Serie Sang Chấn Tâm Lý (Phần 4)
08
12/2023

Serie Sang Chấn Tâm Lý (Phần 4)

Trạng thái mất kiểm soát - Ngoài những vấn đề về vật lý, trạng thái mất kiểm soát cơ thể còn ảnh hưởng đến các vấn đề tinh thần và giao tiếp xã hội.

*Tiếp tục serie chia sẻ tri thức về Sang chấn tâm lý. Chuỗi bài viết này bao gồm 10 phần. Mời các bạn đón đọc trong phần Blog -  Sống Thức Tỉnh - Chia Sẻ Tri Thức của Vashna Thiên Kim nhé.

BÀI 4: TRẠNG THÁI MẤT KIỂM SOÁT DO SANG CHẤN

Ai trong mỗi chúng ta hẳn đều có thể từng chứng kiến những lúc người thân, bạn bè hoặc chính mình rơi vào các cơn căng thẳng, co cứng hoặc thân thể run rẩy trước một sự kiện chấn động/đau buồn. Những cơn đau buồn về mặt tinh thần, thực chất lại có thể khiến cơ thể trở nên yếu hơn và tổn hại đến sức khỏe về vật chất. Thực tế, chúng ta có thể nhìn nhận đơn thuần là phản ứng của cơ thể trước sự kiện đau lòng và nếu sử dụng chữa lành sớm có thể sẽ giúp chúng ta vượt qua mối lo này. Nhưng để có thể chữa lành cho thân và tâm khỏe mạng, trước tiên ta cần hiểu về thế nào là trạng thái mất kiểm soát cơ thể do sang chấn.

1.   Khi cơ thể “lên tiếng cầu cứu”

Thực chất, cơ thể con người ta là một thứ gì đó rất thông minh, khi lắng nghe cơ thể, chúng ta có thể hiểu nó sẽ có các phản ứng với điều phù hợp và không phù hợp. Vì vậy, khi ốm yếu, cơ thể có xu hướng cần nghỉ ngơi và có thể không muốn dung nạp quá nhiều nguồn năng lượng dinh dưỡng từ bên ngoài để phục hồi; khi khỏe mạnh, cơ thể báo hiệu ta về việc có thể làm việc, vui chơi để giải phóng năng lượng dư thừa; khi khát thì ta cần uống nước và khi đủ nước thì ta có thể chưa cần phải uống. Vì vậy, đối với các sự kiện, cơ thể đều cho ta đủ tín hiệu, nhằm báo hiệu cho ta biết rằng đây là tình huống có thể gây hại hay giúp ích cho ta.

Đối với các cơn sang chấn, các sự việc gây shock hoặc kích động mạnh, cơ thể có thể trải qua biểu hiện mà ta gọi là mất kiểm soát. Các biểu hiện mất kiểm soát cơ thể tức là ta không thể chủ động để điều chỉnh các hành vi của cơ thể phù hợp, do lúc đó não bộ của ta đang phải hoạt động quá sức để sự việc đau buồn.

Khi cơ thể mất kiểm soát sẽ có biểu hiện như thế nào?

  • Run rẩy hoặc đông cứng: trước sự kiện căng thẳng, cơ thể có thể trở nên run rẩy hoặc co cứng. Bản thân đây là tình huống phản xạ tự nhiên mà cơ thể xử lý khi đối mặt với sự kiện. Lúc này, có thể ta sẽ cảm thấy khó chịu và khó mà xử lý để điều tiết cơ thể trở lại trạng thái thường một cách nhanh chóng.
  • Thở ngắn, thở nhanh, hô hấp không đều: đây là biểu hiện của mất kiểm soát hô hấp, dấu hiệu thường gặp với người có biểu hiện sang chấn. Nhiều người sẽ có hơi thở ngắn và thở nhanh hơn, nhưng cũng có người sẽ khó thở hoặc thở chậm.
  • Nhịp tim tăng và nhồi máu: trước sự kiện gây thương tổn cho tinh thần thì cơ thể cũng sẽ phản ứng và có tổn thương theo. Các sự kiện ấy đều ảnh hưởng đến tim mạch vì khi đó hệ tuần hoàn phải làm việc để tải lượng máu về các cơ quan cần thiết cho việc xử lý sang chấn. Lúc này, nhiều người trải qua cảm giác tim đập nhanh, đập không đều, nhức nhói nơi lồng ngực và cảm giác nhồi máu trong ngực. Trường hợp nặng có thể gây ra bệnh tim, gây nguy cơ đột quỵ hoặc các vấn đề khác về tuần hoàn.
  • Cảm giác buồn nôn hoặc ói mửa: khi căng thẳng và kích động đến, ta có thể bị rối loạn tiêu hóa hoặc dạ dày có thể bị ảnh hưởng. Khi ấy ta có cảm thấy muốn nôn mửa. Thậm chí, nếu nặng có thể xuất hiện các cơn trào ngược dạ dày.
  • Mất khả năng tập trung: Người có thể gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc xử lý thông tin. Ý thức và khả năng tư duy có thể bị ảnh hưởng bởi sự shock và cảm xúc mạnh.
  • Cảm giác hoang tưởng hoặc mất khả năng cảm nhận hiện tại:  Một số người có thể trải qua cảm giác hoang tưởng hoặc mất liên hệ với hiện tại sau khi trải qua một sự cố gây ra sự shock. Họ có thể cảm thấy mờ mịt, không thể tin vào thực tế xung quanh mình.
  • Vấn đề tinh thần và xử lý cảm xúc: mất kiểm soát cơ thể có thể làm suy yếu khả năng xử lý cảm xúc và quản lý tình huống, điều ấy có nghĩa cơ thể ta sẽ trở nên nhạy cảm hơn và não bộ, hệ thần kinh phải hoạt động nhiều hơn. Hệ quả của nó có thể gây ra các vấn đề tinh thần: lo âu, trầm cảm, căng thẳng mãn tính, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, rối loạn ăn uống,....

Như đã nêu trên, các hệ quả của trạng thái mất kiểm soát cơ thể. Ngoài những vấn đề về vật lý, trạng thái mất kiểm soát cơ thể còn ảnh hưởng đến các vấn đề tinh thần và giao tiếp xã hội.

2.   Ta cần làm gì để đối mặt với tình trạng này?

Thấu hiểu và chấp nhận

Nhiều người thân quanh ta rất có thể đã ở trong tình trạng này mà chúng ta không hề hay biết. Hẳn chúng ta đã từng gặp những người ở trong tình trạng lo lắng, bất an không thể dừng được, họ thường trực cảm giác sợ hãi hoặc thậm chí còn nhốt mình trong nhà chỉ vì lo âu xã hội. Những cơn mất ngủ có thể thường trực bên họ và khiến cơ thể suy kiệt, ngủ không ngon giấc và sáng sớm hôm sau, ta gặp họ họ chỉ đang trong tình trạng mệt mỏi, suy giảm năng lượng, khó tập trung. Họ tránh xa giao tiếp xã hội, gặp khó khăn trong việc nói ra ý kiến, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Nhiều người trong đó lại trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị tổn thương hơn. Cũng có vài người lại cảm thấy không thể tin tưởng được người khác sau sự cố sang chấn. Những tác động đó đều do mất kiểm soát cơ thể và tách rời nạn nhân ra khỏi mối quan hệ xã hội.

Thông thường, đó lại là khó khăn vô hình mà người trải qua cơn sang chấn gặp phải. Những khó khăn này sẽ là khó khăn khi mà không được hỗ trợ kịp thời. Cơ thể của chúng ta luôn cần thời gian được nghỉ ngơi, sự yêu thương, chăm sóc và chữa lành. Và sự chữa lành xuất phát từ bên trong, nhưng cũng cần có môi trường thật an toàn. Để có môi trường an toàn cho chính chúng ta, hiểu về các khó khăn của người khác sẽ luôn là một điều đáng quý, là món quà mà chúng ta chia sẻ được với nhau.

Bài viết xin chia sẻ một số cách để chúng ta có thể tự chữa lành cho bản thân với những tổn thương đã xảy ra trong quá khứ hoặc những căng thẳng xảy ra trong đời sống thường ngày.

Quan sát bản thân: thả lỏng và thiền định

Quan sát bản thân cả về tâm trí, cơ thể để cảm nhận xem mình có những biểu hiện nào ở trên hay không. Dành thời gian nhiều nhất có thể để quan sát và nhận diện chính mình.

Thực hành bài thiền quan sát cơ thể dưới đây, nên tập vài lần mỗi ngày để tăng cường khả năng kết nối và cảm nhận cơ thể.

  • Chọn một nơi yên tĩnh, bạn có thể ngồi hoặc nằm thoải mái trong vài phút.
  • Hãy bắt đầu hướng tâm trí của mình vào bên trong rồi nhắm mắt lại, chọn một điểm để tập trung tâm trí vào đó, tùy theo sở thích của bạn, có thể là điểm giữa 2 cung lông mày hoặc đỉnh mũi hoặc quan sát sự phồng xẹp của bụng… Bắt đầu thả lỏng tâm trí, thả lỏng các thớ cơ trên mặt và trên toàn bộ cơ thể.
  • Hít một hơi thật sâu, đưa không khí vào đầy trong phổi, cảm nhận bụng phồng lên, rồi thở ra thật chậm… thấy bụng xẹp xuống… Lặp đi lặp lại như vậy một số lần, bao lâu tùy bạn thích. Nhận biết rằng cơ thể mình đang đi sâu hơn vào trạng thái tĩnh lặng.
  • Khi đã sẵn sàng, đưa tâm trí vào quan sát cơ thể và các giác quan. Bắt đầu từ đỉnh đầu, rà soát toàn bộ cơ thể từ đỉnh đầu xuống dưới mũi chân, quan sát xem có chỗ nào đang căng cứng, đang gồng lên, chỗ nào đau, mỏi, thấy nóng, thấy tê… hay thấy nhẹ nhàng, thư giãn… Ghi nhận những cảm giác đó, chỉ đơn giản là cảm nhận và thả lỏng mà không phán xét hay đưa thêm thái độ. Nếu tâm trí đi lang thang đâu đó thì chỉ đơn giản ghi nhận rồi quay trở lại với bài tập của mình. Bạn có thể quay lại rà soát thêm một số lần nếu bạn muốn.
  • Bạn cũng có thể kết nối với bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể một cách sâu sắc hơn. Khi đã cảm thấy sẵn sàng thì quay trở về với hơi thở, quan sát hơi thở khi hít vào, thở ra và cứ như vậy… Dần dần mở rộng sự chú ý ra môi trường xung quanh. Cảm nhận những gì mình đang nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy… ở trong thời khắc hiện tại này.
  • Khi đã kết thúc bài tập, bạn từ từ mở mắt và đưa cảm giác lúc này của mình vào trong cuộc sống hằng ngày.

 

Chúng ta là những cá thể hoàn toàn khác nhau về mặt thực thể, tinh thần và xã hội, vì vậy mỗi người sẽ có những hiệu quả và phản ứng khác nhau với những phương pháp trị liệu.

3.    Các gợi ý đưa cơ thể về trạng thái cân bằng
Chúng ta là những bản thể độc lập, khác biệt về kinh nghiệm, cơ sở nền tảng, thói quen,, suy nghĩ….nên việc tham khảo các phương pháp khác nhau để thực hành là cần thiết, từ đó ta có thể lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất.

Nhìn chung các phương pháp ứng phó có thể chia làm 2 nhóm, giống như quá trình xử lý tại chỗ và lâu dài: Xoa dịu (xử lý tức thời) và tăng khả năng chịu đựng (rèn luyện lâu dài)

Các hoạt động làm xoa dịu:

  • Tắm bồn: Ngâm mình trong nước ấm có thể giúp cơ thể thư giãn hơn. Có thể pha thêm muối Epsom để làm tăng tác dụng thư giãn. Bạn có thể có bồn tắm ở nhà, hoặc bể sục ở khu vực bể bơi, trung tâm thư giãn trị liệu gần nhà…
  • Tự mát xa: Là những động tác tự mát xa trên cơ thể, có thể bất cứ vị trí nào bạn muốn như mặt, đầu, chân, tay, thân mình... Đi chân đất trên mặt cỏ hoặc nền đất có bề mặt hơi lần sần cũng là cách mát xa rất hữu hiệu cho bàn chân và có tác dụng thư giãn rất tốt. Bạn có thể lên tham khảo một số clip trên mạng, tránh những hoạt động mạnh gây tổn thương cho cơ thể.
  • Đọc sách: Nên đọc sách giấy những cuốn sách mà bạn thấy yêu thích, mong muốn được đọc…
  • Nghe, chơi, viết nhạc: Tùy theo sở trường, sở thích của bạn.
  • Ôm ấp, âu yếm: Với người thân của mình (nên phù hợp với hoàn cảnh và văn hóa) hoặc với thú cưng hoặc với một cái gối êm ái.
  • Vận động: Bất cứ hoạt động nào phù hợp với điều kiện và khả năng của bạn cũng đều tốt, miễn là để cho cơ thể bạn được vận động và bạn cảm thấy sảng khoái. Hoạt động vận động có tác dụng toàn diện nhất là bơi và yoga, nên áp dụng nếu bạn thấy phù hợp với điều kiện của mình.
  • Bộc lộ cảm xúc: Bạn có thể trút bầu tâm sự, cảm xúc với một người thân trong gia đình hay người bạn thân miễn là bạn thấy thoải mái và tin tưởng. Hoặc bạn có thể ở trong một phòng riêng và hét thật to… đừng để người khác nghe thấy bạn nhé, họ lại tưởng có chuyện gì không hay xảy ra!
  • Viết thư, viết nhật ký, vẽ hoặc làm thơ để bộc lộ hết cảm xúc của mình ra… nên tránh viết về những sự kiện gây kích hoạt cảm xúc.

Các hoạt động rèn luyện sức chịu đựng:

  • Nghỉ ngơi: Rất cần dành thời gian cho mình để nghỉ ngơi, kể cả việc phải xin nghỉ làm hay hoãn một cuộc hẹn hoặc thậm chí nhờ người khác chăm sóc con cái giúp trong một khoảng thời gian…
  • Dinh dưỡng: Lưu ý vẫn phải ăn uống đầy đủ 4 nhóm thức ăn (đạm, đường, mỡ, chất xơ - vitamin - khoáng chất) và uống đủ nước. Các thực phẩm có tính chất chữa lành tốt như rau, củ quả tươi; ngược lại những thực phẩm gây cảm giác mệt mỏi, chán ngán như đồ rán, nướng, thức ăn nhanh… Nếu những ai ăn chay thì lưu ý nguy cơ thiếu các yếu tố vi lượng và chất béo cần thiết chỉ có ở động vật.
  • Giấc ngủ: Giấc ngủ ngon là cơ hội tuyệt vời để nạp năng lượng và chữa lành. Nên cố gắng tối đa các hoạt động vệ sinh giấc ngủ để có giấc ngủ tốt. Các hoạt động chữa lành trong bài này cũng đều góp phần cải thiện cho giấc ngủ ngon…
  • Cảm nhận bản thân ở hiện tại: Chỉ cần dành ra vài chục giây thôi, để quay về cảm nhận bản thân là bạn đã thấy ngay sự khác biệt rồi. Nên cố gắng có nhiều nhất những ‘khoảng dừng’ như vậy trong ngày để quan tâm và yêu thương cơ thể bằng tất cả các giác quan (nghe, ngửi, xúc, chạm, nhìn, nếm…).
  • Tập thở: Chỉ cần đơn giản đặt tay lên bụng và hít thở sâu 2-3 nhịp, cảm nhận bụng phồng lên, xẹp xuống… quan sát những thay đổi về cảm giác, về dòng năng lượng trong cơ thể…
  • Dành thời gian với thiên nhiên: Tốt nhất là có thể trở về một khu rừng, hoặc ra biển. Nếu chưa có điều kiện để làm việc đó thì cảm nhận cây xanh, hoa lá xung quanh mình, nơi công viên…
  • Thiền hoặc cầu nguyện: Theo tôn giáo mà bạn đang thực hành; nếu ai chưa biết thì có thể theo các lớp học chính thống về thiền, về tôn giáo.
  • Tách biệt bản thân với cảm xúc: Nên đặt mình trong tư thế của người quan sát cảm xúc mà không hòa mình vào với cảm xúc.
  • Chọn lọc thông tin: Hàng ngày n phải tiếp nhận với rất nhiều loại thông tin, hãy chú ý đến cảm giác khi tiếp nhận thông tin. Nên tránh những kênh thông tin (mạng xã hội, truyền thông, cá nhân nào đó…) có thể mang lại sự kích thích hay cảm xúc tiêu cực cho bạn…
  • Tham gia các nhóm hội thiện lành để cùng nhau học hỏi và phát triển bản thân, cùng nhau chia sẻ và hỗ trợ khó khăn.
  • Tiếp nhận sự giúp đỡ: Bạn có thể tìm đến gặp một chuyên gia tâm lý hoặc những người bạn thân cho bạn cảm giác an toàn. Thông thường, bạn bè hay người thân sẽ dễ dàng đưa ra ý kiến khi bạn thổ lộ vấn đề của mình. Nếu cần, bạn có thể nói trước với họ rằng họ chỉ cần ngồi nghe mà không cần phải đưa ra lời khuyên hay ý kiến gì cả. Nhớ rằng, việc này không giống như than thở hay xả rác cảm xúc. Nên tránh than thở hay "xả rác" cảm xúc vì nếu bạn làm nhiều lần, lặp đi lặp lại thì cảm xúc của bạn càng bị kích thích rồi bạn dễ bị mắc kẹt trong cái vòng lặp đó.

Vashna Thiên Kim

 

Danh mục tài liệu tham khảo:
Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành (Bessel Van Der Kolk, M.D)
Não bộ kể gì về bạn (David Eagleman)
Bộ não siêu phàm ( Deepak Chopra – Rudolphe. Tanzi)
Psychology Today
What are eating disorders? (Rối loạn ăn uống là gì?)
Anxiety Disorders (Rối loạn lo âu)
Cấu tạo và cách hệ thần kinh trung ương hoạt động
How Does Trauma Affect the Brain? - And What It Means For You (Chấn thương ảnh hưởng đến não như thế nào? - Và nó có ý nghĩa gì với bạn)

Why Trauma Can Lead to Depression — and How to Cope (Tại sao chấn thương có thể dẫn đến trầm cảm - và cách đối phó)
Cách thoát khỏi sang chấn tâm lý đơn giản bạn nên thử

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger