NGỪNG PHÁN XÉT
28
06/2023

NGỪNG PHÁN XÉT

Trong thế giới quan của mỗi người, thông thường chỉ có bản thân mình đang làm đúng, còn người khác thì sai rồi. Đôi khi bạn sẽ luôn thấy những góc nhìn cá nhân và áp đặt suy nghĩ lên người khác, bạn sẽ hay có dòng suy nghĩ chạy trong đầu: ôi sao người ta có thể làm như thế? Hay sao có thể nghĩ vậy/ hành động vậy?

Và đôi khi những điều này không đến từ ý định xấu, bạn soi mói hay phán xét việc của người khác phần ít có người xuất phát từ việc sân si, đố kị ganh ghét, nhưng phần đông khổ sở vì tâm sân hận lại xuất phát từ việc muốn tốt cho người khác, ví dụ như với bạn bè hay người thân, mình biết tổng họ làm vậy sẽ khổ, nhưng khuyên không được, càng khuyên mình càng cảm thấy bất lực và tâm phán xét bám chấp lúc này sẽ càng tăng. 

Đôi lúc bạn bực là vì bạn muốn họ tốt hơn, muốn họ suy nghĩ giống mình, được tốt giống mình. Nhưng người được khuyên răn họ sẽ nổi lòng sân. Họ sân vì ở góc nhìn của họ, họ vẫn thấy suy nghĩ của họ là đúng, tại sao phải thay đổi, sao phải nghe theo ý bạn? 

Chuyện thường thấy trong cuộc sống, mẫu thuẫn đến từ việc bất đồng quan điểm, giống như 2 người đứng ở 2 đầu con số và mỗi người đều thấy đúng ra số 6 hoặc 9 vậy. Khi so sánh ẩn dụ này ta sẽ thấy không ai đúng và không ai sai. Mỗi người chỉ đang làm tốt nhất khả năng của mình phù hợp nhất với giai đoạn mà người ấy đang trải nghiệm thôi. 

Cũng như chính bản thân mình, bạn thử chậm lại một phút mà suy nghĩ lại về mình, nhìn về quãng thời gian từ mới lớn đến hiện tại, đã bao nhiêu lần bạn thay đổi quan điểm sống? Từ lúc 25 tuổi đến lúc 30 tuổi, có bao nhiêu lần bạn làm những việc mà giai đoạn 25 tuổi bạn dõng dạc cãi với người lớn hơn mình rằng bạn sẽ không như thế, không chấp nhận những lời khuyên hay sự thay đổi đó, nhưng những thay đổi giai đoạn sau không đến từ việc ai thúc ép, mà nó sẽ đến từ những trải nghiệm cuộc sống thực tế, khi va vấp ngoài cuộc sống thì bạn mới nhận ra được những điều cần phải thay đổi, và lúc này nó phù hợp với những trải nghiệm giai đoạn 30 tuổi hiện tại của bạn. 

Thực tế, ở 25 tuổi, bạn đang trải nghiệm những điều tốt nhất giai đoạn ấy, nếu không va vấp làm sao bạn đúc kết được bài học và những kinh nghiệm quý báu để làm dày thêm kho tàng kiến thức của bạn? Có câu hãy sai đi vì cuộc đời cho phép, không phải cổ xuý việc sống sai trong cuộc sống, mà là nếu không làm gì, không dám sai thì làm sao bạn biết đúng là như thế nào? Hãy cứ trải nghiệm, đừng sai một lỗi hai lần là được. 

Mỗi người vì sao hay có những quan điểm và góc nhìn khác nhau? Nó phụ thuộc rất nhiều cấp độ nhận thức của mỗi người, theo triết học tinh thần Vedanta các cấp độ nhận thức được chia theo nhiều tầng, nó phụ thuộc rất nhiều vào hành trình tu tập học hỏi ở vô lượng các kiếp sống mà ở đạo Phật tính là nhân quả luân hồi. Ở đây mình sẽ không phân tích các tầng nhận thức, mà chỉ nhắc đơn giản hai yếu tố quan trọng này, đủ để chi phối hoàn toàn nhận thức của một người. Đó là: Nghiệp (Karma) và khoảng cách thế hệ

  •  Karma (Nghiệp): 

Nghiệp là những hành động và kết quả của hành động. Một người sinh ra sẽ chịu ảnh hưởng bởi Nghiệp để quyết định về tính cách (nên thường có câu cha mẹ sinh con trời sinh tính), hoàn cảnh sinh ra, những người mà người đó sẽ gặp trong suốt vòng đời kèm theo nghiệp quả...nên cũng sẽ quyết định luôn cách mà người đó ứng xử thế nào với một người, một sự việc, vì đó là những ấn tượng có sẵn trong "vùng tiềm thức" của bạn. Ví dụ như người có nghiệp tốt với bạn, người ta không làm gì bạn cũng muốn giúp đỡ hay quý mến, còn đôi khi bạn gặp một người dù mới quen biết nhưng bạn thấy sự khó chịu và sân si không vì lí do gì vậy... 

Cho nên có khi anh chị em cùng lớn lên trong một gia đình, có nghĩa là chung môi trường sống, nhưng thái độ và nhận thức về đời sống của các anh chị em đều khác nhau hoàn toàn. Nguyên nhân là vì hệ thống niềm tin và thói quen tiềm ẩn trong "tiềm thức" của chúng ta đã có sẵn rồi, trước cả khi chúng ta sinh ra. Chúng ta cần phải nhận thức được điều này, nếu không sẽ có những sự trách cứ và không hài lòng thường trực với mọi điều xung quanh.

  •  Yếu tố thứ 2 cần nói đến là về "khoảng cách thế hệ":

Điều này liên quan trực tiếp đến môi trường sống ở từng thời kì, thói quen định kiến của một xã hội đủ lớn sẽ hình thành văn hoá và lối sống theo từng vùng miền và nó cũng thay đổi theo từng hệ giá trị phụ thuộc từng thế hệ.

Ví dụ có những quốc gia vì sao thời xưa cho lấy nhiều vợ? Và điều này đúng với họ nhưng không đúng với quốc gia khác? Có thể vì đất nước họ từng trải qua các thời kì bị thiếu hụt dân số, mất cân bằng về số lượng nam hay nữ. 

Hoặc nói về tính cách tiềm ẩn bên trong tất cả mọi người duy trì cho đến thời nay vẫn còn trong tiềm thức, do bị ảnh hưởng từ nguồn gốc cội nguồn của loài người, đó là việc chúng ta rất hay lo sợ bị mất phần, thích cạnh tranh giành giật, hơn thua hoặc luôn có những phòng vệ bên trong với những nỗi sợ. Kim đang nhắc đến hệ thần kinh giao cảm của con người, còn được gọi là hệ thần kinh "chiến, biến" (mất cân bằng hệ thần kinh này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến căng thẳng, lo âu và stress kéo dài), hệ thần kinh giao cảm này được tiến hoá lên sau thời kì đồ đá vượn thành người, để có thể cảnh giác những nguy hiểm từ thú dữ hay sự cạnh tranh các giống loài khác mà tiến hoá tự nhiên lên. Nên ngày nay tuy đã là thời hiện đại không còn "chiến, biến" nhưng con người ta vẫn thừa hưởng từ tổ tiên xa xưa những đặc tính đã được truyền thừa và không ngừng tiến hoá đến ngày nay. Vậy nên nhiều lúc mọi người hay thắc mắc tại sao người ta hay có xu hướng chen lấn, giành giật nhau, mà không chịu trật tự xếp hàng, lý do chính là do một số sự kiện trong quá khứ đã làm cho họ bị sợ hay kiểu ấn tượng có sẵn tâm lý rằng nếu không giành thì họ sẽ bị mất phần.

Não của chúng ta có những nếp nhăn, nó như những vết hằn trong tư duy, sự kiện nào lặp lại đủ nhiều nó sẽ trở thành lối mòn tiềm thức có sẵn. Vậy nên khi quan sát hành động và thái độ của bất kỳ ai trong một tình huống cụ thể thì bạn phải nhìn sâu thêm một lớp nữa để thấu hiểu cho họ, vì mỗi người sẽ làm tốt nhất dựa vào nhận thức của họ lúc đó, không thể so sánh với nhau. Nên cùng một sự việc, sẽ có cách nhìn nhận và ứng xử khác nhau phụ thuộc vào cấp độ nhận thức của mỗi người. 

Và họ thực tế không cố chấp, cũng không phải cố ý chống đối lại mình, không có việc: "sao nói mãi không nghe, nói hoài không chịu hiểu, hay không biết thì người ta nói cho mà biết ...." Thực tế là họ không hiểu thật do cấp độ nhận thức, bạn không thể cố gắng diễn giải toán lớp 12 cho một bạn đang chỉ mới học đến toán lớp 3. 

Nhưng cũng không vì cảm thấy mình đã trải qua vấn đề đó, mình đang ở cấp độ cao hơn và tự mãn, vì thực tế cấp độ nhận thức mỗi người tuy khác nhau nhưng còn tuỳ thuộc vào lĩnh vực. Có khi ở quá khứ bạn đã học rất nhiều và master lĩnh vực A, nhưng chưa chắc bạn đã học và trải nghiệm xong luôn cả lĩnh vực B, vậy nên cần mở rộng góc nhìn và tiếp thu đa chiều với thái độ: "Quan Sát". Để có thể tránh xung đột và học hỏi thêm được nhiều điều từ nhiều đối tượng khác nhau mình có thể gặp gỡ

Hãy luôn thông cảm cho bất kì ai bạn gặp có thể bất đồng quan điểm với bạn. Vì đó là bài học mà mỗi người cần học ngay thời điểm đó, hay có thể nói là "nghiệp quả" mà họ cần trải qua để cân bằng nghiệp lực và học bài học cần thiết, điều quan trọng nhất là: HÃY TÔN TRỌNG HÀNH TRÌNH CỦA HỌ, và quan sát rồi đứng đợi họ bước ra khỏi bài học. Một lúc nào đó, tốt nghiệp bài học họ sẽ tự ngộ ra. 

Thời nay xuất hiện nhiều người, nhiều hội nhóm cộng đồng "Sống Tỉnh Thức" cũng là vì nâng cao các tầng nhận thức chung của tất cả, nhiều người suy nghĩ sáng rõ, thấu tỏ sẽ giúp được năng lượng chung cũng thay đổi. Thật chất thay đổi suy nghĩ là thay đổi cuộc đời, ngộ đến đâu thì hành trình cuộc đời mở ra đến đó, nên không phải ta sẽ dừng chia sẻ, không nhắc nhở giúp đỡ những người đang u mê, lạc lối trong bài học của họ, mà ta nhắc đúng thời điểm, với tâm không chấp và mong cầu, thì việc nhắc nhở chia sẻ là việc của ta cần làm, còn lại thay đổi hay không mình đừng bận tâm, mình đã làm tốt phần mình, còn họ hãy chấp nhận như họ vốn là. Như thế những sự phán xét hay mâu thuẫn trong cuộc sống cũng không còn.

 

Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger