Sống Tỉnh Thức
Tự do thật sự là gì?
Thông thường chúng ta nghĩ tự do là được thoả thích làm điều mình muốn, làm chủ được cuộc sống, độc lập về tài chính và bản thân không bị giới hạn bởi người nào hay việc gì, như một người đứng đầu thế giới không ai cao hơn chẳng hạn, bạn nghĩ người đó có là một người thật sự tự do chưa? Câu trả lời là chưa. Đấy là độc lập tự do do tâm trí tạo ra thôi. Tại sao mình lại nói như thế? Vậy tự do thật sự đó là gì?
Bậc hiền triết Swami Sivananda nói: "Tự do thật sự là thoát khỏi những đòi hỏi của tâm trí, những đòi hỏi của các giác quan", điều này thuộc về phạm trù bên trong của mỗi người khi thoát khỏi sự ràng buộc của tâm trí bạn mới nhìn thấy được chân ngã bên trong mình, tự do hay không không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Giác quan sẽ đòi hỏi bạn chiều theo nó như những cái ham thích: thích ăn ngon (vị giác), thích nghe những lời tán thưởng/ nhạc hay (thính giác), thích ngắm nhìn những điều đẹp đẽ (thị giác), thích những gì thơm tho sạch đẹp (khứu giác), thích cảm giác có được những cảm xúc thăng hoa sung sướng (xúc giác), tổng hợp các giác quan đó là nhu cầu của tâm trí. Thường không ai tránh khỏi những đòi hỏi yêu cầu của các giác quan, và ta bị lệ thuộc bởi chúng, ta quên mất chính mình, chạy theo những nhu cầu do tâm trí tạo ra. Ví dụ dễ thấy nhất đó là nhu cầu ăn uống, có những người độc lập tự chủ về kinh tế, về địa vị xã hội, ở nhà anh ta là to nhất, ra ngoài cũng chức vụ tối cao, anh ta có tất cả không thiếu một thứ gì, anh ta có thể nói bản thân mình sống một cuộc đời độc lập tự do tự chủ, NHƯNG! Sáng nào 7h anh ta cũng cần có ly cafe đen đậm vị thơm lừng, nếu không anh ta sẽ thấy thiếu thiếu gì đó hoặc bứt rứt trong người? Hoặc nghiện xì gà hay thói quen phải ăn ngon mới được dù biết dầu mỡ là có hại? Có tiết chế thì cũng không cưỡng lại được việc đó là những "nhu cầu" cần thiết của anh ta. Nói đến đây, các bạn có nghĩ người đàn ông này thật sự tự do? Anh ta đã thành "nô lệ" của sự tiện nghi mà tâm trí đã tạo ra mất rồi !
Tất cả chúng ta đều có cảm nhận thôi thúc mãnh liệt bên trong muốn sự tự do độc lập, mình tin chắc rằng trên đời này ai cũng muốn được độc lập, được tự chủ tự do, sống không bị giới hạn hay lệ thuộc bởi bất cứ ai hay bất cứ điều gì, rồi các bạn phấn đấu từng ngày một để đạt đến điều này.
Ví dụ như: một anh đầu bếp đi làm công, anh ta sẽ luôn suy nghĩ ấp ủ kế hoạch tích luỹ tiền để một ngày mở nhà hàng của riêng của mình, nhưng rồi lúc mở được nhà hàng trở thành ông chủ, anh ta có được tự do thật sự? Câu trả lời lại là không! Lúc này anh ta là ông chủ, không có ông chủ nào trên anh ta, nhưng trên nữa có trách nhiệm công việc và các nhà hàng khác lớn hơn mình bó buộc anh ta vào trách nhiệm phải làm phát triển lớn hơn "cạnh tranh" trên thị trường, lúc này anh ta "mọc" ra thêm vô vàn ông chủ không tên, tiếp tục cuốn theo công việc với lý do tạo đủ của cải vật chất sẽ được "nghỉ nhàn hạ" để thật sự làm chủ cuộc đời mình. Nói đến đây, bạn có thấy người tỷ phú nào nghỉ việc khi trở thành tỷ phú chưa? Hay họ lại tiếp tục làm để ở trong bảng danh sách thống kê top tỷ phú nào đang đứng đầu thế giới với số lượng cổ phiếu bao nhiêu hay tạo ra được gì để đời cho thế giới? Bạn hãy dành ra một phút nhìn lại cuộc đời mình đã đặt ra bao nhiêu mục tiêu, có cái nào là như bạn nghĩ: cố gắng đạt được thứ đó là ngưng hay đạt được cái này tôi chắc chắn sẽ hạnh phúc và rồi đạt xong bạn vẫn cảm thấy luôn là chưa đủ, rồi tiếp tục đi tìm kiếm không? Tất cả những điều này đều đến từ sự chi phối từ các giác quan (tâm trí/ cái tôi chủ định các giác quan của ta).
Cũng như ví dụ trên thì một ông giáo sư ở trường đại học lại muốn trở thành một hiệu trưởng, một người nhân viên sẽ muốn trở thành giám đốc trong tương lai, một người đệ tử cũng muốn thành lập một thiền viện riêng của mình... Bạn có nhận ra điều gì ở đây không? Chúng ta ko muốn dưới trướng bất kì ai, tất cả mọi người đều muốn là người đứng đầu, được chỉ đạo, không muốn làm theo ý kiến người khác. Tại sao chúng ta lại luôn có cảm giác đó? Bởi vì bên trong ta luôn có cái chân ngã luôn bị tâm trí che lấp đi, chân ngã sẽ tự toả sáng, bằng cách nào đó bên trong ta luôn có cảm giác về điều đó như một trực giác mách bảo, về sự độc lập tự do, khao khát tự do, tự do một cách tuyệt đối, tự do tuyệt đối và đủ đầy từ bên trong sẵn có là bản chất của bản ngã chân thật bên trong ta, khi ta mất kết nối với bên trong chính mình, bạn sẽ cảm thấy mất tự do, thấy trống trãi và thấy khó chịu khi phải làm việc dưới quyền một ai đó chứ không nghĩ đó là công việc phù hợp khả năng của mình (trường hợp kết nối được với chân ngã bạn sẽ hạnh phúc với việc mình đang làm và hiểu về cái tổng thể như việc mỗi người là một bộ phận trên cơ thể con người, mỗi bộ phận có vị trí và chức năng khác nhau không bộ phận nào thay được bộ phận nào, nó là Karma Yoga mà mình sẽ đề cập ở một bài viết khác về chủ đề này)
Tự do giả: sống một cách điên cuồng, đụng đâu ăn đó không cưỡng lại được cơn thèm ăn dù biết món ăn tuy ngon nhưng có thể không tốt cho cơ thể, chiều theo các giác quan (cái tôi/ tâm trí), thích gì làm đó sẽ thành nô lệ của những tiện nghi, thức ăn, thú vui, làm theo sở thích của mình không phải tự do, trở thành vua hay người giàu nhất thế giới cũng không phải tự do, sống một đời sống an nhàn êm ấm cũng không phải tự do, đi chinh phục mọi thứ cũng không phải tự do, đi vào một cái hang để tu tập không gặp ai không làm gì vẫn không phải là tự do, độc lập về tài chính không thể cho bạn hạnh phúc hoàn hảo, bất cứ thứ gì bạn có thể hình dung từ bên ngoài không thể nào cho bạn niềm vui vĩnh viễn, thông thường ta vẫn hay muốn chạy theo những niềm vui như thế, hạnh phúc và tự do không có thời hạn và là vĩnh cửu mới là hạnh phúc và tự do thật sự. Nếu bạn nhìn vào bên trong chính mình, ai cũng sẽ nhìn thấy niềm vui và hạnh phúc vĩnh cửu bởi vì sao? Vì nó tồn tại sẵn bên trong của các bạn, nó tách biệt ra khỏi tâm trí và các giác quan. Vì thế nếu mãi chạy ra bên ngoài, tìm kiếm mọi nơi thì mãi cũng không thể có.
Vậy tự do thật sự là gì?
Tự do thật sự không phải ở trong thế gian hay thế giới bên ngoài, tự do thật sự là khi ta làm chủ được tâm trí của mình, là thoát khỏi cái ràng buộc sợ hãi về sự sống và cái chết, thoát khỏi những nỗi sợ, ham muốn thường trực chi phối mọi thứ trong cuộc sống của bạn. Ví dụ, từ sợ chết là cái đầu tiên của mọi người, từ nỗi sợ chết sẽ dẫn đến nhiều nỗi sợ khác: sợ đau đớn, sợ cô đơn, sợ khổ sở, sợ bệnh tật không ai chăm, sợ bệnh không có tiền trả thuốc men, sợ....
Và tự do thật sự là bạn hãy thoát khỏi sự gắn kết với cơ thể này, hoặc sự gắn kết với đối tượng nào đó, ví dụ bạn thích một điều gì đó, bạn nghĩ rằng tôi cần nó tôi mới hạnh phúc, thì khi bạn có nó bạn sẽ ngay lập tức có một nỗi sợ, sợ mất nó, vì sâu bên trong bạn luôn ý thức được rằng tất cả đều sẽ thay đổi.
Tự do thật sự là thoát khỏi những ý nghĩ thích hay ghét trong tâm trí, đừng đặt ra điều đó cho bản thân, nếu bạn có được thứ bạn thích, bạn sẽ khổ sở để giữ nó..
Vì thế muốn tự do thật sự, hãy thoát ra khỏi sự gắn kết với những ham muốn của các giác quan, tự do thoát khỏi sự yêu ghét. Vì tâm trí (cái tôi) luôn có điều kiện để đạt được hạnh phúc (thoã mản các giác quan) Hãy đi tìm và kết nối với chân ngã, thiền là một trong những điều đầu tiên bạn cần làm để giúp bạn làm được điều này, quay trở về kết nối với chân ngã, hãy thiền nhắm mắt lại và tự hỏi bản thân: bạn đã thật sự tự do hay chưa?
Các tu sĩ Yogi và các bậc thiền sư thường tách biệt khỏi cuộc sống "đời" cũng dựa theo nguyên lí trên, tu không phải gì cao siêu cả, "tu tập" là sửa mình, giải thoát mình khỏi những ràng buộc của tâm trí, và điều này cần quán chiếu tâm trên từng sát na và là cả một hành trình, tại sao phải thiền hàng ngày? Để ta không đồng hoá với cái tôi giả (tâm trí) với nhiều đòi hỏi mà quay trở về nhìn thấy chân ngã thật ở bên trong vốn luôn thuần khiết đủ đầy bình an hạnh phúc mà không vì bất kể điều kiện gì.
Vashna Thiên Kim