Yoga và Thiền Định
GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ TRIẾT HỌC VEDANTA
Vedanta (Devanagari: वेदान्त, Vedānta) là một trường phái triết học nằm trong Ấn Độ giáo xem xét đến bản chất của thế giới hiện thực. Từ Vedanta là từ ghép của veda "kiến thức" và anta "cuối cùng, kết luận", dịch ra là "kiến thức cao nhất". Cách đọc khác của anta như là "chủ yếu", "cốt lõi", hay "bên trong", tạo ra từ "Vedānta": "những điểm chủ yếu của kinh Veda".
Định Nghĩa
Triết học Vedanta có nguồn gốc từ sách kinh Vệ Đà, cụm từ Vedanta có ý nghĩa là “tận cùng của kiến thức- kiến thức cuối cùng – kiến thức cao nhất”. Sở dĩ có tên gọi như thế là vì triết học Vedanta giải thích được những thứ tận cùng, chân ngã, sự thống nhất trong cuộc sống, bản chất của cuộc sống. Triết học Vedanta xem xét cái “Chân Ngã”, bản tính thiêng liêng của linh hồn, hay chính là phần “Phật tính” bên trong mỗi người. Đây là triết lý duy nhất có thể tái hợp nhất tất cả các tôn giáo khác nhau, những văn hoá khác nhau, những chủng tộc khác nhau, những tính cách khác nhau. Những nhà hiền triết đã giác ngộ là những người đã đạt được kiến thức cao nhất về trường phái triết học này.
Mục đích của triết học Vedanta
- Lý giải Sự Hình Thành Vạn Vật Vũ Trụ: mọi thứ đều được hình thành từ năng lượng, trường năng lượng đầu tiên sinh ra tất cả được gọi là CHA TẠO HOÁ/ THƯỢNG ĐẾ (Brahman) (Ý THỨC CAO NHẤT/VÔ CỰC), từ đó sinh ra Ý thức thuần khiết đầu tiên (Thái Cực mang trường năng lượng ÂM DƯƠNG cân bằng), từ trường năng lượng Thái Cực này tiếp tục phân tách ra một Nghi Âm và một Nghi Dương để tiếp tục trải nghiệm chính mình, và quá trình phân tách này cứ tiếp diễn nhiều tầng ý thức như thế để đi trải nghiệm chính mình. Nhưng dù có phân tách bao nhiêu thì chúng ta đều xuất phát từ trường năng lượng Ý Thức Cao Nhất (Brahman). Đây chính là Chân Ngã/ Atman – linh hồn bản thể cá nhân, tinh thần tinh túy, đó là bản chất thật trái với bản ngã – sau khi chết đi trút bỏ cơ thể vật lý Atman sẽ trở về thành một phần của Brahman.
- Nhận diện Chân Ngã/ Atman – phần ý thức cao nhất, thuần khiết nhất bên trong mỗi chúng ta (trái ngược với bản ngã - cái tôi hạn hẹp) – tạm coi đây là cái Ta. Sự kết nối tâm thức bên trong với Ý Thức Thuần khiết này chính là kết nối lại với Bản Thể Nguyên Sơ của chính mình, nó được gọi là “Chân Ngã/Atman”. Chân Ngã chính là Sat-Chit-Anada – ý thức cao nhất của tất cả: “Sat” nghĩa là sự tồn tại tuyệt đối. Nó có nghĩa chúng ta là những linh hồn bất tử, sự sinh ra và chết đi chỉ là một trải nghiệm cho linh hồn học các bài học về tiến hoá tâm thức, cơ thể vật lí của chúng ta như một lớp vỏ chứa đựng “Chân Ngã” bên trong. Chúng ta có một cơ thể như là một phương tiện để trải nghiệm và để giải quyết các nghiệp của chúng ta.“Chit” là kiến thức tuyệt đối.
Như vậy, Chân Ngã là ý thức cao nhất của tất cả, “Chân Ngã” biết mọi điều vì nó là ý thức của tất cả. Chân Ngã là người chứng kiến, quan sát tất cả những sự vật, sự việc, hiện tượng tồn tại xung quanh ta mà không phản ứng lại, chỉ có những cái tôi mới phản ứng tương tác lại với ngoại cảnh, chân ngã cũng là người quan sát những hiện tượng hay thay đổi… ví dụ bức phông màn là chân ngã, nó vốn luôn như vậy không thay đổi, trong lúc có nhiều bộ phim được chiếu lên nó thì những bộ phim chính là những cuộc đời mà chúng ta đã đóng vai để đi trải nghiệm trên chân ngã/ý thức cao nhất, kiến thức triết Vedanta không phải kiến thức của trí tuệ và bằng cấp, mà là kiến thức về “Chân Ngã” vốn có được từ sự trải nghiệm Chân lý. Yoga là phương pháp khoa học để tìm thấy Chân Lý.
- Tìm về với Chân Ngã/ Atman để tìm thấy “Anada” – phúc lạc tuyệt đối. Phúc lạc tuyệt đối nghĩa là tất cả những khổ sở của chúng ta chỉ là ảo tưởng, nó bị phóng chiếu qua màng lọc tâm trí bởi các bài học và năng lượng nghiệp, chỉ khi thoát khỏi lớp màn lọc tâm trí này thì mới nhìn thấy sự thật, đó là lúc bạn tỉnh thức, đó là lúc bạn kết nối với chân ngã.
Giống như giấc mơ bạn bị cọp rượt đuổi trong hang, bạn sẽ rất hoảng sợ, cách duy nhất để thoát khỏi con cọp là thức dậy. Đối với một Yogi, cuộc đời như là một giấc mộng, tỉnh giấc thì mộng tan, sự giác ngộ tương tự như trạng thái thức dậy, và nhìn thấy sự vật như là chính chúng chứ không phải qua lớp màn tâm trí và sợ hãi không nhìn thấy được sự thật, giống như việc một người đi vào rừng trong đêm tối, anh ta đạp phải sợi dây thừng nhưng cứ nghĩ là con rắn, anh ta hoảng sợ và bắt đầu bỏ chạy, anh ta gần như đứng tim. Nhưng khi đèn sáng, anh ta nhận ra đây là sự lầm tưởng, chỉ là sợi dây thừng thôi, con rắn chỉ là ở trong tâm trí anh ta mà thôi.
Cũng như không có yêu hay ghét, sự phân biệt yêu hay ghét chỉ nằm trong tâm trí. Cũng là một người bạn yêu thương nhưng nhanh chóng sẽ trở thành kẻ thù của bạn khi tâm trí bạn thay đổi, hoặc khi tâm trí mong muốn một vật gì đó hay làm được điều gì đó sẽ làm bạn ngày đêm nghĩ tới và mong muốn có được, nó khiến bạn cảm thấy vật đó hay điều đó thật quan trọng và đôi khi là đích đến của cuộc đời bạn, nhưng khi bạn có nó rồi, ảo tưởng không còn, bạn lại chạy theo một thứ khác.
Bản chất thực của chúng ta là hạnh phúc đủ đầy, đau khổ và tiêu cực là những gì phóng chiếu từ tâm trí do ảnh hưởng năng lượng nghiệp vận hành. Có một câu chuyện thế này, có một con sư tử sơ sinh được nuôi trong một bầy cừu và sống chung với bầy cừu suốt cả quãng đời của nó, nó quên đi bản chất thật của nó là sư tử chỉ đến khi một con sư tử khác đến (ở đây có thể ví như một người tỉnh thức/1 guru) chỉ cho nó thấy bản chất thật của nó, thì nó mới thấy được bản chất thật sự của nó. Chúng ta một khi để “Cái Tôi/Bản ngã” dẫn dắt sẽ dễ dàng quên đi bản chất thật của mình và dễ dàng bị những khổ đau che lấp đi mất bản chất thật sự là Sat-Chit Ananda.
Như vậy các phương pháp của một tu sĩ Yogi đều đưa ta đến sự giác ngộ bản chất thật của ta và giải thoát ta ra khỏi những khổ sở bắt nguồn từ việc đồng hoá ta với: cơ thể, tâm trí, và những cái tôi của ta. Đây là mục đích thật sự của Yoga theo Triết Vedanda.
Vashna Thiên Kim