Câu chuyện từ Himalaya: Đôi bàn tay đông cứng, Sự sợ hãi và Sức mạnh vô hạn của ý chí
“...Ahh đau quá…đau quá…Eli Eliiii, Sherpa, Sherpaaaa ơi…tay Kim đau quá, không cử động nữa rồi, chết rồi, mất cảm giác rồi, đau buốt quá…” “Không ổn rồi, không ổn rồi” “Đôi tay cô ấy lạnh cóng hết rồi” “Cố lên, cố lên, để tôi giúp cô. Đừng khóc nhé, nước đông lại sẽ khiến cô nghẹt thở đấy” “Urrr, đau quá, tôi không chịu được nữa, đôi tay tôi còn nữa không?!” “Cố lên, tập trung vào, cô sẽ ổn thôi, đừng đầu hàng …”
👉 Read the English version here: https://vashnathienkim.org/the-story-from-the-himalayas-frozen-hands-fear-and-the-boundless-power-of-will
Khi ngồi viết lại những dòng nhật ký hành trình này, nỗi sợ trong tôi vẫn gợn lên một cách rõ rệt, những cảm giác đó thật kinh hoàng. Hôm đó, tôi nghĩ mình đã mất đi đôi tay này, trong cái giá lạnh của tiết trời -33°C trên hành trình Himalaya. Tôi đã trải nghiệm một cảm giác có lẽ không bao giờ có thể quên trong cuộc đời này. Cảm giác một phần thân thể mình bị mất đi trong sợ hãi.
Hành trình chinh phục Himalaya không chỉ là cuộc chiến với địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, không khí loãng mà còn là thử thách vô cùng lớn với sức chịu đựng của con người. Dù là bất kỳ ai, một người bình thường, một vận động viên chuyên nghiệp hay một người bản xứ sinh ra và lớn lên trong giá lạnh khắc nghiệt này đều có nguy cơ gục ngã trước thiên nhiên nơi đây. Tuy nhiên, không dừng lại ở những điều kiện đó, thử thách hành trình của tôi lại tăng lên rất nhiều khi có những hiện tượng thời tiết kỳ lạ xuất hiện. Theo lời của những người dân bản địa và người dẫn đường, họ rất ngạc nhiên khi thời tiết lại xuống độ sâu như vậy tại cao độ này. Tại nơi dừng chân đêm của chúng tôi, ở độ cao chưa đến 5000m, nhiệt độ đã xuống qua -30°C, mức nhiệt độ thường thấy trên những đỉnh núi ở độ cao khoảng 8000m. Thêm vào đó là bão tuyết, một hiện tượng ít xuất hiện trong thời gian vài năm trở lại đây theo lời của những Sherpa. Hai ngày qua, một cơn bão tuyết lớn từ đỉnh Kala Patthar tiến thẳng về phía nơi chúng tôi lưu trú, khiến nhiệt độ giảm sâu rất nhanh, hạn chế tầm nhìn và rất khó để di chuyển. Chúng tôi phải nán lại nơi lưu trú thêm 2 ngày để bảo đảm an toàn. Nhưng điều đó cũng làm trễ thời gian của hành trình đã định sẵn. Sau khi đã ổn định, chúng tôi gấp rút lên đường và phải leo bộ khoảng 10-11 tiếng / ngày để bảo đảm lộ trình và phải bỏ qua 1 ngày làm quen với độ cao để hạn chế những trường hợp sốc độ cao và sốc nhiệt. Những điều kiện này làm tăng tính thử thách lên nhiều lần, đặc biệt là đối với cơ thể vật lý của tôi, một cô gái nhiệt đới chưa từng luyện tập cho việc leo núi tuyết trong điều kiện giá lạnh và không khí loãng như vậy.
Hôm đó là ngày thứ 2 chúng tôi đuổi theo hành trình. Xuất phát sáng sớm tinh mơ, và nhiệt độ vẫn rất lạnh, ở ngưỡng dưới -30°C. Khi ra khỏi Teahouse để bắt đầu hành trình, cơ thể của tôi vẫn đang có năng lượng do mỗi sáng, tối tôi đều thực hành phương pháp Vashna MeenaKee và HaaMa Breath, cung cấp năng lượng và điều hòa nhiệt độ cơ thể để chống chọi với điều kiện khắc nghiệt. Một phần nữa là do tôi không thể ăn uống được gì nhiều trong thời gian leo núi. Điều kiện hạn chế tại nơi đây nên thức ăn bản địa có chủ yếu là thịt, trứng, sữa, tinh bột và rau khô. Do đã theo chế độ ăn nghiêm ngặt nên cơ thể tôi phản ứng với đồ ăn, chúng không thể tiếp nạp. Gần như 3 ngày nay tôi không ăn gì, ngoài một chút táo và trà nóng. Sherpa của tôi rất lo lắng. Anh ấy luôn nói rằng sợ tôi không đủ sức để tiếp tục nhưng nhờ có Vashna MeenaKee và HaaMa Breath, tôi luôn có thể duy trì được sức lực và sự tỉnh táo để tiếp tục thực hiện hành trình. Sáng nay tôi thở lâu hơn một chút nên cơ thể rất sẵn sàng để khỏi hành. Và thêm nữa là thời gian đếm ngược đến ngày thực hiện thử thách cuối cùng - ngồi thiền định 60 phút không mặc quần áo bảo hộ trên đỉnh núi tuyết khắc nghiệt, mà không có thời gian thích nghi nên tôi quyết định sẽ không sử dụng thêm bao tay tuyết, mà chỉ sử dụng bao tay giữ nhiệt chuyên dụng để luyện tập. Điều này đã khiến tôi phải đối mặt với một nỗi sợ kinh hoàng: nguy cơ mất đi đôi bàn tay của mình.
Khi bắt đầu di chuyển được 10 phút, tôi bắt đầu có những cảm giác nhói nhói ở 2 bàn tay. Cảm giác buốt giá đó trở nên mạnh mẽ và rất nhanh chóng biến mất để thay thế bằng sự tê cứng đến đáng sợ. Đôi tay tôi đau thấu xương, cảm giác đau chưa bao giờ tôi có thể nghĩ tới. Tôi không còn cảm nhận được nó nữa, như thể đôi tay đã đột ngột trở nên vô tri và tách khỏi sử chỉ huy của cơ thể. Chúng không thể cử động. Cảm giác đau đớn khiến tôi bật khóc và bất giác hét lên trong sợ hãi. Tôi là một cô gái mà, đôi tay rất quý giá, không phải cho mình tôi mà còn để trị liệu, chữa lành cho những bệnh nhân đến với tôi. Trong phút giây đó, tôi thật sự sợ hãi, nó diễn ra quá nhanh. Khi ấy, sự tê buốt khủng khiếp xâm chiếm cả trí não, khiến đầu óc tôi trở nên mất kiểm soát, không thể suy nghĩ được gì. Nước mắt rơi ra lập tức đông cứng lại khiến mắt rất khó nhìn và mũi không thể thở được bình thường. Sherpa của tôi vội vàng chạy lại và xoa ấm 2 bàn tay. Sherpa vừa xoa ấm vừa trấn an. Sau gần 20 phút, tôi vẫn chưa thể cử động nhưng Sherpa yêu cầu tôi phải nén cơn đau để tiếp tục hành trình, không thể đứng lại quá lâu, sẽ có nguy cơ với cả cơ thể. Chúng tôi phải di chuyển để máu huyết lưu thông và để kịp đến nơi trú chân tiếp theo nếu không muốn đối mặt sự nguy hiểm của đêm tối. (Bây giờ tôi mới biết, Chính Sherpa của tôi cũng đã mất 1 ngón tay vì tai nạn tương tự khi thực hiện hành trình chinh phục độ cao hơn 8000m. Khi anh làm nóng được đôi bàn tay của mình lên thì ngón tay út đã bị đông cứng và phải cắt bỏ, anh chỉ còn 9 ngón tay).
Tôi chỉ biết bước đi và cố gắng kìm nén nước mắt và sự đau đớn. Không khí loãng khiến phổi phải làm việc gấp đôi. Cái lạnh thấu xương làm đông cứng mọi ý chí. Và dù đã có đầy đủ quần áo bảo hộ chuyên dụng, tôi vẫn cảm thấy từng lớp băng giá len lỏi, xâm nhập vào cơ thể. Sự thật là lúc ấy trí óc tôi trắng xóa như những ngọn núi tuyết bao la trước mắt, không còn nghĩ về sự đẹp đẽ nữa, chỉ xuất hiện duy nhất một điều: “Nỗi sợ”. Bỏng lạnh – thứ mà tôi từng nghĩ chỉ xảy ra với ai đó trên tivi – giờ đây đã hiện diện trên cơ thể tôi. Khi nhiệt độ hạ xuống dưới -0.55°C, máu trong mao mạch bắt đầu đông đặc, tuần hoàn chậm lại. Ngón tay, ngón chân, và những phần cơ thể lộ ra ngoài là nạn nhân đầu tiên. Nếu không kịp xử lý, các tế bào sẽ chết, dẫn đến hoại tử. Đây không phải chỉ là một cơn đau tạm thời – nó là viễn cảnh mất đi một phần cơ thể mãi mãi. Trong khoảnh khắc của sự sợ hãi đó, đứng trước nguy cơ mất đi một phần của cơ thể, tôi đã gần như đầu hàng. Và tôi tự hỏi rất nhiều: “Liệu cơ thể tôi có tiếp tục chịu đựng được nữa hay không? Liệu tôi có thực hiện được thử thách còn khó gấp bội lần trên đỉnh núi tuyết không? Tại sao tôi lại phải làm điều này? Tôi muốn quay trở lại, tôi không muốn tiếp tục nữa?...”
Khi di chuyển với đồ chuyên dụng đã có nguy cơ đông cứng, vậy khi ngồi thiền bất động và không đủ ấm thì sẽ ra sao?
Đúng vậy, sự sợ hãi này khiến tôi dấy lên sự sợ hãi mãnh liệt hơn cho thử thách sắp tới: ngồi thiền bất động trong cái lạnh của Himalaya mà không có bất kỳ đồ bảo hộ nào. Ngày hôm ấy, dù đã liên tục di chuyển – một cách để cơ thể tự sinh nhiệt – tôi vẫn đối mặt với nguy cơ bị bỏng lạnh, một vấn đề có tính sát thương rất cao, gây hoại tử trong thời gian rất ngắn. Vậy nếu ngồi bất động trong thời gian dài thì sao? Tôi không khỏi tự hỏi: "Liệu tinh thần có thể vượt qua được nỗi sợ đang hiện hữu ngay đây và sự nguy hiểm đã hiện diện, liệu tôi có dám tiếp tục khi đã trải nghiệm nỗi đau này và không chắc chắn mình sẽ thành công cho thức thách căng go nhất ấy? Liệu tôi có bỏ cuộc?"
Nhiệt độ cơ thể con người (CBT) thông thường duy trì ổn định ở khoảng 37°C, đây là mức lý tưởng để các cơ quan hoạt động hiệu quả. Ở môi trường nhiệt độ dưới 0°C, nguy cơ hạ thân nhiệt tăng lên đáng kể. Ở mức -34°C, nếu không mặc đủ ấm, CBT có thể giảm xuống chỉ còn 10°C. Nghiêm trọng hơn, khi nhiệt độ ngoài trời giảm sâu đến -40°C đến -45°C, một người khỏe mạnh có thể bị hạ thân nhiệt nghiêm trọng trong vòng 5–7 phút. Mức độ nghiêm trọng của bỏng lạnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nhiệt độ môi trường, gió lạnh, và thời gian tiếp xúc. Ở -18°C với gió lạnh hạ nhiệt độ cảm nhận xuống -28°C, bỏng lạnh có thể xảy ra trong vòng 30 phút; Ở mức -26°C với gió lạnh hạ nhiệt độ cảm nhận xuống -48°C, nguy cơ bỏng lạnh tăng lên đáng kể, chỉ cần 5 phút tiếp xúc (Và trong hành trình này, tôi có cả bão tuyết và nhiệt độ giảm sâu bất thường cùng đồng hành). Khi cơ thể bị hạ thân nhiệt, các cơ quan bắt đầu ngừng hoạt động bình thường:
● Tim: Hoạt động không hiệu quả, lưu thông máu kém dẫn đến cơ thể rơi vào trạng thái sốc.
● Gan và thận: Các cơ quan này có thể ngừng hoạt động khi không nhận đủ máu và oxy.
● Não bộ: Mất nhiệt làm suy giảm khả năng nhận thức, phán đoán, dẫn đến mất phương hướng hoặc bất tỉnh.
Hạ thân nhiệt diễn ra theo từng giai đoạn và được đánh giá qua mức CBT:
● 34°C: Triệu chứng ban đầu bao gồm run rẩy, yếu mệt, và sự nhầm lẫn nhẹ. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể để tạo nhiệt và giữ ấm.
● 33°C: Các dấu hiệu như suy giảm trí nhớ, mất phương hướng trở nên rõ rệt hơn.
● 28°C: Người bệnh có thể rơi vào trạng thái bất tỉnh, đây là ngưỡng nguy hiểm và cần can thiệp khẩn cấp.
● Dưới 21°C: Cơ thể bước vào trạng thái hạ thân nhiệt sâu, các cơ quan dừng hoạt động và nguy cơ tử vong rất cao.
Hạ thân nhiệt không chỉ là một trạng thái cơ thể mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về sự mỏng manh của con người trước thiên nhiên. Khả năng của con không có giới hạn, con người từ xa xưa đã có thích nghi được với các cấp độ thời tiết khắc nghiệt. Thâm chí những người dân bản xứ hoặc những người có rèn luyện, họ hoàn toàn có thể điều chỉnh cơ thể để thích nghi với điều kiện. Nhưng đại đa số chúng ta là những người hiện đại, sống trong sự đầy đủ và tiện nghi. Chính vì sự tiện nghi đó đã ngăn cản sử phát triển của lớp phòng thủ tự nhiên của cơ thể, khiến con người trở nên vô cùng yếu đuối và mong manh trước thiên nhiên. Câu chuyện về hạ thân nhiệt không chỉ nhắc nhở chúng ta về giới hạn của cơ thể, mà còn là bài học về sự tôn trọng thiên nhiên và chuẩn bị kỹ càng trước khi đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt - điều mà theo các nhà khoa học đang xảy ra và sẽ xảy ra ngày càng tiêu cực hơn.
Ngón tay và ngón chân là những bộ phận dễ bị bỏng lạnh nhất. Khi nhiệt độ giảm, cơ thể tự động ưu tiên lưu thông máu đến các cơ quan trọng yếu như tim và não, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến các chi. Điều này khiến các ngón tay và ngón chân trở nên đặc biệt dễ tổn thương. Mặc dù bàn chân thường được bảo vệ bằng giày và tất, nhưng mồ hôi chân hoặc sự bay hơi nước có thể làm mất nhiệt nhanh hơn, dẫn đến nguy cơ bỏng lạnh cao hơn. Bạn không thể nói rằng lạnh thì tôi mặc thật nhiều quần áo. Thực tế trải nghiệm của tôi cho thấy rằng đó đôi khi không phải là sự lựa chọn thông minh. Cái lạnh nơi đây không chỉ thử thách đôi tay tôi, mà còn để lại những dấu ấn khắc nghiệt trên cơ thể:
● Đau đầu kinh niên: Ở độ cao trên 5.000m, áp lực không khí giảm khiến não bộ chịu áp lực lớn, gây ra những cơn đau đầu dai dẳng, như búa nện từng nhịp.
● Chảy máu mũi: Lớp niêm mạc mũi khô, nứt nẻ vì lạnh và không khí khắc nghiệt, khiến máu chảy mỗi khi tôi hít thở mạnh.
● Cơ bắp tê liệt: Băng giá làm các khớp cứng lại, khiến từng bước đi trở thành một cuộc chiến với chính mình.
Giới hạn của tinh thần và câu chuyện từ Himalaya
Bạn thấy đấy. Đôi khi chúng ta nói những lời rất quyết tâm. Đôi khi chúng ta thể hiện sự dũng cảm rất mãnh liệt. Nhưng đến khi phải trải qua sự đớn đau khủng khiếp và phải đối mặt với nỗi sợ to lớn, sự dũng cảm của chúng ta mới thực sự bị thử thách. Bao nhiêu người sẽ bỏ cuộc?
Bạn không thể cảm nhận hết được sự khắc nghiệt qua màn hình, bạn không thể cảm nhận hết được nỗi đau qua những hàng chữ nhưng bạn có thể nghĩ về nó. Qua cột mốc này, tôi càng thấu hiểu hơn cảm giác của những người luôn ở trong vùng an toàn của mình, ở trong những căn hộ đầy đủ tiện nghi, ở trong những môi trường phù phiếm nhân tạo. Họ, những người chỉ biết chê bai, chỉ biết dè bỉu và coi thường những gì được cảnh báo trong chăn bông được trùm kín, máy sưởi được bật hết cỡ với nhiệt độ chỉ vài độ hay âm độ một chút. Họ không biết rằng nếu biến cố xảy ra, điện không đủ sử dụng, làm sao có điều hòa nhiệt độ, làm sao đủ quần áo ấm, làm sao những tiện nghi như hiện tại có thể tồn tại mãi. Chỉ có cơ thể yếu đuối của họ là còn đó, và nó sẽ run rẩy, sẽ gục ngã trước sự khắc nghiệt. Tôi thật sự không muốn thấy điều đó, tôi thương cho những người còn đang tự huyễn hoặc mình trong nỗi sợ sâu thẳm mà chính họ còn không biết tới. Rời bỏ sự tiện nghi, thứ chính yếu làm cho môi trường bị biến đổi cực đoan, họ sẽ còn lại gì?
Khi nhận ra đôi tay mình có thể không còn cảm giác mãi mãi, tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ. Nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi nhớ về lý do mình bắt đầu hành trình này – không phải để chứng minh điều gì với ai, mà để chứng minh với chính bản thân rằng con người có thể vượt qua giới hạn của mình. Đứng giữa dãy Himalaya bao la và khắc nghiệt, tôi tự nhủ: “Nếu dừng lại, tôi sẽ mãi sống trong nỗi sợ, như hầu hết tất cả. Nếu bước tiếp, ít nhất tôi sẽ sống với niềm tự hào và có thể mang lại ánh sáng hy vọng cho nhiều người khác”.
Tôi vượt qua nỗi sợ, tôi vượt qua sự đau đớn kinh hoàng của mình. Từng bước chân tiếp theo không còn đơn thuần là di chuyển – đó là sự khẳng định cho ý chí và nghị lực. Tôi không để cái lạnh đóng băng tinh thần của mình. Và điều kỳ diệu là, khi đối mặt với những điều tưởng chừng như bất khả thi, tôi tìm thấy sức mạnh mà bản thân chưa từng biết đến.
Thử thách thiền trong băng giá – Bài kiểm tra cuối cùng
Thử thách sắp tới là đỉnh cao của mọi sự, thử thách mà một lần nữa tôi dám khẳng định rằng không một người bình thường nào có thể thực hiện, hoặc thậm chí dám đối mặt: Thiền định bất động 60 phút trong cái lạnh trên đỉnh núi tuyết Himalaya mà không có đồ bảo hộ. Đây không chỉ là thử nghiệm về tinh thần mà còn là bài kiểm tra sinh tử. Các nhà sư Tây Tạng có thể làm được điều này nhờ hàng thập kỷ rèn luyện, nhưng tôi thì không. Tôi chỉ có niềm tin rằng sức mạnh ý chí tinh thần vô cùng mạnh mẽ và phương pháp của tôi sẽ làm được điều không thể tượng tượng được. Là người Việt Nam đầu tiên, thậm chí là duy nhất dám thực hiện thử thách này, hãy để tôi truyền cảm hứng cho bạn, câu chuyện này được chia sẻ để gửi gắm một thông điệp: Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh tinh thần của bạn. Trong những lúc tưởng như không thể, ý chí chính là thứ giúp chúng ta vượt qua nghịch cảnh. Hãy để cho ý chí và tinh thần thép của dân tộc được tôi rèn trong dòng máu của mỗi các bạn được trỗi dậy, dám đối mặt với những thách thức và khó khăn lớn nhất với lòng dũng cảm thực sự.
Nếu tôi có thể bước tiếp với đôi tay tê cứng và dám tiếp tục đối mặt với thử thách khó khăn gấp ngàn lần, bạn cũng có thể vượt qua những khó khăn lớn lao trong cuộc sống của mình. Và nếu tinh thần con người có thể vượt qua cả sự khắc nghiệt của dãy Himalaya, thì chẳng có điều gì là không thể.
Vashna Thiên Kim