Yoga và Thiền Định
Thiền quán là gì?
Thiền quán (Thiền Minh Sát), hay còn gọi là ‘Vipassana’ trong tiếng Pali, là danh từ ghép hai từ khác là: “Vi” - “bằng nhiều cách khác nhau” và “passana” - “thấy”. Vì vậy, nguyên chữ “Vipassana” có nghĩa là “thấy bằng nhiều cách khác nhau”, và khi được dùng trong ý nghĩa về “Thiền” thì “Vipassana” có nghĩa là: “thấy mọi đối tượng hay hiện tượng là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta).
Vipassana là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn Độ. Đã mất từ lâu trong dân gian, Vipassana được Đức Phật Gotama tái phát hiện 2500 năm trước đây. Vipassana có nghĩa là thấy sự việc đúng như thật. Đây là tiến trình tự thanh lọc tâm bằng cách tự quan sát. Ta bắt đầu quan sát hơi thở để định tâm. Với ý thức sắc bén, ta tiến tới việc quan sát bản chất thay đổi của thân và tâm, thể nghiệm được chân lý phổ quát về vô thường, khổ, vô ngã. Hiểu rõ chân lý này bằng chứng nghiệm trực tiếp là một tiến trình thanh lọc tâm. Toàn thể con đường tu tập (Dhamma) là phương thuốc trị liệu chung cho các vấn đề chung, không liên quan đến một tổ chức tôn giáo hoặc một tông phái nào. Vì lý do này, Vipassana được mọi người thực tập, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, không bị chi phối bởi dân tộc, địa phương hay tôn giáo. Và Vipassana sẽ chứng minh rằng mọi người ai cũng hưởng được những lợi ích như nhau.
Vipassana là:
- Phương pháp diệt trừ đau khổ.
- Phương cách thanh lọc tâm để giúp ta đối phó với những căng thẳng và khó khăn của cuộc sống một cách bình tĩnh, quân bình.
- Một nghệ thuật sống mà ta có thể sử dụng để đóng góp tích cực cho xã hội.
Thiền Vipassana hướng đến mục tiêu tâm linh cao cả nhất là sự giải thoát hoàn toàn và giác ngộ; mục đích của Vipassana không bao giờ chỉ để chữa bệnh. Tuy nhiên, nhờ sản phẩm phụ của sự thanh lọc tâm, nhiều căn bệnh tâm sinh cũng được chữa khỏi. Quả thật, Vipassana loại trừ được ba nguyên nhân căn bản của mọi khổ đau: ham muốn, ghét bỏ và vô minh (tham, sân, si). Với sự thực tập liên tục, tu tập thiền giải tỏa được những căng thẳng do cuộc sống hằng ngày gây ra, tháo gỡ những khúc mắc do thói quen cố hữu là phản ứng đối với những hoàn cảnh dễ chịu hay khó chịu một cách thiếu bình tĩnh.
Mặc dù Vipassana là phương pháp do Đức Phật tìm ra, nhưng sự thực hành Vipassana là dành cho tất cả mọi người, kể cả những người không phải Phật tử. Tuyệt đối không có sự cải đạo. Nhiều người từ nhiều giáo phái khác nhau đã hưởng được những lợi ích nhờ thực hành thiền Vipassana và thấy không có gì xung khắc với tín ngưỡng của họ.
Nguyên tắc của Thiền Minh Sát là “quan sát” hay “quán sát” bất kỳ quá trình tâm vật lý khởi sinh lên ngay trong khoảng khắc này. Như vậy việc định tâm không phải được cố định chỉ trên một đối tượng riêng lẻ nào, mà trên những khoảng khắc định tâm hay sát-na định (khanika samadhi) khởi sinh lên khi tâm không còn dính với năm chướng ngại. Trong lúc này, tâm có thể “lưu ý” bất cứ đối tượng nào nổi lên hay khởi sinh một cách mạnh mẽ, và nó sẽ lộ ra bản chất đích thực của nó (yathabhuta).
Để làm được điều này, hành giả phải đưa tâm vào trạng thái tĩnh lặng, nghĩa là phải đạt định thì mới “minh sát” (nhìn sáng suốt) được. Cũng giống như mặt hồ tĩnh lặng thì bóng trăng mới tròn và rõ được, có thể nhìn thấu suốt những gì bên dưới nó.
Thiền quán là một cách tự chuyển đổi tâm thức thông qua sự tự quan sát của cá nhân. Nó tập trung vào sự kết nối sâu sắc giữa tâm và thân thể, có thể trải nghiệm trực tiếp bằng sự chú ý kỷ luật đối với những cảm giác vật chất hình thành nên cuộc sống của cơ thể và liên tục kết nối các điều kiện tạo nên cuộc sống của tâm.
Chính hành trình tự khám phá này sẽ dẫn đến tận gốc rễ của tâm và cơ thể để giải thể sự ô uế về tinh thần, dẫn đến một tâm cân bằng đầy tình thương, từ bi và trí tuệ.
Thiền quán là biểu hiện cuối cùng của khẩu hiệu Socrates, “Hãy tự biết lấy chính mình”. Đức Phật khám phá ra nguyên nhân của đau khổ và nó có thể loại bỏ khi chúng ta nhìn thấy bản chất thật của chính mình. Đây là một cái nhìn sâu sắc vào bên trong. Nó có nghĩa là hạnh phúc của chúng ta không phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài, mà nó phụ thuộc vào chất lượng của tâm trí.
Thiền Minh Sát là một thực hành quan trọng để thanh lọc tâm trí, các yếu tố tinh thần gây ra phiền não và đau khổ. Kỹ thuật này không đòi hỏi sự trợ giúp của thần linh hay bất kỳ sức mạnh bên ngoài nào khác, mà nó dựa vào nỗ lực của mỗi cá nhân.
Vashna Thiên Kim