Từ KHÔNG LÀM GÌ đến GÌ CŨNG LÀM
06
04/2023

Từ KHÔNG LÀM GÌ đến GÌ CŨNG LÀM

01

Trước khi là Vashna Thiên Kim ngày hôm nay, thì mình từng có cơ sở Spa kinh doanh riêng, mua được xe ô tô năm 20 tuổi, được đánh giá là thông minh, triển vọng và là gương mặt đại diện của vài thương hiệu.

Cuộc sống có thể nói là đủ - đầy.

Nhiều người cho rằng mình thành công sớm, may mắn, thuận lợi…

Tất cả đều đúng.

Nhiều người hỏi mình là: thành công vậy sao mình không hưởng thụ mà lại chọn lối sống cho đi? Thuận lợi thành công thế, liệu mình có hiểu được cảm giác thất bại, vất vả, thiếu may mắn hay không?

Các bạn ạ! Trước khi thành công sớm vậy thì mình đã có một hành trình đi từ việc “KHÔNG LÀM GÌ” đến trạng thái “GÌ CŨNG LÀM” – rất đúng với xu hướng khởi nghiệp của các bạn trẻ bây giờ.

PHẦN 1

TỪ “KHÔNG LÀM GÌ” ĐẾN “GÌ CŨNG LÀM”

“KHÔNG LÀM GÌ” là tên mình tạm gọi quãng thời gian ấu thơ và đi học của mình như thế. Vì mình sinh ra trong một gia đình có điều kiện, lại có truyền thống theo ngành y dược.

Câu nói mình hay được nghe nhất là “Không phải làm gì, chỉ cần học thôi”.

Gia đình mình đời cha, đời ông trước đã có nhiều học vị cao, từ thạc sĩ, tiến sĩ và cả giáo sư: bên nội theo nghề giáo, bên ngoại theo ngành y dược. Ngay từ khi sinh ra, mình đã mang theo nhiều kì vọng của của gia đình, của ba mẹ trong cuộc đời. Ba mẹ đặt tên mình là Nguyễn Đỗ Châu Bảo Ngân – một cái tên kết tụ niềm hi vọng của 2 dòng họ với đủ đầy ước mong tốt lành rạng danh mai sau.

Mình là con gái một, được ba mẹ yêu thương, chăm sóc đủ đầy, kèm theo đó là định hướng sẽ trở thành bác sĩ như những thành viên khác trong dòng họ. Đầu tiên thì mình khá hạnh phúc với sự đủ đầy chăm lo. Dần dần, mình nhận ra được sự ưu ái đó không phải là điều mà mình mong muốn nhất. Tình yêu lớn đi kèm kỳ vọng lớn.

Không giao lưu, không đi chơi, không bè bạn.

Truyện tranh, các trò chơi tuổi thơ thay bằng các bài tập toán, hóa, sinh chuyên sâu.

Hàng ngày mình ngồi đó, học cùng những con người tài giỏi mang học hàm học vị nhưng đầu mình đầy áp lực thay vì kiến thức.

Sinh ra là con nhà nòi nên bên cạnh việc “ngậm thìa vàng” còn là áp lực định danh phải thành công tài giỏi, xứng đáng với gia đình, dòng họ.

Mình gần như không-được-phép-kém-cỏi.

Như một cách khẳng định bản thân, mình đã lao vào tất cả các hoạt động để định-danh-năng-lực và tên tuổi. Từ việc học, hoạt động tập thể, văn nghệ,… mình đều đạt thành tích cao.

Tiếc thay, đó không phải điều mà bố mẹ mình muốn.

Để các bạn dễ hiểu thì mình là đứa có xu hướng nghệ thuật, trực giác mạnh, thích sống tình cảm, đem niềm vui đến cho mọi người,… nhưng cũng có nhu cầu tìm hiểu nội tâm rất lớn. Và tâm lý mình hình thành 2 nhân cách: 1 cô bé hướng nội, tạm gọi là TRẦM MẶC - khát khao tự do mãnh liệt, muốn được hiểu về chính mình và cô bé kia SÔI NỔI - muốn làm mọi người vui nên sẽ tìm mọi cách hoạt náo, chiều lòng, cố gắng quên đi bản thân.

KHÔNG LÀM GÌ - là thời kì bên ngoài mình mang tâm thế mong manh dễ vỡ của một cô búp bê trong lồng kính, còn bên trong thì Trầm Mặc và Sôi Nổi thường xuyên cãi nhau dữ dội.

Lúc đầu, mình ủng hộ Sôi Nổi - mình đi theo số đông.

Có một câu nói rất hay thế này: “Những người có tuổi thơ êm đềm thường dành quãng đời còn lại để hồi tưởng về nó, còn những người có tuổi thơ bất hạnh thì dành cả phần đời còn lại để bù đắp cho chính mình” - đó là những tuổi thơ dễ định hình: hạnh phúc hoặc bất hạnh. Nhưng cũng có những tuổi thơ gắn liền với áp lực của gia đình, không hẳn là bất hạnh, chỉ là dễ cô độc, dễ mất kết nối với xung quanh.

Đi theo Sôi Nổi, số đông, thì tuổi thơ của mình là như thế, gắn với áp lực dù mình không muốn vậy.

Sôi Nổi - đúng với cái tên của nó, chỉ là bề nổi, thực tế thì:

Mình muốn kể cho ba mẹ nghe về vui buồn ở trường, nhưng đó chỉ là chuyện-trẻ-con.

Mình là đứa nhạy cảm về năng lượng nên mình có những cảm xạ nhạy bén từ rất sớm. Những giấc mơ liêu trai; dự cảm; nóng lạnh bất thường trên cơ thể. Trong mắt ba mẹ, những vấn đề đó do mình nghĩ nhiều, vận động nhiều… rồi tự tưởng tượng ra…

Trong mắt bạn bè khi đó, mình là một lớp trưởng năng động, tài năng người-của-công-chúng, thu hút mọi thứ với sự Sôi Nổi - thứ mọi người muốn thấy ở mình nên mình cũng không thể than vãn, thất bại… và đặc biệt là không-bao-giờ-đáng-thương!

Câu cửa miệng của Sôi Nổi là mình phải… kèm với đó là guồng hoạt động quay cuồng, kín mít rút cạn năng lượng của mình.

Trầm Mặc thì nói: mình muốn gì? Đâu ai sống cho mình được… Mình đang sống theo ý muốn của người khác chứ đâu phải của mình? Nó kéo tâm trạng mình trùng xuống mức trầm cảm: bên ngoài đeo mặt nạ, bên trong trống rỗng.

Vậy đó, mình cô đơn ngay trong chính căn nhà của mình, cô đơn giữa vòng tay yêu thương của ba mẹ. Điều đáng buồn trong mối quan hệ là chúng ta không có ai sai ai đúng, chỉ có những góc nhìn khác nhau khiến cho khoảng cách dần xuất hiện… rồi đến một ngày ta không thể cảm thông chia sẻ với nhau được nữa.

Ba mẹ mình quá tuyệt vời. Họ cho mình một cuộc sống đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần. Chỉ có điều ba mẹ vất vả quá nửa đời người để rèn luyện, cống hiến và sau rồi ba mẹ chỉ có một đứa con duy nhất là mình để dành tình yêu thương. Nên hạnh phúc nhất cũng là mình, mà áp lực nhất cũng là mình. Mình chỉ luôn canh cánh việc làm sao cho ba mẹ mình hạnh phúc - đây là ý muốn lớn chung của cả Trầm Mặc và Sôi Nổi.

Sôi Nổi muốn mình chiều theo ý ba mẹ, cố gắng học thật nhiều, thật giỏi để trở thành một bác sĩ - điều mà ba mẹ vô cùng mong muốn, nhưng Trầm Mặc thì biết rằng việc trở thành một bác sĩ chưa bao giờ là điều mình mong muốn. Mình cố gắng học như một cái máy vô hồn, việc ấy rất khó khăn… Mỗi ngày trôi qua là một ngày nặng nề.

Mình làm chỉ vì nghĩ đó là cách duy nhất để chiều theo ý muốn của ba mẹ, để báo hiếu.

Mình làm, vì mình chưa biết cách khác để đem lại hạnh phúc cho ba mẹ khi mong muốn duy nhất lúc đó của ba mẹ mình là mình thành công trên con đường ba mẹ chọn.

Tâm lý bất ổn của mình dần được hình thành và cô lập trong tình yêu của ba mẹ. Áp lực của sự kỳ vọng đã không còn là động lực mà trở thành một gánh nặng to lớn. Cuối cùng, mình gục ngã trước gánh nặng đó bằng việc: “Thi trượt một kì thi quan trọng” để thực hiện mục tiêu ba mẹ muốn - một sự việc được xem là hệ quả tất yếu với kỳ vọng lớn lao và bản lĩnh có phần non nớt của mình.

Thời điểm đó, mình đã tự thấy thất vọng và bế tắc. Mọi người trong gia đình thì bất ngờ vì nghĩ rằng: với điều kiện được ăn học đầy đủ và đầu tư cẩn thận như vậy, mình sẽ phải làm rạng danh gia đình bằng kết quả tốt mới đúng.

Nhưng… cá nhân mình thì hiểu rõ: chúng ta sẽ thất bại khi chúng ta không thực sự dành trọn trái tim cho mục tiêu đó. Vốn dĩ, đây là ngôi trường mà ba mẹ chọn, chứ không phải là ngôi trường mà mình muốn học. Thất bại này… như đã được hẹn trước.

Tất nhiên là mình đã nỗ lực, đã cố học. Nhưng cũng như một bức tranh ta muốn vẽ mà không hiểu ta đang vẽ gì, thành phẩm thật khó chấp nhận.

Dù ba mẹ không dành những câu nặng lời để chỉ trích, nhưng mình hiểu rõ qua từng câu nói động viên, qua từng sự kỳ vọng tiếp theo.

Đến đây thì mình không chịu đựng được nữa. Vì mình biết rằng, có tiếp tục bước trên con đường ấy nữa thì mình cũng sẽ thất bại mà thôi…

Nội tâm mình giằng xé dữ dội!

Mình bắt đầu nghĩ đến hướng đi khác để thành công. Mình muốn thoát khỏi tình trạng hiện tại… mình không thể tiếp tục sống vì người khác được nữa, mình đã cố gắng nhưng vẫn không thể được.

Bế tắc, bất lực, buồn khổ giữa việc chỉ tồn tại qua ngày…

Rồi những đêm khóc thầm trăn trở đưa mình đến quyết định CHẠY TRỐN - một quyết định điên rồ, liều lĩnh, táo bạo. Quyết định của một kẻ không có gì để mất..

Mình lặng lẽ rời khỏi gia đình, đi lên Sài Gòn số tiền tiết kiệm ít ỏi, chỉ đủ để đi tàu xe với niềm tin rằng quyết định này là đúng.

Thời điểm đó, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ mình bốc đồng… Song, sự bốc đồng của tuổi trẻ đó là viên gạch đầu tiên cho Vashna Thiên Kim ngày hôm nay… Sự bốc đồng đó đến từ việc bị cô lập với thế giới xung quanh, ở nơi mà mình không có một tuổi thơ như bao người, nơi mà chính mình cô đơn trong tình yêu thương chưa đúng cách của gia đình…

Và trạng thái "GÌ CŨNG LÀM" bắt đầu!

Thật khó để nói hết những khó khăn của mình trong khoảng thời gian này. 

Bởi thời điểm đó mình chưa có gì trong tay ngoài suy nghĩ nung nấu và lòng tin vào trái tim mình. Trăm nghìn nỗi sợ bủa vây, nhớ nhà và hoang mang trở lại với chính quyết định của mình. Có thể trước đây, mình là một cô tiểu thư đúng nghĩa… Nhưng giờ đây, mình chỉ là một đứa con gái mới lớn phải tập mưu sinh giữa đời, tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình, với kì vọng của cha mẹ, với truyền thống của gia đình… Mình dần phải làm quen với sự thiếu thốn, tiết kiệm, tận dụng, chịu khó, chăm chỉ…. và cả nỗi nhớ nhà khắc khoải, nỗi tủi thân không bày tỏ được với ai. Mình vô sản đúng nghĩa: không tiền bạc, không người quen, không kĩ năng sinh tồn và không có cơ sở nào để mưu sinh giữa xã hội.

Nhưng dù sao cũng không còn đường lui, nên mình vẫn thực hiện theo kế hoạch đã nghĩ từ lâu: tìm đến địa chỉ Spa nổi tiếng ở Sài Gòn khi đó - Spa mà mình được tới duy nhất một lần với mẹ từ cách đó 2 năm….

Tại sao lại là Spa? Vì đó là ý tưởng giúp mình vừa phát huy được thế mạnh của bản thân mà vẫn kế thừa truyền thống y dược của gia đình. Mình thích mang cái đẹp đến với mọi người, cùng với cái đẹp là niềm vui, tự tin, hạnh phúc. Nhưng làm sao mình có thể thuyết phục được ba mẹ ủng hộ khi trong mắt ba mẹ, mình chỉ là một đứa con cần được bảo bọc, vừa qua cú sốc thất bại đầu đời. Những gì ba mẹ muốn, mình không làm được. Con đường ba mẹ sắp sẵn với mọi thứ thuận lợi, mình không thể đi. Mình có cơ sở nào để khẳng định với ba mẹ đây? 

Cho nên lúc này, mình hoàn toàn cô độc trên con đường của mình. 

Trước đó, mình chỉ thấy cô đơn, buồn khép kín tới mức trầm cảm vì không ai hiểu mình, nhưng ít nhất mình có ba mẹ. Còn giờ đây, mình đang bỏ điểm tựa duy nhất để ra đi. 

Cô độc và tự lực!

Tất cả đều là thử thách lớn với tuổi 18!

Trở lại Spa, nhưng mình không còn là khách hàng vip được chiều chuộng nữa. Mình chỉ là một đứa con gái trắng tay, đến năn nỉ học việc. Thật may vì chị chủ Spa không còn nhận ra mình. Chị từ chối mình vì mình thiếu kinh nghiệm và quá non nớt. Ngẫm ra cũng đúng thôi, vì nếu Spa cứ cưu mang hết những cô gái như mình thời điểm ấy thì họ tồn tại làm sao được.

Bài học đầu tiên mình nhận được đó là việc chấp nhận đi lên từ những hi vọng nhỏ bé nhất. Mình ra sức nài nỉ, thậm chí không cần lương, chỉ cần có một chỗ ngủ qua đêm, cơm ăn hàng ngày và mình sẽ làm tất cả những gì có thể. Chắc do mình tội nghiệp quá nên cuối cùng chị quản lý đã đồng ý nhận mình vào. Bước đi đầu tiên của mình là như thế đó!

Cơ hội đến từ một kiểu rủ lòng thương. Nhưng mình vẫn vui lắm. Ít nhất mình đã có một chỗ ở, dù chỗ ở đó chỉ là một không gian chật chội vỏn vẹn 12 mét vuông cho hơn chục cô gái ở, ngổn ngang đồ đạc bừa bãi và hỗn tạp mùi mỹ phẩm rẻ tiền. Mình hòa vào cùng với họ - những cô gái mới lớn, đến từ đủ các vùng quê, mang theo những câu chuyện riêng. Chúng mình ngủ dưới sàn nhà ấy, chia nhau khoảng không ít ỏi, cũng như khoảng thời gian hiếm hoi trò chuyện giữa những bữa cơm vội vàng.

Mình giấu kín hoàn cảnh, thân phận để lao vào chuỗi ngày làm quần quật từ sáng sớm tới đêm khuya cùng mọi người. Họ làm được, mình làm được. Mình tự nhủ thế để cố gắng. Nhưng mình vẫn mệt hơn họ rất nhiều vì những đêm khó ngủ. Ngày thì mình làm việc gần gấp đôi, làm thật nhanh những việc tay chân để lân la học tất cả những đầu việc vận hành Spa.

Mình nhớ nhà, nhớ ba mẹ, trăm thứ suy nghĩ ngổn ngang…

Càng vậy, mình càng muốn tập trung tối đa, học nhanh lành nghề để trở về thành công!

Sau này nhìn lại, mình biết ơn những tháng ngày khó khăn đã dạy cho mình biết trân trọng cuộc sống!

Bình luận: 0

Tin tức liên quan

0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger