Serie Sang Chấn Tâm Lý (Phần 1)
08
12/2023

Serie Sang Chấn Tâm Lý (Phần 1)

“Sang chấn tâm lý” là gì? “Tái sang chấn” là tình trạng như thế nào? Rõ ràng, việc hiểu về những kiến thức này rất hữu ích cho tất cả chúng ta. Và bài viết này sẽ hướng đến việc đưa ra những nền tảng cơ bản để ta hiểu về sang chấn tâm lý, từ đó lựa chọn được cách chữa lành phù hợp với bản thân ta hơn.

* Đây là bài viết mở đầu cho serie kiến thức về Sang chấn tâm lý. Chuỗi bài viết này bao gồm 10 phần. Mời các bạn đón đọc trong phần Blog -  Sống Thức Tỉnh - Chia Sẻ Tri Thức của Vashna Thiên Kim nhé.

BÀI 1: CÁC HÌNH THỨC, DẠNG THỨC SANG CHẤN. TẠI SAO CẦN CAN THIỆP SỚM VÀ CHỮA LÀNH LÂU DÀI?

“Một ngày nọ, giữa mùa hè, sau trận cãi với một người bạn, bỗng nhiên tôi thấy cơ thể mình căng thẳng, não chợt gai lên và lạnh người. Sau đó, giữa không gian nóng bức ấy, tôi ngửi thấy mùi mùa đông của những năm về trước, mùa đông căng thẳng ấy tôi cũng gặp chuyện và nằm bẹp trên giường, khóc và chỉ có khóc. Tôi đang bị làm sao vậy? Từng cơn ký ức ập đến và chỉ có thể khóc suốt, trong vài năm nay, thỉnh thoảng tôi lại bị như vậy và không thể tránh để việc này không xảy ra. Tôi liên tục rơi vào tình trạng như vậy, không ăn uống, không muốn làm gì, chỉ liên tục sống với quá khứ và sự căng thẳng trong cuộc cãi vã. Tôi nhắn tin cho bạn mình, người mà tôi tin cậy để chia sẻ, chị ấy nghe tôi nói liền bảo: “có lẽ đây là dấu hiệu của tái sang chấn”.

Đây là những lời tâm sự của một bạn trẻ đã trải qua tình trạng sang chấn tâm lý, trải nghiệm sâu sắc tác động của tổn thương tâm lý lên cơ thể mình. Thì ra sang chấn tâm lý không chỉ nằm ở khía cạnh cảm xúc, tinh thần như chúng ta nghĩ. Nó bao trùm hơn như thế, và có vẻ như sẽ tác động đến nhiều khía cạnh đời sống của con người: cảm giác, thái độ, hành vi…thậm chí là những cơn đau.

Vậy “sang chấn tâm lý” là gì? “Tái sang chấn” là tình trạng như thế nào? Rõ ràng, việc hiểu về những kiến thức này rất hữu ích cho tất cả chúng ta. Và bài viết này sẽ hướng đến việc đưa ra những nền tảng cơ bản để ta hiểu về sang chấn tâm lý, từ đó lựa chọn được cách chữa lành phù hợp với bản thân ta hơn.

1.   Sang chấn là gì? 

Sang chấn, theo tạp chí Psychology Today, là phản ứng cảm xúc của một người đối với trải nghiệm đau buồn. Theo tạp chí này, trong cuộc đời con người thì hầu như ai cũng đều trải qua những cơn sang chấn. Các sự việc đau buồn có thể gây ra sang chấn tâm lý bởi lẽ, không giống như các khó khăn thông thường về mặt vật lý: cơm, áo, gạo tiền hay là khó khăn của việc đau tay, đau chân, khó khăn mà những sự việc đau thương có xu hướng xảy ra đột ngột, không thể đoán trước được và nó nằm ở ngoài tầm kiểm soát của con người. Những trải nghiệm đau buồn gây ra sang chấn có thể kể đến như mất cha mẹ, tai nạn ô tô, bạo lực tinh thần và thể xác, chiến tranh, hoặc chia ly với người yêu.

Quan trọng hơn cả, khi con người trải qua trải nghiệm đau buồn như vậy, con người ta thường khó mà quên đi mà nó sẽ lưu lại vào ký ức của họ. Điều này trong cuốn Sang chấn Tâm Lý của Bessel Van Der Kolk cũng đã đề cập đến việc các nhà khoa học đã chụp được não bộ con người và nhận thấy được cách mà não bộ phản ứng với các loại ký ức, cảm xúc. Trong cuốn sách này, tác giả cho biết rằng rất nhiều người phản hồi rằng họ rất đau khổ khi não bộ liên tục tràn ngập hình ảnh, âm thanh và cảm xúc từ quá khứ. Như vậy, những ẩn ức và khổ đau của con người nó vẫn tồn tại theo thời gian, thậm chí còn hằn lên trên trí não và cơ thể của họ.

Con người, vốn là giống loài của ký ức và hy vọng. Việc chìm vào trong ký ức là điều có thể rất đỗi bình thường. Tuy nhiên, khi ghi nhớ những sang chấn gắn liền với ký ức đau buồn, có thể dần sẽ tạo ra các vấn đề phức tạp hơn, ảnh hưởng đến đời sống, công việc và chất lượng cuộc sống của họ. Sang chấn cũng sẽ khác với ký ức thông thường trong cuộc sống của chúng ta. Ký ức, có thể vui buồn và kết thành câu chuyện, chúng ta có thể kể lại mà cơ thể không phản ứng với chúng, thậm chí có thể thấy thoải mái khi nói về nó. Nhưng với sang chấn vì ký ức đau buồn, chúng ta có thể cảm thấy bị đứt đoạn khi thuật lại câu chuyện ấy, cảm thấy cổ họng bị nghẹn, tim bị đau hay cụ thể là cơ thể trở nên phản ứng, và sau khi kể ra câu chuyện, chúng ta tiếp tục bị chìm vào cảm xúc đó.

2.   Các loại sang chấn

Sang chấn có rất nhiều loại. Tuy rằng các vấn đề của sang chấn thì sẽ rất phức tạp, nhưng ta có thể tạm liệt kê khoảng 4 loại sang chấn ở đây mà nếu quan sát kĩ, ta có thể thấy nó rất phổ biến và quen thuộc đối với bản thân mình và những người xung quanh.

Đầu tiên, có thể kể đến Sang chấn cấp tính. Đây là hình thức sang chấn phản ánh sự đau khổ dữ dội của một cá nhân ngay sau khi sự kiện xảy ra và phản ứng đó diễn ra trong thời gian ngắn. Ví dụ như tai nạn xe cộ, cái chết đột ngột của người thân.

Loại sang chấn thứ hai là Sang chấn mãn tính, loại sang chấn này có thể phát sinh từ các sự kiện không tốt, lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc kéo dài đối với một người. Ví dụ như bị bạo lực gia đình, bị bỏ rơi, bị lạm dụng tình cảm hoặc tình dục, bị bắt nạt dai dẳng tại nơi làm việc hoặc trường học.

Loại sang chấn thứ ba là Sang chấn phức tạp, loại hình này phát sinh do trải qua một chuỗi sự kiện sang chấn mang tính chất ám ảnh đậm sâu, tạo thành một kí ức đậm nét diện rộng mà người đó khó có khả năng thoát ra. Ví dụ: ta phát hiện ra vợ hoặc chồng – người mà mình hết lòng tin cậy, hi sinh lại lừa dối và tệ bạc với mình, liền sau đó ta gặp thêm cả một chuỗi sự việc thị phi dẫn đến việc mất lòng tin với tất cả. Người có biểu hiện của Sang chấn phức tạp thường bị mặt kẹt ở trong trải nghiệm ấy. Họ mang theo ấn tượng về mối quan hệ cũ vào mối quan hệ mới, có xu hướng khó tạo dựng được sự ổn định trong mối quan hệ.

Loại thứ tư là Sang chấn thứ cấp/gián tiếp, đây là sang chấn do tiếp xúc với nỗi đau của người khác. Các nghề nghiệp như bác sĩ, nhà trị liệu,... cũng có thể có biểu hiện sang chấn thứ cấp bởi họ thường tiếp xúc và trị liệu với những người đang bị tổn thương.

Những dạng thức sang chấn này thường mang tính phân loại độc lập, tuy nhiên, một người có thể có biểu hiện của nhiều loại hình sang chấn. Việc xác định được bản thân nằm trong loại hình sang chấn nào sẽ giúp ích cho nạn nhân sang chấn có cách tiếp cận chữa lành phù hợp.

Các loại hình sang chấn này đều có đặc điểm chung là ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh của con người. Trước các sự kiện đau buồn, não bộ sẽ được kích thích hạch hạnh nhân để phát hiện mối đe dọa. Hệ thần kinh giao cảm của con người cũng bắt đầu hoạt động và tạo ra các hormone gây căng thẳng, khi ấy cơ thể con người sẽ phản ứng: chiến hoặc biến. Những cảm xúc như nỗi sợ hãi, lo lắng, shock, tức giận hay thậm chí là gây hấn đều là phản ứng bình thường của một người khi ở trong cơn sang chấn. Sau khi cảm xúc tiêu cực tan biến và cơn khủng hoảng lắng xuống, người có biểu hiện sang chấn sẽ có xu hướng dễ quên, nhưng một số khác là chìm trong cảm giác đau buồn kéo dài.

Khi cơn sang chấn không được hỗ trợ, chữa lành, thậm chí phát triển lâu dài thì sẽ gây ra rất nhiều hậu quả khác và phát triển thành các hội chứng khác như rối loạn cảm xúc, phân ly, không cảm nhận được niềm vui hoặc buồn bã, lo âu,... và một hội chứng khá quen thuộc đó là PTSD (Rối loạn căng thẳng sau sang chấn). Thậm chí, sang chấn có thể khiến hạch hạnh nhân ở não trở nên hoạt động mạnh hơn, phản ứng quá mức với những sự kiện nhỏ và luôn khiến cho con người ta ở trong tình trạng căng thẳng, thường trực cảm giác phải phòng thủ với con người và môi trường xung quanh, gặp vấn đề với các mối quan hệ và khiến bản thân trở nên tự ti hơn nữa.

Nhiều người cho rằng, với những ký ức đau buồn thì nên quên đi, thực ra chẳng có ai muốn nhớ về ký ức đau buồn hay là các cơn sang chấn cả. Bởi lẽ, ai trong chúng ta cũng đều mong muốn có cuộc sống hạnh phúc và an toàn. Nhưng những sự kiện đau buồn, thậm chí là bạo lực đều có thể đến với chúng ta, đến trong xã hội này. Bởi vậy cần rất hiểu và mở lòng với những người là nạn nhân của cơn sang chấn, họ không hề yếu đuối, thậm chí nếu có biểu hiện của một trong bốn loại sang chấn kia thì rõ ràng họ đều rất vật vã để vượt qua. Bản thân ký ức là một thứ sẽ luôn tồn tại trong đời sống con người, tuy nhiên với các ký ức đau buồn tạo ra sang chấn, nó khiến nạn nhân liên tục sống với những ấn tượng đã qua; nó khiến người ta bị vùi chôn trong cảm xúc với quá khứ và dần dần khước từ việc cảm nhận cơ thể, khó sống trong hiện tại và gây ra các vấn đề tinh thần khác. Chính chúng ta, cũng là nạn nhân của sang chấn và tôi nghĩ chúng ta hiểu rằng giây phút ấy khó khăn như thế nào.

Thường trực trong tôi là cảm giác lo âu, trống rỗng, chán nản và sợ hãi với môi trường xung quanh và rất khó mở lòng, khó mà có thể có cuộc sống ổn định. Đi đến đâu cũng thấy sợ hãi và mất an toàn, trở nên phòng vệ với bất kỳ ai, chỉ cần một câu nói không hài lòng là người tôi đã căng lên và trở nên đau khổ, cảm giác buồn bã ùa về và không ăn uống được. Chẳng riêng gì tôi, bạn bè xung quanh tôi cũng như vậy. Tức là, có rất nhiều người xung quanh chúng ta đều có thể có sang chấn.

Vấn đề mà sang chấn gây ra phức tạp vô cùng, bởi nó còn in hằn vào não bộ và cơ thể. Bộ não của người sang chấn cũng sẽ khác với người không sang chấn rất nhiều, sau đó là hệ thần kinh cũng sẽ làm việc khác đi, diễn dịch mọi thứ khác đi. Và nếu bỏ mặc một nạn nhân sang chấn quá lâu thì sẽ gây ra nhiều thương tổn cho chính họ, cho chúng ta và cho tất cả mọi người.

3.   Chữa trị hay chữa lành

Rất nhiều cách chữa lành cho sang chấn tâm lý. Nhưng trước hết, có thể cần lắng nghe câu chuyện của nạn nhân và giúp họ giải tỏa để cân bằng. 
Cơ thể của người sang chấn là minh chứng lớn nhất cho hội chứng họ gặp phải, vì các ẩn ức sẽ hằn in trên đó, tiếp theo là não bộ sẽ báo cho họ và thậm chí cả chúng ta hiểu rằng người kia đang gặp sang chấn.

Ở phương Tây, các phương pháp trị liệu, tham vấn hoặc điều trị cho những người bị sang chấn có thể kể đến như:

  • Thay đổi lối sống: người có sang chấn sẽ được gợi ý can thiệp sớm bằng cách có lối sống lành mạnh như tập thể dục, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc, thường xuyên kết nối với mọi người và bạn bè; tạo thói quen chăm sóc bản thân.
  • Một số người có sang chấn kéo dài có thể sẽ cần các liệu pháp trị liệu như CBT (Liệu pháp nhận thức hành vi), Liệu pháp thôi miên, liệu pháp trị liệu liên cá nhân,...v..v.. hoặc một số sẽ được sử dụng thuốc để điều trị.

Ở phương Đông, các thảo luận về tâm lý cũng dần được mở rộng tiếp cận theo thiên hướng của khoa học. Các liệu pháp của phương Đông vốn đã có từ cổ xưa và thường cũng mang tính chữa lành và cũng rất hữu ích cho người gặp các vấn đề sang chấn. Ví dụ như Thiền định, sử dụng thiền kết hợp với việc uống các loại nước rau củ quả để cơ thể trở nên cân bằng. Thiên hướng chữa lành của phương Đông mang con người hòa quyện vào vũ trụ để trở về với chính tiềm thức của mình, thông thường, các phương thức này cũng rất hữu ích cho những người có duyên. 

Để có thể trở về với tiềm thức, kết nối bản thân với vũ trụ, những người có dấu hiệu sang chấn sẽ được hướng dẫn tập trung vào thiền, luyện tập để vận hành khí, điều hòa lưu thông máu huyết kinh lạc để cho năng lượng lưu thông, vừa có thể hỗ trợ sức khỏe và tác động tích cực vào tinh thần. Ngoài ra, các phương thức khai mở tâm linh cũng giúp cho những người có sang chấn được chữa lành, vì tâm linh là quay về với chính bản thân mình để chữa lành đứa trẻ bên trong, đồng thời khi tâm linh được dẫn dắt thì nguồn năng lượng sống của con người hòa với vũ trụ và từ đó mà có sự hòa hợp với đời sống. Khai mở tâm linh cũng là khai mở trí tuệ. Cơ chế chung của chữa lành là tin vào sự tự phục hồi của cơ thể, chữa lành sẽ không dùng thuốc mà chỉ đơn giản là sử dụng năng lượng vũ trụ và giúp cho con người ta có trường năng lượng tốt hơn. Những người có biểu hiện sang chấn sau trải nghiệm đau buồn sẽ dễ bị tắc nghẽn năng lượng và từ đó mà cơ thể khó phục hồi, thậm chí có thể mất đi cảm giác về cơ thể và thực tại. Như vậy, khi để hơi thở kết nối thân và tâm, tập sống với hiện tại và thực tập phương pháp chữa lành cũng sẽ là cách để chào tạm biệt chứng sang chấn.

Vashna Thiên Kim

 

Danh mục tài liệu tham khảo:
Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành (Bessel Van Der Kolk, M.D)
Não bộ kể gì về bạn (David Eagleman)
Bộ não siêu phàm ( Deepak Chopra – Rudolphe. Tanzi)
Psychology Today
What are eating disorders? (Rối loạn ăn uống là gì?)
Anxiety Disorders (Rối loạn lo âu)
Cấu tạo và cách hệ thần kinh trung ương hoạt động
How Does Trauma Affect the Brain? - And What It Means For You (Chấn thương ảnh hưởng đến não như thế nào? - Và nó có ý nghĩa gì với bạn)

Why Trauma Can Lead to Depression — and How to Cope (Tại sao chấn thương có thể dẫn đến trầm cảm - và cách đối phó)
Cách thoát khỏi sang chấn tâm lý đơn giản bạn nên thử

 

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger