Serie Sang Chấn Tâm Lý (Phần 6)
09
12/2023

Serie Sang Chấn Tâm Lý (Phần 6)

Sang chấn từ thuở thơ ấu - Những câu hỏi thường trực trong đầu khi cơn sang chấn từ thuở thơ ấu ùa về là điều dễ hiểu. Vì trước cơn đau khổ tinh thần, chúng ta hẳn phải rất khổ sở và tìm lý do thoát ra.

*Tiếp tục serie chia sẻ tri thức về Sang chấn tâm lý. Chuỗi bài viết này bao gồm 10 phần. Mời các bạn đón đọc trong phần Blog -  Sống Thức Tỉnh - Chia Sẻ Tri Thức của Vashna Thiên Kim nhé.

BÀI 6: SANG CHẤN TỪ THUỞ THƠ ẤU

Một ngày nọ, tôi chứng kiến bạn mình trở nên cáu kỉnh, vứt tất cả mọi đồ xuống sàn và “lên cơn” bực dọc cho đến cuồng loạn. Có lẽ, chúng ta ít khi gặp gỡ những người như vậy, vì đâu đó trong không gian chung, chẳng ai trở nên cáu giận như vậy, bởi làm như vậy sẽ rất mất thể diện hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống. Nhưng vẫn có những người như vậy, họ mang nỗi đau của đứa trẻ bên trong mãi chẳng lành, và đó là bạn tôi, nhiều người bạn khác cũng có biểu hiện như vậy. Sau khi chứng kiến về bạn mình, tôi tìm đọc rất nhiều về sang chấn thời thơ ấu, những sang chấn đến từ lời mắng mỏ, đòn roi hoặc thậm chí đến từ việc bị bỏ rơi, bị mất cha mất mẹ hoặc là bạo lực gia đình. Và khi đọc những điều ấy cũng như trong quá trình thực hành chữa lành, hẳn tất cả chúng ta đều thấy mình ở trong đó.

1.    Những câu hỏi

Ta cũng có thể từng xem các bộ phim về bạo lực gia đình ít nhiều ở ngoài rạp hay là trên tivi, những lời mắng mỏ và khóc lóc. Gần đây nhất, có một thước phim về sang chấn từ thuở thơ ấu ở ngoài rạp cũng có đoạn hội thoại rất đau khổ của nạn nhân chia sẻ rằng “tại sao nhiều người bị đánh mà chỉ có mình tôi bị bệnh”. Nhiều người mang sang chấn từ thuở ấu thơ có lẽ không ít lần hỏi điều đó, ta có phải người bình thường không? ta có bị bệnh không? và tại sao lại là ta chứ không phải họ? Thậm chí là, tại sao họ lại làm thế với ta?

Những câu hỏi thường trực trong đầu khi cơn sang chấn từ thuở thơ ấu ùa về là điều dễ hiểu. Vì trước cơn đau khổ tinh thần, chúng ta hẳn phải rất khổ sở và tìm lý do thoát ra. Có nhiều người chia sẻ rằng cứ mỗi lần giáp mặt với gia đình, họ thấy ngột ngạt khó thở, dù bây giờ bố mẹ hay ông bà đã chẳng còn mắng mỏ nữa, nhưng chẳng hiểu tại sao cơ thể họ cứ bị ăn dần ăn mòn năng lượng, họ trở nên căng thẳng và dễ cáu gắt. Một số khác thì trở nên lệ thuộc vào gia đình, luôn muốn làm vừa lòng cha mẹ để không bị chì chiết và được ghi nhận. Vài người khác lại có xu hướng trốn chạy khỏi gia đình, và chỉ cần về nhà họ hành xử như con người khác, hoặc ở biệt trong phòng.

Những biểu hiện này chung quy lại đều vì đứa trẻ bên trong tổn thương quá lớn, không thể nào tìm được cách chữa lành phù hợp và thông thường, nỗi đau ấy cứ dần xâm chiếm ăn mòn con người trưởng thành của ta. Đến khi ta bị kích động, chợt thấy bên trong mình là những vết thương thủng lỗ chỗ.

2.    Những biểu hiện và hậu quả

Khi ta trải qua sang chấn đầu đời, các phản ứng cảm xúc và hành vi của ta. Nó có thể gây ra căng thẳng mãn tính vì luôn cảm thấy môi trường xung quanh không an toàn. Sang chấn thời thơ ấu có thể hiểu đơn giản là sang chấn hình thành từ đầu đời khi có các trải nghiệm/sự kiện rối loạn, căng thẳng trong cuộc sống của một đứa trẻ. Những tác nhân gây ra sang chấn thời thơ ấu có rất nhiều, gắn liền với bạo lực như bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, bị bỏ rơi, không được chăm sóc tốt hoặc thiếu hụt sự chăm sóc và tình yêu, đối mặt với mất người thân, tai nạn, chiến tranh,...

Thông thường, có khoảng ⅓ đến ⅔ trẻ em trên thế giới từng trải qua sang chấn thời thơ ấu. Sự sang chấn này gây ra các vấn đề vật lý như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và các vấn đề miễn dịch. Thậm chí, nó còn ảnh hưởng đến quá trình điều hành của hệ thần kinh và trở nên khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc. 

Có rất nhiều bằng chứng chỉ ra rằng các sang chấn thuở thơ ấu có thể góp phần tạo ra sự ức chế phát triển thần kinh ở vỏ não trước trán. Nhiều nơi khi quét hình ảnh não bộ của trẻ có biểu hiện PTSD đều thấy rằng nồng độ chất xám vỏ não trước trán thấp, như vậy sẽ ảnh hưởng đến trí não, quá trình hoạt động điều hành như ra quyết định, giao tiếp xã hội.

Về mặt tinh thần, khi ta trải qua sang chấn thời thơ ấu, ta có thể có nguy cơ mắc các rối loạn tâm lý như rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, stress mãn tính, PTSD, rối loạn nhân cách ranh giới, hoang tưởng, tâm thần phân liệt,...

Những tác động đó khiến cho những người ôm nỗi đau từ nhỏ đến khi trưởng thành khó khăn trong hòa nhập xã hội, khó có thể duy trì mối quan hệ xã hội cho đến mối quan hệ tình cảm lành mạnh, ta có thể rơi vào vòng tròn bạo lực và để lại các sang chấn sang thế hệ tiếp theo.

3.    Sự bất lực

Các sang chấn thời thơ ấu xuất hiện rất sớm và có thể chung sống với ta cho tới khi trưởng, tới khi ta ra đi. Một trong những điều ảnh hưởng rất lớn của sang chấn thơ ấu đó là sự bất lực. Một số nơi còn gọi là “thể hiện sự thiếu kiểm soát”. Thông thường, ở tình trạng bất lực, chúng ta sẽ không thể đối phó với tình huống hiện tại hoặc tương lai.

“Bất lực” là trạng thái được kích hoạt bởi một sự kiện tiêu cực duy nhất”. Bất lực là khi ta cảm thấy có người đang kiểm soát mình hoặc các tình huống/sự kiện kiểm soát ta. Đó là trạng thái rất tù túng. Khi ta bị sang chấn từ thuở thơ ấu, chức năng điều hành của ta bị giảm, việc cảm thấy choáng ngợp trong những tình huống là điều rất dễ hiểu, và khi bị choáng ngợp, ta sẽ không thể xử lý tình huống như những người không có sang chấn có thể làm dễ dàng.

Cách hành xử khi ta có sang chấn cũng sẽ khác đi, vì ta dễ cảm thấy bất lực, vô vọng. Ví như người yêu quên nói lời chào trước khi ra khỏi nhà. Với tổn thương từ thuở nhỏ, ta có thể tưởng tượng rằng người yêu mình đã làm điều gì đó rất khủng khiếp, đã đối xử tệ bạc với mình và lo sợ rằng sẽ chia tay. Hoặc khi sếp của ta nói điều gì đó phản hồi không tích cực, nhiều người vượt qua điều ấy dễ dàng, nhưng với tổn thương từ đầu đời, ta sẽ cảm thấy việc trỉ trích cá nhân ấy quá căng thẳng và mất một ngày để “tiêu hóa” nó. Khi đó, nỗi buồn và lời nói cứ ăn dần ăn mòn vào cơ thể và trí não mà ta khó thoát ra được. Các hành động xốc nổi có thể phát sinh nếu như ta không thể kiểm soát được. Chia tay nhanh chóng hay nghỉ việc đột ngột. Đó là thảm cảnh của ta với những tổn thương mỗi ngày xâm lấn tinh thần mình. Nhưng chính những hành động bốc đồng này không nên bị đánh giá là tiêu cực, đây là cơ chế ứng phó phổ biến và chỉ là hậu quả tự nhiên của một não bộ bị tổn thương rất lâu mà thôi.

4.    Chúng ta không có lỗi

Nhiều người bị tổn thương từ nhỏ dẫn đến việc có các hành vi không phù hợp với chuẩn mực xã hội sẽ luôn cảm thấy xấu hổ, tội lỗi và bế tắc với vấn đề của mình. Nếu không có sự cảm thông và đồng cảm với nhau, có lẽ xã hội sẽ đẩy nhóm người này đi xa hơn nữa và trượt dài trong cảm giác đau khổ của mình. Họ và ta, chúng ta không hề có lỗi và có thể chữa lành được ngay bây giờ để cải thiện cuộc sống của chính bản thân mình.
Những trải nghiệm sang chấn đầu đời ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh và sự phát triển của cá nhân. Nếu như ta bị lạm dụng và là nạn nhân bạo lực từ nhỏ, ta không nên đổ lỗi cho bản thân mình nữa. Thay vào đó, chữa lành có thể là công cụ để giúp chúng ta thôi bất lực, luẩn quẩn trong vấn đề của mình. Chữa lành và cân bằng năng lượng cơ thể có thể cứu được bộ não đã bị tổn thương rất lâu của ta, giúp tái thiết mạch não và hệ thần kinh bằng cách giải quyết nhẹ nhàng những sang chấn chưa được giải quyết, giúp ta giải tỏa các ẩn ức chưa được giải tỏa và trả lời được các câu hỏi mà ta đã không thể trả lời.

Vashna Thiên Kim

 

Danh mục tài liệu tham khảo:
Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành (Bessel Van Der Kolk, M.D)
Não bộ kể gì về bạn (David Eagleman)
Bộ não siêu phàm ( Deepak Chopra – Rudolphe. Tanzi)
Psychology Today
What are eating disorders? (Rối loạn ăn uống là gì?)
Anxiety Disorders (Rối loạn lo âu)
Cấu tạo và cách hệ thần kinh trung ương hoạt động
How Does Trauma Affect the Brain? - And What It Means For You (Chấn thương ảnh hưởng đến não như thế nào? - Và nó có ý nghĩa gì với bạn)
Why Trauma Can Lead to Depression — and How to Cope (Tại sao chấn thương có thể dẫn đến trầm cảm - và cách đối phó)
Cách thoát khỏi sang chấn tâm lý đơn giản bạn nên thử

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger