Serie Sang Chấn Tâm Lý (Phần 7)
09
12/2023

Serie Sang Chấn Tâm Lý (Phần 7)

Mắc kẹt trong mối quan hệ - Dư âm sang chấn - Thương không phải cách sẽ khiến ta mắc kẹt trong các vấn đề của mối quan hệ và biến mối quan hệ ấy trở nên không còn lành mạnh nữa. Khi mối quan hệ không còn lành mạnh thì ngày chia tay có thể sẽ đến gần hơn. Lúc đó, ta lại sống trong mớ cảm xúc ngổn ngang hoặc đối mặt với các vấn đề sang chấn.

*Tiếp tục serie chia sẻ tri thức về Sang chấn tâm lý. Chuỗi bài viết này bao gồm 10 phần. Mời các bạn đón đọc trong phần Blog -  Sống Thức Tỉnh - Chia Sẻ Tri Thức của Vashna Thiên Kim nhé.

BÀI 7: MẮC KẸT TRONG MỐI QUAN HỆ - DƯ ÂM SANG CHẤN

Ai trong đời cũng đều mong cầu hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa, nhưng đôi khi các mối quan hệ tình cảm lại là thứ khiến ta đau khổ, nghĩ ngợi nhiều, thậm chí là mắc kẹt trong mớ bòng bong đủ thứ vấn đề. Và không chỉ có tình yêu đôi lứa, mà trong các mối quan hệ khác như tình bạn, tri kỉ chia sẻ….ta cũng dễ nhận thấy một lối mòn: phụ thuộc cảm giác, bế tắc và cả những mô thức cảm xúc độc hại nhưng không thể tách biệt, không thể chấm dứt.

Tình yêu hay các mối quan hệ gần gũi, đều cho ta cảm thấy cảm giác hạnh phúc, hoan lạc, nhưng đồng thời, nó cũng đem lại sự đau khổ.

Xuân Diệu cũng từng viết về tình yêu mà có lẽ ai cũng thấy rất thấm đượm rằng:

“Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người.
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi,
Người ta khổ vì xin không phải chỗ.”

Đúng vậy, có lẽ vì thương không phải cách nên mới trở nên đau khổ như vậy. Thương không phải cách sẽ khiến ta mắc kẹt trong các vấn đề của mối quan hệ và biến mối quan hệ ấy trở nên không còn lành mạnh nữa. Khi mối quan hệ không còn lành mạnh thì ngày chia tay có thể sẽ đến gần hơn. Lúc đó, ta lại sống trong mớ cảm xúc ngổn ngang hoặc đối mặt với các vấn đề sang chấn.

1.    Mắc kẹt trong mối quan hệ là như thế nào?

Mắc kẹt trong mối quan hệ là trạng thái khiến cho ta cảm thấy bị mắc kẹt, bất lực, không thể khiến mối quan hệ phát triển tốt lên mà cũng không thể thoát ra khỏi mối quan hệ mà bản thân thấy đó không lành mạnh. Một số dấu hiệu phổ biến để ta nhận ra bản thân mình đang mắc kẹt trong mối quan hệ tình cảm:

  • Thiếu sự hài lòng: Một ngày, ta nhận ra người mình yêu hay thậm chí mối quan hệ này bỗng nhiên không còn cho ta thấy thoải mái, cũng không còn đáp ứng được nhu cầu hay giá trị mà ta mong muốn.
  • Mất cân bằng: Một mối quan hệ mắc kẹt có thể là kết quả của mất cân bằng trong sự giao tiếp hoặc thậm chí là sự cống hiến vào mối quan hệ của cả hai người. Đôi khi, một người có thể dành ra nhiều thời gian, cảm xúc và nỗ lực, trong khi người kia không đáp lại một cách cân bằng hoặc thậm chí tạo cho đối phương cảm giác là đang không nhận lại một cách công bằng. Điều này có thể tạo ra cảm giác bất bình, không công bằng và mất cân đối trong mối quan hệ.
  • Xung đột không giải quyết được: Xung đột và mâu thuẫn là một phần tự nhiên của mọi mối quan hệ, nhưng nếu không có sự giải quyết xung đột tốt và thiếu sự giao tiếp, các vấn đề này có thể gây ra căng thẳng và kéo dài trong mối quan hệ.
  • Thiếu sự tin tưởng và trung thành: Sự tin tưởng và trung thành là nền tảng quan trọng trong một mối quan hệ. Nếu có sự phản bội, thiếu trung thành hoặc sự không tin tưởng xảy ra, nó có thể tạo ra một cảm giác mắc kẹt và không thể phát triển được mối quan hệ.
  • Sự thay đổi trong giá trị và mục tiêu: Mỗi người trong mối quan hệ có thể trải qua sự thay đổi trong giá trị, mục tiêu và ưu tiên cá nhân của ta theo thời gian. Nếu các giá trị và mục tiêu này không còn phù hợp và không tương thích với nhau, có thể xảy ra trạng thái mắc kẹt và khó khăn trong việc điều hòa và phát triển mối quan hệ.

2.    Nguyên nhân

Có nhiều lý do để ta trở thành người mắc kẹt trong mối quan hệ. Có thể, chúng ta sợ hãi sự cô đơn hoặc không đủ dũng cảm để bước khỏi mối quan hệ đó vì các bóng ma tâm lý của chúng ta. Sự sợ hãi, sự lo lắng khi phải đối mặt với bản thân mình.

Một số người khác có thể gặp áp lực từ gia đình, xã hội nên họ chọn ở lại trong mối quan hệ như vậy. Hoặc chính ta có thể cảm thấy chấp nhận được tình trạng đó và nhượng bộ hết lần này qua lần khác.

Nhưng không chỉ dừng ở đó, một số lý do vi tế hơn như mất cân bằng quyền lực cũng dễ dàng khiến ta trở thành người mắc kẹt trong mối quan hệ. Mất cân bằng quyền lực tức là một trong hai người có thể kiểm soát lẫn nhau, khiến cho mối quan hệ thiếu đi mất sự tự do. Thậm chí, sợ mất kỷ niệm và hy vọng cũng là lý do để ta mong muốn tiếp tục mối quan hệ. Kỷ niệm về quá khứ và hy vọng về tương lai khác đi là điều mà có lẽ ai cũng có, nhưng khi ta ở mối quan hệ bị mắc kẹt, ta có xu hướng không muốn buông bỏ kỷ niệm tốt đẹp mà cả hai xây dựng, thậm chí kỳ vọng quá rằng tương lai sẽ thay đổi thôi.

Nguyên nhân sâu xa hơn của một người bị kẹt lại trong mối quan hệ không lành mạnh còn đến từ các sang chấn như:

  • Sự thiếu tự tin và sợ tổn thương: Nếu trong quá trình lớn lên, ta đã trải qua những trải nghiệm sang chấn như xúc phạm, lạm dụng hoặc bị bỏ rơi, có thể dẫn đến sự thiếu tự tin và sợ tổn thương. Điều này có thể khiến ta mắc kẹt trong mối quan hệ vì sự sợ hãi về việc bị tổn thương lại hoặc không tin tưởng vào khả năng của bản thân.
  • Hình mẫu về mối quan hệ không lành mạnh: Nếu trong giai đoạn phát triển thời thơ ấu, ta đã chứng kiến hoặc trải qua hình mẫu mối quan hệ không lành mạnh, ví dụ như gia đình ly hôn, quan hệ bạo lực, thiếu tình yêu và sự chăm sóc, điều này có thể tạo ra một mô hình quan hệ không lành mạnh. Ta có thể mắc kẹt trong mối quan hệ tương tự vì không biết cách xây dựng một mô hình quan hệ khỏe mạnh và hạnh phúc.
  • Có những niềm tin tiêu cực: Những trải nghiệm tiêu cực trong thời thơ ấu có thể tạo ra các niềm tin và niềm tin tiêu cực về bản thân, tình yêu và mối quan hệ. Ví dụ, nếu ta trải qua sự bỏ rơi, có thể tin rằng ta không xứng đáng nhận được tình yêu và sự quan tâm từ người khác. Điều này có thể dẫn đến việc mắc kẹt trong mối quan hệ không lành mạnh hoặc không phát triển.
  • Khó khăn trong việc thiết lập và duy trì quan hệ gắn kết: Nếu trong thời thơ ấu, ta không được trải nghiệm sự gắn kết, tình yêu và sự quan tâm từ những người xung quanh, có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập và duy trì quan hệ gắn kết với người khác. Điều này có thể dẫn đến mắc kẹt trong mối quan hệ không phát triển hoặc không thỏa mãn.

3.   Hậu quả

Mắc kẹt trong mối quan hệ tạo ra sự mất cân bằng rất lớn trong cơ thể và tinh thần. Thậm chí, có thể gây ra các thương tổn như sang chấn hoặc tạo ra các vấn đề về trầm cảm.

Trước tiên, mắc kẹt trong mối quan hệ khiến cho ta cảm thấy không hạnh phúc, không thỏa mãn, không có kết nối. Sau đó, ta sẽ rơi vào căng thẳng kéo dài, nếu như không được hỗ trợ kịp thời có thể trở thành căng thẳng mãn tính. Từ đó, mối quan hệ trở nên xung đột mâu thuẫn lớn hơn. Ngoài ra, khi mắc kẹt trong mối quan hệ, ta còn bị hạn chế tự do, luôn cảm giác như cầm tù. Cảm giác cô đơn và cô lập cảm xúc kéo đến và có thể khiến ta rơi vào nguy cơ cho sức khỏe tinh thần và vật lý. Các vấn đề như trầm cảm, lo âu, tái sang chấn và cô lập xã hội có thể xuất hiện.

4.   Chữa lành

Tuy sang chấn thời thơ ấu hay các bóng ma về tinh thần có thể ảnh hưởng đến việc mắc kẹt trong mối quan hệ, quan trọng là hiểu rằng ta không phải là nạn nhân của quá khứ và có thể tìm hiểu và phục hồi từ những trải nghiệm đó.

Thậm chí, để vượt qua trạng thái mắc kẹt trong một mối quan hệ, quan trọng để thảo luận mở và trung thực với đối tác về những mối quan tâm và mong muốn của mình. Tìm hiểu sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc những phương pháp chữa lành, cân bằng năng lượng cũng có thể giúp ta đánh giá lại mối quan hệ và đưa ra quyết định phù hợp để trở nên vui vẻ, an lạc hơn.

Nhưng trước hết, khi ở trong tình trạng này, tốt nhất hãy tìm một người nào đó bạn tin tưởng để kể chuyện, để được lắng nghe và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn thay vì cho mối quan hệ đang không có sự lành mạnh. Bạn hoàn toàn có thể tìm đến những dịch vụ coaching hoặc khai vấn tâm lý cần thiết để có cái nhìn khách quan về vấn đề, và có thêm lộ trình hợp lý để tách bản thân ra khỏi mối quan hệ không hiệu quả.

Vashna Thiên Kim

 

Danh mục tài liệu tham khảo:
Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành (Bessel Van Der Kolk, M.D)
Não bộ kể gì về bạn (David Eagleman)
Bộ não siêu phàm ( Deepak Chopra – Rudolphe. Tanzi)
Psychology Today
What are eating disorders? (Rối loạn ăn uống là gì?)
Anxiety Disorders (Rối loạn lo âu)
Cấu tạo và cách hệ thần kinh trung ương hoạt động
How Does Trauma Affect the Brain? - And What It Means For You (Chấn thương ảnh hưởng đến não như thế nào? - Và nó có ý nghĩa gì với bạn)
Why Trauma Can Lead to Depression — and How to Cope (Tại sao chấn thương có thể dẫn đến trầm cảm - và cách đối phó)
Cách thoát khỏi sang chấn tâm lý đơn giản bạn nên thử

Bình luận: 0

Tin tức liên quan

0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger