Tình yêu dưới góc nhìn Tỉnh Thức (Phần 2)
02
05/2023

Tình yêu dưới góc nhìn Tỉnh Thức (Phần 2)

Xin chào các bạn đọc đang theo dõi Vashna Thiên Kim. Như các bạn đã biết, ở phần 1 của bài viết, chúng ta đã nói về 𝐘𝐞̂𝐮 𝐯𝐚̀ 𝐃𝐮̣𝐜, về bản chất của năng lượng tình dục, và vì sao mà tình yêu và tình dục lại bị biến tướng khiến cho năng lượng chung của con người bị thay đổi trong xã hội hiện đại ngày nay. Ở cuối bài viết phần 1, chúng ta cũng đã được biết, bản thân chỉ có thể thật sự yêu người khác khi chính chúng ta đã đủ đầy, đã hiểu được chính mình.

Thực tại luôn có những câu chuyện hạnh phúc trọn vẹn trong tình yêu, sâu bên trong đó là bóng dáng của sự thấu hiểu, yêu thương, tự do, chia sẻ và bao dung.

Ngược lại, vẫn có những người thường nói rằng: Tại sao tình yêu vốn tích cực mà lại có nhiều kết cục bi thảm đến thế? Từ những hành động ghen tuông không kiểm soát cho đến thái độ sở hữu cực đoan, sẵn sàng xuống tay hạ sát người mình từng gắn bó? Rồi tại sao khi yêu ai đó, mình có cảm giác như nghiện người ta, thông minh đến mấy thì cũng mù quáng, mất đi lý trí….

Hàng loạt những câu hỏi ấy là động lực để Kim chia sẻ lại với mọi người những tri thức căn bản Tình yêu dưới góc nhìn khoa học tâm thức. Mong là các bạn sẽ nhận được đủ đầy cảm xúc của tình yêu thực sự và bình an nội tâm qua bài viết này.

Trước hết, chúng ta hãy cùng làm rõ lại một chút về sự khác biệt giữa tình yêu và các trạng thái cảm xúc gần giống tình yêu nha.

Rất nhiều người trong chúng ta dễ lầm tưởng những cảm xúc như si mê, say mê, thích, rung động, mến mộ, hay ám ảnh với một ai đó thành cảm giác yêu. Vì sao vậy? Vì con người chúng ta luôn mang trong mình những màng lọc tâm trí, những cảm xúc và cái tôi khiến chúng ta vô tình nhầm lẫn và thông thường điều mà bạn thích hay mong chờ ở người khác là điều bạn khuyết thiếu, nó đến từ sự mong cầu được yêu và được thỏa mãn những mong muốn. Vậy nên các bạn cần phải phân biệt rõ sự khác biệt giữa yêu và những cảm xúc gần giống tình yêu. Một tình yêu đích thực nên là một bến bờ an yên mà con người ta hướng đến . Nó bao hàm tất cả những trạng thái cảm xúc của tình yêu có thể và không thể gọi tên trên cuộc đời này. Tình yêu đích thực luôn thiêng liêng, bền vững và tích cực vốn không có điều kiện gì, chứ không chỉ là cảm xúc nhất thời gây mê mờ, khổ đau.

Vậy, YÊU LÀ GÌ? 

Yêu đơn giản là yêu thôi. Không phải vì tốt, vì đẹp mới yêu. 

Càng không phải vì lợi ích mới yêu.

Yêu thương ngay trong mất mát, đớn đau.

Yêu thương ngay cả khi vấp ngã, sai lầm, thất bại.

Vì đó là lúc cần được yêu thương, tiếp sức nhiều nhất.

Hãy cứ an nhiên và quan sát mọi thứ như dòng chảy để biết rằng những biến thiên vốn chỉ là chặng đường ta cần vượt qua.

Dù có ra sao, thì hôm nay, hãy cứ yêu mình, yêu người hồn nhiên như một đứa trẻ!

Tình yêu là gì?

Ở thể ban sơ nhất, tình yêu được biết đến như một dòng chảy liền mạch, tự nhiên, dồi dào, đem đến sức sống, nghị lực và cả những mong muốn, hy vọng tốt lành cho con người. Tình yêu đến với ta trong nhiều hình hài, cảm xúc, hay các khía cạnh trong cuộc sống. Tình yêu thương vô bờ của cha mẹ dành cho con cái; tình yêu lứa đôi gắn kết hai mảnh ghép, tạo ra sinh mệnh thiêng liêng; tình bằng hữu thân tình, trân quý, hay bất kỳ loại tình cảm nào khác thì đều là một dòng chảy năng lượng có tần số cao, đem lại niềm tin và sức mạnh tinh thần cho mọi người. Vì thế, nên một tình yêu đúng nghĩa là một tình yêu mà ở đó cả ta và người cùng hạnh phúc, cùng nhau trở thành những phiên bản tốt nhất của chính mình, dung hòa với nhau nhưng vẫn luôn làm bật được không làm phai mờ đi cá tính của mỗi người và nó không đi kèm sự lo lắng, sợ hãi hay chiếm hữu, yêu tự nhiên như mình vốn là, bình an và dịu ngọt. Có một câu nói của Osho về tình yêu như thế này mà Kim rất thích, đó là:  “Người độc tấu sáo biết cách tận hưởng cây sáo một mình. Và khi người ấy đến và gặp một người độc tấu trống, cả hai sẽ cùng tận hưởng việc ở bên nhau, và tạo ra một sự hài hòa giữa sáo và trống,” 

Các bạn thấy đó, vốn gốc trong tình yêu là những rung động ở mức năng lượng cao đem lại sự sinh dưỡng và những điều tốt lành. Là sự hòa hợp và nâng đỡ, thấy hạnh phúc trong chính mình, cho chính mình, trong đối phương và cho đối phương.

Vậy tại sao nhiều người không có cảm giác như thế trong tình yêu? Tại sao họ luôn dễ dàng cảm thấy bất an, thiếu hụt, đau khổ, hay xáo động tâm trí trong tình yêu của mình mà biểu hiện ra ngoài là hàng loạt những hành động tiêu cực như sự kiểm soát, ghen tuông, nghi ngờ, cãi vã?

Đơn giản vì họ đang cảm thấy như vậy, và mong muốn được người họ yêu hiểu và san sẻ cảm giác ấy. Thực ra mong muốn của họ không sai. Và hẳn nếu bạn là người yêu họ thì chắc rằng bạn sẽ thấu hiểu mọi điều. Nhưng thật đáng tiếc là họ  biểu đạt sai cách về thông điệp tình yêu của mình, có chăng:

- Họ đơn giản là muốn cảm thấy an toàn, nhưng kèm theo là sự kiểm soát (trái ngược với cảm giác an toàn, an toàn thực sự gắn với tự do).

- Họ muốn được yêu như họ vốn là, muốn tự do là chính mình trong tình yêu, nhưng cách họ thể hiện ra lại là muốn người kia yêu theo đúng ý mình, là sự trói buộc trong tình yêu.

- Họ muốn được yêu thương, nhưng cách họ thể hiện ra ngoài là hờn trách (để gây chú ý, để được yêu thương hơn…).

- Họ muốn một tình yêu bền vững, nhưng họ lại mang theo quá nhiều điều kiện và những giá trị nhất thời cho tình yêu ấy. Từ đơn giản dễ thấy như yêu vì đẹp, yêu vì tốt, yêu vì vật chất, đến những thứ vi tế hơn như nhu cầu được chấp nhận, được quan tâm,...

- Họ muốn một tình yêu bao dung, nhưng họ lại thấy rất khó tha thứ vì “yêu nhiều quá”. Có rất nhiều thứ “không thể chấp nhận được” trong một tình yêu lứa đôi đích thực.

- Họ muốn được hạnh phúc trong tình yêu nhưng họ cũng thấy khó chấp nhận “một vài sự thật” của đối phương…

Trong các tình huống nêu trên, cảm xúc mà chúng ta đang cho đi có phải là tình yêu hay không? Có lẽ chúng chỉ là ngộ nhận tình yêu, nhân danh tình yêu mà thôi. Vì chúng không mang lại năng lượng thiện lành, tích cực và hạnh phúc như tình yêu đích thực mang lại.

Bạn có trở nên tích cực hơn, hạnh phúc hơn hay thấy cuộc sống của mình trọn vẹn ý nghĩa trong tình yêu ấy hay không? - Đó là câu hỏi cơ bản để xác định xem ta có đang yêu thương đúng nghĩa hay không!

Không có đúng sai trong tình yêu, vì mọi thứ chỉ là tương đối, nhưng chúng ta có hạnh phúc và năng lượng tích cực hay sự hòa hợp trong các mối quan hệ. Điều này hoàn toàn có được khi ta yêu một cách tỉnh thức – yêu và thể hiện tình yêu đúng như ta muốn, cho và nhận đều là yêu thương đủ đầy. Vì thế, ta nói đến khái niệm Yêu trong Thiền.

Yêu trong Thiền là như thế nào? Trước tiên, để hiểu được về việc yêu trong thiền, thiền trong yêu, chúng ta cần hiểu được định nghĩa về thiền.

Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về thiền, và sự thật thiền không phải là một tôn giáo hay phải tu tập mới hành thiền. Thiền là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ, trong khi tâm trí xuôi chảy không có gì ngăn trở, hoàn toàn đắm mình vào trong ý thức cao hơn không đứt mạch, khoảnh khắc này bạn đang được trạng thái "bình an tuyệt đối". Chính vì thế thiền còn được gọi là Dhyana có ý nghĩa là “dòng chảy của tâm trí”.

Với định nghĩa trên, ta có thể hiểu, khi ta có sự tập trung cao độ cho bất cứ việc gì thì đó chính là thiền. Làm việc cũng là thiền, học cũng là thiền, tập thể dục cũng là thiền, và yêu cũng là thiền, miễn sao khi làm bất cứ việc gì với sự tập trung cao độ, không vội vã, xôn xao, trọn vẹn trong từng diễn biến của hành động, không sa đà vào các ấn tượng cảm xúc chủ quan, phán xét.

Quan sát một đứa trẻ sơ sinh, ta sẽ hiểu được trạng thái trọn vẹn trong từng hành động: khi đứa trẻ khám phá một đồ vật gì đó, đơn giản trẻ dùng giác quan để tri giác đồ vật, hoàn toàn không phán xét nó đẹp xấu, đúng sai, cũng không trói buộc vào những hiểu biết sẵn có về đồ vật đó như người lớn. Khi trẻ bày tỏ nhu cầu nào đó, trẻ tập trung vào đúng nhu cầu đó, nên khi được thỏa mãn, trẻ hạnh phúc say sưa mà không bị ảnh hưởng bởi những xúc cảm khác. Dần dà khi lớn lên, trẻ được học và được trang bị với những góc nhìn của người lớn, những định kiến của xã hội, cụ thể là từ cha mẹ, người nuôi dạy, bạn bè, trường lớp….dần hình thành nên những quan điểm chủ quan, đánh giá và nhìn nhận dưới các hệ quy chiếu.

Khi thiền, ta chỉ tập trung vào sự quan sát và nhận diện, nên từ đó trí tuệ mới khởi sinh, giúp ta nhận biết bên trong sự vật, hiện tượng. Nói như vậy có nghĩa là trong những khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc sống, ta cũng có thiền, chỉ là ta không nhận ra mà thôi, đó là những khoảnh khắc ta say sưa trọn vẹn với hiện tại. Và những giờ phút lắng đọng như thế thường giúp cho ta tận hưởng cuộc sống tốt hơn.

Như một cách làm chậm guồng quay của mọi việc, thiền định giúp ta sáng suốt hơn, nhìn rõ con đường đi. Khi ta tập trung quan sát cuộc sống này, ta tách bạch mình ra như vai trò của một người quan sát những thước phim, ta sẽ không bị cuốn theo như khi ta nhập tâm vào vai trò nhân vật trong bộ phim ấy.

Vậy thiền giúp chúng ta cải thiện bản thân, cải thiện sức khỏe như thế nào trong đời sống hàng ngày?

Theo các nghiên cứu khoa học, Thiền là quá trình hạ thấp sóng não và giảm chuyển hoá.

Nhiều nghiên cứu khác nhau đã cho thấy trong quá trình ngồi thiền, nhịp thở chậm lại, nhịp tim và huyết áp giảm xuống, sóng não hạ thấp và mức độ chuyển hoá giảm theo. Nếu như sinh hoạt hàng ngày luôn làm cho thần kinh con người ở trong tình trạng căng thẳng, kích thích ở những mức độ khác nhau dễ gây rối loạn thần kinh thực vật, dẫn đến rối loạn hoạt động nội tiết và hoạt động miễn nhiễm. Ngược lại, quá trình hạ thấp sóng não, giảm chuyển hoá và giảm tiêu hao năng lượng của thiền là quá trình chủ động làm cho bộ não được nghỉ ngơi, phục hồi khả năng tự điều chỉnh, tự hoàn thiện, qua đó cải thiện các chức năng sinh lý của cơ thể và nâng cao khả năng chống lại những sự quấy nhiễu của môi trường bên ngoài.

Thiền tạo ra sự khác biệt cụ thể trên não bộ, phát triển trí não và làm chậm sự lão hoá.

Các nhà thần kinh học cho rằng não bộ có thể nhận biết, thích ứng và tự điều chỉnh các phân tử và các tế bào trên cơ sở kinh nghiệm và sự luyện tập.  Ông Kosslyn, một nhà tâm thần học nói “ Nếu bạn làm một điều gì đó, bất cứ cái gì, ngay cả chơi bóng bàn, trong 20 năm, mỗi ngày 8 tiếng thì trong não bộ của bạn sẽ có một sự khác biệt so với những người không làm việc đó.  Điều này là tất yếu”. Như vậy, khi ta thiền, đưa bộ não vào trạng thái được nghỉ ngơi, tự phục hồi, tự điều chỉnh thì nó sẽ phát triển tốt hơn và chậm lại sự lão hóa.

Thiền là liệu pháp đối trị các bệnh tâm thể

 

Từ lâu, khoa học đã phân biệt được mỗi khu vực não có liên quan đến những cảm xúc hoặc những khả năng khác nhau của con  người. Ngày nay, với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại, các nhà khoa học đã xác định được rằng quá trình ngồi thiền đã hoạt hoá được vùng não trước trán bên trái , nơi có những tế bào thần kinh cho ta cảm giác phấn khởi, an lạc. Chính điều này đã giúp cho các vị thiền sư dễ an định nội tâm, khó bị kích động bởi những cảm giác hận thù, sợ hãi, lo âu. Do đó, thiền cũng là biện pháp điều trị hữu hiệu đối với các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý gây ra.

Thiền tăng cường hệ miễn dịch

Nhiều nghiên cứu cho thấy các phương thức hành thiền khác nhau như quán sát hơi thở, lần chuỗi, niệm kinh, nhẩm số hoặc những cử động lập đi lập lại như đi bộ, đi quyền, đan len. . . đều có khả năng làm gia tăng hệ miễn dịch. Có thể kể đến những cuộc nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Kundalini ở Boston vào năm 1976 tại Bệnh viện Cựu Chiến Binh La Jolla ở California, thí nghiệm của nhà Tâm lý học Alberto Villoldo ở trường Đại học San Francisco năm 1980. Nhiều người đặc biệt quan tâm đến công trình nghiên cứu của Bác sĩ Carl Simonton về điều trị ung thư trong những năm 1970. Trong những thí nghiệm này, ông hướng dẫn cho người bệnh thư giãn và hình dung những bạch cầu của họ là những chiến sĩ tìm và diệt. Đội quân dũng mãnh đã chiến đấu, chiến thắng và mang đi các tế bào ung thư đã chết. Kết quả thí nghiệm trên những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã cho biết thời gian sống còn của những bệnh nhân tham gia ngồi thiền tăng lên gấp 2 lần rưỡi so với những người không ngồi thiền.

Thiền giúp cải thiện hành vi

Các nhà tâm thần học đang cố khám phá xem liệu việc ngồi thiền có thể cải thiện những chương trình của bộ não có khuynh hướng chống xã hội hay không. Mới đây, một cuộc nghiên cứu về tác động của Vipassana, một loại thiền quán niệm hơi thở của Ấn Độ cổ, đối với những tù nhân tại nhà tù Tihar đã được công bố trên tờ The Indian Express số ra ngày 16.12.2006. Nghiên cứu được tiến hành bởi một nhóm sinh viên trường Đại học Vivekanand ở New Delhi. Họ chọn ra 42 tù nhân tình nguyện. Phân nửa số người trên được hướng dẫn thực hành thiền trong thời gian 10 ngày. Sau thời gian thí nghiệm, các tù nhân được đánh giá các tiêu chuẩn về lòng tự trọng, khả năng ổn định cảm xúc và tinh thần trách nhiệm đối với xã hội.

Thiền giúp nâng cao chỉ số thông minh cảm xúc

 

 

 

 

Trước đây, khi nói về sự thành đạt, người ta nhấn mạnh đến chỉ số thông minh, thường gọi là IQ (Intelligent Quotient). Tuy nhiên, theo nghiên cứu của một số nhà khoa học, chỉ khoảng 25% số người thành đạt có chỉ số thông minh trên trung bình. Như vậy, chỉ số IQ không giải thích được sự thành công của 75% số người còn lại. Các nhà nghiên cứu cũng loại trừ nhân tố năng lực chuyên môn. Cuối cùng, người ta khẳng định thông minh cảm xúc là yếu tố quyết định sự thành công của những người này. Đặc biệt trong cuộc sống hiện nay, nhịp sống nhanh và tính cạnh tranh cao, mỗi người đều dễ bị tác động bởi Stress thì yếu tố thông minh này càng có ý nghĩa quyết định. Nói chung, thông minh về mặt cảm xúc (Emotional Intelligence) hay chỉ số thông minh cảm xúc (Emotional Quotient) là kỹ năng của một người về việc cảm nhận, đánh giá và quản lý cảm xúc của cá nhân mình, của đồng sự hay của đối tác để đạt được hiệu quả tối đa trong công việc cũng như trong giao tiếp xã hội. Hành thiền có thể giúp gia tăng khả năng kiểm soát cảm xúc, lòng tự tin và niềm hứng khởi trong công việc. Do đó, thiền là bước đệm quan trọng nhất để nâng cao chỉ số thông minh này.

Nói đến đây, ta có thể thấy được những lợi ích hữu dụng, to lớn của thiền trong đời sống hàng ngày. Ta không thiền vì nghi lễ tôn giáo, không thiền vì mọi người nói nên làm thế. Mà ta thiền để đưa tâm trí về sự nghỉ ngơi, thư giãn và những ích lợi tuyệt vời mà thiền đem lại cho cơ thể, trí não của ta. Và khi cơ thể ta khỏe khoắn, tinh thần hứng khởi, đời sống nội tâm được cân bằng, tự nhiên ta sẽ phát sinh cảm giác hạnh phúc, an yên và tràn đầy yêu thương. Đó là tình yêu thương thuần khiết ta dành cho bản thân mình đầu tiên, và cho đi trong mọi mối quan hệ. Tình yêu thương ấy sẽ không bị phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, càng không vì sự xuất hiện hay biến mất của một ai đó mà nó mất đi ý nghĩa hay mất đi trạng thái hạnh phúc. Ở góc độ này, tình yêu thương ấy đã lớn mạnh và giàu ý nghĩa hơn tình yêu lứa đôi đơn thuần hay các dạng tình cảm khác mà ta bắt gặp như: tình cảm gia đình, tình yêu với công việc, sự nghiệp hay bối cảnh nào đó….Tự nó phát sinh năng lượng, biểu hiện ra bằng sự cho đi.

Khi yêu thương đúng cách và thuần khiết là ta đang cho đi năng lượng sinh dưỡng, hòa với dòng chảy năng lượng bất tận của vũ trụ, để nhận lại nguồn sống dài lâu cùng nhiều điều an vui.

Đó cũng là cách mà các triết gia, các vị tu hành hay các vị lãnh tụ có được tình yêu thương bất tận cho nhân loại, cho cộng đồng…

Nói ở phạm vi rộng thì như thế. Nhưng nói một cách đơn giản thì thiền giúp chúng ta phát khởi trí tuệ để yêu thương trọn vẹn, đúng đắn, đủ đầy và bình an. Một tình yêu thương cho đi trọn vẹn là tình yêu tự do, đúng nghĩa, bền vững và sinh dưỡng. Ví như trái tim tràn ngập lòng yêu thương thuở ta vừa chào đời.

Để kết thúc, có một câu nói của Osho về Yêu mà Kim vô cùng tâm đắc, Kim sẽ đọc cho các bạn nghe tiếp sau đây: "Năng lực ở một mình là năng lực yêu". Điều đó có vẻ ngược đời với bạn, nhưng không phải vậy. Đây là chân lý tồn tại. Chỉ những người có năng lực ở một mình mới có năng lực để yêu, để chia sẻ, để đi vào cốt lõi sâu thẳm nhất của người khác, mà không sở hữu người khác, không trở nên lệ thuộc vào người khác, không thu nhỏ người khác thành một đồ vật, và không trở nên nghiện người khác. Họ cho phép người khác tự do tuyệt đối, bởi họ biết, nếu người khác ra đi, họ vẫn sẽ hạnh phúc như bây giờ. Hạnh phúc của họ không thể bị người khác lấy đi, bởi vì nó không do người khác trao cho họ.

Các bạn thân mến! Hy vọng những tri thức Kim chia sẻ trong phạm vi bài viết này sẽ giúp bạn nhìn thấu suốt hơn về bản chất của tình yêu thương nói chung và tình yêu đôi lứa nói riêng, để có cho riêng mình thái độ đúng đắn, yêu thương bản thân cùng với tâm thế mở rộng, sẵn sàng cho đi tình yêu đủ đầy! Chỉ cần bạn yêu thương bản thân với sự tỉnh thức…. hạnh phúc và tình yêu vẫn luôn hiện diện quanh đây, trong chính cuộc sống của bạn mỗi ngày!

 

Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger