GIỚI THIỆU VỀ AYURVEDA
12
05/2023

GIỚI THIỆU VỀ AYURVEDA

Y thuật Ayurveda là nghệ thuật sống hài hòa với các quy luật tự nhiên. Là môn khoa học về sự tự chữa lành, Ayurveda bao gồm chế độ ăn và dinh dưỡng, lối sống, việc luyện tập, nghỉ ngơi và thư giãn, thiền định, các bài tập thở, cùng những chương trình thanh lọc và trẻ hóa để chữa lành cơ thể tâm trí và tinh thần theo từng cấp độ học. Ayurveda là trí tuệ tự nhiên từ ngàn xưa về sức khỏe và chữa bệnh, một môn khoa học về cuộc sống. Mục đích và mục tiêu của môn khoa học này là nhằm duy trì sức khỏe cho người khỏe mạnh và chữa bệnh tật cho người đâu ốm. Cả hai nhiệm vụ này - Phòng chống (tức là duy trì thể trạng khỏe mạnh) và Chữa lành - đều được thực thi bằng những phương tiện hoàn toàn tự nhiên.

PHƯƠNG PHÁP Y HỌC HÀNG NGÀN NĂM TUỔI

Y học Ayurveda – khoa học về cuộc sống và sự trường thọ.

Trong ngôn ngữ tiếng Phạn, Ayurveda có nghĩa là “khoa học về cuộc sống và sự trường thọ”. Cái tên này đã mô tả mục tiêu mà hệ thống y học này nhắm tới: duy trì sức khỏe cho người khỏe mạnh và chữa lành bệnh tật cho người đau ốm.

Ayurveda là một hệ thống y học truyền thống của Ấn Độ đã ra đời và tồn tại hàng nghìn năm tuổi. Nó cũng là nghệ thuật sống hài hòa với các quy luật tự nhiên để duy trì sức khỏe cho con người.

Theo Ayurveda, sức khỏe là trạng thái cân bằng hoàn hảo giữa ba năng lượng cơ bản (3 dosha) của cơ thể kết hợp với một trạng thái cân bằng giữa thể xác, tâm trí và linh hồn hay ý thức. Bởi nhìn nhận toàn diện về sự sống và mối liên hệ giữa sự sống của cá nhân với sự sống của vũ trụ nên Ayurveda là hệ thống chữa bệnh tổng thể đúng nghĩa nhất: cơ thể, tâm trí, ý thức liên tục tương tác qua lại lẫn nhau và nằm trong mối quan hệ với con người và môi trường xung quanh.

Lý thuyết của Ayurveda cho rằng mỗi chúng ta đều có thể tạng – cấu trúc tâm lý sinh học (psychobiological) riêng biệt từng cá nhân với sự hợp thành từ 5 nguyên tố phổ quát của tự nhiên là: Không gian, Khí, Lửa, Nước, Đất. 5 nguyên tố này kết hợp tạo thành 3 năng lượng cơ bản (3 dosha):

  • Không gian và khí tạo thành Vata – năng lượng của sự chuyển động.
  • Lửa và nước tạo thành Pitta – năng lượng nhiệt – yếu tố cơ bản của sự tiêu hóa hay trao đổi chất, chuyển hóa vật chất thành năng lượng.
  • Nước và đất tạo thành Kapha – năng lượng cấu trúc và bôi trơn – các chất dịch.

Tại thời điểm thụ tinh, các yếu tố Vata, Pitta, Kapha hoạt động mạnh nhất trong cơ thể bố mẹ tùy theo mùa, theo thời điểm trong ngày, trạng thái cảm xúc và chất lượng mối quan hệ giữa 2 người sẽ hình thành nên một cá nhân mới với tập hợp các tính chất riêng biệt – dấu ấn cá nhân hay còn gọi là mã gien di truyền (prakruti). Đây cũng chính là thể tạng bẩm sinh của mỗi cá nhân. Xem xét thể tạng này trong mối liên hệ với các yếu tố từ môi trường bên ngoài có thể cân bằng cơ thể và đánh thức khả năng tự chữa lành.

 

Đánh thức người thầy thuốc bên trong chính bạn

Là môn khoa học về sự tự chữa lành, Ayurveda bao gồm:

  • Chế độ ăn và dinh dưỡng.
  • Lối sống và việc luyện tập, nghỉ ngơi, thư giãn,
  • Thiền định cùng các bài tập thở.
  • Sử dụng các loài thảo mộc.
  • Chương trình thanh lọc và trẻ hóa.
  • Liệu pháp bổ trợ như âm thanh, màu sắc và mùi hương.

Tất cả hướng đến mục tiêu chữa lành cơ thể, tâm trí và tinh thần – đánh thức khả năng tự điều tiết chữa lành của cơ thể mà không phải dùng đến thuốc hay phẫu thuật.

Thể tạng bẩm sinh của mỗi cá nhân (Prakruiti) sẽ luôn chịu tác động của nhiều lực từ bên ngoài: những thay đổi của tuổi tác, các mùa trong năm, sự biến động của sự việc bên ngoài và cảm xúc bên trong, thực phẩm chúng ta ăn…dẫn đến sự thay đổi của thể tạng, năng lượng:

  • Trải nghiệm gia tăng hoặc quá phát của kapha dẫn đến các bệnh cảm lạnh, tắc nghẽn, hắt hơi, dị ứng…đi kèm với tính cách gắn bó, tham lam, thích chiếm hữu.
  • Quá nhiều Pitta có thể trở thành người chỉ trích, giận dữ, cầu toàn và các triệu chứng cơ thể như tăng axit dạ dày, ợ nóng, tiêu chảy, kiết lỵ, phát ban, mẩn ngứa hoặc mụn nhọt…
  • Sự mất cân bằng về Vata có biểu hiện thành chứng táo bón, chướng bụng, đau thần kinh tọa, mất ngủ hay triệu chứng tâm lý sợ hãi, lo âu, bất an…

Những triệu chứng trên và vô số bệnh khác là nguồn cơn cho sự đau khổ của con người đều xuất phát từ những thay đổi của hệ sinh thái bên trong cơ thể, làm xáo trộn sự cân bằng của mỗi cá nhân, thay đổi hóa sinh tinh vi và dẫn đến bệnh tật nghiêm trọng.

Muốn duy trì sức khỏe và sự cân bằng, chúng ta phải điều chỉnh giữa 3 dosha, tăng hoặc giảm các yếu tố tùy theo nhu cầu và điều kiện. Điều này đòi hỏi chúng ta phải lắng nghe cơ thể, nhận biết và tỉnh thức. Bằng cách lắng nghe và điều chỉnh từ chính bản thân mình, bạn sẽ có được sức khỏe tốt mà không cần trông chờ quá nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Chữa lành – sống khỏe mạnh và cần bằng, có ý thức trọng vẹn trong từng khoảnh khắc hiện tại chính là một lối sống hướng đến sự bền vững lâu dài.

 

Ayurveda – tri thức để sống tỉnh thức - cân bằng toàn diện

Ayurveda không phải là một hình thức trị liệu bị động mà nó đòi hỏi mỗi cá nhân chịu trách nhiệm cho những lựa chọn trong lối sống của mình. Thông qua chế độ ăn, các mối quan hệ, công việc, cùng vô số trách nhiệm và toàn bộ cuộc sống thường nhật của mình, chúng ta có thể thực thi những giải pháp đơn giản nhằm phòng chống bệnh tật, tự chữa lành, đạt đến sự toàn diện và trọn vẹn để sống viên mãn.

Khi sinh ra chúng ta đều mang mục đích (ý nghĩa cuộc đời, sự kết nối tinh thần) và hệ thống niềm tin. Những yếu tố này sẽ tác động toàn diện tới đời sống thường nhật của chúng ta, thể hiện ở bốn phương diện cơ bản của cuộc sống:

  • Dharma: nghĩa vụ, hành động đúng.
  • Artha: của cải, thành công.
  • Kama: khát vọng, niềm tin tích cực.
  • Moksha: sự giải phóng tinh thần.

 

Bốn phương diện này còn được gọi là bốn purushastha – 4 thành tựu vĩ đại trong cuộc sống của một cá nhân bất kì. Nhưng muốn có các thành tựu này thì phải có sức khỏe toàn diện nền tảng. Chúng ta rất dễ thấy những vấn đề bên ngoài: áp lực kiếm tiền, chuyện như ý hay không ở chỗ làm, mối quan hệ vui vẻ hay trục trặc….nhưng ít ai nhận ra nguyên nhân gốc rễ của nó nằm trong chính mình. Thật dễ dàng để đổ lỗi: tôi kiếm được ít là do tôi đen đủi, mối quan hệ trục trặc là do người kia quá tệ….nhưng thật khó khăn để nhận trách nhiệm rằng những việc đó xuất phát từ chính mình.

Hãy thử nghĩ xem: khi bạn thực sự khỏe khoắn, dễ chịu thì đầu óc có minh mẫn tỉnh táo, tinh thần có tốt lên không? Cùng với đó là sắc diện tươi mới, tác phong nhẹ nhàng….và cũng chính những điều ấy giúp người khác có thiện cảm với bạn, từ đó mọi giao thiệp, kết nối dễ hanh thông…

  • Muốn duy trì Dharma (hành động đúng) và thực hiện những nghĩa vụ, trách nhiệm với bản thân, với người khác, chúng ta phải khỏe mạnh.
  • Muốn tạo nhiều của cải, đạt thành công (Artha), ta càng cần có sức khỏe.
  • Muốn nuôi dưỡng những khát vọng tích cực và sáng tạo (Kama) chúng ta cần có một tâm trí, ý thức lành mạnh và cơ thể khỏe mạnh.
  • Còn Moksha (sự giải phóng tinh thần) chính là sự hài hòa hoàn hảo giữa cơ thể, tâm trí và ý thức.

Như vậy, toàn bộ khả năng đạt được thành công và thỏa nguyện trong cuộc sống đều phục thuộc vào việc có một sức khỏe tốt.

 

CÁC THUẬT NGỮ TRONG Y HỌC AYURVEDA

AGNI

Lửa sinh học cung cấp năng lượng cho toàn bộ các chức năng của cơ thể. Agni điều tiết nhiệt trong cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, hấp thu và đồng hóa thức ăn. Agni chuyển thức ăn thành năng lượng hoặc ý thức.

AHAMKARA

Bản ngã, cảm giác về cái tôi biệt lập, “tôi là”.

AMA

Chất độc mang bệnh do thức ăn không tiêu trong cơ thể sản sinh ra, vốn là căn nguyên của nhiều bệnh lý.

ANUPANA

Chất dẫn thuốc để uống cùng thảo dược.

AYURVEDA

Khoa học về sự sống, bắt nguồn từ ngôn ngữ tiếng Phạn.

BASHI

Một trong năm biện pháp thanh tẩy quan trọng của Panchakarma giúp đào thải dosha vata thừa khỏi cơ thể thông qua thụt phân bằng trà thảo dược hoặc dầu thảo dược. Liệu pháp này hỗ trợ đắc lực cho việc chữa lành rối loạn Vata. Nghĩa đen là ruột của quả bóng (thời xưa, thụt được làm từ da động vật).

BHASMA

Một hỗn hợp đặc trị của Ayurveda được bào chế và khử khuẩn bằng cách đem đốt thành tro, bhasma có tác dụng cực mạnh và phóng prana vào cơ thể.

BHASTRIKA

Thở lửa, một bài thực hành thở (pranayama) trong đó không khí được hít vào bị động rồi bị đẩy ra thật mạnh như được thở từ ống bễ. Bài tập này có tác dụng tăng nhiệt và cải thiện tuần hoàn.

BHRAMARI

Thở phát ra tiếng. Một bài thực hành thở (pranayama) trong đó người tập thở vừa thở ra và hít vào vừa khẽ phát ra một tiếng “ừm” nhẹ như tiếng đập cánh của loài ong. Bài tập này giúp trấn an tâm trí và hạ nhiệt pitta.

CHAI

Từ chung để chỉ các món trà, đặc biệt là trà đen pha với sữa, đường và gia vị.

DAL

Tên gọi chung cho tất cả các loại hạt đậu khô. Hầu hết các loại dal đều được tách vỏ và vỡ đôi để chúng chín nhanh hơn khi nấu và dễ tiêu hơn.

DHATU

Mô cơ bản cấu tạo nên cấu trúc của cơ thể. Ayurveda cho rằng có 7 loại dhatu là rasa (huyết tương), rakta (máu), mamsa (mô cơ); meda (mô mỡ), asthi (tủy); majja (xương và các dây thần kinh), shukra và artava (mô sinh sản của nam và nữ).

DHATU ARTAVA

Mô sinh sản của nữ giới, một trong 7 dhatu hoặc mô cơ thể.

DHATU ASTHI

Một trong 7 Dhatu hoặc mô cơ thể, cụ thể là mô xương có vai trò nâng đỡ, bảo vệ cơ thể, tạo hình và kéo dài tuổi thọ.

DHATU MAJJA

Một trong 7 Dhatu hoặc mô cơ thể; gồm tủy và dây thần kinh, trơn và mềm. Chức năng chính của Dhatu majja là bôi trơn cơ thể, làm đầy xương và nuôi dưỡng Dhatu shukra.

DHATU MAMSA

Một trong 7 Dhatu hoặc mô cơ thể; gồm các mô cơ. Dhatu masma do rasa và rakta tạo thành với chức năng chính là đem lại sức mạnh, khả năng phối hợp, vận động, che chở, tạo hình và bảo vệ cơ thể.

DHATU RAKTA

Loại mô thứ hai trong số bảy mô cơ thể, với thành phần chính là các tế bào hồng cầu có chức năng mang năng lượng sống (prana) tới tất cả các mô cơ thể, nhờ đó chúng được cung cấp oxy hay chức năng sống.

DHATU RASA

Là Dhatu đầu tiên, rasa là huyết tương được nuôi dưỡng bằng các dưỡng chất lấy từ quá trình tiêu hóa thức ăn và sau khi hấp thu dưỡng chất, rasa tuần hoàn trên toàn cơ thể thông qua một số kênh cụ thể. Chức năng chính của rasa là cung cấp dưỡng chất cho mọi tế bào của cơ thể.

DHATU SHUKRA

Mô thứ bảy, mô sinh sản của giống đực.

DOSHA

Nguyên lý hoạt động sinh tâm thần học chính của cơ thể, bao gồm vata, pitta, kapha. Các dosha xác định thể tạng của từng cá nhân và duy trì tính toàn vẹn cho cơ thể con người. Chúng cũng từ chối phản ứng của từng cá nhân trước những thay đổi. Khi bị xáo trộn, các dosha có thể châm ngòi cho một quá trình bệnh tật.

3 DOSHA

Ba tổ chức hay ba bộ mã của trí thông minh trong cơ thể, tâm trí, ý thức; đây cũng là 3 khí chất của cơ thể: khí (Vata gắn hyperlink, kéo thẳng xuống định nghĩa của Vata bên dưới), lửa/ mật (Pitta, kéo thẳng xuống định nghĩa của Pitta bên dưới) và nước (Kapha, kéo thẳng xuống định nghĩa của Kapha bên dưới).

GUGGULU

Thành phần chính trong một loạt các công thức thảo dược (yogaraj gugulu, kaishore guggulu….Guggulu là nhựa của một loại cây thân nhỏ, mang nhiều dược tính hữu ích; chẳng hạn guggulu tốt cho hệ thần kinh, giúp tăng cường năng lượng và kháng viêm cho các mô cơ.

GUNA

Là 3 tính chất với tác động với mọi tạo vật: Sattva (gắn hyperlink), Rajas (gắn hyperlink), và Tamas (gắn hyperlink).

KAPHA

Một trong ba dosha. Kapha là sự kết hợp của nguyên tố đất và nguyên tố nước, là năng lượng hình thành nên cấu trúc của cơ thể, xương, cơ bắp, gân và cung cấp “chất keo” để gắn kết các tế bào. Dosha này cung cấp nước cho mọi bộ phận và hệ thống trong cơ thể, bôi trơn các khớp, làm ẩm da và duy trì miễn dịch. Ở trạng thái cân bằng, kapha được biểu hiện thành yêu thương, điềm tĩnh và bao dung. Khi bị mất cân bằng, kapha dẫn theo sự đeo bám, lòng tham và đố kỵ.

KHAVAIGUNYA

Một không gian bị suy yếu hoặc không gian khiếm khuyết ở bên trong một cơ quan hoặc mô của cơ thể, nơi dễ hình thành bệnh.

KIM CANG

Hay “nước mắt của thần Shiva” là hạt khô lấy từ quả của cây kim cang. Hạt kim cang được xem là tốt cho tim cả về mặt vật lý lẫn tâm linh, hỗ trợ thiền và mở luân xa tim.

KITCHARI

Hỗn hợp gồm đậu, gạo và gia vị nấu chín rất dễ tiêu và giàu Protein thường được dùng làm nguồn cung cấp dưỡng chất trong chế độ “nhịn đói bằng thực phẩm”.

LASSI

Thức uống chế biến từ sữa chua, nước, gia vị đem lại cảm giác sảng khoái và thường được dùng cuối bữa ăn để hỗ trợ tiêu hóa. Lassi có thể được gia giảm mặn hoặc ngọt.

LUÂN XA

Các trung tâm năng lượng của cơ thể, liên quan đến các trung tâm đám rối thần kinh chi phối các chức nặng của cơ thể, mỗi luân xa là một bể chứa của ý thức.

MAHAT (MAHAD)

Là nguyên lý vĩ đại, trí thông minh, phần thiên tạo của trí tuệ. Mahat bao hàm cả trí tuệ của mỗi cá nhân, gọi là Buddhi.

MARMA

Điểm chí tử. Điểm tập trung năng lượng trên da, có những cánh cửa tiếp nhận và kết nối với các kênh chữa lành ở bên trong cơ thể.

MUNG DAL

Một loại đậu hạt nhỏ đã được tách vỏ và vỡ đôi, thường có màu vàng và là món ăn dễ tiêu.

NASYA

Phương pháp đưa thuốc vào cơ thể qua đường mũi, một trong 5 biện pháp của chương trình Panchakarma.

OJA

Tinh túy thuần khiết của tất cả các mô cơ thể (Dhatu) là phần tinh túy nhất của Kapha, có tác dụng duy trì miễn dịch, thể lực và sinh khí. Oja còn giúp con người mở rộng nhận thức và đạt đến chân phúc, đồng thời chi phối chức năng miễn dịch của cơ thể. Nếu oja bị cạn kiệt, con người có thể đi đến chỗ chết.

PANCHAKARMA

Năm biện pháp đào thải dosha và ama thừa ra khỏi cơ thể. Thực hiện Panchakarma có tác dụng thanh lọc cơ thể từ bên trong. Chương trình này bao gồm nôn (vamana), tẩy rửa (virechana), thụt phân bằng dầu thảo dược hoặc nước sắc thảo dược (basti), trích máu (rakta moksha) và đưa thuốc vào mũi (nasya).

PITTA

Một trong 3 dosha, tương ứng với nước và lửa. Đôi khi Pitta còn được gọi là nguyên lý lửa hoặc nguyên lý mật. Pitta chi phối quá trình tiêu hóa, hấp thụ, đồng hóa, trao đổi chất và thân nhiệt. Ở trạng thái cân bằng, pitta thúc đẩy sự hiểu biết và trí thông minh, còn khi mất cân bằng, nó sinh ra sự giận dữ, thù địch và ghen tuông.

PRAKRUTI

Bản chất cố hữu hay cấu trúc sinh học, thần kinh học của mỗi cá nhân. Khái niệm Prakruti chỉ là thể tạng cố định của mỗi con người, phản ánh tỷ trọng của ba dosha (vata, pitta, kapha) được thiết lập trong cơ thể tại thời điểm bắt đầu được thụ thai.

PRAKRUTI

Chữ P viết hoa, là Sự sáng tạo của Vũ trụ, là năng lượng sơ khởi.

PRANA

Sinh khí hay năng lượng sống cốt tử. Không có prana sẽ không thể có sự sống. Prana là dòng chuyển dịch của trí thông minh tế bào, chảy từ tế bào này sang tế bào khác. Prana tương đương với khái niệm khí của phương Đông.

PRANAYAMA

Kiểm soát năng lượng sống bằng các kĩ thuật đa dạng có tác dụng điều tiết và kìm giữ hơi thở, qua đó giúp người thực hiện làm chủ tâm trí đồng thời cải thiện chất lượng nhận thức và hiểu biết. Pranayama hữu ích cho tất cả các dạng thiền.

PURUSHA

Nhận thức bị động, không lựa chọn, sinh mệnh Vũ trụ thuần khiết.

RAJAS

Một trong ba tính chất phổ quát (guna) của Prakruti, Sự sáng tạo của Vũ trụ. Rajas chủ động, lưu động và sôi nổi.

RASATANA

Liệu pháp trẻ hóa giúp các tế bào, mô và cơ quan của cơ thể được phục hồi, tái tạo, kéo dài tuổi thọ tế bào, củng cố thể lực và miễn dịch.

RISHI

Bậc hiền triết cổ đại thời Vệ Đà. Thời xa xưa, các rishi đã lĩnh hội và ghi lại những bài thơ vịnh Vệ Đà. Sau khi giác ngộ, họ tiến hành truyền bá tri thức, ý thuật, triết lý và giáo lý của nền văn hóa này.

SAMPRAPTI

Toàn bộ quá trình của một căn bệnh từ lúc mới hình thành do các nguyên nhân ban đầu tới các giai đoạn tiếp theo cho đến khi hoàn chỉnh biểu hiện.

SANKHYA

Là một trường phái triết học Ấn Độ, Sankhya bao hàm cả “óc phân liệt” và “liệt kê”. Triết học Sankhya giải thích một cách hệ thống quá trình tiến hóa của vũ trị từ Purusha (Linh hồn vũ trụ) và Prakruti (Năng lượng sơ khởi) qua các giai đoạn tiến hóa: Mahad (trí thông minh vũ trụ), Ahamkara (nguyên lý phân chia); Mana (tâm trí), Indriyas (cánh cửa nhận thức ở bên trong mỗi cá thể); Tanmatras (khách thể của nhận thức) và Mahat Bhutas (5 nguyên tố vĩ đại). Sat có nghĩa là chân lý, còn khya có nghĩa là nhận biết. Vì thế Sankhya có nghĩa là nhận biết lý thuyết tạo tác của vũ trụ nhằm nhận biết chân lý tối cao của sự sống con người. Sankhya cho ta biết hành trình ý thức trở thành vật chất.

SATTVA

Là một trong ba guna của Prakruti, Sattva bao hàm ánh sáng, sự thông suốt, sự thuần khiết của nhận thức, là cốt lõi của nhận thức thuần khiết.

SHITALI

Thở làm mát. Một dạng thực hành pranayama (chế ngự hơi thở) giúp hạ nhiệt cơ thể. Cong hai cạnh lưỡi thành hình ống rồi hít khí vào qua lưỡi, thở ra chậm, đều và triệt để.

SUCANAT

Một loại đường hạt tự nhiên là sản phẩm của nước mía nguyên chất được lọc, đun nóng và làm lạnh cho đến khi hình các tinh thể nhỏ.

SURYA NAMASKAR

Chuỗi tư thế Chào mặt trời, một chuỗi tuần tự các tư thế yoga kết hợp với hơi thở.

TAMAS

Một trong 3 guna của Prakruti hay Tự nhiên. Tamas đại diện cho năng lượng với tính chất buồn tẻ hoặc trì trệ. Tamas là tính chất dẫn đến sự hủy diệt, giống như cách mà thiên nhiên hủy diệt tất cả mọi thứ. Nghĩa là “Bóng Tối, mang các đặc trưng tối, ù lì và mê muội. Tamas sinh ra giấc ngủ, gây nên trạng thái uể oải, trì độn, bất tỉnh.

 

TEJA

Tinh túy thuần khiết của yếu tố lửa, là phần tinh túy nhất của dosha pitta, teja chi phối quá trình chuyển hóa vật chất thành năng lượng, thức ăn, nước và không khí thành ý thức.

TIÊU LỐT

Tên khoa học Piper longum, một loại cây có họ gần với tiêu đen, đồng thời là một thảo dược đa dạng nhất là để chữa các bệnh về tiêu hóa và hô hấp. Ngoài ra tiêu lốt còn có tác dụng trẻ hóa phổi và gan.

TIKTA GHRITA

Một hỗn hợp Ayurveda làm từ bơ được gạn trong rồi đem pha với một số thảo dược đắng có nhiều công dụng trị bệnh.

TRIKATU

Hỗn hợp Ayurveda gồm gừng, tiêu đen và tiết lốt có tác dụng đốt cháy ama, thải độc cơ thể, cải thiện tiêu hóa, hấp thu và đồng hóa.

TRIPHALA

Một công thức thảo dược quan trọng trong Ayurveda gồm ba thảo dược: lý gai, bàng hôi và kha tử. Đây là vị thuốc nhuận tràng lý tưởng, đồng thời là bài thuốc trẻ hóa cân bằng tốt cho cả 3 dosha.

VATA

Là một trong ba dosha, được tạo thành từ nguyên tố không gian và khí, vata là năng lượng vi tế có liên hệ với chuyển động cơ thể, chi phối hơi thở, cử động của mắt, cơ và các mô, nhịp đập của tim và tất cả các chuyển động trong tế bào chất và màng tế bào. Ở trạng thái cân bằng, vata thúc đẩy sự sáng tạo và linh hoạt, mất cân bằng sinh cảm giác sợ hãi và lo âu.

VIKRUTI

Thể tạng hiện thời của mỗi cá nhân, khác với thể tạng bẩm sinh (Prakruti) hình thành tại thời điểm thụ thai. Vikruti cũng có thể là cơ sở để nhận biết những rối loạn trong cơ thể.

 

Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger