Tuổi thơ dị biệt - Khả năng cảm xạ - Món quà hay định mệnh?

Đời sẽ đẹp biết mấy nếu ta chịu rời góc quan sát của mình để tiến về phía người kia để cùng nhìn thấy những điều thực sự đang diễn ra dưới góc nhìn của họ!"

TUỔI THƠ DỊ BIỆT

Sinh ra trong gia đình có điều kiện liệu có phải là hoàn toàn sung sướng như nhiều người vẫn nghĩ? Mình cũng không biết các bạn thấy sao, nhưng mình thì thấy tuổi thơ của mình thật dị biệt…

Ấn tượng nhất suốt thời đi học chỉ là những tháng ngày rèn luyện, lịch học kín mít, sự đưa đón tận tình của ba mẹ, những bữa tiệc sinh nhật hoành tráng, đồ chơi đắt tiền và sự chú ý của mọi người xung quanh. Tuổi thơ đánh rơi tiếng cười, vắng bóng các trò nghịch ngợm, những lần tắm mưa, và nhất là những đứa bạn con nít. Ai rồi cũng có bạn thân – cái đứa mình coi như bạn nối khố, chia đôi miếng ô mai hay gói xoài dầm với mình, nhưng Kim thì không có.

Sinh ra là con nhà nòi nên bên cạnh việc “ngậm thìa vàng” còn là áp lực định danh phải thành công tài giỏi, xứng đáng với gia đình, dòng họ. Mình luôn phải tuân theo một lịch trình khắt khe như trong quân đội, được đưa đón tận nơi mỗi khi đi học. Mọi thứ mình muốn đều được ba mẹ mua về nhà. Vẫn còn nhớ như in, Kim là một người thích ca hát từ nhỏ. Khi Kim học cấp 2 thì karaoke vi tính bắt đầu xuất hiện. Vì không được ba mẹ cho đi đâu, Kim đã bạo gan cúp một tiết học để đi hát karaoke vi tính. Lần duy nhất ấy đã sớm bị phát hiện vì ba của Kim luôn đến đón con sớm 20 phút trước giờ tan học. Về đến nhà, sau trận đòn nhừ tử, ba mẹ đã chuẩn bị hẳn một phòng karaoke vi tính tại nhà, có sofa rồi lắp đèn đầy đủ. Thử hỏi xem có ai hát karaoke trong phòng 1 mình không các bạn! Mọi thứ mình muốn đều có thể được mang về nhà dưới sự kiểm soát của ba mẹ. Mình ở trong một tình yêu thương như thế nên đến trách cứ mình cũng không dám, mình luôn hiểu ba mẹ chỉ muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho mình, chỉ biết cố gắng hơn, tiết chế lại những sở thích, không so sánh sự tự do cá nhân với bạn bè cùng trang lứa, mình cảm thấy cô đơn trong chính tình yêu thương chưa đúng cách của ba mẹ…

Thế hệ của mình – những đứa con 9X đời đầu – sinh ra và lớn lên khi đất nước đã qua những tháng ngày gian khó, bước vào thời kì mở cửa đón nhận các mối giao thương và tư tưởng tự do phát triển cá tính. Bởi vậy, giữa hai thế hệ, dù muốn hay không cũng có nhiều khác biệt rõ ràng. Mình là một đứa trẻ mẫn cảm: có năng lực cảm xạ, có trực giác rất mạnh, có thể nói mình hiểu về mọi thứ trước độ tuổi của mình, rất nhiều thứ mình xem qua một lần đã nhớ, nhìn sơ một lần đã làm theo được, mình luôn chú ý đến thái độ của mọi người và rất hay đặt câu hỏi về mọi thứ. Mình yêu thích hát ca, có năng khiếu với âm nhạc và nghệ thuật, mình sống sớm có chính kiến từ nhỏ. Nhưng đó đều là những thứ ba mẹ không thực sự ủng hộ. Thứ ba mẹ muốn là mình tuân thủ kỉ luật tốt, tập trung tối đa cho việc học trở thành bác sĩ hay dược sĩ. Hiểu được điều này, nội tâm mình dần xuất hiện 2 nhân cách: Trầm Mặc: hướng nội, tràn đầy yêu thương, suy tư, khao khát tự do mãnh liệt và luôn thích làm theo ý mình; Sôi Nổi: hướng ngoại, hoạt náo, quan tâm mọi người, luôn có một thể hiện xuất sắc để làm hài lòng người khác…Vậy nên, dù ba mẹ có kì vọng vào việc mình kế thừa nghề y dược của gia đình, có rèn giũa mình bao nhiêu, mình có yêu ba mẹ nhiều như thế nào thì đó vẫn không phải điều mình muốn. Mâu thuẫn giữa quan điểm sống các thế hệ khiến mình chỉ muốn làm theo ý mình, dù bên ngoài, mình luôn Sôi Nổi và nghe theo mọi thứ ba mẹ sắp đặt.

Cuộc sống không bao giờ chỉ là dòng chảy một chiều. Nhiều lúc bạn thấy áp lực, nhưng cũng có lúc bạn cảm giác mình đang xuôi dòng. Với mình, niềm vui đến từ việc ba mẹ cho tiếp xúc đầy đủ với thơ ca nhạc họa để nuôi dưỡng nội tâm là điểm cân bằng duy nhất mình có được. Ông ngoại dạy cách ứng xử, ông nội bồi đắp cho những suy nghĩ sống phóng khoáng, gần gũi với thiên nhiên, lối sống vì mọi người. Nên bên cạnh nề nếp kỉ luật là khả năng thấu cảm, yêu thương, các giá trị nhân văn và khát khao sống có ích hình thành trong mình từ sớm.

(mình và ông ngoại - ảnh chụp khi mình 4 tuổi, hay được vào phòng ông chơi)

Các bạn biết không, những kỉ niệm khó quên của mình, đó là kí ức về một vùng quê yên bình với rẻo cây cối ngát xanh, ruộng lúa chạy dọc bạt ngàn, thân thiện, rộn rã tiếng chim, có cả đom đóm về đêm bay khắp ngọn đồi, tiếng dế kêu rả rích, tiếng ve rền râm ran Đó là những lần hiếm hoi mình được rời thành phố về quê nội chơi. Mỗi lần về quê là hò nhau đi bắt thỏ trong hang rồi cùng các em trèo cây hái trái cây ăn, thỏa sức đánh chén các món ăn đều là cây nhà lá vườn, rau tự trồng, heo vịt tự nuôi. Ấn tượng mạnh của mình thời đó khi về nội là sự ấm êm trong cảnh cơ hàn, sống thuận tự nhiên tuy không có nhiều vật dụng, không công nghệ thông tin nhưng nơi đó thật sự an bình và thấm đẫm tình thương yêu, không chỉ gia đình với nhau mà còn xóm giềng họ đối xử nhau như người thân. Chứa chan tình cảm, “thương người như thể thương thân” nên sẻ chia mọi điều dù chẳng phải là ruột thịt. Dân thành thị vốn không sống chan hòa như thế. Mọi thứ đều bận rộn. Mỗi người một việc. Trẻ con cũng không được làm phiền người lớn. Chỉ có khi về quê nội, mình mới được ông bà và các cô dạy cho việc bếp núc nấu từ lò có củi đun hay phải biết làm việc nhà rửa chén, giặt đồ làm việc nhà vì con gái phải công dung ngôn hạnh và sống biết lo toan không trở thành gánh nặng của một ai (trong khi ở trong nam Kim sướng như công chúa vì không phải đụng tay chân làm bất cứ thứ gì).

Có lần mình bắt được một chú chim non khi chạy chơi cùng với mấy đứa em, mình thích lắm, nhất định giữ lại nuôi cho bằng được. Nội biết vậy, chỉ gọi cháu ra nói rằng “con thích con chim khi nó vui nó hót, nên trả cho nó tự do để mình thoải mái ngắm nhìn rồi lắng nghe. Mình bắt lấy chim non, chim mẹ sẽ đau lòng tan nát, mà chim non cũng chẳng sống được lâu. Nó thuộc về bầu trời tự do…”. Bài học giản dị mà khóe mắt mình cay cay. Mình vội thả chú chim đi. Những bài học làm người được ông chỉ dạy đơn giản như thế đó. Ông cũng dạy mình biết quý, biết thương, biết trọng mọi người, mọi vật, lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân…Những bài học khắc sâu trong tâm khảm…

Nhưng kết thúc kì nghỉ là trở lại với guồng quay rèn luyện. Mình lại làm bạn với một lịch trình khắt khe như trong quân đội. Chắc bởi vậy mà những con chữ nặng nề hơn bao nhiêu. Và nỗi sợ, lớn dần cùng với nỗi chai lì của cảm xúc. Vì rèn luyện thì làm gì có chỗ cho sự yếu đuối mong manh. Luôn tự mình làm. Tự mình chịu trách nhiệm. Bạn biết quan điểm của những người lính rồi đấy: rèn không chết, không rèn mới chết. Nên trong cuộc chiến dạy con, ba mẹ mình không có chút khoan nhượng. Cho đến giờ nhìn lại, mình thầm biết ơn cha mẹ đã cho mình sự rèn giũa với tinh thần không khoan nhượng. Vi sau này, mỗi lúc va vấp với sự vất vả đắng cay, mình vững vàng tự tin hơn mọi người vẫn nghĩ. Nhưng ở thời điểm đó, Kim chỉ thấy mình giống như một chú chim sống trong lồng vàng, đủ đầy mọi thứ nhưng nội tâm thì không thôi mơ tưởng đến ngày được tung cánh tự do. Ba mẹ nuôi dạy mình lý trí, rèn luyện, trách nhiệm, khắt khe….mà mình thì lại sống vì cảm xúc, đánh mất tự do nên mình lúc nào như cánh chim muốn xổ lồng tung bay. Bởi vậy, Sôi Nổi và Trầm Mặc luôn mâu thuẫn trong lòng mình. Còn ba mẹ, có thể ba mẹ vẫn biết mình muốn gì, nhưng trong kinh nghiệm sống của ba mẹ thì những thứ mà bản thân Kim hướng đến không thể nào đem lại cuộc sống vững vàng về sau. Bởi vậy, ba mẹ kéo Kim tập trung về một phía, cách biệt với bên ngoài chỉ để tập trung vào việc học.

Vốn dĩ từ xưa đến nay, con người chúng ta đã luôn tự nhốt mình trong một cái lồng mang tên: “định kiến xã hội”, tất cả đều tin theo một tiêu chuẩn mà xã hội sắp đặt, định kiến chung của xã hội sẽ áp đặt lên gia đình. Ở đây, không có đúng và sai, điều này phụ thuộc đến môi trường sống ở từng thời kì, thói quen định kiến của một xã hội đủ lớn sẽ hình thành văn hoá và lối sống theo từng vùng miền, Bởi vậy nhân cách và lối sống, cách suy nghĩ của từng thế hệ luôn khác nhau. Nên từ tấm bé mình đã luôn đặt rất nhiều câu hỏi, tại sao phải học thành tài mới có tương lai? Tại sao trong tình yêu phải môn đăng hộ đối? Vì sao không có một xã hội mà ở đó con người chấp nhận những sự khác biệt của nhau nhưng vẫn sống chan hoà và đầm ấp? Mình luôn khao khát một xã hội không hề có giai cấp và những định kiến…

 

KHẢ NĂNG CẢM XẠ - MÓN QUÀ HAY ĐỊNH MỆNH?

Lòng từ tâm đối với bản thân mình làm phát sinh ra sức mạnh biến đổi hận thù thành tha thứ, lòng căm ghét thành tình bạn, và nỗi sợ thành lòng tôn trọng đối với mọi loài. Nó cho phép chúng ta mở rộng sự ấm áp, nhạy cảm và cởi mở đối với những nỗi đau buồn chung quanh chúng ta một cách chân thật và chính đáng.

Bạn có phải là fan ruột của phim kinh dị? Hay có từng háo hức tròn mắt lắng tai để nghe những câu chuyện “ma”, thần thoại, truyền kì liêu trai đầy màu sắc hư ảo?

Khi mình hỏi mười người, thì chín người nói rằng mình sợ ma nhưng cũng rất tò mò thích nghe chuyện ma. Đúng, nghe chuyện ma hay chỉ xem phim kinh dị trên ti vi thì có khi cũng hay đó. Nhưng nếu mình phải sống trong những bối cảnh như thế suốt tuổi thơ thì bạn có tự hỏi mình sẽ ra sao không?

Ngay từ khi còn nhỏ, mình đã thấy mình ở trong một thế giới kì lạ, thấy những điều người ta không thấy và cảm được những điều người ta chưa nói ra. Mình có thể cảm nhận được những năng lượng tiêu cực hay tích cực ở một không gian (lạnh hay ấm nóng), năng lượng từ cảm xúc, thái độ, hành động của con người. Vì khả năng cảm xạ cảm ứng được mọi trường năng lượng nên mình rất nhạy cảm. Mình thường xuyên có cảm giác sống ở hai thế giới: một thế giới với những câu chuyện, khung cảnh, con người lạ lẫm…luôn hút về phía mình dù mình rất sợ hãi, một thế giới thực tại với ba mẹ và mọi người. Sau này Kim mới biết đó là khả năng cảm xạ. Nhưng với một đứa trẻ nít thì điều đó thực sự là một nỗi ám ảnh kinh hoàng. Vì sao ư?

Những đứa trẻ thường sợ khi nghe kể về ông ba bị, mẹ mìn hay những con ma lưỡi dài xanh đỏ. Chúng cũng sợ âm thanh lạ và bóng đêm. Sợ khi bị nghe dọa và sợ trong tưởng tượng. Nhưng khi ào vào lòng cha mẹ, hay có người khác ở bên, trẻ lập tức quên đi nỗi sợ, vì giác quan được hướng đến những chú ý khác. Còn với mình thì những hình ảnh, âm thanh đáng sợ không đến từ lời dọa, mình thì nhìn thấy thật, nghe thấy nên nỗi sợ nó thực tế hơn rất nhiều.

Khi bạn có trong người quá nhiều nỗi sợ, bạn sẽ lảng tránh đúng không? Nhưng nếu không lảng tránh được, cũng không có gì giải trí, khỏa lấp hay mở ra những không gian an lành cho bạn…ngày qua ngày như vậy…bạn sẽ ra sao, có còn giữ được tinh thần của mình hay không? Mình đã sống một tuổi thơ như vậy cho tới năm 17 tuổi. Đó là một lò luyện rèn sức chịu đựng. Là một cuộc sống mà không cẩn thận nói ra những điều người khác chưa hiểu, chưa thấy, mình lập tức trở thành “khác người, hoang tưởng”. Cũng may, với tình yêu thương quá lớn từ phía gia đình, Kim cũng nhận lại rất nhiều niềm vui, thêm động lực để tiếp tục. Nhưng những cảm giác kì lạ thì được giấu trong một góc nội tâm kín đáo của mình. Hàng ngày, tự mình tìm cách chấp nhận rồi vượt qua. Mãi tới sau này, khi cảm nhận sâu sắc tình thương, Kim mới thoát khỏi nỗi sợ, tìm mọi lý do để làm bạn với tình trạng của mình. Kim bắt đầu hiểu hơn về những chuyện đến với mình, về phản ứng của mọi người, và về cả những cảm giác của bản thân mình.. Khi là một người có khả năng cảm xạ, trước khi đến với niềm vui, điều cần học là dựa vào chính mình, làm bạn với chính mình. Phần Trầm Mặc của Kim sinh ra từ đó. Kết nối với cảm giác của chính mình, Kim nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn. Cách Kim phản ứng với mọi người cũng ôn hòa hơn là vì vậy. Kim thấy rõ ràng rằng sự thật không diễn ra như những gì mình nhìn thấy, luôn có những nguyên nhân ẩn chứa đằng sau. Biểu hiện bên ngoài không phải là bản chất vấn đề

Chính trong giai đoạn này Trầm Mặc mới là nhân cách giúp Kim cân bằng chứ không phải Sôi Nổi như mọi người vẫn nghĩ.

(bức hình chụp với đám trẻ con trong ngày sinh nhật mà sự trầm mặc toát lên từ ánh mắt của bé con)

Mọi người luôn nhìn Kim như tâm điểm của mọi việc, sự quan tâm đó khiến Kim cảm thấy áp lực, khó chịu và mất tự nhiên. Bởi Kim cảm nhận được mọi sự gượng gạo, thiếu tự nhiên hay sắp đặt. Kim không thích được khen, không thích được chú ý là vì vậy. Nhìn lại những bức hình hồi nhỏ sẽ thấy mình lạc lõng, thiếu hồn nhiên hơn hẳn so với đám trẻ bằng tuổi. Hồi đó thì không biết vì sao, đơn giản chỉ biết là không thích thôi. Nhưng lớn lên thì hiểu bản chất của Kim thuộc về những thứ tự nhiên, những gì trái với tự nhiên đều làm mình cảm thấy khó chịu.

Đồ chơi cùng những vật dụng đắt tiền hay những lời ngợi khen, Kim đều có. Nhưng thứ Kim khát khao chỉ là những lần trốn học tắm mưa, những trò chơi trẻ nít hồn nhiên vui vẻ, cái đó thì không có. Nên ngay trong khi những đứa trẻ khác nhìn Kim với ánh mắt ngưỡng mộ và ước ao thì Kim cũng nhìn chúng với ánh mắt tương tự

Kim yêu thích âm nhạc và ca hát, vì những giờ phút ấy, Kim cảm thấy mình được sống một cách chân thật, thăng hoa nhất, tràn đầy năng lượng và tự nhiên. Khi tiếng hát cất lên, mình chỉ còn sống trong giai điệu của bài nhạc, ngay lúc ấy, quên hết tất cả phiền muộn, quên hết những việc phải làm.

Nói như vậy để mọi người hiểu tại sao những thứ có vẻ bình thường với mọi người nhưng với Kim nó lại quá sức chịu đựng. Bởi ngày nào cũng diễn ra ngần ấy việc, lặp lại, khép kín trong một không gian đóng hoàn toàn: từ nhà đến trường, từ trường tới các lớp học thêm rồi lại về nhà. Mà Kim ít khi tâm sự được với ai. Bạn bè không có vì không được đi chơi. Có chăng là sự bầu bạn với những con vật nuôi. Chúng đơn giản, không phán xét, không giả tạo. Chúng trung thành và yêu chủ trọn vẹn. Chúng là một phần ấm áp trong tuổi thơ của Kim. Đến giờ, Kim vẫn nhớ cảm giác đau buồn của chính mình khi phải tự tay chôn chú cún cưng. Từ sau đó, Kim không nuôi thú cưng nữa bởi Kim sợ cảm giác đau lòng khi rời xa chúng.

Ngày bé, bạn luôn mong lớn lên để được tự do, để làm được điều này điều kia. Kim cũng không ngoại lệ, Kim cũng thường tự an ủi mình rằng cố lên, lớn hơn rồi mình sẽ khác. Nhưng sự thật là mọi chuyện không có gì khác từ khi Kim còn nhỏ cho tới năm 17 tuổi. Vẫn là môi trường không giao lưu bạn bè, không truyện tranh, không điện thoại. Mọi thứ với người khác là bình thường thì với Kim đó là xa xỉ. Như việc đọc một cuốn truyện tranh hay xem vài thứ yêu thích trên điện thoại. Làm sao một đứa con nít mới lớn có thể thiếu những thứ đó? Bởi vậy, Kim cũng giấu diếm để dành tiền ăn sáng tự mua cho mình. Rồi cũng tự mình sử dụng về đêm, giấu diếm, thấp thỏm. Vì nó là điều cấm kị đối với ba mẹ. Vài lần mẹ bắt gặp được, coi như vận xui vì điện thoại, sách truyện sẽ bị tịch thu và mình thì sẽ bị phạt.

Với tất cả những sức ép đó, Kim vẫn phải hoàn thành chương trình học một cách chăm chỉ nhất, phải đạt thành tích cao nhất. Nhưng cái đích đến của nó sẽ là thi đỗ đại học y và đi theo y dược, lại là một cái đích được vạch ra sẵn. Chỉ nghĩ đến thôi, Kim đã đánh rơi hết động lực rồi. Vì khi ta đã biết trước kết quả thì trải nghiệm có nghĩa lý gì nữa đâu. Và tại sao ta phải đi theo con đường định sẵn khi ta vốn có tiềm năng sáng tạo bên trong nội tâm mình?

Bởi vậy, Kim đã muốn mình trượt, trượt thì có khi không phải theo y dược nữa. Nghĩ sao làm liền vậy. Nghĩa là vẫn học, vẫn làm mọi thứ cho qua thời gian nhưng thực sự không có để tâm.

 

GIỌT NƯỚC TRÀN LY

Và Kim đã thi trượt. Điều này không nằm ngoài dự liệu của Kim. Nhưng có điều mà một đứa trẻ mới lớn không bao giờ nghĩ đến được: đó là câu chuyện thi trượt không phải chỉ là chuyện của cá nhân Kim.

Điều Kim không ngờ tới là chuyện đó lại tác động lớn tới mọi người. Không một ai hiểu vì sao lại như thế? Một con bé thông minh nhanh nhẹn từ bé, luôn đạt thành tích tốt, luôn được học với những thầy tốt nhất, đủ đầy điều kiện nhất, con bé đó đã trượt kì thi mà đáng ra nó phải dư sức qua cầu. Dĩ nhiên là mọi người thất vọng. Nỗi thất vọng ấy sinh ra một loại áp lực bí bách khủng khiếp đè lên Kim.

Kinh khủng hơn nữa là cả nhà quyết định Kim sẽ phải tiếp tục thi cho tới bao giờ đỗ thì thôi. Trong khi đó Kim có rất nhiều lựa chọn cho chính mình (từ âm nhạc, nghệ thuật, thể thao cho tới các lĩnh vực học thuật, sáng tạo khác), và y dược là điều Kim không muốn nhất. Nó sẽ đóng lại một cuộc đời nhàm chán như một ván cờ sắp sẵn nước đi – Kim đã nghĩ như vậy khi đó. Chưa kể giúp đời, giúp người có rất nhiều cách, tại sao cứ phải là y dược, tại sao cứ phải chạy theo ý muốn của mọi người, dù biết việc đó trái với đam mê và mong muốn của mình?

Kim bắt đầu nghĩ đến việc bỏ nhà ra đi. Vì đó là cách duy nhất để mọi chuyện khác đi! Nội tâm Kim giằng xé dữ dội giữa việc chọn đi hay ở. Ở lại thì kết quả đã biết trước rồi, nó cũng giống như cuộc sống của mình trong 17 năm vừa qua. Còn ra đi, là tìm một con đường khác đi để thành công, một con đường cho chính mình chứ không phải là những thứ người khác muốn. Rồi những đêm khóc thầm trăn trở đưa mình đến quyết định CHẠY TRỐN – một quyết định điên rồ, liều lĩnh, táo bạo. Quyết định của một kẻ cảm thấy mình không có gì để mất.

Nhưng đi đâu? Làm gì? Bắt đầu từ đâu khi mọi thứ của mình là số 0.

Bất giác, Kim nhớ lại cuộc đời của mẹ mình, 1 người con gái đẹp hoàn mỹ, có được tình yêu, đi theo truyền thống gia đình. Mẹ vẫn được coi là người phụ nữ may mắn được chiều chuộng thương yêu. Nhưng ngay cả thế, mẹ cũng không giữ được thanh xuân, không có được sự thoải mái hạnh phúc bên trong lựa chọn, bởi thực tế mẹ đã sống theo kỉ luật, sống vì người khác quá nhiều. Mẹ đã vài lần dẫn Kim đến Spa làm đẹp. Đó là một sự đánh đổi! Mẹ đã chọn gia đình, chọn vì người khác mà quên đi những nhu cầu cơ bản của một người phụ nữ, là sắc đẹp và thanh xuân! Chỉ đến khi tìm đến Spa, được trở lại với vẻ đẹp, Kim mới thấy mẹ trở lại sống đúng nghĩa với tuổi trẻ của mình. Mẹ hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn mỗi khi đến spa. Để giúp người ta được hạnh phúc và yêu đời hơn đâu phải chỉ có ngành Y.

Điểm đến duy nhất hiện lên trong đầu Kim khi đó là Spa! Một nơi mà thời điểm đó chỉ có ở thành phố Sài Gòn hoa lệ.

(Hình ảnh của một đứa con gái 18 tuổi quyết định “bỏ nhà ra đi”)

Vì đó là ý tưởng giúp mình vừa phát huy được thế mạnh của bản thân mà vẫn kế thừa truyền thống của gia đình. Mình thích mang cái đẹp đến với mọi người, cùng với cái đẹp là niềm vui, tự tin, hạnh phúc. Nhưng làm sao mình có thể thuyết phục được ba mẹ ủng hộ khi trong mắt ba mẹ, mình chỉ là một đứa con cần được bảo bọc, vừa qua cú sốc thất bại đầu đời. Nên mình quyết định bỏ trốn lên Sài Gòn học việc về Spa.

Xem thêm
Tuổi thơ dị biệt - Khả năng cảm xạ - Món quà hay định mệnh?

Ghi chú :

Các bài viết liên quan

Chặng 2

"DUYÊN KHỞI TỪ KHÔNG, TRỞ VỀ KHÔNG"

Chặng 3

HÀNH TRÌNH TỰ CHỮA LÀNH ĐẾN CON ĐƯỜNG TRUYỀN CẢM HỨNG

Từ không làm gì đến gì cũng làm - Hành trình vượt sướng

Trong quãng thời gian 4 năm qua, từ khi trở thành một người chữa lành, Thiên Kim đã được lắng nghe rất nhiều câu chuyện. Và đó là những câu chuyện rất đặc biệt. Tuy nhiên, trong Blog của mình, Thiên Kim sẽ kể cho các bạn nghe về câu chuyện của chính mình trước. Bởi có lẽ, nó cũng là những viên gạch đầu tiên mà Thiên Kim đã xây trên con đường đi của mình.

Mở đầu câu chuyện trưởng thành của bản ngã

Bạn biết không, khi ta chỉ nhìn mọi thứ ở bề ngoài và chỉ hành động dựa trên những giá trị bề ngoài thì bạn cuộc sống của bạn khi đó sẽ đúng như thế: vây quanh bạn là những lớp áo hào nhoáng và một nội tâm trống rỗng, lấp mãi cũng khó đầy, ẩn chứa những nguy cơ sụp đổ phía sau…Không bao giờ có thứ gì hoàn hảo lấp lánh như những hình tượng mà ta nhìn thấy xung quanh mình!
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger