Sống Tỉnh Thức
SỰ THẬT VỀ HORMONE HẠNH PHÚC
“Nghiện shopping”. Gần đây để chuẩn bị cho trung tâm Usuha Reiki Healing tiếp theo tại #Nha_Trang, tôi bắt đầu mua mua sắm sắm rất nhiều thứ, lướt xem các món trang trí nội thất hay kể cả các trang phục cần thiết cho mình hay mọi người… Liên quan đến việc mua sắm, tôi chợt tự cười mình vì nhớ lại khoảng thời gian trước đây, trước khi tỉnh thức để bắt đầu lối sống Vashna với sự khắc kỷ và minimalism như giờ, tôi từng có bệnh: nghiện shopping.
Chuyện là trước đây khoảng 6-7 năm về trước tôi chính là một người bị nghiện shopping, bởi vì tính chất công việc của tôi và các đối tượng khách hàng/ đối tác tạo điều kiện cho tôi tiếp cận nhiều cái đẹp, cái tốt của mọi mặt, nên cũng như bao người, tôi có khá nhiều sở thích cá nhân và mục tiêu từ ngắn hạn đến dài hạn, và tôi luôn đạt được nó để thoả mãn những cảm giác chưa biết gọi tên trong tôi. Thế là tôi có rất nhiều bộ sưu tập, từ quần áo, giày dép đến các phụ kiện hay các món trang trí nội thất, phụ kiện cho xe…. , Và cho dù có dùng đến hay không, tôi cũng mua, thậm chí có những món mình thích sẽ mua đủ các màu. Nhà thì phải có riêng phòng chứa đồ mới có thể trữ hết những thứ mà tôi “tha” về. Điều này chắc chắn không tốt.
Mãi về sau khi nghĩ lại, tôi hiểu rõ cảm giác khó gọi tên bên trong mình lúc ấy là gì, nó là cảm giác thoả mãn nhu cầu đến từ bên ngoài để làm tăng mức Dopamine trong cơ thể, khi đạt được mức Dopamine nó đem lại cảm giác dễ chịu hài lòng và cao hứng. Thì ra là thế, nói chính xác tôi đã từng bị “nghiện Dopamine”.
Bạn có biết đến hormone hạnh phúc mà nhiều người luôn nhắc tới, gán cho nó một tên gọi mỹ miều - hormone hạnh phúc? Chính nó, là “Dopamine”, nghe rất quen phải không? Nhưng sự thật đáng buồn nó không hề là một thứ khiến bạn hạnh phúc thật sự! Để nói về Dopamine một chút, thì Dopamine là một trong những hormone quan trọng trong não bộ liên quan đến cảm giác “hạnh phúc”, “động lực” hay “trí nhớ - “khả năng tập trung” và “sự điều chỉnh chuyển động của cơ thể”. Nói vậy toàn những chức năng quan trọng, nếu không có đủ mức hormone này trong não bộ có lẽ bạn sẽ không có động lực để làm gì, không suy nghĩ được gì và thực tế không muốn nhấc mông lên đi đâu !
Nhưng quan trọng là, cái gì quá cũng không tốt và chúng ta rất cần nhận ra điều này.
Cả hai ba thập kỉ này, mọi người đều nghĩ làm cách nào để cơ thể luôn tiết ra chất này, để duy trì trạng thái vui tươi, hưng phấn và tâm trạng tốt ở mức cao thì cuộc sống hạnh phúc, phải không? Nhưng mọi người có từng nghĩ, cái gì lên cao được thì sau đó sẽ phải đẩy xuống thấp bằng biên độ thế, để cân bằng lại trạng thái, bất cứ cái gì cũng hoạt động như thế.
Cũng giống như trạng thái hưng phấn, cao hứng ai cũng thích, tuy nhiên nếu không hiểu về nó hay không có biện pháp cân bằng chủ động và phù hợp, nó sẽ là thứ khiến bạn xảy ra vấn đề. Ví dụ như lớp cơ quanh cột sống của chúng ta, khi lớp cơ ở trạng thái “hưng phấn” nghĩa là nó co cứng và căng lên trong trạng thái tập luyện gym, nếu bạn không tập yoga và biết cách giãn cơ đúng cách, bạn sẽ gặp vấn đề bệnh lí về cột sống khi nó chèn ép các dây thần kinh về lâu về dài.
Cái gì cũng thế, nếu không hiểu nguyên lí và có phương pháp để cân bằng, bạn sẽ trở thành nạn nhân của chính điều tốt ấy. Ví dụ như bài này đang nói về Dopamine vậy. Đa số người thời giờ thường bị mắc kẹt và lệ thuộc vào Dopamine, mà không ý thức được nó chính là tác nhân cao nhất khiến họ rơi vào trầm cảm và thất vọng.
Không những thế, nó cũng chính là tác nhân khiến bạn rơi vào trạng thái của vòng lặp “đi tìm hạnh phúc hay cảm giác sung sướng nhất thời”, để rồi bạn dính mắc phải rất nhiều thói quen xấu, nghiện ngập những trải nghiệm kích thích cơ thể tiết ra Dopamine.
Bạn có hiểu vì sao mỗi khi stress bạn đi shopping hoặc ăn uống (nhất là các món có nhiều tinh bột, ngọt) bạn sẽ thấy tốt hơn, thấy vui trở lại không? Vì khi cơ thể căng thẳng nó bắt đầu tăng hoóc môn adrenaline, cortisol và huy động năng lượng trong cơ thể để ứng phó với tình huống gây căng thẳng. Và khi ăn tinh bột và chất ngọt sẽ giúp cơ thể tích trữ năng lượng để sinh tồn, là hành vi tốt để bù lại năng lượng mất. Do đó não bộ cũng sẽ tiết ra hormone hạnh phúc dopamine lúc này. Tuy nhiên, cảm giác này chỉ là tạm thời, và khi tiêu thụ xong lượng năng lượng không bền vững này cơ thể sẽ quay trở lại trạng thái stress.
Với tôi, tôi gọi cảm giác này là hạnh phúc ảo. Và tôi nhận ra, Dopamine chỉ tiết ra khi bạn chờ đợi một điều gì đó sắp đến chứ không hẳn là thật. Như việc shopping, lúc thích thú nhất, có phải lúc bạn chọn lựa và nghĩ rằng món đồ này hợp với bạn thế nào và giúp bạn đẹp hơn ra sao không? Rồi đặc biệt là khi bạn thử đồ, đứng trước gương có phải bạn nghĩ tới buổi tiệc bạn sẽ mặc và những người chứng kiến nó? Thực tế nó chưa diễn ra mà, phải không? Thực tế, chờ đợi điều đó đến có hạnh phúc không? Khi mà thực tế diễn ra rằng, 80% khi mua đồ về rồi ở nhà mặc thử lại hoặc mặc chính ở buổi tiệc ấy bạn cũng sẽ thấy nó cũng bình thường. Không còn cảm xúc như khi ở nơi mua món đồ ấy nữa. Vì lúc này Dopamine không sản sinh thêm.
Còn một yếu tố khá hay mà tôi nhìn ra ở việc đi shopping, ngoài cảm giác chờ đợi một điều gì đó mới đến (cơ thể tạo dopamine/ động lực nè), thì còn một cảm giác nữa, đó là sự “làm mới bản thân”! Ở những thời điểm bạn thất stress, tất nhiên bạn sẽ cảm thấy chán ghét bản thân mình, nhưng ngay khi mặc vào bộ đồ mới, cảm giác được làm mới đến và Dopamine lúc này được tạo ra, vì thế bạn thấy đỡ stress. Tuy nhiên, hãy ngẫm nghĩ lại: mặc 1 bộ đồ mới vào có thật sự làm mới được nguyên con người mình không? Và vấn đề bạn gặp phải nó có được giải quyết chưa? Mọi thứ sẽ càng tệ hơn khi sau đó bạn nhận ra bạn vẫn chưa giải quyết được gì, và vòng lặp đến, mức dopamine cạn và bạn lại tiếp tục thói quen nào đấy mang lại cảm giác hưng phấn để khoả lấp sự mệt mỏi áp lực chán chường kia, nhiều người nghiện game, thuốc lá hay các chất kích thích cũng do vậy. Vậy thôi từ nay hãy điều chỉnh suy nghĩ của mình lại, đừng phụ thuộc vào hạnh phúc giả tạm hay cảm giác sung sướng nhất thời, nó làm bạn đi tàu lượn siêu tốc cảm xúc vù vù hết lần này đến lần khác mãi rồi, giờ cần tìm lối thoát cho bản thân chứ.
Qua đây, các bạn cũng thấy đó, không phải cứ nhà khoa học nói là đúng, không phải điều gì đã được chứng minh bởi các giáo sư - tiến sĩ hay các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới đều là thông tin mà bạn nên tiếp nhận và thực hành. Bởi ở đây nó sẽ không đúng hay không sai, nó nằm ở cách mà bạn tiếp nhận và cách mà người nói diễn đạt góc độ nào của sự vật/ hiện tượng. Khi Dopamine được gọi là hormone hạnh phúc thì nghe nó như vô hại mà ai cũng tìm kiếm, không thấy được rủi ro từ bất cứ điều gì là mối nguy hại lớn nhất. Còn khi nhận diện được vấn đề bạn sẽ bắt đầu có giải pháp.
Hãy thử tìm hiểu về chủ nghĩa sống khắc kỷ, nó là khắc tinh của vấn đề bệnh lý nghiện Dopamine, và toàn diện nhất tôi có thể giới thiệu bạn đến với lối sống #Vashna, nơi mà tôi đã từng bước bước ra khỏi rất nhiều “bệnh lí” thời đại mà ai cũng phải trải, để rồi lấy lại được cuộc sống cân bằng khoẻ mạnh đáng mơ ước. Tôi đã làm được và rất nhiều người đồng hành bên tôi cũng thế, bạn có thể tìm hiểu nha.
Vashna Thiên Kim
Bình luận: 0