CÁC CÔNG CỤ NHẬN THỨC VÀ VAI TRÒ VỚI THẾ GIỚI
14
05/2023

CÁC CÔNG CỤ NHẬN THỨC VÀ VAI TRÒ VỚI THẾ GIỚI

Để Triết học Vedanta trở nên dễ hiểu và gần gũi với tất cả chúng ta, chúng ta hãy nói về các công cụ nhận thức – vốn có bên trong mỗi con người, chi phối góc nhìn của con người về thế giới, về cuộc sống và về các yếu tố bao quanh mình.

Các công cụ nhận thức cơ bản

Chúng ta sẽ thấy trong mọi sinh thể đều có ba công cụ nhận thức: bản năng, lý tính và linh cảm, cụ thể:

  • Thứ nhất là bản năng, mà ta thấy phát triển rất cao nơi loài vật; đó là công cụ nhận thức thấp kém nhất.
  • Công cụ nhận thức thứ hai là gì? Là suy luận, lý tính. Các bạn sẽ thấy nó phát triển rất cao nơi loài người. Trước hết, bản năng là công cụ nhận thức chưa đầy đủ; đối với loài vật thì phạm vi hoạt động rất giới hạn, và bản năng hoạt động trong giới hạn đó. Khi đến với con người thì các bạn sẽ thấy bản năng đó được phát huy phong phú thành lý tính. Phạm vi hoạt động cũng được mở rộng thêm ra. Tuy nhiên lý tính vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết. Lý tính chỉ có thể đi một đoạn đường ngắn rồi ngừng lại, nó không thể đi xa thêm nữa; và nếu các bạn cứ ra sức đẩy nó đi tới thì hậu quả là tình trạng lộn xộn vô phương cứu chữa; bản thân lý tính sẽ trở nên phi lý.

Ví dụ: Vật chất là gì? Đó là cái chịu tác động của lực. Vậy thì lực là gì? Là cái tác động lên vật chất. Các bạn thấy ngay sự phức tạp mà những nhà lý luận gọi là “cái bập bênh”; đó là ý tưởng A phụ thuộc vào ý tưởng B, rồi ý tưởng B đó lại tùy thuộc vào ý tưởng A. Các bạn sẽ thấy một rào chắn kiên cố dựng lên trước lý tính, mà khả năng suy luận không sao vượt qua nổi; thế nhưng ta luôn khao khát biết về cái thế giới vô biên. Cái thế giới, cái vũ trụ mà giác quan chúng ta cảm nhận được, hay tâm trí ta suy tưởng được có thể nói chỉ là một nguyên tử của Cõi Vô Biên, được chiếu rọi trên bình diện của ý thức; và lý tính chúng ta chỉ hoạt động trong phạm vi hạn hẹp được xác định bởi mạng lưới của ý thức, chứ nó không thể vượt qua giới hạn đó.

 

 

  • Bởi vậy, phải có một công cụ nào khác đưa được chúng ta đến cõi bên kia, và công cụ đó được gọi là linh cảm. Bởi vậy, bản năng, lý tính và linh cảm là ba công cụ nhận thức.

Giữa các công cụ nhận thức này có quan hệ mật thiết, đều là những hạt giống được gieo bên trong mỗi người và bản năng thuộc về loài vật, lý tính thuộc về con người, còn linh cảm thuộc về các vị thánh triết. Cần phải nhớ rằng công cụ này là sự phát triển của công cụ kia, do đó, không mâu thuẫn với nó. Chính lý tính phát triển thành linh cảm, nên linh cảm không mâu thuẫn với lý tính mà tựu thành cho lý tính. Những sự vật mà lý tính không sao lĩnh hội được lại được đưa ra ánh sáng nhờ linh cảm, và những sự vật đó không hề mâu thuẫn với lý tính. Người già không mâu thuẫn với trẻ con, mà tựu thành cho đứa trẻ.

 Do đó, các bạn phải luôn ghi nhớ rằng điều đại nguy hiểm nằm ở chỗ nhận lầm công cụ nhận thức thấp kém thành công cụ nhận thức cao siêu, hoặc quá tuyệt đối hóa một dạng nhận thức .

 

Bốn con đường của Yoga phát triển công cụ nhận thức:

  • Rāja-yoga:  tức pháp môn yoga tâm lý, hay phương thức hợp nhất bằng tâm lý. Từ những người thấp kém nhất đến hành giả yogi cao siêu nhất, tất cả đều sử dụng một phương pháp như nhau, phương pháp đó là tập trung tư tưởng. Các bạn đang hứng thú với điều gì thì các bạn sẽ tập trung vào đó. Năng lực tập trung càng mạnh thì thu thập tri thức càng nhiều, bởi vì đây là phương pháp duy nhất để thu thập tri thức. Ngay cả anh thợ đánh giày hèn kém nhất, nếu anh ta tập trung nhiều hơn thì đánh giày sẽ bóng hơn; người đầu bếp tập trung nhiều hơn thì sẽ nấu ăn ngon hơn. Trong việc kiếm tiền hay sùng bái Thượng Đế, hay làm bất cứ việc gì, hễ năng lực tập trung càng mạnh thì kết quả càng tốt đẹp. Có thể nói năng lực tập trung tư tưởng – là chìa khóa duy nhất để mở kho tàng tri thức. Pháp môn rāja-yoga hầu như chỉ chuyên về việc tập trung tư tưởng. Hiện nay, chúng ta đã bị phân tâm quá nhiều; và tâm trí cứ phung phí năng lực vào hàng trăm thứ công việc. Hàng ngàn tư tưởng khác cứ ngập tràn trong tâm trí và làm nó rối loạn cả lên. Làm thế nào để kiểm soát và chế ngự tâm trí, đó là toàn bộ chủ đề nghiên cứu trong pháp môn rāja-yoga. Rāja-yoga rất gần với Thiền định.
  • Karma –yoga: Với một số người thì việc tập trung tư tưởng rất khó, thay vào đó là tập trung vào một hành động cụ thể hóa. Mỗi người chúng ta đều tham gia vào một công việc, nhưng phần đông chúng ta đều hoang phí quá nhiều năng lực, bởi vì ta không biết được bí quyết làm việc. Karma-yoga giải thích điều bí ẩn này, đồng thời dạy cho chúng ta biết làm việc ở đâu và làm như thế nào, làm thế nào để vận dụng được tối đa năng lực của chúng ta vào công việc trước mắt. Trước hết là làm việc một cách tự nhiên, cho đi không mong cầu, tập trung vào các việc trong hiện tại. Hiểu rõ căn nguyên của những việc xảy ra với mình, với mọi người nên không còn lo sợ, trách cứ, sợ hãi hay mong cầu nữa.
  • Kế đó là bhakti-yoga dành cho những người mang bản tính đa cảm, dễ xúc động, những người có lòng yêu thương. Họ muốn yêu thương Thượng Đế; Bhakti-yoga dạy cho họ thương yêu mà không cần đến bất kỳ một động cơ kín đáo nào; họ thương yêu Thượng Đế và thích làm việc thiện vì thấy đó là điều tốt, chứ không phải để lên thiên đàng, để cầu con cái, của cải hay bất cứ thứ gì. Bhakti-yoga dạy cho họ rằng bản thân sự thương yêu đã là phần thưởng tối cao của thương yêu rồi – chính Thượng Đế là Tình Thương. Pháp môn này dạy cho họ dâng đủ mọi thứ lễ vật lên Thượng Đế như là đấng Tạo Hóa, đấng Vô Sở Bất Tại, đấng Toàn Trí, đấng Cai Trị Toàn Năng, là Cha Mẹ. Thành ngữ tối thượng để diễn tả Ngài, quan niệm tối cao mà tâm trí nhân loại có thể hình dung được Ngài, đó là: Ngài là Thượng Đế của Tình Thương. Bất cứ nơi đâu có tình thương yêu thì đó là Ngài. “Hễ nơi nào có tình thương thì đó là Ngài; đấng Chúa Tể ngự trị nơi nơi ấy”. Đó là lời dạy của pháp môn bhakti-yoga.
  • Cuối cùng, ta đến với các hành giả jnāna-yogi, đó là những triết gia, những nhà tư tưởng, những người muốn vượt cao hơn cõi hữu hình này. Họ là người không thỏa mãn với những sự vật vụn vặt, nhỏ bé trong thế gian này. Linh hồn họ muốn vượt qua tất cả để đi sâu vào tận bản tâm của vạn hữu bằng cách thấy được Thực Tại y như thực – bằng cách thể ngộ được Thực Tại đó, biến thành Nó và hợp nhất với Hằng Hữu Phổ Quát. Đó là triết gia. “Đấng mà tôi đã mô tả cho các bạn như là Sự Sống của vũ trụ này, đấng đang hiện hữu trong nguyên tử, trong mặt trời, mặt trăng – thì Ngài chính là nền tảng cho sự sống của chúng ta, là Linh Hồn của mọi linh hồn. Nói cho đúng hơn thì các bạn chính là Ngài”. Đây là lời dạy của pháp môn jnāna-yoga. Nó bảo cho con người biết rằng bản chất họ chính là thần linh. Nó chỉ cho con người thấy nhất thể chân thực của tồn tại, đó là: mỗi người chúng ta đều chính là Thượng Đế Tối Cao đang hiển thị trên thế gian này. Tất cả chúng ta – từ loài sâu bọ thấp kém nhất đang bò dưới chân ta, cho đến những nhân vật tối cao mà chúng ta ngưỡng mộ và kính sợ – đều là những sự hiển lộ của cùng một Thượng Đế.

 

Từ nhận thức tới niềm tin tâm linh – tôn giáo

Có quá nhiều chuyện bị thêu dệt hay những thứ bị bóp méo khiến chúng ta hiểu lầm về tôn giáo. Tôn giáo thực sự thì không bao giờ thay đổi, không đi trái khoa học, không phải là niềm tin mù quáng từ nhận thức bản năng hoặc lý trí. Niềm tin tâm linh tôn giáo không trái với khoa học, nó là kết quả quá trình thực hành, tu tập thực chứng của bản thân trên cả 4 bình diện:

  • Rāja-yoga: tập trung cùng Thiền định để tiếp thu tri thức, con đường của sự làm chủ tâm trí, là phương pháp khoa học và toàn diện nhất để đạt được sự giác ngộ.
  • Karma –yoga: hiểu về nghiệp, vòng lặp nghiệp để hành động dựa trên tỉnh thức chứ không dựa trên nỗi sợ hãi. Là hành động vô điều kiện, hành động không gắn kết vào kết quả.
  • Bhakti-yoga: phát triển tình yêu thương vô điều kiện, từ đó bỏ đi các rào cản phân biệt để nhìn ra bản chất sự thật, con đường của tình yêu thương thanh khiết.
  • Jnāna-yoga: tập trung nhìn thấy phần chân thực nhất, linh thiêng nhất của con người, vạn vật, trở về với Chân Ngã, là con đường Yoga của sự thông thái, của trí tuệ và sự tự vấn về sự thật, bản chất thật của cuộc sống.

Với Triết học Vedanta, quá trình thực chứng đến từ việc thực hành trong lối sống để chuyển hóa toàn diện con người, tạo ra đức tin vững chắc, từ đó trở lại với các vai trò đời sống tĩnh tại, thấu suốt và hiệu quả hơn trong mỗi việc mình làm. Vì lẽ đó, triết học Vedanta được coi là tôn giáo thống nhất tất cả các tôn giáo, hoặc nên được coi là kim chỉ nam của lối sống Thiền – sống Tỉnh thức.

Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger