SỨC MẠNH CỦA BỘ NÃO CHƯA HOÀN THIỆN
28
06/2023

SỨC MẠNH CỦA BỘ NÃO CHƯA HOÀN THIỆN

Ngay từ khi mới sinh ra, con người chúng ta chỉ là những sinh vật yếu đuối: trong năm đầu tiên ta chưa thể tự mình đi lại, thêm hai năm nữa ta mới có thể biểu đạt suy nghĩ của mình, và thêm nhiều năm nữa mới đủ để ta lo cho bản thân. Toàn bộ quãng thời gian đó, chúng ta luôn phụ thuộc vào những người xung quanh để tồn tại.

Nhưng các loài động vật có vú thì khác: cá heo sinh ra đã có thể bơi lội, hươu cao cổ biết đứng sau vài giờ, ngựa vằn non có thể chạy sau 45p sau khi sinh. Có thể nói các loài động vật có thể tự lập một cách đáng kinh ngạc ngay sau khi chúng được sinh ra. Các loài động vật có thể tự lập và mạnh mẽ ngay sau khi chúng được sinh ra.

Vậy thì lợi thế sẽ thuộc về ai? Con người hay các loài động vật. Tại sao con người, vốn yếu ớt nhỏ bé lại thiếu vắng hoàn toàn các thứ “vũ khí” mà tạo hóa ban cho như: răng, sừng, khả năng chạy, bay hay bơi….lại có thể thống lĩnh trái đất này, phát triển cuộc sống của mình ở mức tiến hóa cao, bỏ xa các loài khác?

Câu trả lời nằm ở tiềm năng não bộ của con người. Và phạm vi các bài viết này sẽ mang đến góc nhìn khoa học, khách quan về những tiềm năng của não bộ - nguyên nhân chính giúp con người nhận thức và cải tạo thế giới như họ đã làm. Việc nhìn nhận sự khác biệt và tiềm năng của bộ não sẽ giúp ta rất nhiều trong việc làm chủ bản thân, giải quyết hiệu quả các vấn đề xung quanh và cải thiện đời sống thực chất.

Cơ chế phát triển não bộ con người – các kết nối sống

Trở lại với câu hỏi đặt ra về khả năng của con người và loài vật. Chúng ta đều biết não bộ chỉ huy mọi hoạt động. Vậy điều khác biệt cơ bản ở bộ não con người và bộ não của các loài động vật là gì?

Điểm thú vị nằm ở chỗ bộ não con người sinh ra chưa thực sự hoàn thiện. Thay vì có sẵn kết nối “kết nối cứng” hoàn toàn như ở các loài động vật, bộ não con người chỉ có một lượng kết nối cứng di truyền nhất định (ví dụ như thở, khóc, bú, biểu cảm khuôn mặt và có khả năng học các chi tiết của ngôn ngữ mẹ đẻ), nhưng phần còn lại chưa hoàn thiện ngay từ khi mới sinh. Sơ đồ kết nối chi tiết bộ não con người không được lập trình trước, thay vào đó, các gen đưa ra những định hướng chung cho các bản thiết kế của mạng neuron và việc trải nghiệm thế giới sẽ điều chỉnh phần còn lại của kết nối, cho phép nó thích ứng với các chi tiết cụ thể.

Khả năng của não người là tự định hình thế giới mà nó sinh ra, cho phép loài người tiếp quản mọi hệ sinh thái trên hành tinh. Nếu như các loài động vật chỉ sống được ở những môi trường đặc trưng của từng loài thì con người có thể phát triển mạnh mẽ trong nhiều môi trường khác nhau, từ vùng lạnh giá cho đến các ngọn núi cao, cho tới các trung tâm đô thị nhộn nhịp. Điều này là thực tế vì bộ não con người được định hình thông qua các mảnh ghép của trải nghiệm sống. Trong các giai đoạn dài không thể tự lo liệu khi bộ não non trẻ dần thích ứng với môi trường – đó là quá trình hình thành “kết nối sống”.

Điều thú vị nằm ở chỗ bộ não của trẻ và của người lớn có số lượng tế bào não như nhau nhưng điểm khác biệt nằm ở cách những tế bào nào được kết nối.

Khi trẻ chào đời, noron của chúng ở trạng thái tạch biệt, không kết nối; trong hai năm đầu tiên của cuộc đời chúng bắt đầu kết nối cực nhanh khi tiếp nhận các thông tin giác quan. Có khoảng 2 triệu kết nối mới (hay synapse), được hình thành mỗi giây trong não của một đứa trẻ sơ sinh. Khi lên hai, đứa trẻ có hơn một trăn nghìn tỉ synapse, gấp đôi số lượng mà người trưởng thành có.

Sẽ đến lúc sự phát triển của não bộ đạt đến đỉnh điểm với số lượng kết nối vượt xa số lượng cần thiết. Lúc này, sẽ xảy ra một chiến lược “tinh giản” thần kinh. Khi bạn trưởng thành, 50% synapse của bạn sẽ bị loại bỏ. Các synapse tham gia thành công vào hệ thống, nó được tăng cường, ngược lại, nếu yếu đi hay không hữu ích chúng sẽ bị loại bỏ.

Vậy điều gì sẽ định hình não bộ? Các kết nối sống được giữ lại hay các kết nối sống mờ đi/ bị loại bỏ?

Rõ ràng, việc bạn hoàn thiện và phát triển phụ thuộc vào việc bạn bỏ đi điều gì, những kết nối dạng nào được gỡ bỏ.

Trong suốt thời ấu thơ, não bộ liên tục làm mờ đi những kết nối của nó, chỉ hình thành ít kết nối với ấn tượng mạnh mẽ hơn, các kết nối sống được định hình theo hướng phù hợp với môi trường. Đó là lý do mà bạn sinh ra ở một đất nước với thứ ngôn ngữ đặc thù, bạn sẽ dễ lắng nghe được những âm thanh trong ngôn ngữ của bạn và giảm khả năng nghe được âm thanh của ngôn ngữ khác.

Nguy cơ và tiềm năng của bộ não trong từng giai đoạn trưởng thành
  • Thời ấu thơ: Sự phát triển não bộ gắn liền với môi trường

Với một bộ não có đầy tiềm năng hình thành những “kết nối sống”, hoặc liên tục làm mờ, đào thải các kết nối ít được sử dụng thì cũng có những rủi ro nhất định đi kèm. Vì bộ não hình thành kết nối sống theo hướng phù hợp với môi trường. Nên nếu não bộ không được cung cấp môi trường thích hợp, nó sẽ phải vật lộn để phát triển bình thường. Hay nói khác đi, không có môi trường chăm sóc tinh thần và kích thích nhận thức, bộ não con người không thể phát triển bình thường.

Ta thấy rõ xu hướng này ở các trẻ em sống trong trại trẻ mồ côi, trẻ thiệt thòi hay thiếu thốn tình cảm. Đó là môi trường mà một vài nhân viên phải chăm sóc quá nhiều trẻ nên không thể tạo ra sự tương tác, kích thích giác quan phù hợp nhu cầu của trẻ. Tất cả các trẻ đều được đối xử như nhau, theo lịch trình và kỷ luật. Các con không được dựa dẫm, không được chơi cùng, và cũng không được dỗ dành khi khóc lóc. Kết quả là lũ trẻ học được sự vô nghĩa của nước mắt, có xu hướng “thân thiện bừa bãi”, hạn chế về chỉ số IQ và ngôn ngữ. Khi người ta điện não đồ để đo hoạt động của não, có thể thấy sự giảm sút đáng kể hoạt động thần kinh ở chúng.  Vậy rõ ràng, não bộ rất dễ bị tổn thương, phát triển bất thường ở những môi trường thiếu cân bằng và tiêu cực.

Tuy nhiên, đi kèm với nguy cơ là tiềm năng hứa hẹn từ não bộ, đó là khả năng phục hồi của não bộ. Trẻ càng nhỏ thì khả năng phục hồi càng tốt. Cụ thể là trước 2 tuổi. Sau 2 tuổi, não bộ vẫn có thể cải thiện nhưng mức độ sẽ khác đi. Tiến sĩ Charles Nelson, Giáo sư Nhi khoa tại bệnh viện Nhi Boston đã có những quan sát, thí nghiệm thuyết phục chỉ ra vai trò quan trọng của một môi trường yêu thương, chăm sóc đối với bộ não của một đứa trẻ đang phát triển.

“Nếu trẻ sống giữa những người phê phán, trẻ sẽ hình thành thói quen quy kết người khác.
Nếu trẻ sống trong bầu không khí thù địch, trẻ sẽ hay gây gổ với người khác.
Nếu trẻ sống trong sợ hãi, trẻ sẽ luôn lo lắng, sợ sệt.
Nếu trẻ sống trong sự thương hại, trẻ sẽ thường xuyên than thân trách phận.
Nếu trẻ sống trong sự nhạo báng, trẻ sẽ trở nên nhút nhát.
Nếu trẻ sống giữa những người có tính ganh ghét, trẻ sẽ trở nên đố kỵ.
Nếu trẻ sống trong sự hổ thẹn, trẻ sẽ cảm thấy mặc cảm.
Nếu trẻ thường xuyên được khích lệ, trẻ sẽ trở nên tự tin.
Nếu trẻ sống giữa những người có lòng khoan dung, trẻ sẽ rèn luyện được đức tính nhẫn nại.
Nếu trẻ thường xuyên được ngợi khen, trẻ sẽ học được sự cảm kích.
Nếu trẻ sống giữa những người biết chấp nhận, trẻ sẽ biết cách yêu thương.
Nếu trẻ thường xuyên được tán thành và ủng hộ, trẻ sẽ biết trân quý bản thân.
Nếu trẻ thường xuyên được mọi người ghi nhận và đánh giá cao, trẻ sẽ học được cách phấn đấu.
Nếu trẻ sống trong sự sẻ chia, trẻ sẽ trở nên rộng lượng.
Nếu trẻ sống giữa những người trung thực, trẻ sẽ rèn luyện được đức tính thật thà.
Nếu trẻ sống trong lẽ phải, trẻ sẽ biết lẽ công bằng.
Nếu trẻ sống trong sự tử tế và ân cần, trẻ sẽ rèn luyện được đức tính lễ độ.
Nếu trẻ sống trong sự an toàn, trẻ sẽ có niềm tin vào chính mình và những người xung quanh.
Nếu trẻ sống trong hạnh phúc, trẻ sẽ nhận ra rằng thế giới là một nơi thật tuyệt vời.

_ _ _ _ _

Children Learn What They Live

By Dorothy Law Nolte, Ph.D.

Như vậy, ta có thể thấy được môi trường sống và những năng lượng yêu thương là một chất xúc tác không thể thiếu để hình thành nên trí thông minh của trẻ từ thuở ấu thơ.

  • Thời niên thiếu – những xung đột mâu thuẫn não bộ để phát triển theo hướng tinh lọc

Ban đầu, người ta cho rằng quá trình phát triển não bộ phần lớn hoàn tất vào cuối thời thơ ấu. Nhưng bây giờ chúng ta biết rằng quá trình xây dựng bộ não con người mất đến hai mươi lăm năm. Những năm niên thiếu là thời kỳ tái tổ chức và thay đổi hệ thần kinh quan trọng ảnh hưởng mạnh mẽ đến con người mà chúng ta định hướng trở thành. Cùng với dòng chảy của hormone tạo ra những thay đổi thể chất, não bộ cũng có những đổi thay quan trọng. Một trong những thanh đổi này liên quan đến sự hình thành cảm giác về bản thân, cùng với đó là sự tự nhận thức.

Ta dễ nhận ra điều này khi nhìn vào cách ứng xử, phản ứng căng thẳng từ việc bị người khác nhìn chằm chằm vào giữa độ tuổi thiếu niên và độ tuổi trưởng thành. Và rất nhiều thứ phản ứng có vẻ quá mức trong các tình huống đời sống của một đứa trẻ thời niên thiếu. “Ngựa non háu đá”, “Gà trống choai” hay là tuổi “dở dở ương ương” thích thể hiện, thích sĩ diện – đó là những cách gọi đời thường của hiện tượng này.

Vậy tại sao lại có sự khác biệt giữa tuổi thiếu niên và trưởng thành? Câu trả lời gắn với sự tham gia của một khu vực trong não được gọi là vùng thùy trán trước m PFC (Medial prefrontal cortex). Vùng này hoạt động khi bạn nghĩ về bản thân – và đặc biệt với những cảm xúc trong các tình huống liên quan đến bản thân. Đây là thời kỳ nhạy cảm khi mà các tình huống xã hội mang lại nhiều gánh nặng về cảm xúc, dẫn đến phản ứng tự nhận thức căng thẳng ở cường độ cao. Thùy trán trước trồi lên các tế bào mới và các kết nối sống mới tạo ra các con đường mới để định hình. Sau đó sẽ đến quá trình giản lược các kết nối yếu để kết nối mạnh mẽ được củng cố. Hình dạng của mạng lưới thần kinh trong thời kỳ này định hình cho chúng ta những bài học trên con đường trưởng thành.

Không chỉ gia tăng về khả năng tự nhận thức, bộ não giai đoạn này còn khiến thanh thiếu niên quá đa cảm, khó kiểm soát cảm xúc, liều lĩnh và sẵn sàng đón nhận nhiều điều mạo hiểm, dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông, áp lực xã hội.

Hiểu về não bộ của thanh thiếu niên, các bậc cha mẹ sẽ hiểu là: đây là độ tuổi nổi loạn, một độ tuổi mà suy nghĩ hay hành vi không đơn giản chỉ là kết quả của một sự lựa chọn hay thái độ, mà nó là sản phẩm của một giai đoạn dữ dội, không thể tránh khỏi trong những thay đổi hệ thần kinh. Biết được điều này, các bậc cha mẹ cần có đủ bao dung, hiểu chuyện và chấp nhận từ bỏ những nhãn dán cho đứa trẻ kiểu như: “lỳ”, “bướng”,  “mất dạy”, “trái tính trái nết”…

  • Thời trưởng thành - tính mềm dẻo giúp ghi lại dấu ấn của mọi sự thay đổi

Ngay cả khi phát triển hoàn thiện, não bộ con người vẫn tiếp tục thay đổi: thay đổi hình khối, cấu trúc, bảo tồn lại mọi dấu ấn – từ sự biểu hiện của gen tới các vị trí của các phân tử và tới kết cấu của neuron thần kinh. Dòng dõi gia đình, văn hóa, bạn bè, công việc, các bộ phim bạn xem, mọi cuộc chuyện trò…- tất cả đều để lại dấu ấn trong hệ thống thần kinh.

Bộ não và cơ thể chúng ta thay đổi rất nhiều trong suốt những năm cuộc đời, như thể sự chuyển dịch của kim đồng hồ. Bốn tháng một lần các tế bào máu được thay thế hoàn toàn, các tế bào da được thay thế mỗi tuần, mất bảy năm mỗi nguyên tử trong cơ thể đều được thay thế bằng nguyên tử khác. Như vậy, bạn luôn là một người mới. Nhưng có một thứ bất biến liên kết các phiên bản khác nhau của chính bạn, đó là trí nhớ. Nhưng trí nhớ được tạo nên từ những neuron đa nhiệm – tham gia vào đồng thời các mạng lưới ký ức khác nhau nên nó có tính mơ hồ, thêm tưởng tượng và cảm xúc.

Điều này giúp ta ý thức sâu sắc vào việc thuần nhận diện sự việc, câu chuyện, hiện tượng. Vì ta biết rằng một nửa sự thật thì không thể là sự thật. Lắng nghe mọi thứ với lý trí sáng suốt và trái tim thấu hiểu không đi kèm phán xét, định dạng sẽ giúp cho ta thoát khỏi rất nhiều kỳ vọng, hiểu lầm trong đời thường.

  • Sự lão hóa và sự phục hồi của bộ não

Theo thời gian, cơ thể đi vào quá trình lão hóa. Liệu bộ não có đi theo quy luật ấy? Câu trả lời là sự lão hóa của bộ não không phụ thuộc vào độ tuổi, mà phụ thuộc vào các yếu tố tâm lý tiêu cực như sự cô đơn, lo lắng, trầm cảm và sự tức giận dẫn đến những căng thẳng tâm lý có liên quan đến suy giảm nhận thức nhanh hơn. Còn với những điều tích cực như sự tận tâm, sống có mục đích và việc duy trì sự bận rộn lại giữ cho bộ não gia tăng năng lực nhận thức.

Nếu coi não bộ như một hộp công cụ đa năng chứa đủ thứ dụng cụ hoàn thành công việc thì nó hoàn toàn có khả năng cung cấp tốt các giải pháp để giải quyết vấn đề - tính sáng tạo của não bộ. VD: bạn cần mở nắp chai bia, bạn sẽ tìm dụng cụ mở nắp, nhưng nếu không thấy, bạn sẽ dùng những cách khác nhau để mở nắp: sử dụng cạnh bàn, tương tác với một chai bia khác, hay dùng một dụng cụ tương tự để làm đòn bẩy tháo nắp chai…

Như vậy, sự lão hóa của bộ não có thể được kiểm soát tốt bằng việc tạo ra các cảm xúc tích cực.

Ngay cả với những mô thần kinh bị bệnh, có các vùng mô não bị thoái hóa, người ta có thể thấy các vùng khác sẽ được tập luyện và bù đắp, đảm nhiệm các chức năng của vùng bị thoái hóa. Đây là hiện tượng chúng ta thường thấy rõ ở những người khiếm khuyết một giác quan, và họ vẫn có thể rèn luyện để hoạt động như người bình thường bằng việc sử dụng các giác quan khác để bù đắp.

Chúng ta càng giữ cho bộ não của chúng ta khỏe mạnh – bằng cách phát huy tính sáng tạo, và điều chỉnh nhịp độ rung động của sóng não : trạng thái làm việc và trạng thái nghỉ ngơi.

Sau tất cả, chúng ta hiểu rằng: bạn là ai phụ thuộc vào điều mà các neuron của bạn đang làm trong từng khoảnh khắc. Và thật may là bạn luôn được lựa chọn, chủ động điều chỉnh bằng việc huy động ý thức tham gia vào quá trình bảo vệ sự phục hồi của bộ não (sống tích cực, lành mạnh, nuôi dưỡng cảm xúc tốt lành, thường xuyên tạo cảm hứng sáng tạo hoặc thử thách tư duy…)

Hy vọng bài viết chi tiết này sẽ giúp cho bạn có góc nhìn khoa học, tôn trọng quá trình phát triển của não bộ, khai thác đúng tiềm năng và bắt đầu hành động để não bộ được khai thác hiệu quả nhất!

Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0

Tin tức liên quan

0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger