TẢN MẠN VỀ SỐNG TỈNH THỨC
28
06/2023

TẢN MẠN VỀ SỐNG TỈNH THỨC

Mọi người chắc đã từng nghe qua nhiều các cụm từ như: “tỉnh thức”, “hòa vào điểm không”, “trở về bên trong cái Ta thuần khiết”, “Kết nối con người vĩ đại bên trong mình”……chúng đều đã quá quen thuộc nhưng khó mà hình dung rõ ràng để định nghĩa về chúng đúng không? Trong chuỗi bài viết này, bằng trải nghiệm của mình, tôi sẽ thử vẽ ra bức tranh về chúng.

Chắc các bạn cũng biết, câu hỏi “Tôi là ai?” hoặc “Lý do tôi tồn tại trên cuộc đời này là gì?” đã trở nên quá quen thuộc và phổ biến với những người đang trên hành trình thức tỉnh tâm linh, tìm về cội nguồn tận cùng của chính mình. Khi đối mặt với những câu hỏi đó, con người ta lao đi tìm kiếm câu trả lời như những chú thiêu thân đâm đầu vào ánh sáng, nhưng vẫn chưa bao giờ tìm cho mình được lời giải đáp thoả đáng.

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn hay thường sống, làm việc, và suy nghĩ dựa trên một giá trị đạo đức nhất định mà chúng ta đã chọn để thuận theo. Đối với mỗi người, đó là đạo đức cốt lõi, là kim chỉ nam cho ta không bị sai lệch khỏi đường ray của những giá trị nhân văn căn bản và cũng để hình thành một cuộc đời đầy ý nghĩa cho mình, cho người, cho thế giới. Vậy nhưng vì sao câu hỏi “Tôi là ai?” vẫn luôn nằm trong tâm trí bạn?

Phần 1: Sứ Mệnh Sống và Chân Phúc.

Mục đích của cả một đời người, có chăng là trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình để sống có ý nghĩa kiếp sống này? Cao hơn nữa là nghĩa cử phụng sự cộng đồng để bản thân chúng ta được đủ dầy hơn? Là hành trình để đi tìm chân phúc?

Để trả lời cho luận điểm trên, hãy bắt đầu với mục đích và sứ mệnh sống. Rất nhiều người cho rằng mục đích sống ấy có xấu, có tốt, có nhàm chán ích kỷ và cũng có cao cả, hy sinh. Hãy nhìn lại những mục đích mang nặng tính vị kỷ cá nhân như: sự ham muốn quyền cao chức trọng, như lòng tham vật chất, tính đố kỵ ghen ghét…. Chúng dễ sinh ra những hành vi tranh giành, sân si, những bám chấp vào cái lợi cho bản thân, những vọng tưởng mê cuồng, cho ta mật ngọt để ta dần dần chìm đắm trong những hoài bão tham lam vi tế, không có điểm dừng. Những ham muốn mang nặng tính bản ngã ấy sẽ cuốn trôi con người ta và làm chúng ta quên đi lý do khiến chúng ta bắt đầu cuộc hành trình này. Để rồi, đến cuối đời, trước phút giây từ giã cõi đời, ta nhận ra mình đã vô tình bỏ lỡ quá nhiều điều, bỏ qua quá nhiều người, nhiều cơ hội, bao gồm cả mưu cầu hạnh phúc.

Ta nuối tiếc và thắc mắc: vì sao mình lại sống một đời nhiều khổ đau, vất vả và tiếc nuối đến thế? Mặt khác, nếu biết sống cho đi, ta đang đi trên con đường giác ngộ đến chân phúc, sống cùng với mục đích và ý nghĩa thiêng liêng, mang lại giá trị hạnh phúc cho chính mình và lan toả đến nhiều người.

Nhưng liệu mục đích sống cao đẹp nhất của đời người có phải chính là hướng đến việc tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng, hay còn được gọi là sứ mệnh linh thiêng? Vậy còn những con người làm những công việc bình thường, khác nhau trong xã hội thì sao? Bạn có chắc mình định nghĩa được thế nào là thiêng liêng không? Sứ mệnh của người y sĩ là cứu lấy những sinh mệnh đang yếu ớt, sứ mệnh của người thầy giáo là vun trồng những mầm cây non để tiếp nối trong tương lai, hay đơn giản sứ mệnh của một người công nhân môi trường là dọn dẹp, làm đẹp phố phường? Rồi sứ mệnh của người chữa lành là lan tỏa yêu thương và phúc lạc. Vậy chúng ta có nên gọi đó là sứ mệnh không? Có nên vì hai chữ “sứ mệnh" mà đặt nặng bản thân, nghĩ mình là một người cao cả hơn người hay không? Phúc lạc từ đâu, yêu thương từ đâu mà lan tỏa nếu như bạn nghĩ mình hơn người ở sự thức tỉnh?

- Có lão học sĩ hỏi một anh tiều phu thế này: Vì sao anh lại trông chán nản như thế?

- Anh tiều phu than vãn: Tôi phải đốn củi mỗi ngày, và tôi thì quá mệt mỏi với công việc này rồi! Tại sao tôi lại phải làm việc này cơ chứ? Tôi sắp chết trong nó rồi đây!

- Vị học sĩ lên tiếng: Vì sao anh phải đốn củi mỗi ngày?

- Anh tiều phu: Đó là công việc của tôi mà! Tôi không từ bỏ được, tôi là người duy nhất trong ngôi làng này có khả năng đốn củi, các em tôi ở nhà cũng sống nhờ tiền của tôi, nhờ số củi này. Lúc đầu tôi từng đốn củi rất vui, nhưng lâu dần điều này khiến tôi vô cùng mệt mỏi.

- Học sĩ: Anh đang phải đốn củi mỗi ngày vì gia đình à?

- Anh tiều phu: Tất nhiên rồi, nếu không thì còn vì lý do nào nữa? Đó là sứ mệnh của tôi mà!

- Học sĩ: Nếu anh ngừng đốn củi thì gia đình sẽ sống như thế nào?

- Anh tiều phu: Đó là một gánh nặng với tôi ấy! Không có tôi, các em tôi sẽ đói chết, chúng tôi sẽ bị rét vào mùa đông và cũng sẽ không có quần áo mới cho mùa xuân.

- Vị học sĩ lại tiếp tục hỏi: Việc các em của anh chết đói và không có quần áo mới cho mùa xuân vì sao lại ảnh hưởng đến anh? Vì sao lại ảnh hưởng đến quyết định công việc của anh?

- Anh tiều phu cùng lúc bày ra vè mặt khó hiểu và hơi gằn giọng tức giận: Lão bị điên rồi, họ là những người thân yêu nhất của tôi đấy. Họ không sống đàng hoàng làm sao mà tôi chịu nổi? Tôi không thể nhìn em mình đói rét, tôi không thể để chúng ủ rũ khi nhìn những đứa trẻ nhà khác có quần áo mới.

- Học sĩ: Nếu họ không vui, anh cũng không vui? Họ không đủ đầy, anh cũng không hạnh phúc?

- Anh tiều phu: Tất nhiên rồi!

- Học sĩ: Vậy mục đích chính của việc anh đốn củi phải chăng vẫn là: đi tìm chân phúc và hạnh phúc cho anh?

- Anh tiều phu ngẫm nghĩ một lúc rồi nói như dần vỡ ra điều gì đó: Có vẻ đúng là như vậy, hạnh phúc của tôi là những đứa em tôi được hạnh phúc, tôi muốn mang hạnh phúc đến cho chúng. Nhưng như thế thì giúp ích được gì? Tôi đang rất mệt mỏi!

- Vị học sĩ lúc này trầm ổn lên tiếng: Anh làm việc vì hạnh phúc của anh không có nghĩa là anh đang sống ích kỷ. Chỉ khi anh hạnh phúc thì anh mới mang lại được hạnh phúc cho những người xung quanh anh. Hãy mang niềm hạnh phúc của anh vào công việc, anh sẽ tìm ra những giải pháp phù hợp cho mình. Sự mệt mỏi hiện tại của anh chưa chắc làm mọi người xung quanh anh hạnh phúc. Sao anh không nghĩ ngược lại người thân của anh cũng nhìn anh được hạnh phúc vui thích thì họ mới cảm thấy hạnh phúc?

- Anh tiều phu liền thắc mắc: Vậy làm sao để có được hạnh phúc?

- Vị học sĩ khi này cười nhẹ: Người ta đi tìm hạnh phúc như chú cá nhỏ đi tìm nước vậy, nó vốn dĩ vẫn luôn ở đó thôi. Hạnh phúc chỉ là một cảm giác, đừng đặt cho nó những điều kiện như: nếu tôi đốn hạ được nhiều củi thì mới hạnh phúc, nếu em của tôi có một người chồng tốt thì nó hạnh phúc và tôi cũng sẽ hạnh phúc. Đừng để những điều kiện đó biến thành gánh nặng, kỳ vọng, và áp lực cho anh, chúng rồi sẽ cuốn anh vào những nỗi buồn. Hãy tìm về bản thân mình, nhìn xem những điều kiện ràng buộc anh vốn luôn đặt ra là gì, cởi bỏ những gông cùm ấy và giải phóng hạnh phúc bên trong mình. Khi đó hạnh phúc sẽ dẫn lối cho anh tìm ra sứ mệnh của mình và đó cũng là cách tuyệt vời để anh trao đi hạnh phúc cho mọi người.

Không còn sự mệt mỏi và những tầng tầng lớp lớp suy nghĩ dày đặt, niềm vui sẽ giúp anh có nhiều sự sáng tạo, rồi anh sẽ bắt kịp nó trong giây phút mà anh hạnh phúc đủ đầy và tâm trí tĩnh lặng. Anh cũng không cần trói buộc mình trong một sứ mệnh nhất định nào, anh có thể vừa làm một người đốn củi vừa làm một người thầy mộc truyền nghề. Tất cả sẽ giúp cho công việc và sứ mệnh sẽ không còn nhàm chán nữa và sự sáng tạo ấy tiếp tục sẽ tạo ra nhiều hạnh phúc hơn cho anh.

Mục đích cuối cùng của chúng ta vẫn là tìm ra chân phúc, nhưng chân phúc không phải ở điểm cuối con đường, nó vẫn luôn ở đó, tồn tại quanh ta, song hành cùng ta trong mỗi phút giây sống và trải nghiệm sứ mệnh trao đi yêu thương. Vậy, muốn tạo được nhiều phúc lạc và sự trù phú, cùng yêu thương đong đầy, thì bản thân ta phải dư dả đủ đầy tất cả điều đó rồi. Khi làm việc với sự đủ đầy và hạnh phúc sẵn có từ bên trong, ta sẽ không bị cái tôi dẫn dắt, không bị cuốn theo vòng xoay bám chấp, khổ đau và cả tham, sân, si, dù đó là công việc hay sứ mệnh gì. Có thể hiểu rằng, trước khi hướng ra bên ngoài để làm được những điều giá trị, ta cần luôn có ý thức hướng vào bên trong, làm đủ đầy những khuyết thiếu bên trong từ những điều cơ bản, giản đơn nhất, gỡ bỏ các xiềng xích bên trong và nhận ra hạnh phúc đủ đầy biết đủ biết an hưởng. Đó chính là một phần của hành trình thức tỉnh, biết cách yêu bản thân mình, thức tỉnh hạnh phúc bên trong, nhận ra hạnh phúc và mình vốn không tách biệt. Thức tỉnh và nhận diện các suy tư, cảm xúc, gỡ bỏ các cài đặt tâm trí sẽ giúp ta nhận ra chân phúc ngay trong chính phút giây hiện tại.

Thông qua trải nghiệm của mình, tôi nhận ra: Trong hành trình Tỉnh Thức, Sứ Mệnh của tôi cũng là sứ mệnh tối thượng của mỗi sinh mệnh trên hành trình này, đó là giác ngộ thân tâm chính mình, quay về phần Thượng Đế tính bên trong, tính quan sát và sống thức tỉnh (tạm gọi là sứ mệnh đầu tiên). Khi đi trên con đường hoàn thành sứ mệnh tối thượng, chúng ta sẽ tìm ra hành trình riêng lan tỏa tình yêu thương của mình đến mỗi người (gọi đây là sứ mệnh thứ hai).

Nhưng chúng ta thường quan tâm đến sứ mệnh thứ hai nhiều hơn cả sứ mệnh tối thượng, điều này đôi khi có thể dẫn đến sự mất cân bằng khi chúng ta cứ cố với ra bên ngoài thực hiện những việc giúp người giúp đời trong khi chính ta chưa ổn chưa đủ đầy, thế giới bên ngoài chính là phản chiếu nội tâm bên trong, vậy chẳng phải sứ mệnh đầu tiên mới là cốt yếu hay sao? Rất nhiều người trong chúng ta đều vội vã chạy theo những “sứ mệnh vĩ đại” nhưng lại quên mất chính mình. Chính vì hiểu được điều này thật ra ta chẳng cần phải thay đổi thế giới, ta chỉ cần thay đổi chính mình thì thế giới cũng sẽ tự nhiên mà đổi khác. Vạn sự trên đời này cũng đều do tâm của ta tạo ra, tâm sáng thì vạn sự xung quanh tự khắc tốt đẹp. Nếu trong tâm ta có niềm an yên đủ đầy, ta thậm chí chẳng cần làm bất kỳ điều gì thì những người xung quanh ta vẫn sẽ nhận được niềm an yên đó từ ta.

Đây chính là sứ mệnh sống căn bản - là chân phúc ở mỗi cái ta - chúng ta! Hãy để hạnh phúc trong ta dẫn dắt trọn vẹn từng phút giây đến cuối của cuộc đời này, trước lúc ta mất đi, ta không còn tiếc nuối và ta có cả một kho tàng chân phúc. Kho tàng ấy cũng chính là một trong những hành trang tốt nhất để trao đi yêu thương đến với tất cả.

Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger