Serie Sang Chấn Tâm Lý (Phần 8)
10
12/2023

Serie Sang Chấn Tâm Lý (Phần 8)

Ký ức, khởi nguồn của mọi sự - Chúng ta đang ở trong dòng thời gian tuyến tính: quá khứ - hiện tại – tương lai…nhưng điều đó chỉ đúng với trạng thái bình thường. Với những người gặp sang chấn thì hầu như họ sống cùng kí ức, sống trong quá khứ. Đó là lý do ta cần quan tâm đến các vấn đề của ký ức của người sang chấn

*Tiếp tục serie chia sẻ tri thức về Sang chấn tâm lý. Chuỗi bài viết này bao gồm 10 phần. Mời các bạn đón đọc trong phần Blog -  Sống Thức Tỉnh - Chia Sẻ Tri Thức của Vashna Thiên Kim nhé.

BÀI 8: KÝ ỨC – KHỞI NGUỒN CỦA MỌI SỰ

Trong nhiều bộ phim truyền hình mà chúng ta từng xem, hẳn việc mất trí nhớ là một hình ảnh rất phổ biến với nhiều người. Thông thường, qua những bộ phim, nhân vật trải qua chấn động nào đó như tai nạn, hoặc một cú shock tinh thần quá lớn, họ mất trí nhớ và sống cuộc sống mới. Cũng có nhiều trường hợp, họ sống trong ảo giác lặp đi lặp lại của một ký ức khủng khiếp bị gợi lại trong hiện tại. Đó là những bà mẹ mất con, sống mãi trong cảm giác đứa con ở bên cạnh, những người chia tay vẫn không chấp nhận nổi là mình đã mất nhau….

Phim ảnh, có thể cường điệu hóa nhưng đó cũng là sự thật được nhiều nhà tâm lý công nhận rằng các sự kiện sang chấn có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và chức năng của não.

Những người trải qua sự kiện tàn khốc như thiên tai, chiến tranh, tai nạn thường khó mà nhớ được sự việc diễn ra như thế nào. Tương tự, nhiều người bị ngược đãi từ nhỏ cũng khó khăn nhớ lại ký ức của bản thân thời thơ ấu. Đặc biệt, với nhiều người khi đau khổ về mặt tình cảm, để nhớ sự kiện về mối tình đó hay khuôn mặt của người cũ cũng là điều khó khăn.

Những chấn thương đã tác động đến tâm trí của con người rất lớn, làm xáo trộn ký ức nhưng cũng có thể mang góc nhìn mới về quá khứ giúp con người chữa lành.

1.   Một số vấn đề của ký ức và sang chấn 
Chúng ta đang ở trong dòng thời gian tuyến tính: quá khứ - hiện tại – tương lai…nhưng điều đó chỉ đúng với trạng thái bình thường. Với những người gặp sang chấn thì hầu như họ sống cùng kí ức, sống trong quá khứ. Đó là lý do ta cần quan tâm đến các vấn đề của ký ức của người sang chấn

  • Mất trí nhớ: Khi ta chịu đựng sang chấn liên tục thì có thể phát triển tình trạng gọi là phân ly hoặc hay quên. Đây là dạng mất trí nhớ tạm thời khiến một người quên đi những chi tiết cụ thể về trải nghiệm đau thương ta họ trải qua. Thực tế, đây là cơ chế bảo vệ ta để giúp ta tạm thời tách rời khỏi sự kiện đau thương ấy. Thời gian mất trí nhớ tạm thời có thể diễn ra tùy thuộc vào mức độ sang chấn và sự quan trọng của thông tin đã mất. Đa phần các trường hợp mất trí nhớ tạm thời không kéo dài quá lâu, ký ức sẽ được phục hồi theo thời gian.
  • Ký ức tái hiện: Sang chấn có thể không gây ra mất ký ức hoàn toàn, nhưng khi có biểu hiện sang chấn có thể sẽ khiến ta trải qua các ký ức tái hiện một cách không kiểm soát về sự kiện gây chấn động. Ví dụ như ta có thể cảm giác các hình ảnh, âm thanh hoặc giấc mơ kỳ lạ nếu ta bị kích ứng, toàn bộ trải nghiệm đó sống lại làm ta trở nên mất kiểm soát cơ thể.
  • Rối loạn ký ức: Một số khác trong số ta khi gặp qua các sự kiện sang chấn, chúng ta bị rối loạn ký ức, trở nên mờ mịt và thiếu rõ ràng về những gì xảy ra trong quá khứ. Chúng ta có thể thấy đầu óc ta lùng bùng, trống rỗng, thậm chí như trang giấy trắng khi muốn nghĩ về sự kiện đó. Thỉnh thoảng, ta có thể thấy mơ hồ hoặc trở nên hoài nghi về bản thân mình liệu có nhớ như vậy không. Đây là biểu hiện của rối loạn ký ức. Rối loạn ký ức có thể diễn ra toàn phần hoặc một phần. Bản thân người rối loạn ký ức toàn phần không thể truy cập được vào một sự kiện cụ thể nào hết, thậm chí có thể quên hết quá khứ. 
  • Ký ức giảm sút: Một số người có biểu hiện sang chấn có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhớ chi tiết về sự kiện đau buồn. Đây là cơ chế phòng vệ của tâm thức, não bộ đã làm việc để giảm bớt sự đau khổ bằng cách chặn hoặc không cho ta truy cập vào vùng ký ức đau đớn.
  • Ký ức gắn kết: Một số người có sang chấn lại có biểu hiện ngược lại đó là trải qua các ký ức kết dính, tức là nhớ rõ từng chi tiết một của ký ức đau thương ấy. Những ký ức này bám riết lấy ta và khiến ta chìm đắm trong suốt thời gian dài.


2.   Nguyên nhân

Nhiều người có sang chấn thường phàn nàn về việc gặp vấn đề với trí nhớ hàng ngày. Những điều ấy khiến cho giới nghiên cứu cấp thiết tìm câu trả lời nguyên nhân của việc rối loạn ký ức là gì.

Các nhà nghiên cứu cho thấy khi một người bị sang chấn thường hệ thần kinh của họ sẽ có cấu trúc bất thường và não bộ cũng sẽ bị thay đổi chức năng rất nhiều. Sự bất thường được ghi nhận nhiều nhất ở vùng hồi hải mã, vỏ não trước trán và hệ thống catecholamine.

Hạch hạnh nhân của não khi gặp sang chấn cũng được kích hoạt và điều chỉnh để đáp ứng các tình huống căng thẳng, thường chịu trách nhiệm xác định mối đe dọa cho sự an toàn của bản thân. Vì vậy khi tiếp xúc với căng thẳng quá mức, hạch hạnh nhân sẽ hoạt động mạnh và ảnh hưởng đến cách bộ nhớ lưu trữ ở vùng hồi hải mã.

Vùng hồi hải mã là địa điểm chính của quá trình hình thành thần kinh, nơi các tế bào thần kinh mới sinh ra. Sang chấn tác động được đến vùng hải mã và như vậy chúng sẽ tác động đến hệ thần kinh, gây thay đổi ở vùng này. Khi vùng hồi hải mã bị ảnh hưởng thì sẽ gây ra khả năng rối loạn ký ức. Hồi hải mã cũng có kết nối với hệ thống phản ứng căng thẳng của cơ thể, vì vậy khi vùng này bị tổn thương, sức khỏe sẽ bị giảm sút.

Ngoài ra, sang chấn gắn với các sự việc chấn thương thể chất như chấn thương não cũng sẽ phát triển sự rối loạn ký ức.

3.   Ký ức bị dồn nén

Trong phân tâm học, ký ức còn được nhắc đến với hội chứng ký ức bị dồn nén, đó là biểu hiện trí nhớ của ta bị kìm nén. Lý thuyết này cho thấy một người tiếp xúc với sự kiện đau thương nghiêm trọng thì ký ức của họ sẽ bị đẩy xuống tiềm thức. Việc ký ức dồn nén có thể do chủ động hoặc bị động. Sự dồn nén này là biểu hiện không tích cực cho các vấn đề sức khỏe trong tương lai.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ký ức không hề bị lãng quên hoàn toàn mà nó vẫn còn tồn tại trong tâm trí. Từ những thảo luận về sự dồn nén ký ức, nhiều người cho rằng nguyên nhân của việc dồn nén ký ức là do sự kiện đau thương đã kích hoạt quá mức khiến ký ức đó rơi vào vô thức, và từ đó ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến cuộc sống của họ, nó có thể gây ra các cơn hoảng loạn, lo âu một cách vô cớ.

Cũng có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dồn nén ký ức có thể là cơ chế tự vệ, một số khác thì nghĩ đó là do khả năng xử lý bị hạn chế do cách tiếp cận không hiệu quả dẫn đến việc ký ức bị chôn vùi. 

Với người bị dồn nén ký ức, thường cảm xúc và tâm trạng sẽ không ổn định. Thường sẽ thấy bất an hoặc khó chịu, thậm chí khó mà diễn đạt được những khó khăn mình gặp phải. Bên cạnh đó, họ dễ dàng bị mơ thấy ác mộng do ký ức dồn nén trỗi dậy, các cơn ác mộng có thể đưa người bị ảnh hưởng trở lại với sự kiện đau đớn. Những rối loạn trong tương tác xã hội cũng là hậu quả của ký ức bị dồn nén, thường người ta trở nên cảnh giác cao, khó tin tưởng người khác hoặc né tránh những sự kiện, tình huống gợi nhớ ký ức dồn nén đó.

Ký ức khi đã bị dồn nén sẽ tác động không tốt đến sức khỏe, gây ra lo lắng, trầm cảm, hoảng loạn, rối loạn giấc ngủ và thậm chí hạn chế quá trình phục hồi, chữa lành.

4.   Chữa lành ký ức

Để chữa lành cho ký ức thường cần có sự công nhận rằng ký ức là điều quan trọng trong cuộc sống của ta. Chấp nhận ký ức cũng là bước khởi đầu cho quá trình chữa lành. Tiếp theo, ta cũng cần một không gian an toàn để chứng kiến ký ức ấy một cách an toàn, một nhóm bạn cùng ngồi yên tĩnh, uống trà hoặc một nhà trị liệu hoặc một căn phòng để thiền định, thôi miên cũng là cách để ta vượt qua được các ký ức sang chấn. Sau khi đã có không gian an toàn, ta có thể ngồi thả lỏng tìm cách viết, vẽ hoặc bất kỳ phương pháp khác để chia sẻ về cảm xúc và trải nghiệm liên quan đến ký ức đó. Kết nối với người thân cũng là cách để có thể chữa lành.

Chữa lành ký ức là một công đoạn cần thời gian và là quá trình cá nhân, trước những sự đau thương, ta có thể cần hỗ trợ từ bên ngoài để bên trong ta có thêm nội lực bước tiếp. Quan trọng ta hiểu, ký ức và quá khứ rồi sẽ qua và ta sẽ được chữa lành khi sẵn sàng cho quá trình cân bằng năng lượng và tỉnh thức.

Vashna Thiên Kim

 

Danh mục tài liệu tham khảo:
Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành (Bessel Van Der Kolk, M.D)
Não bộ kể gì về bạn (David Eagleman)
Bộ não siêu phàm ( Deepak Chopra – Rudolphe. Tanzi)
Psychology Today
What are eating disorders? (Rối loạn ăn uống là gì?)
Anxiety Disorders (Rối loạn lo âu)
Cấu tạo và cách hệ thần kinh trung ương hoạt động
How Does Trauma Affect the Brain? - And What It Means For You (Chấn thương ảnh hưởng đến não như thế nào? - Và nó có ý nghĩa gì với bạn)
Why Trauma Can Lead to Depression — and How to Cope (Tại sao chấn thương có thể dẫn đến trầm cảm - và cách đối phó)
Cách thoát khỏi sang chấn tâm lý đơn giản bạn nên thử

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger