VIỆT NAM TRONG TÔI, MỘT LỜI TRI ÂN KHÔNG TIẾNG NÓI
Mấy hôm nay, như mọi ngày, tôi dậy sớm để bắt đầu thời thiền sáng. Nhưng trong sự tĩnh lặng ấy, không phải chỉ là nhịp thở quen thuộc mà là một nỗi lo lớn hơn mỗi ngày đang len lỏi trong tim tôi. Khi những dòng tin đầu tiên về áp thấp trên biển Philippines, khả năng mạnh lên thành bão nhiệt đới mang tên Auring, và cảnh báo nguy cơ tiến vào Biển Đông đã được nhiều báo đài đưa tin. Là người từng đưa ra những thông tin dự báo trước đó, tôi hiểu rõ điều này có nghĩa là gì. Cảm giác ấy âm ỉ trong tôi mấy ngày nay, như một dự cảm lặng thầm nhưng không thể xem nhẹ. Hơn ai hết, tôi mong mỏi những dự báo của mình sẽ không thành hiện thực. Và tôi vẫn cầu nguyện từng ngày, từng hơi thở để cơn bão nếu đến, sẽ đi trong hiền hòa.
Nhưng hôm nay thì lại khác. Tôi vẫn dậy sớm, vẫn chuẩn bị cho thời thiền của mình. Và trong im lặng, tôi bỗng chốc nghe thấy hai giọng nói thân thuộc vọng lại. Một trầm ấm mang âm sắc miền Bắc, một nhẹ như gió đồng nội phương Nam. Đó là giọng nói của ba và má tôi, hai con người đến từ hai phòng tuyến lịch sử, đã gặp nhau dưới mái nhà hòa bình để sinh ra tôi, như một kết tinh của những nẻo lịch sử đã thôi chia cắt. Như nhắc nhớ tôi hôm nay là một ngày thật đặc biệt. Tôi ngồi yên đó, và khi từng dòng khí tươi mới của đất trời tràn ngập trong lá phổi, tôi biết rằng mình đang được sống trong những khoảnh khắc thật thiêng liêng của lịch sử. Sự thiêng liêng không đến từ những trang sách, mà chính từ trong không khí này. Bầu không khí đã được dệt nên từ hào khí của cha ông, từ những trái tim từng bừng cháy lý tưởng, từ những giọt máu đỏ tươi đã thấm vào từng tấc đất quê hương, từ tinh thần bất khuất của một dân tộc anh hùng. Sự thiêng liêng của độc lập, tự do và bác ái.
Khi bước ra ngoài phố, mọi sắc đỏ rực rỡ trên từng lá cờ, từng nụ cười rạng rỡ của người dân, từng lời hát cũ vang lên giữa không gian tháng Tư, tất cả khiến tôi chững lại. Tôi chọn tạm gác nỗi lo của mình ở đó, không phải vì nó không quan trọng, mà vì tôi hiểu có những khoảnh khắc cần được giữ nguyên vẹn. Và ngày hôm nay, khi cả dân tộc cùng hướng về dấu mốc nửa thế kỷ thống nhất, tôi muốn cho phép mình bước chậm hơn, lặng hơn để hòa vào dòng chảy ấy bằng niềm vui của sự sống. Trong không khí thiêng liêng và rưng rưng này, bao kỷ niệm, bao câu chuyện xưa, những hồi ức từ những chuyến đi qua dải đất hình chữ S lại ùa về. Chúng đan kết trong tôi thành một dòng cảm xúc vừa dịu dàng vừa mãnh liệt, như một lời nhắc. Như một lời hứa. Với chính mình. Với thế hệ của mình.
Những ngày qua, khi cả nước hân hoan chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, tôi vẫn ngồi yên trong căn phòng riêng của mình. Tôi đã lui về “ẩn sóng” một thời gian, tạm gập lại mọi cửa sổ mạng xã hội để dành không gian trọn vẹn cho dự án sách và những buổi thiền dài. Không định phá vỡ sự lặng yên mình đã chọn, nhưng hôm nay, tôi bỗng thấy thôi thúc muốn sẻ chia cùng các bạn đôi điều từ trái tim mình. Để chúng ta, dù đang lo lắng điều gì, vẫn có thể cùng nhau dừng lại trong giây phút này và biết ơn vì mình còn được sống, được yêu thương, được là một phần trong hành trình Việt Nam.
1. Mạch Nguồn Hai Miền Hội Ngộ Trong Tôi
Sinh ra tại Cần Thơ, nhưng mang trong mình hai mạch nguồn Bắc Nam hòa quyện. Cuộc hôn nhân của ba mẹ tôi là minh chứng sống động rằng thống nhất không chỉ là khép lại bản đồ bị chia cắt, mà còn là hàn gắn lại những đường biên vô hình trong tâm khảm bằng tình yêu và lòng trắc ẩn. Tôi, đứa con của hai bờ vĩ tuyến cũ, lớn lên như sự cộng hưởng của hai chất giọng, hai truyền thống, nhưng cùng chung nhịp đập mang tên Việt Nam.
Tuổi thơ tôi ngân nga cả câu hò bến Ninh Kiều lẫn những điệu dân ca đất Kinh Bắc, lớn lên giữa những câu chuyện hậu phương hướng về tiền tuyến của ông bà. Mỗi dịp 30 tháng Tư, những câu chuyện ấy được sống lại và tôi luôn thấy lòng mình dâng lên một cảm xúc kỳ lạ, vừa nhung nhớ những năm tháng chưa hề sống, vừa biết ơn sâu thẳm những ngày đang được sống. Càng trưởng thành, tôi càng hiểu sâu sắc hơn rằng hòa bình, độc lập, thống nhất chính là món quà vô giá, được bọc trong máu, nước mắt và khát vọng của cha ông. Khát vọng độc lập tự do đó không kết thúc bằng tiếng đổ của cánh cổng Dinh Độc lập, mà nó tiếp tục được nuôi dưỡng những cuộc trường chinh mới. Trường chinh đưa đất nước thoát nghèo, trường chinh vươn lên bản đồ tri thức toàn cầu, trường chinh giữ gìn môi trường sống trong cơn bão khí hậu. Rằng đoạn đường hôm nay ta bước không phải bắt đầu từ vạch số 0, mà là tiếp nối dấu chân kỳ vĩ của những người đã đi trước.
50 năm Ngày giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước. Đó là thời gian đủ dài để một em bé sinh đúng khoảnh khắc lá cờ chính nghĩa bay phấp phới trên Dinh Độc lập nay cũng đã trở thành một người ông, người bà tóc pha sương. Đó cũng là quãng thời gian đủ dài để những ký ức tưởng chừng đã khắc sâu sẽ bắt đầu nhạt nhòa dần trong nhịp sống hối hả của thời đại toàn cầu hóa. Thế nhưng, tôi biết rằng giá trị thiêng liêng của hòa bình và độc lập chưa bao giờ mất đi sức sống trong dòng máu mỗi người con Việt Nam.
Tôi và thế hệ tôi là những người con được thừa hưởng sự vinh quang của dân tộc. Với chúng tôi, chiến tranh chỉ còn là những câu chuyện kể, những thước phim tư liệu quý giá, những tượng đài sừng sững và những nghĩa trang liệt sĩ bạt ngàn. Chúng tôi chưa từng trải qua chiến trường, chưa từng chứng kiến đạn pháo rung chuyển đất trời, chưa thấu hiểu được cảm giác xé lòng trước những đau thương mất mát tột cùng, chưa từng trải qua những giây phút hồi hộp chờ tin chiến thắng. Lớn lên trong những năm đầu thập niên 90s, thời điểm đất nước đã bước vào guồng quay đổi mới, không còn đó những cảnh xếp hàng mua gạo tem hay những ánh nến xóa mù chữ bập bùng trong đêm. Tuổi thơ tôi gắn với bến Ninh Kiều lộng gió, với những chiều thả diều bên rặng bần, với tiếng máy nổ đuôi tôm vang xa từ những vườn cây sai trĩu. Chúng tôi được lớn lên trên những con phố đã kịp lấp đầy những hố bom, đi học dưới mái trường khang trang và từng đêm được ngước nhìn bầu trời thanh bình không vệt đạn pháo. Nhưng chính sự bình yên mà chúng tôi đang được hưởng thụ lại càng khiến lòng tri ân và tình yêu Tổ quốc trong tôi thêm sâu sắc. Lòng yêu nước của chúng tôi không chỉ được nuôi dưỡng từ những câu chuyện kể, từ những lời dạy của thầy cô, từ những tấm gương anh dũng - kiên cường, từ những thước phim tư liệu quý giá, mà còn từ những cảm nhận sâu sắc về những gì mà đất nước đã vượt qua. Tôi muốn nhìn lại chặng đường 50 năm ấy, không chỉ để hiểu lịch sử, mà để cảm nhận được hơi thở, nhịp đập, sự kiên cường và vĩ đại của dân tộc mình.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 – đó không chỉ là ngày những chiếc xe tăng cuối cùng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập. Đó là kết quả của một hành trình dài đằng đẵng, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của không chỉ những người lính ngoài mặt trận, mà của cả triệu triệu con người ở hậu phương rộng lớn. Khi ai đó nói về chiến tranh, hình ảnh người lính cầm súng xông pha là hình ảnh đầu tiên hiện lên. Quả thật, sự dũng cảm, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ nơi chiến trường là vô cùng lớn lao. Nhưng để người lính có thể yên tâm dũng cảm chiến đấu, để tiền tuyến có đủ sức mạnh, thì hậu phương, trái tim của cuộc kháng chiến cũng phải gồng mình gánh vác những trọng trách thầm lặng nhưng không kém phần vĩ đại.
Tôi đã nghĩ về những người mẹ. Những người mẹ tiễn con ra mặt trận, nén chặt nước mắt vào trong, nụ cười gượng gạo trên môi là lời động viên vô giá. Rồi ngày đêm mẹ ngóng trông tin con, mỗi cánh thư là một niềm hy vọng, mỗi cánh én về là một lần thắt lòng. Có những người mẹ tiễn đi mấy người con, rồi lặng lẽ đón nhận những tấm giấy báo tử. Nỗi đau ấy, không tiếng súng nào có thể sánh được. Họ không trực tiếp cầm súng, nhưng trái tim họ là cả chiến trường khốc liệt.
Tôi nghĩ về những người vợ. Tuổi xuân của họ gói gọn trong những lá thư gửi ra tiền tuyến, trong những đêm dài không ngủ chờ chồng. Họ một mình gánh vác việc nhà, nuôi dạy con cái, làm lụng vất vả để gửi từng cân gạo, tấm áo ra chiến trường. Nỗi nhớ và sự thủy chung của họ là nguồn sức mạnh tinh thần tiếp lửa cho người tiền tuyến.
Và còn biết bao con người thầm lặng khác. Những bà mẹ, chị gái, em gái miệt mài trên những cánh đồng, “tay cấy, tay súng”, “tay búa, tay liềm”, sản xuất để nuôi quân. Tối về nhà lại thắp đèn dầu may vội chiếc cờ Tổ quốc. Những công nhân, kỹ sư dốc sức ở các nhà máy, xí nghiệp, dù trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, vẫn sản xuất vũ khí, đạn dược, hàng hóa phục vụ chiến trường. Những anh thợ máy thức trắng đêm giữ cho “cô gái sông Hậu” - con tàu vận tải chở quân nhu không phụt khói giữa lộ trình đêm vì một tia lửa cũng có thể làm lộ vị trí. Những cô giáo, thầy giáo vẫn bám trường, bám lớp, truyền thụ kiến thức cho thế hệ mầm non, thắp lên ngọn lửa hy vọng vào tương lai. Những y sĩ, bác sĩ làm việc không ngơi nghỉ trong các bệnh xá, bệnh viện dã chiến, giành giật sự sống cho thương binh, bệnh binh. Họ, những con người ở hậu phương, không được vinh danh nhiều như người lính, nhưng sự hy sinh thầm lặng của họ đã góp phần lớn lao làm nên chiến thắng. Mỗi hạt gạo gửi ra tiền tuyến là giọt mồ hôi, là nỗi nhọc nhằn của người nông dân. Mỗi viên đạn được bắn ra là công sức của người công nhân. Mỗi lá thư tay là tình yêu, nỗi nhớ của người ở nhà. Chính sự đồng lòng, chung sức, "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng" đã tạo nên sức mạnh tổng hợp phi thường, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.
Ngày 30 tháng Tư, là ngày giải phóng, là ngày thống nhất. Nhưng nó cũng mang theo cả nỗi đau. Nỗi đau của những người đã mất đi người thân yêu mãi mãi. Nỗi đau của những vết thương thể xác và tinh thần còn hằn sâu. Đất nước tuy thống nhất về địa lý, nhưng hai miền còn nhiều khác biệt, hạ tầng đổ nát, kinh tế kiệt quệ, đời sống nhân dân vô vàn khó khăn. Giai đoạn sau chiến tranh là một cuộc chiến đấu không tiếng súng, đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và hy sinh không kém. Mẹ cũng thường kể cho tôi nghe thời thanh niên của mẹ. Thành phố Cần Thơ ngày ấy chưa có cầu dây văng bắc qua sông, điện chập chờn, chợ cổ lưa thưa quầy sạp. Cảnh xếp hàng mua lương thực, tem phiếu, sự thiếu thốn đủ bề. Những câu chuyện ấy chẳng có bom đạn, nhưng vẫn rát bỏng hy sinh, sự hy sinh thầm lặng của hòa bình. Vì những người ở lại phải chiến đấu với nghèo đói, lạc hậu để giữ lời hứa “sống cho xứng đáng với những người đã nằm xuống”. Chiếc cuốc, tấm tole, bao xi măng đã thay cho khẩu súng. Tôi đọc sách, xem phim về những năm tháng đầu sau giải phóng. Và trong khó khăn ấy, tôi mới thấy được nghị lực phi thường của con người Việt Nam. Họ không gục ngã, không than vãn, mà cùng nhau bắt tay vào xây dựng lại cuộc sống từ đống tro tàn. Từ những việc nhỏ nhất như dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa đường sá, khôi phục sản xuất. Đó là sức mạnh của sự sống, của niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn.
2. Vươn Lên Từ Gian Khó: Bản Lĩnh Việt Nam và Khát Vọng Hòa Hợp
Nhìn lại lịch sử, năm 1975, Việt Nam đóng vai là một “người chiến thắng cô độc” trong bối cảnh Chiến tranh lạnh. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi ấy chưa được quốc tế công nhận, bị Hoa kỳ áp cấm vận toàn diện, giao dịch với phương Tây bị tê liệt. Tại khu vực, chúng ta bị những người hàng xóm dè chừng. Sau khi đưa quân vào Campuchia năm 1978, Việt Nam lại càng bị cô lập và trừng phạt ngoại giao. Phụ thuộc viện trợ vào Liên Xô, quan hệ với Trung quốc rạn nứt rồi bùng nổ xung đột biên giới trong hơn một thập kỷ. Việc thống nhất hai miền với hai chế độ kinh tế xã hội khác biệt cũng đặt ra bài toán vô cùng phức tạp cho Đảng và Nhà nước. Với một đất nước kiệt quệ gần như hoàn toàn sau nhiều chục năm trong chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu, có lẽ khó có ai trong thời kỳ đó nghĩ rằng nhà nước non trẻ này sẽ có thể tồn tại được trước những thách thức như thế.
Nhưng 50 năm qua là một câu trả lời thần kỳ. Trong lịch sử thế giới hiện đại, Việt Nam là một trường hợp đặc biệt về khả năng phục hồi và vươn lên mạnh mẽ sau cuộc chiến tàn khốc kéo dài. Vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa xây dựng nền tảng cho chế độ xã hội mới, đồng thời đối mặt với những thách thức về an ninh, chủ quyền. Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam chỉ trong vòng vài thập kỷ đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hội nhập quốc tế và nâng cao đời sống nhân dân là một điều rất ấn tượng.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức phía trước, nhưng những gì Việt Nam đã làm được sau chiến tranh thực sự là một câu chuyện truyền cảm hứng về ý chí quật cường, khả năng vượt khó và khát vọng vươn lên của một dân tộc. Dù mỗi quốc gia có con đường phục hồi và phát triển riêng sau chiến tranh, nhưng, trường hợp của Việt Nam với những đặc điểm về lịch sử, xuất phát điểm và phương thức phát triển mang tính độc đáo là một minh chứng rõ nét cho khả năng phi thường của con người khi có sự lãnh đạo đúng đắn và tinh thần đoàn kết. Và, tôi nhận ra thành tựu này là kết tinh của một dòng chảy nhất quán của lý tưởng độc lập - phồn vinh - hạnh phúc, của thái độ khiêm nhường - cảnh giác - cầu thị, và trên tất cả là trục giá trị “lấy dân làm gốc” xuyên suốt. Các thế hệ lãnh đạo thay đổi, ngôn ngữ được làm mới, hoàn cảnh địa chính trị đảo chiều, nhưng mạch ngầm tinh thần ấy không hề đứt quãng.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, người dân Việt Nam luôn dành sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Niềm tin ấy được xây dựng trên nền tảng của sự hy sinh, cống hiến không mệt mỏi của Đảng vì độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân. Đảng đã cùng dân tộc trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ nhất, đã cùng dân tộc làm nên những kỳ tích. Và khi đất nước đứng trước nguy cơ tụt hậu, khi mô hình kinh tế cũ không còn phù hợp, Đảng đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, lắng nghe tiếng nói của nhân dân để khởi xướng công cuộc Đổi mới năm 1986. Công cuộc Đổi mới không phải là một công thức sẵn có, mà là quá trình tìm tòi, thử nghiệm, thậm chí có những sai lầm. Nhưng điều quan trọng là Đảng đã đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, lấy sự phát triển của đất nước làm mục tiêu cao nhất. Nhờ đổi mới, tiềm năng của con người Việt Nam được giải phóng, sức sáng tạo được khơi dậy. Từ những sáng kiến nhỏ trong sản xuất đến những quyết sách chiến lược vĩ mô, tất cả đã tạo nên động lực mạnh mẽ đưa đất nước tiến lên. Niềm tin ấy là sự đồng hành, thấu hiểu và sẻ chia. Người dân tin vào khát vọng chân thành của Đảng là mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tin vào bản lĩnh, trí tuệ của tập thể lãnh đạo dám nhìn thẳng vào sự thật, dám thay đổi để đưa đất nước tiến lên.
Những thành tựu của đất nước trong 50 năm qua, đặc biệt là gần 40 năm Đổi mới, là minh chứng rõ ràng nhất cho sự tin tưởng đúng đắn đó. Từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã trở thành một quốc gia đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản hàng đầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình. Đời sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Trẻ em được đến trường, người ốm được khám chữa bệnh, người già được quan tâm. Cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ, giao thông thuận tiện, thông tin liên lạc hiện đại. Năm 2025, Việt Nam đang hiên ngang là một trong những nền kinh tế năng động nhất Châu Á, giữ thế cân bằng khôn khéo giữa các cường quốc, đóng góp chủ động cho hòa bình, anh ninh, khí hậu và chuỗi cung ứng toàn cầu. Hành trình 50 năm từ vị thế ngoại vi đến vai trò trung tâm khu vực và ảnh hưởng trên trường quốc tế quả thật là một kỳ tích.
Nhìn ra thế giới, có một số quốc gia được gọi là phép màu kinh tế như Đức, Nhật hoặc Hàn Quốc khi họ vươn mình sau thế chiến. Nhưng sự vươn lên của họ thường gắn liền với viện trợ nước ngoài quy mô lớn và những điều kiện lịch sử đặc thù. Việt Nam thì khác. Cuộc chiến của chúng ta kéo dài hơn, tàn khốc hơn, và chúng ta vươn lên chủ yếu bằng chính sức mình, bằng chính sách Đổi mới do nội lực dân tộc thúc đẩy. Sự phục hồi và phát triển của Việt Nam là câu chuyện về ý chí, về nghị lực phi thường của con người Việt Nam, về khả năng biến đau thương thành hành động, biến khó khăn thành động lực, dưới sự chèo lái kiên định và linh hoạt của Đảng. Chưa có một quốc gia nào trên thế giới có sự tương đồng về mức độ bị hủy diệt, hậu quả nặng nề trên quy mô cả nước và bị cấm vận toàn diện mà đạt được những thành tựu trong thời gian như đất nước ta đã đạt được. Sự phát triển đó thần tốc đến nỗi câu chuyện về Việt Nam trong sách giáo khoa của nhiều nước còn chưa kịp thay đổi. Họ vẫn dạy về một Việt Nam lạc hậu và đói nghèo sau chiến tranh, nhưng thực tế thì hoàn toàn khiến họ thán phục.
Năm 2025 cũng là một cột mốc đặc biệt đối với đất nước. Là thời điểm giao thoa giữa quá khứ và tương lai. Vì chúng ta cũng đang trải qua một cuộc “cách mạng” có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cuộc “cách mạng” tổ chức bộ máy, vừa tinh gọn, vừa giảm cấp chính quyền địa phương, nghĩa là thay đổi căn cơ. Đây có lẽ cũng là sự dũng cảm không kém phần to lớn như công cuộc Đổi mới trước đây. Ai cũng có quê hương, cũng có những địa danh thân thuộc. Nhưng đứng trước ngưỡng cửa tất yếu của lịch sử, của kỷ nguyên mới, nếu không chớp lấy cơ hội để đi lên sẽ có thể bị lùi lại phía sau, nguy hại đến cơ đồ. Một lần nữa, chúng ta phải gạt bỏ đi sự cá nhân để hướng về dân tộc, hướng về toàn dân, để cùng nhau đi lên, cùng nhau xây đắp quê hương chung của chúng ta, quê hương Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng tinh thần xuyên suốt “lấy dân làm gốc” sẽ dẫn dắt những người lãnh đạo tâm huyết đưa chúng ta tới con đường của sự phát triển và hưng thịnh. Để 50 năm sau, chúng ta một lần nữa, soi chiếu lại ngày hôm nay, ngày mà một công cuộc mới được bắt đầu.
3. Hiểu Về Hòa Bình Qua Những Gian Lao Không Tiếng Súng
Không chỉ như thế, điều khiến tôi tự hào hơn cả là cách Việt Nam đối diện với quá khứ và vươn ra thế giới. Một dân tộc đã chịu nhiều đau thương, mất mát như Việt Nam lại có thể gác lại hận thù, mở rộng vòng tay hòa giải, hòa bình, hữu nghị với cả những cựu thù. Việc chúng ta đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, trở thành đối tác chiến lược toàn diện là một điều không phải quốc gia nào cũng làm được. Đó không chỉ là sự khôn ngoan về chính trị, mà là một cử chỉ cao thượng, một tâm hồn lớn của dân tộc Việt Nam, như lời Bác Hồ dạy: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", và độc lập, tự do phải gắn liền với hòa bình, hữu nghị. Phong cách ngoại giao của Việt Nam ngày nay là sự kết hợp giữa bản lĩnh kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc với sự mềm dẻo, linh hoạt, chân thành và cởi mở. Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tốt, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cùng nhau giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển chung. Tôi cảm thấy rằng chúng ta đã đặt chân bước trên con đường đi đến "năm châu" mà Bác Hồ hằng mong ước.
Chứng kiến những gì đang diễn ra khắp cả nước cho sự kiện kỷ niệm đặc biệt này. Tôi chỉ có thể nói lên hai tiếng TỰ HÀO. Nửa thế kỷ trước, thắng lợi 30 tháng Tư khép lại một cuộc chiến tốn sức người sức của, mở ra hành trình hàn gắn và kiến thiết. Nửa thế kỷ sau, Việt Nam bước lên lễ đài không chỉ để hồi tưởng, mà để tuyên bố với bạn bè năm châu rằng một dân tộc từng đi qua bom đạn nay đã trưởng thành thành trụ cột hòa bình trong khu vực. Quy mô sự kiện lần này vượt xa mọi lần kỷ niệm trước: hơn 13.000 quân nhân, công an, dân quân, quần chúng xếp thành 56 khối diễu binh diễu hành, cùng màn biểu diễn không quân, pháo hạm và nghệ thuật đồng diễn quy mô hàng vạn người. Sự đồ sộ ấy có lẽ không phải để khoe khoang vũ lực, mà là kể câu chuyện hồi sinh đáng kinh ngạc của một đất nước từng bị tàn phá, nay vươn lên nhóm đầu châu Á về tăng trưởng, hội nhập và đóng góp gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Năm nay, Việt Nam mở rộng khách mời lẫn đội hình. Và lần đầu tiên, chúng ta mời khối quân đội nước ngoài cùng bước đều trong một lễ duyệt - diễu cấp quốc gia. Tôi biết rằng không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng mở cửa khối duyệt - diễu cho quân đội nước ngoài. Cho phép lực lượng vũ trang nước ngoài mang vũ khí, quân kỳ vào quốc gia mình đòi hỏi mức tin cậy an ninh rất cao, đồng thời chứng tỏ rằng Bộ Quốc phòng nước chủ nhà hoàn toàn tự tin và năng lực kiểm soát và bảo mật trước nước bạn. Việc biểu dương lực lượng với quy mô lớn chưa từng thấy không còn dừng lại ở sàn diễn quân nhu, việc mời quân đội nước ngoài cùng diễu binh chính là đặt nền móng tin cậy cho những thỏa thuận chung, cứu trợ nhân đạo và gìn giữ hòa bình trong tương lại. Khi Trung Quốc, Lào, Campuchia bước đều trên đường phố Tp. Hồ Chí Minh, đó cũng là bước chân của những kênh liên lạc nóng giữa bộ tổng tham mưu các nước, là tấm bản đồ khu vực Đông Nam Á gắn kết bằng đối thoại chứ không bằng nghi kỵ.
Không chỉ có vậy. Sự kiện năm nay mang theo quá nhiều những giá trị sâu sắc. Đầu tiên, trong nhịp bước vang vọng ấy chính là tiếng tri ân lịch sử. Thế hệ người Việt Nam tôi hôm nay chưa từng đứng chung chiến hào với quân tình nguyện Lào, Campuchia hay đoàn cố vấn Trung Quốc như cha ông. Nhưng chúng tôi ý thức sâu sắc rằng sự hy sinh và hậu cần của láng giềng đã góp phần quan trọng cho tự do, độc lập nước nhà. Mời quân đội ba nước anh em thể hiện lời nhắc nhớ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trên quy mô quốc gia. Việt Nam không quên quá khứ, không quên những bàn tay đã nắm chặt mình trong cơn bão lửa. Tinh thần tri ân ấy lan tỏa dọc đại lộ, nơi người dân reo mừng khi thấy màu cờ láng giềng hòa cùng sắc cờ Tổ quốc, như một thông điệp rằng lịch sử đau thương đã được chuyển hóa thành sợi chỉ đỏ của hữu nghị.
Nguồn: Báo vov.vn
Song hành với tri ân là thể hiện quyền tự chủ dân tộc. Giữa bối cảnh cục diện quốc tế phân đa cực, sự hiện diện song song của đoàn Trung Quốc trên đường diễu hành và đoàn đại biểu cấp cao từ Mỹ, Nhật, Úc… trên khán đài danh dự khẳng định chính sách “đa phương, đa dạng hóa” của chúng ta. Việt Nam làm bạn với mọi quốc gia, không chọn phe mà chọn hòa bình, không ngả về cực nào mà đặt lợi ích dân tộc và luật pháp quốc tế lên hàng đầu. Việc mời PLA tham dự chỉ được quyết định sau chuyến thăm cấp cao hai bên cuối năm 2024, còn việc đón phái đoàn cựu tham chiến Mỹ xưa kia lại gợi nhắc hành trình hòa giải bền bỉ suốt ba thập niên. Sự cân bằng tinh tế ấy nói lên trình độ “chơi cờ” ngoại giao đỉnh cao của Việt Nam. Đủ bản lĩnh sắp xếp những quân bài tưởng đối lập vào cùng một bàn, biến lễ kỷ niệm lịch sử thành diễn đàn hòa bình.
Ưu thế của văn hóa Việt còn lan sang khía cạnh “sức mạnh quân sự mềm”. Những bức ảnh chiến sĩ Lào đội mũ gắn quốc huy voi ba đầu, binh sĩ Campuchia khoác áo lễ truyền thống, hay lá cờ năm sao Trung Quốc tung bay ngay sau quốc kỳ Việt Nam đang phủ kín mạng xã hội châu Á.
Khối lực lượng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Nguồn: vov.vn
Khối lực lượng Quân đội nhân dân Lào. Nguồn: vov.vn
Khối lực lượng Quân đội Hoàng gia Campuchia . Nguồn: vov.vn
Hình ảnh đó kể câu chuyện về một Việt Nam cởi mở, mến khách và giàu bao dung; đồng thời giúp quảng bá Tp. Hồ Chí Minh năng động trước thềm chiến lược xây dựng trung tâm tài chính khu vực. Ngành du lịch hưởng lợi khi hàng loạt phóng sự, vlog, livestream lan tỏa khắp TikTok, Weibo, Instagram, đưa biểu tượng Tháp Đồng hồ Bưu điện Trung tâm, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập vào tâm trí hàng triệu khán giả trẻ khu vực.
Không chỉ dừng ở nghi lễ, lễ duyệt - diễu đa quốc gia còn mở màn cho loạt thỏa thuận thực chất: ký kết hợp tác gìn giữ hòa bình LHQ với Campuchia, tăng cường diễn tập cứu trợ thiên tai Việt - Lào, bàn thảo kéo dài đường tuần tra biên giới Việt - Trung; đồng thời mở ra cánh cửa xuất khẩu công nghiệp quốc phòng nhẹ, lĩnh vực Việt Nam đang phát triển. Hào quang diễu binh trở thành chất xúc tác để các bản ghi nhớ (MOU) nhanh chóng biến thành chương trình hành động, từ gìn giữ hòa bình tới chống buôn người, từ hợp tác an ninh mạng tới trao đổi học viện quân sự.
Nhìn sâu hơn, sự kiện 30 tháng Tư năm nay, khẳng định Việt Nam dám bước vào “độ cao mới” của thời đại. 50 năm qua, thế giới từng thấy những cuộc duyệt binh quy mô và lộng lấy. Song phần lớn gắn với phô trương sức mạnh; còn Việt Nam chọn lối đi khác. Biến vũ khí thành ngôn ngữ hòa giải, biến tiếng trống diễu binh thành bản nhạc đồng thoại khu vực, biến ký ức chiến tranh thành động lực phát triển chung. Từ chỗ là “sân khấu của pháo binh và tên lửa” trong mắt truyền thông quốc tế, Việt Nam đã tái định nghĩa khái niệm diễu binh: đó không phải cuộc duyệt xem ai mạnh hơn, mà là lời mời gọi cùng mạnh với nhau trong lòng tin. Nhìn ra thế giới hiện tại. Bao nhiêu nơi xảy ra giao tranh, xung đột. Bao nhiêu nơi đói kém, thiếu lương thực. Bao nhiêu nơi bị thiên tai tàn phá. Bao nhiêu nơi, con người sống mà quên đi lòng trắc ẩn. Tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn được những giá trị to lớn mà đất nước đang mang đến cho mỗi người con Việt Nam.
4. Non Sông Về Một Mối: Khúc Ca Của Lòng Bao Dung Và Khát Vọng Nhân Ái
Tôi lớn lên trong những năm đất nước đã bước vào thời kỳ hội nhập. Thế giới mở ra trước mắt thế hệ tôi qua từng cửa sổ mạng Internet, qua những lớp học đầy âm thanh của tiếng Anh, tiếng Nhật, và những khái niệm mới mẻ như AI, blockchain, ESG. Chúng tôi học tập, mang những tri thức từ phương xa trở về quê nhà với mong muốn tạo ra điều gì đó thật riêng cho Việt Nam. Người ta bảo rằng thế hệ trẻ bây giờ mộng mơ quá, sa vào “metaverse”, rời xa gốc rễ dân tộc. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Từng chuyến metro len lỏi dưới lòng thành phố, từng đôi sneaker in hình cờ đỏ sao vàng trong những ngày SEA Games, từng bài hát điệu nhảy được lan truyền, đó là những cách mà chúng tôi lặng lẽ kể tiếp câu chuyện Việt Nam theo cách riêng của mình. Chúng tôi kết nối với thế giới, nhưng chưa từng rời khỏi đất mẹ.
Yêu nước trong thời bình, với tôi, chính là giữ một trái tim biết bao dung để sự khác biệt không trở thành hận thù. Là giữ tinh thần sáng tạo không ngơi nghỉ để Việt Nam không bị bỏ lại trong cuộc đua tri thức toàn cầu. Là giữ cho đôi tay mình sạch, môi trường mình sống lành, để thiên nhiên không phải giận dữ với con cháu mai sau. Và cũng là giữ lời hứa với tiền nhân rằng độc lập hôm nay sẽ đơm hoa thành tự do, nhân ái cho ngày mai.
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sống có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi” - Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tôi chưa từng có cơ hội chứng kiến những cuộc bắt tay giữa những người từng đối đầu nhau trong chiến tranh. Tôi cũng không có tư cách để nói thay những người đã trải qua những mất mát quá lớn trong thời loạn lạc. Nhưng tôi là một người trẻ, sinh ra khi đất nước đã thống nhất, lớn lên trong hòa bình, và vì thế tôi có một niềm tin tha thiết: hận thù không thể chữa lành hận thù. Chỉ có lòng bao dung mới có thể mở ra những cánh cửa khép kín trong tim con người. Và tất cả con người Việt Nam là một.
Tôi đã được học những bài học, đủ để hiểu nguyên nhân dẫn tới các cuộc chiến tranh, từ những thủ đoạn chia rẽ bên ngoài cho tới những âm mưu phá hoại sự đoàn kết và gieo rắc nỗi hận thù bên trong vì mưu đồ chính trị. Nhưng tôi tin rằng, dù có đi xa đến đâu, dù đã từng đứng ở đâu trong lát cắt của lịch sử, thì tận sâu bên trong, mỗi người con Việt Nam vẫn luôn mang trong mình một sợi dây gắn bó với cội nguồn. Có thể thời cuộc khiến nhiều người phải rời đi, nhiều người chọn lựa khác biệt. Có thể những thế hệ sau được giáo dục bằng sự sai trái. Nhưng nếu trong họ còn tình yêu quê hương, còn mong mỏi được thấy một Việt Nam yên bình, phồn vinh và nhân ái thì họ xứng đáng được chào đón trở về như những người con đi xa nay tìm lại mái nhà chung.
Hòa hợp dân tộc không phải là sự lãng quên, cũng không đồng nghĩa với việc làm lu mờ ký ức. Đó là sự lựa chọn cao quý để cùng nhau vượt lên những khác biệt, để không để quá khứ cầm giữ tương lai. Là người trẻ, tôi mong thế hệ mình sẽ là những người tiếp tục mở rộng vòng tay, không bằng những lời khinh miệt, không bằng định kiến, không bằng phân biệt, mà bằng lòng tin rằng tình thương mạnh hơn oán hận. Bởi cuối cùng, chúng ta chỉ có một Tổ quốc. Và nếu Tổ quốc đã đủ lớn để ôm trọn mọi nỗi đau từng chia rẽ nó, thì chúng ta cũng cần đủ lớn để làm điều tương tự trong trái tim mình. Tôi mong rằng những người con Việt Nam dù đã từng lạc bước, dù đã từng xa xôi sẽ một ngày nào đó quay về, không phải để thanh minh hay biện giải, mà chỉ để được sống trọn với tình yêu nguyên vẹn dành cho quê hương. Và khi ấy, đất nước này sẽ đón họ bằng sự điềm tĩnh của một dân tộc từng chịu nhiều thương tổn nhưng chưa từng buông rơi hy vọng. Tôi chỉ mong mỗi chúng ta, thế hệ đang sống trong hòa bình, mỗi ngày lặng lẽ làm những điều nhỏ. Hãy nở một nụ cười với người lạ, vì từng có thời đó là điều xa xỉ giữa làn đạn. Làm một việc tử tế, vì tử tế là cách giữ nước bền vững nhất. Giữ gìn lời nói, vì lời nói có thể là cây cầu hòa bình hoặc là viên đá khơi dậy chia rẽ. Và học thêm một điều mới, vì tri thức là vũ khí mạnh mẽ nhất của thế hệ hôm nay để gìn giữ chủ quyền và vươn tới tương lai.
Tôi đặt trọn niềm tin vào sự dẫn dắt của Đảng, Nhà nước và vào khát vọng phát triển không ngơi nghỉ của dân tộc mình. Từ những hạt lúa trên đồng thẳng cánh cò đến những vệ tinh bay cùng quỹ đạo Trái Đất, từ những bức tranh thiếu nhi đến các sáng kiến chuyển đổi số, đường chỉ tay của Việt Nam đang dày thêm từng dấu ấn. Và tôi cầu mong rằng, mỗi chính sách, mỗi bước tiến công nghệ, mỗi kiệt tác văn hóa đều sẽ được thấm đẫm một điều: hơi thở tri ân. Để mỗi bạn trẻ hành động hôm nay hiểu rằng phần vốn quý nhất của mình không chỉ đến từ vật chất, mà còn từ di sản tinh thần mà lịch sử đã để lại. Khi chúng ta thực sự trở thành một khối thống nhất đại đoàn kết toàn dân tộc, tất cả người con nước Việt trên khắp thế giới. Khi ấy, Việt Nam sẽ không còn điểm yếu, sẽ không còn mưu đồ nào có thể cản bước được con đường đi lên của dân tộc.
Nhìn về tương lai, sẽ còn những thách thức. Nhưng tôi tin vào đất nước mình. Tin vào sức mạnh của sự đoàn kết. Tin vào trí tuệ và nghị lực của con người Việt Nam. Tin vào sự lãnh đạo đã cùng dân tộc đi qua biết bao thăng trầm và luôn vì lợi ích của nhân dân. Ngày 30 tháng Tư đặc biệt năm nay, trong không khí trang nghiêm và xúc động, tôi muốn thầm gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến tất cả những người đã hy sinh thầm lặng. Nhờ có họ, chúng tôi có ngày hôm nay. Và chúng tôi sẽ tiếp tục bước đi trên con đường mà họ đã mở ra, với trái tim tràn đầy hy vọng và tình yêu dành cho Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp. Tôi muốn nói với chính mình và thế hệ tôi rằng: “Người đi trước đã hoàn thành sứ mệnh thống nhất, phần còn lại là của mình, gìn giữ và thắp sáng. Hòa bình không phải ga cuối; hòa bình là khởi đầu đường băng cho giấc mơ lớn hơn. Và tôi, một người con Việt Nam sinh sau chiến tranh, nguyện bước tiếp với tất cả lòng biết ơn và niềm tin vào đất nước.”
Vashna Thiên Kim