Đời bây giờ, ai cũng “biết”
13
02/2024

Đời bây giờ, ai cũng “biết”

"Mê Đắm" - bài học mà có lẽ ai cũng phải đối mặt khi trải qua kiếp người.

Ai cũng biết, ăn nhiều dầu mỡ, đạm cao sẽ dư cholesterol, mà dư cholesterol sẽ bị tăng mỡ trong máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, gia tăng nguy cơ tai biến mạch máu não…. Nhưng vì các món dầu mỡ, nhiều gia vị rất ngon, rất dính, rất khó cưỡng lại. Mà ai cũng nghĩ ăn chút có sao đâu, vì thường để cơ thể phát ra các triệu chứng bệnh thì còn lâu ai mà biết được, nên ít ai sợ.
 
Và thế là, chúng ta thật sự không thể cưỡng lại rồi cuốn theo nó, bị những thói quen xấu "nhấn chìm" trong vô vọng, trong sự "chấp nhận" hoặc "mặc kệ", ăn cái mai rồi tính, mai rồi giảm cân dù có những trường hợp bị béo phì ảnh hưởng đến cả sức khoẻ, ngoại hình, mặc cảm ghét bản thân nhưng vẫn không thể vượt qua cơn thèm, vẫn ăn uống vô tội vạ.
 
Phải mà mỗi người đều không biết những tác hại của thói quen xấu, rồi lậm vào nó thì không nói, đằng này ai cũng "thông minh", ai cũng "biết" cả, nhưng vẫn chịu hàng. Đầu hàng bởi bản thân mình, bản thân mà Kim đề cập ở đây chính là "cái tôi giả" (mình cũng hay gọi là Bản Ngã) che lấp mỗi người.
 
Ví dụ về chuyện ăn uống trên chỉ là một khía cạnh nhỏ mà ta bị "Mê Đắm"! Thực tế, giờ thời buổi công nghệ thông tin cao, mọi người dễ cập nhật được hầu hết mọi thông tin nếu muốn biết, tất nhiên kể cả những điều nào tốt, điều gì không tốt cho bản thân… Nhưng đa số biết là một chuyện, có làm được điều mà mình biết đấy hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác.
 
Vậy nên giờ thấy ai cũng chia sẻ nhiều điều hay, thấy nói sẽ nói rất hay, nhưng chỉ dừng lại ở việc nói, vì để làm khó lắm!
Đó là tập tục thói quen đã ăn sâu vào mỗi con người khi nuông chiều "cái tôi" của mình, dính mắc vào cái gọi là: "Mê Đắm" - bài học mà có lẽ ai cũng phải đối mặt khi trải qua kiếp người.
 
Ai đã tốt nghiệp được bài này thì xin chúc mừng! Cuộc đời bạn vẫn sẽ có đầy đủ mọi thứ nhưng bạn không bị dính mắc bởi điều gì. Vậy nên trước khi hành động, hãy đặt câu hỏi: "Làm điều này để làm gì? Động cơ cho hành động này là gì?"
Bị chìm trong thế giới của cái tôi với đầy ái kỉ, chúng ta luôn đối mặt với việc từng phút từng giây phải gặp gỡ bạn "Mê Đắm" - một thực thể toàn diện đầy mê hoặc. Từ Mê Đắm không chỉ là tình yêu đôi lứa, nó còn bao gồm sự đam mê cuồng nhiệt và đạt đỉnh trong lãng mạn, mơ hồ sợ rằng điều gì đó sẽ biến mất, mê đắm mọi thứ mang lại sự thoả mãn nhất thời cho ta. Khát vọng về tiền bạc, vị thế, vẻ đẹp và thực lực chỉ là những dấu hiệu khai phá biểu hiện ra của Mê Đắm.
 
Nếu không cẩn thận và phân định rõ, việc mà mỗi người chạy đua - học hỏi và leo dần lên đỉnh cao của bất kỉ điều gì thì nó không chỉ đơn thuần là ý nghĩa về việc phát triển bản thân nữa, nó sẽ mang ý nghĩa hoàn toàn khác, ý nghĩa của sự chìm đắm trong mộng tưởng, dần mất lí trí mà chạy theo tham vọng ngày một lớn dần của bản thân, rồi cũng chính vì ý nghĩa này nên mới gây ra sự khổ - sự đau - sự vướng mắc.
 
Nếu là cái tôi thật - bản chất thật bên trong bạn, có thể gọi là Chân Ngã thì nó thật chất không có nhu cầu gì và tuyệt đối không mê đắm, không bị bạn Mê Đắm chi phối. Chân Ngã hành động thuận theo tự nhiên chứ không chạy đua, không vì bất kể điều gì. Mục tiêu thật sự của Chân Ngã không nằm ở kết quả đằng sau mỗi hành động, hành động chỉ đơn thuần là hành động thôi. Bởi xưa nay, con đường tu tập là nói về việc "sửa mình", tức là bạn chỉ cần sửa đổi thói quen xấu, đừng để nó chi phối - khống chế bạn từ suy nghĩ đến hành động, vậy là đã "ngộ" rồi, đã "thoát" rồi, không phải tu tập là cao siêu gì.
 
Nhưng hiện trạng ngày càng nguy hiểm hơn khi mình nói về việc thời bây giờ ai cũng biết! Một khi bạn cho là bạn đã biết tất, bạn sẽ không đề phòng cảnh giác với những rủi ro - thiệt hại mà những thói quen xấu ăn dần ăn mòn bạn từng ngày, tâm trí cái tôi thường biết cách hợp lý hóa những cơn khát vọng, đánh lừa bản thân rằng mọi thứ đều hợp lý. Tâm trí thật sự chính là một tên lừa đảo khôn ngoan. Nó luôn có cách để bào chữa hoặc kéo dài thời gian, nó khiến bạn chấp nhận những giao kèo kéo dài không hồi kết. Và cứ như thế, sức mạnh tác động từ những thói quen cũ vẫn đang gai góc trong tâm hồn chúng ta, như một vùng đáy biển bí ẩn sâu thăm thẳm.
 
Thực tế là, tâm trí là công cụ kì diệu của tạo hoá, là phương tiện để giúp ta học hỏi, nhưng sự thông minh của tâm trí đôi khi chỉ tìm cách hợp lý hóa những khao khát, thay vì ngăn chặn chúng.
 
Ví dụ, ai cũng biết uống bia rượu là ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ, bằng chứng là mỗi khi uống nhiều bạn sẽ loạn thần, không kiểm soát được hành vi, bạn không nhớ mình nói gì, bạn thấy rất đau đầu! Bạn rõ biết tế bào não của bạn bị ảnh hưởng, không những thế chưa kể gan, dạ dày, đường ruột… nhưng bạn hoàn toàn có thể chấp nhận hy sinh vài tế bào não bị hư hại, chấp nhận các cơn đau mệt của cơ thể sau đó, chỉ vì tâm trí khiến bạn nghĩ rằng sau 1-2 ngày bạn sẽ phục hồi. Nhưng tin buồn cho những ai để tâm trí chính mình lừa gạt đó là tế bào não đã chết đi không bao giờ phục hồi lại.
 
Theo tuổi trẻ.vn: Các nhà khoa học đã chứng minh, nếu trong 100g máu có 0,52 ml rượu nguyên chất, thì trong não có 0,41 ml; thận có 0,39 ml; cơ bắp có 0,33 ml. Và cũng chính vì vậy, người uống rượu thường rơi vào trạng thái phấn khích tinh thần, khó kiểm soát hành vi và suy nghĩ của mình. Ở hệ thần kinh, ngay khi chỉ uống một lượng vừa phải (tương đương với 0,3 lít bia hoặc 100 ml rượu vang), tùy theo cân nặng và cấu tạo của cơ thể, cồn đã có tác động đến hệ thống thần kinh và đặc biệt là lên não: góc nhìn bị thu hẹp lại và thời gian phản ứng chậm đi.
 
Các nhà nghiên cứu đã thấy rằng uống 50g cồn hằng ngày sẽ để lại tác hại vĩnh viễn với hệ thần kinh. Ước lượng vào khoảng 100.000 tế bào não sẽ bị giết chết khi uống một ly bia. Trong một cơn say rượu con SỐ TẾ BÀO NÃO CHẾT ĐI là 10.000.000. Do vậy, uống quá nhiều rượu - bia sẽ hủy hoại tế bào não.
 
Tâm trí của con người có khả năng tạo ra lý do để điều trị hộ cho những hành vi không tốt, và đây chính là lúc cần phải nghiêm túc đưa ra quyết định kiểm soát bản thân. Kim nhận thấy có nhiều nguyên tắc rất cơ bản, như ăn uống, ngủ nghỉ, tập thể thao, tổ chức không gian sống, lựa chọn nghề nghiệp, bạn bè, sở thích mà hầu hết chúng ta đều dính mắc vào những thói quen xấu với những điều cơ bản trên, thiếu sự kiên trì và quyết tâm tránh né những cám dỗ.
 
Chúng ta có thể đọc và biết nhiều, nói hay, nhưng cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vẻ đẹp nội tâm, sức khỏe thể chất và tinh thần, mối quan hệ, tất cả đều phản ánh khả năng sống theo những điều chúng ta làm chứ không phải những điều chúng ta biết. Bởi vậy biết thì dễ, nhưng làm thì khó. Vòng quay, vòng lặp của cuộc sống cứ mãi có vấn đề, mãi không tiến bộ, đó là cách chúng ta sống ít hơn so với kiến ​​thức chúng ta đã hiểu. Vậy giải pháp là thế nào? Chúng ta cần làm gì đây?
 
Trong hành trình sống, để vượt qua những thách thức và duy trì sự tồn tại với những hiểu biết đã có, chúng ta cần kỷ luật và sự kiên nhẫn hơn là chỉ có thông minh. Chúng ta cần sống với những thứ chúng ta "biết" nhiều hơn. Đó là lý do tại sao người thành công hay người giác ngộ đều coi kỷ luật là điều quan trọng hàng đầu. Sau khi đọc bài này, bạn có thể dành vài phút, để có thể nhìn nhận lại xem, bạn sống với bao nhiêu những điều mà bạn “biết”?
 
Kỉ luật được với bạn thân là bạn sẽ thoát khỏi những ràng buộc và vướng mắc của cái tôi, kỉ luật bao nhiêu tự do bấy nhiêu!
 
Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger