Y Học Ayurveda
SỨC KHỎE CON NGƯỜI THỜI HIỆN ĐẠI
Cuộc sống thời hiện đại với sự phát triển chóng mặt của khoa học kĩ thuật đem đến những cơ hội sống “nhàn-sướng-tiện” cho con người, nhưng nó cũng đặt ra nhiều nghịch lý về sức khỏe: con người càng ngày càng dễ mắc bệnh hơn, và những căn bệnh lạ đe dọa mạng sống cũng phát triển nhanh hơn.
Vậy chúng ta sẽ xem điều gì đang diễn ra đối với sức khỏe con người?
Cách mạng Công nghiệp và ảnh hưởng tới sinh hoạt con người.
Cách mạng Công nghiệp là cuộc cách mạng kinh tế và kĩ thuật mà trong đó con người bắt đầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng cho máy móc để sản xuất và chuyên chở các sản phẩm với số lượng lớn. Chỉ trong khoảng hơn 10 thế hệ, con người đã thay đổi toàn bộ khuôn khổ tồn tại của mình, thay đổi môi trường trái đất. Trước khi Cách mạng công nghiệp bắt đầu, dân số thế giới chưa đến 1 tỷ người, chủ yếu sống ở các vùng hẻo lánh, là nông dân, làm mọi việc bằng lao động chân tay và sức kéo của gia súc. Giờ chúng ta có đến hơn 8 tỷ người, quá nửa sống trong các thành phố, dùng máy móc để làm phần lớn công việc. Chưa kể sự phát triển của công nghệ tạo ra các dây chuyền tự động hóa, tối ưu hóa để tạo ra sản lượng lớn, giải phóng sức lao động.
Có thể nói, công nghệ thấm đẫm mọi việc ta làm khiến cho thứ gì cũng như bày ngay trước mắt: nông nghiệp không phải là cây trồng tự nhiên nữa mà phần lớn thức ăn của thế giới được gieo trồng, chế biến, nấu nướng trong các nhà máy ở cách xa nơi chúng được tiêu thụ. Chúng ta thay đổi cấu trúc của gia đình, cộng đồng, cách giải trí, tiếp nhận thông tin và giáo dục con cái. Cách mạng công nghiệp cũng đã làm thay đổi cơ thể của con người: nó biến đổi cái ta ăn, cách ta nhai, cách ta làm việc, cách ta đi, chạy giữ ấm…cách ta sinh ra, lớn lên, trưởng thành và hòa nhập xã hội. Và thật đáng buồn là nhiều yếu tố trong số đó tác động xấu lên cơ thể người, vốn không được tiến hóa để thích nghi với môi trường nhân tạo, cụ thể là cách khía cạnh sau:
Hoạt động thể chất
Với sự hiện diện của máy móc trên mọi mặt đời sống, con người được giảm tải khá nhiều. So với những thời kì trước kia, chúng ta giảm cực kì nhiều hoạt động thể chất mà đáng ra phải làm. Điều này khiến cho lượng calo tiêu hao giảm đi đáng kể, tỉ lệ béo phì gia tăng, đi cùng với nó là các nguy cơ tích trữ mỡ nội tạng, các căn bệnh liên quan đến xương khớp và chuyển hóa.
Chế độ ăn công nghiệp
Với sự xuất hiện của “các nhà sản xuất thức ăn”- những người đã khám phá ra cách nuôi trồng và sản xuất càng rẻ và hiệu quả càng tốt những thứ có trong khẩu phần ăn: mỡ, tinh bột, đường và muối. Kết quả là chúng ta có quá nhiều thức ăn giá rẻ mà đậm đặc calo. Thức ăn công nghiệp có thể rẻ, nhưng việc sản xuất nó gây thiệt hại lớn cho môi trường và sức khỏe của công nhân. Với mỗi calo trong thức ăn công nghiệp, sẽ có khoảng 10 calo nhiên liệu hóa thạch được sử dụng để trồng, chăm bón, thu hoạch, vận chuyển và chế biến. Ngoài ra, còn có một lượng lớn thuốc trừ sâu và phân vô cơ được sử dụng. Các con vật được vỗ béo bằng quá nhiều tinh bột mà ít vận động, ở chuồng trại tập trung lẫn với chất thải nên nó đã ẩn chứa sẵn mầm bệnh cao…thậm chí vật nuôi cũng được cho dùng kháng sinh và thuốc chữa tiêu chảy. Cuối cùng, cái giá cho món thịt rẻ lại là cái giá quá đắt với môi trường và sức khỏe.
Một sự thay đổi khác trong chế độ ăn của con người hiện nay đó là cách mà thức ăn được chế biến sẽ tẩm ướp và xử lý ngày càng nhiều theo hướng làm tăng thèm muốn, tiện lợi và khả năng bảo quản. Các thức ăn nhân tạo – hương vị thay thế cho đồ thật. Cách chế biến nghiền mịn, đóng hộp, loại bỏ chất xơ làm tăng hàm lượng tinh bột và đường. Điều này làm thay đổi cách hoạt động của hệ tiêu hóa. Các thức ăn được chế biến sẵn cần ít bước và ít thời gian hơn để tiêu hóa khiến đường máu tăng rất nhanh. Hệ quả của chế độ ăn công nghiệp chính là kiểu thức ăn giàu calo mà nghèo dinh dưỡng. Calori là một đơn vị đo lường năng lượng trong thực phẩm, còn chất dinh dưỡng là các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm cung cấp năng lượng và các chất bổ sung cho sức khỏe và hoạt động của cơ thể. Hệ quả của chế độ ăn giàu calo mà nghèo dinh dưỡng khiến cho cơ thể dư thừa năng lượng, nhưng thiếu sức khỏe mà hình ảnh điển hình là những người béo phì.
Giấc ngủ công nghiệp
Là dạng giấc ngủ gấp gáp, ngủ ngắn, ngủ ít và đặc biệt là sự xuất hiện của chứng mất ngủ. Khi ta ngủ, cơ thể tiết ra một thứ hormone tăng trưởng kích thích sự gia tăng chung, sửa chữa tế bào và tăng khả năng miễn dịch. Thiếu ngủ làm mất điều này, khiến cơ thể tạo ra nhiều hormone cortisol – hormone báo động (mức cortisol cao sẽ thay đổi sự chuyển hóa của cơ thể từ trạng thái tăng trưởng và phong tỏa với ngoại cảnh sang trạng thái sợ hãi, bỏ chạy do tăng cảnh giác). Đó cũng là lý do khiến ta thức dậy sớm hơn. Nhưng tình trạng này kéo dài sẽ làm suy giảm miễn dịch, ngăn trở tăng trưởng và thúc đẩy bệnh tật. Người mất ngủ hay ít ngủ - một hệ quả của những giấc ngủ công nghiệp cũng sẽ là những người thèm ăn hơn, đặc biệt là thèm những thức ăn chứa nhiều calo. Dần dần, tình trạng này dẫn đến căng thẳng và bệnh tật.
Song song với tiến bộ y khoa là các làn sóng bệnh tật
Vaccine, kháng sinh và các phát hiện về vi khuẩn, kháng khuẩn…và sự ra đời của vi sinh học…hay các bước tiến quan trọng như phát minh ra vitamin, công cụ chuẩn đoán như tia X, sự phát triển của thuốc gây tê…chính là kết quả của khát vọng nâng cao sức khỏe con người và khả năng sinh lời của ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe.
Chúng ta ngăn ngừa được việc lây nhiễm nhờ cải thiện điều kiện vệ sinh và giữ vệ sinh. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng bắt đầu sử dụng phổ biến các loại thuốc hóa sinh tác động trực tiếp vào các cơ chế hoạt động của cơ thể con người.
Sự xuất hiện của ngày càng nhiều bệnh bất tương hợp (những loại bệnh mà chuẩn đoán và dấu hiệu không trùng khớp, bệnh tổng hợp nhiều biểu hiện, khó chuẩn đoán) và các loại bệnh mãn tính. Không phủ nhận là cuộc Cách mạng công nghiệp đã giúp cho con người cao hơn, sống lâu hơn và có nhiều điều kiện để duy trì cơ thể khỏe mạnh….nhưng chúng ta cũng phải chịu đựng thường xuyên và lâu dài hơn những bệnh kinh niên và đắt tiền. Cái giá đánh đổi của tỷ lệ tử vong thấp là tỉ lệ ốm đau kéo dài.
Cùng với đó là sự xuất hiện của những căn bệnh lạ, biến chủng tiến hóa liên tục để đe dọa sức khỏe trực tiếp của con người.
Lời kết
Đến đây, ta có thể khẳng định là cuộc sống hiện đại với những tiến bộ công nghệ không phải là yếu tố giúp chúng ta khỏe mạnh, có chăng, chúng chỉ cung cấp cho chúng ta tri thức, phương tiện để khám phá, quan sát được mọi thứ trực quan hơn, cụ thể hơn, nhưng để giữ được sức khỏe thì vẫn phụ thuộc vào hiểu biết và sự tỉnh thức của chính chúng ta. Lựa chọn thức ăn công nghiệp, hoạt động thể chất hạn chế, giấc ngủ công nghiệp tức là bạn chọn đối mặt với những nguy cơ bệnh tật phức tạp, kinh niên và tổng hợp. Chỉ có lối sống hài hòa với tự nhiên, đi đứng với trình tự tiến hóa của cơ thể mới giúp chúng ta có một sức khỏe ổn định.
Vashna Thiên Kim