấy hụt hẫng vì ai đó không thấy như mình thấy, không hiểu như mình hiểu. Nhưng chúng ta không biết rằng, đó không phải biểu hiện của sự thiếu tôn trọng, không thấu hiểu mà đơn giản chỉ nằm ở sự khác biệt trong cách não bộ phản ánh thế giới.
Não bộ phục vụ cho việc kể chuyện – và mỗi người trong chúng ta đều tin vào những câu chuyện nó kể. Cho dù bạn đang rơi vào ảo giác, hay tin tưởng vào giấc mơ bên trong, hoặc trải nghiệm các hình ảnh lạ…hay tin về những ảo giác như thật từ trạng thái tâm thần phân liệt…Và mỗi bộ não lại kể một câu chuyện hơi khác nhau, ngay cả trong cùng một tình huống trải nghiệm. Vì vậy, không có phiên bản duy nhất của thực tại qua lăng kính của mọi người, mọi vật trên thế giới này.
Biết được điều này, ta không cần quá quan trọng việc phân biệt, so sánh ta với người khác, hoặc không có nhu cầu lấy nhận thức của mình làm “chân lý” cho người khác. Ta hiểu quá trình làm việc của não bộ để đánh giá đúng chức năng của nó, nuôi dưỡng, biết ơn và phát huy nó. Từ đó ta sẽ vượt lên định nghĩa của não bộ về những gì ta cảm nhận/ thấy/ biết, mở rộng các giới hạn cuộc sống để định hướng não bộ phát huy cho các mặt tích cực của mình.
Vashna Thiên Kim
Tin tức liên quan
- Sức khỏe cá nhân và các nhu cầu thiết yếu của con người
- Toàn cảnh về Ung thư - Góc nhìn của khoa học tâm thức (Phần 1)
- Toàn cảnh về Ung thư - Góc nhìn của khoa học tâm thức (Phần 2)
- Khoảng cách giữa sức khỏe và bệnh tật - Vai trò của hơi thở và dưỡng chất
- Kết quả chẩn đoán bệnh tiềm ẩn chuẩn xác chủ thể Liên Đức