Sống Tỉnh Thức
CÁC BƯỚC TIẾN HÓA CỦA BỘ NÃO
So với bộ não của các loài động vật, não bộ con người có nhiều điểm phát triển – đó là kết quả của quá trình tiến hóa lâu dài để não bộ trải qua những bước phát triển cơ bản những chức năng chủ yếu.
- Bộ não bản năng
- Bộ não cảm xúc
- Bộ não trí tuệ
- Bộ não trực quan
Đây cũng là bốn cách hoạt động của não tương ứng với chuyến hành trình của con người: sự tiến hóa bắt đầu từ những bộ phận bản năng của bộ não (não bò sát – reptilian – hàng trăm triệu năm tuổi), sau đó tiếp tục với bộ phận phụ trách tất cả mọi cảm xúc (hệ viền – limbic system) và những bộ phận hé lộ gần đây nhất để vươn đến những chức năng suy nghĩ cao hơn (đại diện là vỏ não mới – neocortex – định hình 90% tổng thể vỏ não).
1. Bộ não bản năng
Đây là giai đoạn khởi đầu xa xưa nhất của bộ não được tiến hóa: bộ não bản năng. Nó tương ứng với hành động được lập trình bởi hệ gen của chúng ta cho mục đích sống còn. Bản năng là thứ có trước cảm xúc trong nấc thang tiến hóa. Và bộ não bản năng này của con người có nhiều điểm tương đồng với các loài động vật, nó cung cấp những xung động tự nhiên của cơ thể vật lý để hướng đến sự tự bảo vệ như cảm giác đói, khát và tình dục duy trì nòi giống. Điều này cũng bao gồm toàn bộ những tiến trình vô thức, giống như sự điều tiết của hệ tiêu hóa và hệ tuần hoàn – về mặt cơ bản, mọi chức năng của cơ thể xuất hiện một cách tự động.
Xét trên một phương diện nào đó, những tâm lý đám đông hoặc nỗi khắc khoải dâng trào trong xã hội hiện đại xuất phát phần nào từ bộ não bản năng, nó hướng chúng ta chú ý đến những xung động sợ hãi như thể sự sống còn của chúng ta tùy thuộc vào nó. Nếu quan sát chính mình đủ lâu, bạn sẽ hiểu rằng những xung động làm bản thân cảm thấy bồn chồn, bất an, lo lắng chính là dấu hiệu hoạt động của bộ não bản năng, chúng luôn thúc đẩy chúng ta hành động với sự xuất hiện liên kết giữa khát vọng/ham muốn và nỗi sợ. Nỗi sợ sẽ tiếp thêm năng lượng cho khát vọng để làm dịu đi sự sợ hãi, rồi chính bản thân khát vọng lại tạo ra nỗi sợ hãi về việc bạn không thể hay không nên làm theo bản năng.
Bạn sẽ thấy rất rõ mâu thuẫn này trong các cặp đôi yêu nhau, giữa những điều họ khao khát có được từ người yêu của mình, đi kèm với cảm giác bất an, sợ hãi khi mất đi người yêu. Bộ não bản năng đưa chúng ta vào thế mâu thuẫn giữa những gì ta rất muốn và những gì ta không có được.
Dĩ nhiên, bộ não bản năng thúc đẩy ta hành động, tuy nhiên, khi nó mất cân bằng, nó có thể tạo ra những khả năng đáng tiếc đối với chúng ta:
- Nếu bạn quá bốc đồng, cơn giận, nỗi sợ và khát vọng của bạn mất kiểm soát sẽ đưa bạn đến những hành động bộc phát và hối tiếc về sau.
- Nhưng nếu bạn quá khống chế sự bốc đồng của mình, cuộc đời bạn sẽ lạnh lùng và dồn nén, ảnh hưởng tới mối liên kết giữa bạn và những người khác.
Nhận thức được sự có mặt của bộ não bản năng chi phối, chúng ta nên lắng nghe nhu cầu/ mong muốn thực sự và thừa nhận tính có ích của sự sợ hãi bằng việc tôn trọng và lắng nghe nó. Việc tự dằn vặt mình về cảm giác sợ hãi, tức giận chỉ làm cho mình nặng nề thêm. Với bộ não bản năng, chỉ cần bạn lắng nghe tiếng nói của chúng để tạo ra mối liên hệ chặt chẽ với cơ thể. Sau đó, hãy dùng những khả năng cao cấp hơn của bộ não để phân tích và quyết định hành động.
Câu hỏi để nhận diện sự chi phối của bộ não bản năng là: Bạn đang hành động dựa trên nỗi sợ hay dựa trên nhu cầu của cá nhân?
Bạn có đang để nỗi tức giận chi phối hành động của chính mình? Và bạn có sẵn sàng đối diện để giải quyết vấn đề hay không?
Bộ não bản năng cũng có tác dụng của nó trong việc bảo vệ cơ thể xuất phát từ những cơ chế xa xưa. Nhưng sự thật là ta thường trốn tránh và cảm thấy xấu hổ với phần bản năng này. Việc ta che giấu phần bản năng, mong muốn thực sự hoặc phán xét cho các cảm giác đến từ bản năng…sẽ khiến cho nỗi khát khao bị kìm nén và dễ có cơ hội bùng phát. Thay vào đó, ta thừa nhận tiếng nói bản năng, gọi tên các cảm xúc sâu kín và sống chân thành cởi mở với tất cả những góc khuất thuộc về mình, vượt qua nỗi sợ bị đánh giá….đó chính là cách để ta chữa lành cho tâm tư của mình. Và không ai có thể giúp ta, ngoài việc ta quan sát tỉnh thức và vận dụng trí tuệ của mình để “đi xuyên qua” những nỗi sợ hay cám dỗ cấp thấp để điều hướng chú ý của bản thân sang những hoạt động mang lại năng lượng tốt hơn.
Ví dụ: Khi bạn đang đi chơi, bạn cảm thấy đói và muốn ăn trưa, nhưng tất cả mọi người đều đang tham gia hoạt động rất sôi nổi. Giờ bạn có 2 lựa chọn: hành động theo bản năng là từ chối hoạt động để ra ăn trưa vì thấy nhu cầu ấy hợp lý; hoặc bạn sẽ cố đàn áp cơn đói, giữ lịch sự để tham gia cho trọn vẹn hoạt động. Lựa chọn số 1 mang lại cảm giác thỏa mãn, hợp lý cho chính bạn. Vấn đề duy nhất phát sinh là bạn có thể sẽ ngại khi nói đến việc mình bị đói như một dấu hiệu bất lịch sự. Lựa chọn số 2 đến từ sự kiềm chế. Nó sẽ dồn nén tích tụ vào khiến bạn “không vui” khi hoạt động, và rất có thể cảm giác không vui ấy sẽ kéo dài trong suốt cả ngày. Giải pháp là chúng ta có thể cởi mở chia sẻ vấn đề để hướng đến việc giải quyết ổn thỏa.
2. Bộ não cảm xúc
So với cơ chế phản ứng cơ bản của bộ não bản năng: phản ứng hay trốn chạy thì bộ não cảm xúc là một bước tiến mới với sự với sự bổ sung nhiều lớp mới theo thời gian của não bộ. Các lớp não giống như các lớp vỏ cây, giúp tích hợp những điều đã diễn ra, đem lại ấn tượng cân bằng: những kí ức đau thương và khó chịu trong quá khứ dẫn đến nỗi sợ hãi, những kí ức vui vẻ dễ chịu sẽ dẫn đến niềm khát khao. Cùng với sự xuất hiện của bộ não cảm xúc, nhận thức bắt đầu tò mò về sự sống còn thể chất và có sự xuất hiện của một mẫu thuẫn mới: kí ức. Kí ức sẽ làm cho cảm xúc đeo bám dai dẳng và nếu vướng mắc, chúng rất khó bỏ. Đó cũng là lý do nhiều người phụ nữ không thể bỏ được người chồng bạo hành, dù họ bị đối xử rất tệ. Họ để cảm giác lưu luyến, lo sợ vẩn vơ cho tương lai chi phối cho thói quen, hoặc dễ gợi lại những kỉ niệm tốt đẹp của quá khứ ngay khi người chồng tỏ ý hối hận về hành động bạo lực của mình. Với sự ám ảnh từ quá khứ, người ta có thể sẽ bỏ qua những điều tốt đẹp trong hiện tại khi mãi chìm đắm vào những điều đã qua.
Vậy ta nên làm thế nào với bộ não cảm xúc của chính mình?
Có lẽ ta cần sự cởi mở về cảm xúc và có thói quen quan sát đánh giá cảm xúc của chính mình. Không phải là kiểu đánh giá đúng sai tốt xấu, mà đơn giản chỉ là nhận diện các trạng thái cảm xúc cần có, tách biệt cảm xúc với chính mình chứ không phải đồng hóa mình với cảm xúc hay đẩy cao cảm xúc lên. Bạn có thể quan sát các câu nói sau đây:
- Tôi tức giận và Tôi đang nổi giận: câu nào phản ánh trạng thái đúng hơn. Ở cách nói đầu tiên, bạn đồng nhất mình với sự tức giận, và điều đó có thể đẩy cảm xúc này lên cao, khi nó nắm quyền là một phần đồng nhất với chính bạn. Với cách nói thứ hai, bạn đã tách bạch giữa bản thân bạn và trạng thái của cảm xúc lúc ấy. Và việc nhận diện này cũng nhắc bạn nhớ ra là trạng thái cảm xúc có thể thay đổi. Điều bạn cần làm là tránh sự chi phối hành động ngay khi cảm xúc đang cao trào.
Cũng như bất kì giai đoạn nào khác của não bộ, cảm xúc có thể bị mất cân bằng:
- Nếu quá đa cảm, bạn sẽ đánh mất quan điểm. Cảm xúc thuyết phục bạn rằng chúng là điều quan trọng duy nhất. Cảm xúc quá đà sẽ làm toàn bộ hệ thống tinh thần – cơ thể cảm thấy mệt mỏi và sa sút. Nuông chiều cảm xúc của mình đủ lâu, bạn sẽ trở thành tù nhân của chúng.
- Tuy nhiên, nếu quá đàn áp cảm xúc, bạn sẽ mất liên lạc với cách cảm nhận cuộc đời. Điều này dẫn đến ảo tưởng rằng chỉ cần lý trí thôi là đủ, nhưng bỏ qua cảm xúc thì bạn có nguy cơ hành động một cách vô thức. Sự kiềm chế cảm xúc cũng liên kết chặt chẽ với việc trở nên suy yếu và bệnh tật.
Ta nên làm thế nào với bộ não cảm xúc: cảm xúc là trạng thái nhất thời, đến rồi đi, ta luôn nhớ điều ấy để không neo giữ những cảm xúc tiêu cực, hoặc khi hành động hãy tự hỏi mình có đang bị cảm xúc chi phối hay không, dừng lại một nhịp…và quyết định của bạn sẽ bình tĩnh hơn rất nhiều.
3. Bộ não trí tuệ
Ngay khi bạn biết đặt câu hỏi vì sao: Vì sao tôi có mặt ở đây? Vì sao tôi yêu người này, ghét người kia?” thì một nhân tố tiến hóa hơn sẽ can dự vào câu trả lời – đó là trí tuệ. Trí tuệ là cách tiến hóa chính của não bộ để chống lại những nỗi ám ảnh dựa trên sự sợ hãi và khao khát. Lý trí cho phép bạn lập chiến lược để đạt được những gì minh khao khát – đây là một hoạt động chi phối cuộc sống của tất cả mọi người. Cảm xúc và trí tuệ luôn có sự tương tác không bao giờ kết thúc để tạo ra một diễn trình nội bộ liên tiếp, được truyền đi trong não trong suốt thời gian tỉnh thức. Nó cũng giống như những cuộc trò chuyện, độc thoại nội tâm của một số người.
Ví dụ, khi bạn thấy thèm café, thì bạn sẽ thấy trong đầu có 3 luồng suy nghĩ như sau:
- Bản năng: thèm café quá!
- Cảm xúc: uống một tách café thôi
- Lý trí: từ từ, mặt đang mụn lắm, không nên uống
Như vậy, bộ não cao cấp – trí tuệ đánh dấu sự xuất hiện của khả năng tự nhận thức. Mỗi ví dụ mà chúng ta nói đến đều sử dụng “tôi/ mình” gắn với những ý nghĩ định danh, là chủ thể đang sử dụng bộ não. Bộ não trí tuệ sử dụng tư duy logic và duy lý để đối mặt với thế giới theo thể thức định tâm. Trong khi bộ não bản năng làm bạn phản ứng một cách tự nhiên và thiên bẩm thì bộ não trí tuệ cung cấp cho bạn sự lựa chọn mang tính định tâm hơn: một loại phản ứng có trách nhiệm. Bạn luôn biết lý do rõ ràng cho những việc bạn nên làm/ không nên làm. Bộ não trí tuệ phản hồi, còn bộ não bản năng thì phản ứng. Sự phản hồi bất kì tình huống nào cũng đòi hỏi sự hiểu biết, ngữ cảnh xã hội, tình huống giao tiếp, các mối liên kết đầy ý nghĩa.
Sự hiểu biết thì bắt nguồn từ việc chúng ta chia sẻ sự học hỏi của mình. Xã hội loài người lệ thuộc vào việc giảng dạy nên bộ não người có thể chuyển kinh nghiệm thành kiến thức, dạy nhau bằng ví dụ và lời nói. Ngôn ngữ phức tạp đẩy mạnh sự tiến hóa của não bộ, vì nó cho phép chúng ta giao tiếp phức tạp hơn với những suy nghĩ mang tính biểu tượng. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể tạo ra những biểu tượng, quy ước để phát triển cuộc sống của chính mình, định danh các sự vật, hiện tượng xung quanh.
Cũng như các giai đoạn khác của não bộ, trí tuệ có thể mất cân bằng:
- Nếu quá lý trí, bạn sẽ mất nền tảng cảm xúc và bản năng. Điều này dẫn đến những hành động tính toán không phù hợp với chính mình, viển vông; hoặc gây ra những xu hướng mỏi mệt, gãy đổ cho chính bạn.
- Nhưng nếu bạn không phát triển trí tuệ thì nó sẽ mắc kẹt trong suy nghĩ thô sơ, bạn sẽ chìm trong ảo tưởng, mê tín dị đoan, dễ bị tác động từ bên ngoài.
Vậy ta có thể làm gì với bộ não trí tuệ? Đầu tiên ta đừng đối lập trí tuệ với bản năng và cảm xúc. Thực tế là chúng hòa quyện với nhau để tạo nên những thông điệp chung cho chúng ta. Trí tuệ giúp chúng ta đương đầu với nỗi sợ và khát vọng của mình một cách sáng rõ, và giúp chúng ta phản hồi lại thế giới một cách trách nhiệm. Nhưng con người luôn cần cả lý, cả tình nên ta có thể rèn luyện sự sắc bén của tư duy bên cạnh việc lắng nghe ngôn ngữ của bản năng và cảm xúc.
4. Bộ não trực quan - trực giác
Nếu như trí tuệ mang đến nhu cầu định nghĩa thì trực giác sẽ xuất hiện khi bạn có nhu cầu về giá trị. Đúng và sai, tốt và xấu là những giá trị quá rõ ràng và điển hình. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi nhu cầu hình thành các chuẩn mực đạo đức của con người xuất phát từ đâu? Đó chính là từ khả năng đồng cảm và thấu cảm – chia sẻ cảm xúc của người khác, thấu hiểu để xây dựng mối gắn kết. Đồng cảm cũng mở đường cho lý luận đạo đức và biểu hiện vị tha. Và đó là những nền tảng cơ bản để bộ não trực quan xuất hiện.
Bộ não trực quan vượt lên khỏi cảm xúc và trí tuệ, mang đến cho bạn bức tranh tổng thể về sự việc (các hình ảnh thực tế mà ta gán cho chúng ý nghĩa hoặc các tình huống khác nhau).
Ví dụ: khi bước vào một công ty, chưa cần ai giới thiệu, nhưng quan sát dáng vẻ, hành động, giọng nói, phong thái của mỗi người bạn sẽ có thông tin cảm nhận trong não bộ về việc ai làm ở vị trí nào, ai là sếp. Hoặc khi bạn gặp một người lần đầu, bạn có thể thấy yêu quý người ta mà không lý giải được. Tương tự như thế là việc bạn phát hiện ra ai đó nói dối bạn nhờ khả năng linh cảm.
Trực giác là một phần quan trọng đem lại những phán đoán bất thần đặc biệt rất thú vị. Trực giác phù hợp với bất kỳ ai tìm kiếm giác quan thứ sáu, giúp bạn mở rộng nhận thức của mình bên ngoài giới hạn của những điều quen thuộc. Giác quan là cách cơ bản thô sơ để bạn đón nhận thế giới xung quanh bằng cách nhìn, nghe và sờ. Quan trọng hơn, bạn cảm nhận con đường của mình xuyên qua cuộc sống, biết được điều gì tốt và không tốt cho chính mình, biết khi nào mình bị lừa, ai yêu mình thật lòng… Trực giác hay trực quan chính là sự phản ánh tương lai.
Trực giác có vẻ là “mảnh đất màu mỡ” thu hút sự khám phá, tò mò và cả sự ngạc nhiên thán phục của chúng ta. Nhưng ngay cả vậy thì ta cũng nên cân bằng trực giác, tránh dồn mình vào hai thái cực:
- Quá tin vào linh cảm trực giác sẽ làm cho bạn không thể nhìn ra nguyên nhân khi nó xuất hiện. Điều này dẫn đến những quyết định bất đồng, khó hiểu và hành vi phi lý.
- Nếu bạn không tin trực giác của mình, bạn sẽ không có khả năng cảm nhận tình huống. Điều này làm cho việc quyết định mù quáng tùy thuộc vào việc dùng lý trí hợp thức hóa hành động của bạn, ngay cả khi chúng bất ổn.
Vậy ta nên phát huy bộ não trực giác như thế nào?
Đầu tiên nên tin cậy trực giác, tin cậy các phán đoán bất thần chính xác của trực giác, Bộ não trực giác vốn không có giới hạn nào không thể dự đoán, tùy thuộc vào việc ta lắng nghe nó đến đâu. Ta hoàn toàn có thể luyện tập cách nghe tiếng nói của trực giác nhờ vào thiền định và các bài tập thư giãn với lời dẫn, khai thông các luân xa và giải tỏa phần ách tắc.
Lời kết
Sau khi xem xét 4 giai đoạn phát triển - 4 phần chức năng của bộ não, chúng ta tổng hợp chúng lại để thấy bộ não của mình quý giá như thế nào. Rõ ràng chúng ta đang sở hữu một món quà tuyệt vời của tạo hóa, và học được cách cân bằng với chính bản thân chúng ta từ việc nhận diện vai trò của bốn giai đoạn này của bộ não. Bộ não mất cân bằng khi bạn ưu tiên phần này hơn phần khác. Thực tế thì bạn là chủ nhân của bộ não, là người có khả năng lựa chọn để đưa ra những hành động thực tế phát triển tiềm năng và phục hồi bộ não về trạng thái viên mãn, mạnh khỏe!
Vashna Thiên Kim