Sức khỏe cá nhân và các nhu cầu thiết yếu của con người
08
04/2023

Sức khỏe cá nhân và các nhu cầu thiết yếu của con người

Bình thường nhắc tới sức khỏe, chúng ta hay nghĩ tới sức khỏe cơ thể vật lý. Và bệnh tật cũng được nhìn nhận chủ yếu trên các phương diện quan sát - thấy - biết - đo - đếm được của khoa học thực nghiệm. Nhưng có một sự thật là nhiều khi, chúng ta bắt gặp trạng thái không - ổn, không được khỏe nhưng khám mãi không ra bệnh, hoặc các chỉ số xét nghiệm rất bình thường. Vậy thì sức khỏe của cơ thể vật lý có bao quát được toàn bộ sức khỏe nói chung của con người hay không? Đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn rộng và sâu hơn cả những điều chúng ta thấy được ở cơ thể vật lý.

1. Những thành phần cơ bản của sức khỏe cá nhân

Nội dung bài viết này xin được nhìn nhận sức khỏe của mỗi cá nhân con người trên một cái nhìn toàn diện: Sức khỏe toàn diện được hợp nhất từ 5 thành phần:

- Sức khỏe thể chất (biểu hiện bằng sự vắng mặt của bệnh tật).

- Sức khỏe tinh thần (biểu hiện bằng sự cân bằng, lành mạnh của cảm xúc).

- Sức khỏe trí tuệ (biểu hiện bằng khả năng thấu hiểu và nhận diện vấn đề).

- Sức khỏe tâm linh (biểu hiện bằng việc quan tâm đến cội nguồn, bản chất thực sự và nguồn gốc của chính mình).

- Sức khỏe xã hội (biểu hiện bằng khả năng hành động xã hội, thực hiện sự ảnh hưởng hoặc hành động đối với cộng đồng).

Ý thức được sự tồn tại của năm thành phần sức khỏe cơ bản này, chúng ta sẽ để ý nhiều hơn đến tiếng nói nội tâm của chính mình, hiểu được sự tác động qua lại của năm thành phần sức khỏe để chăm sóc bản thân toàn diện hơn.

- Không có một tinh thần khỏe mạnh ở trong một cơ thể yếu ớt.

- Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.

- Stress được tạo ra từ bên trong, nó là dấu hiệu của sự xáo trộn tuần hoàn của cơ thể, tâm trí và tinh thần.

- Ý nghĩa cuộc sống đem lại động lực của hành động, và là lý do để ta sống trọn vẹn mỗi ngày.

Như vậy, ta thấy giữa các thành phần sức khỏe của một cá nhân có mỗi liên hệ mật thiết, thúc đẩy, tác động qua lại lần nhau. Một cơ thể khỏe mạnh là kết quả của những thói quen lành mạnh, suy nghĩ tích cực, tâm trí minh mẫn. Ngược lại, khi ta mất cân bằng trong lối sống, hành động, suy nghĩ, cảm xúc thì cơ thể xuất hiện những rối nhiễu và trạng thái bệnh.

Những bệnh dị ứng là rối loạn chuyển hóa, những bệnh ở các cơ quan hô hấp, tim mạch liên quan đến trạng thái tức giận, stress…

Điểm tích cực đó là khi ta điều chỉnh, nâng cao một thành phần sức khỏe nhất định trong sức khỏe toàn diện này thì các thành phần sức khỏe khác cũng được nâng cao lên. Và bắt đầu từ việc chăm sóc cơ thể, lắng nghe chính mình là điều mà ai cũng nên làm, ai cũng làm được.

2. Mối quan hệ giữa nhu cầu và sức khỏe cá nhân

Năm thành phần thể chất, tinh thần, trí tuệ, tâm linh, xã hội này hợp nhất thành sức khỏe toàn diện - cân bằng bên trong mỗi cá nhân. Xét ở một góc độ nào đó, nó cũng là sự biểu hiện cho năm nhu cầu căn bản của con người theo tháp Maslow:

Tầng 1: Nhu cầu sinh học

Đây là một trong những nhu cầu cơ bản và lâu dài nhất để duy trì cuộc sống của con người như nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ, nhà ở, sưởi ấm, hít thở, điều hòa nhiệt độ và thoả mãn về tình dục, ông có đưa nhu cầu tình dục vào đây là vì lý do con người cần phải duy trì nòi giống.

Nhu cầu sinh học gắn với sức khỏe cơ thể của con người. Từ chế độ ăn, uống, ngủ nghỉ ta có thể điều chỉnh được trạng thái sức khỏe hay bệnh tật của chính mình.

Tầng 2: Nhu cầu an toàn, được bảo vệ

Khi con người đã được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản thì nhu cầu về an toàn, được bảo vệ sẽ bắt đầu được kích hoạt. Nhu cầu này được thể hiện trong cả thể chất lẫn tinh thần như không bị đe dọa về tài sản, công việc, sức khỏe, tính mạng mình và gia đình.

Nhu cầu an toàn là điều kiện đầu tiên của sức khỏe tinh thần. Vì khi thấy an toàn, người ta mới thả lỏng được và có những cảm nhận yên ổn, tích cực.

Tầng 3: Nhu cầu xã hội, kết nối

Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu mong muốn thuộc về một bộ phận, một tổ chức nào đó hoặc có thể là nhu cầu về mặt tình cảm. Nhu cầu này thể hiện qua quá trình giao tiếp như việc kết bạn, tìm người yêu, lập gia đình, tham gia một cộng đồng nào đó, đi làm việc, tham gia các câu lạc bộ, làm việc nhóm, đi chơi… Tầng thứ 3 trong tháp nhu cầu Maslow là một dấu vết của bản chất sống theo bầy đàn của loài người chúng ta.

Nhu cầu này gắn liền với sức khỏe trí tuệ. Trí tuệ của chúng ta biểu hiện ra ngoài trong cách ứng xử của ta với mọi người, ta với môi trường sống của chính ta, với các lĩnh vực ta góp mặt trong xã hội như năng lực trong công việc, cách giải quyết các tình huống trong cuộc sống…

Tầng 4: Nhu cầu được quý trọng

Đây là nhu cầu được tôn trọng, quý mến, ghi nhận, đánh giá cao và cảm giác có giá trị, thuộc về nơi nào đó. Nhu cầu này gắn với sức khỏe tâm linh - cảm giác được là một phần trong dòng chảy, được hiện diện trọn vẹn trong một lĩnh vực, mối quan hệ hay phương diện nào đó của đời sống. Sức khỏe tâm linh ở trạng thái ổn là khi con người đặt ra những câu hỏi về tầm nhìn, sứ mệnh cuộc sống và có cảm niệm mình sống ý nghĩa, trọn vẹn.

Tầng 5: Nhu cầu thể hiện bản thân

Theo Maslow thì đây là nhu cầu cao nhất trong cách phân cấp về nhu cầu của ông. Nhu cầu thể hiện bản thân là sự mong muốn đạt được, làm cho tiềm năng của một cá nhân đạt tới mức độ tối đa và hoàn thành được mục tiêu nào đó. Từ đó khẳng định bản thân trong một hoặc có thể ở nhiều lĩnh vực. 

Nhu cầu này gắn với sức khỏe xã hội, biểu hiện về sự cân bằng, vượt qua giới hạn cá nhân của một người, cho thấy người đó sẵn sàng cho đi, cống hiến, phụng sự hoặc hướng đến những vấn đề thuộc về số đông, những vấn đề phổ quát hơn đời thường.

Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger