NGUY CƠ BỆNH TẬT ĐẾN TỪ SỰ DƯ THỪA
17
06/2023

NGUY CƠ BỆNH TẬT ĐẾN TỪ SỰ DƯ THỪA

Chúng ta đang trải qua một trong những mùa hè nắng nóng lịch sử và một năm của sự khắc nghiệt đến từ thời tiết, cùng với đó là dư âm của dịch bệnh Covid, suy thoái kinh tế toàn cầu…Tất cả như một lời cảnh tỉnh đanh thép để chúng ta phải nhìn lại thực trạng đang diễn ra xung quanh mình: sự thiếu hụt năng lượng, cụ thể là nguồn điện sinh hoạt như một kết quả tất yếu của cả một quá trình khai thác vô tội vạ tự nhiên, sự gia tăng chóng mặt nhu cầu sử dụng các thiết bị điện và một lối sống “dư thừa” hơn rất nhiều so với nền tảng cơ bản của sự sống. “Thừa còn hơn thiếu” – câu nói thể hiện tâm lý tham lam của con người trước mọi nguồn lực. Vậy “dư thừa” có thực sự tốt hay không?

Cũng như trạng thái “thiếu thốn”, “dư thừa” không hề tốt.

Sự dư thừa các phương tiện giao thông dẫn đến tình trạng quá tải, tắc đường.

Dư thừa đồ đạc, tiêu dùng khiến cho lượng rác thải nhiều hơn.

Dư thừa vật chất dễ dẫn đến lãng phí.

Dư thừa dưỡng chất đối với cơ thể cũng dễ nảy sinh bệnh tật. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu những nguy cơ bệnh tật đến từ sự dư thừa, tích tụ bên trong cơ thể - những nguy cơ bệnh tật sinh ra từ lối sống và thói quen thiếu lành mạnh của con người. Và đương nhiên, nó hoàn toàn có thể điều chỉnh khi chúng ta nhận thức ra vấn đề.

Bệnh sinh khi ăn uống dư thừa

Nuôi dưỡng cơ thể là chất dinh dưỡng, là những gì ta ăn vào miệng nhưng khi mọi thứ trở nên dư thừa thì áp lực bệnh tật sẽ nảy sinh với cơ thể. Tình trạng dư thừa mà ta muốn nói đến ở đây, trước hết là sự dư thừa đến từ chế độ ăn điển hình của thời hiện đại:

  • Ăn quá nhiều: Ăn quá nhiều ở đây là ăn quá no, ăn theo sự ngon miệng của cơ thể, dưới sự kích thích của các chất tạo vị ngon miệng. Khi ta ăn quá nhiều, các loại dịch tiêu hóa (gồm cả mật và axit clohydric ngày càng cạn kiệt. Thức ăn ăn vào không được tiêu hóa hết, nó trở thành thứ chất thải ô nhiễm tạo gánh nặng cho cơ thể: chúng lên men, trở thành môi trường cho vi sinh vật có hại (nấm men và kí sinh trùng) hoạt động, làm thay đổi độ pH (Cân bằng axit/ kiềm) trong đường ruột, tạo độc tố mạnh. ảnh hưởng xấu đến chức năng tiêu hóa và miễn dịch. Khi càng nhiều chất độc hại tích tụ hoặc tồn đọng trong đường ruột, bạch huyết và máu sẽ hấp thụ chúng, làm gia tăng tắc nghẽn hệ bạch huyết, làm máu đặc lại, gây áp lực lên gan cùng với hệ bài tiết. Khi hệ bạch huyết và máu mất cân bằng, dẫn đến giảm lưu lượng máu trong thùy gan, làm thay đổi cân bằng trong thành phần dịch mật và tỏi ra sỏi mật. Những viên sỏi này gây tắc nghẽn máu, làm đảo lộn quá trình trao đổi chất cơ bản trong cơ thể. Càng ăn quá đà, ta càng giảm chất dinh dưỡng cho các tế bào cơ thể. Vì sao vậy? Vì ăn quá mức sẽ dẫn đến quá tải tiêu hóa và bỏ đói tế bào. Thức ăn không được tiêu hóa kĩ vì dạ dày quá đầy dẫn đến rối loạn chức năng. Thức ăn không chuyển được thành chất dinh dưỡng nuôi tế bào. Và tế bào đói lại thôi thúc mạnh mẽ tình trạng ăn vặt, thèm ăn. Một cái vòng luẩn quẩn theo mức độ ngày càng tăng. Và rõ ràng, nó rất nguy hiểm cho cơ thể.
  • Ăn giữa các bữa: đó là việc sử dụng những thực phẩm ăn nhanh, ăn vặt bổ sung năng lượng vào giữa thời gian làm việc, giải trí hay nghỉ ngơi. Ăn liên tục cũng là một hình thái khác của sự dư thừa gây quá tải, làm đảo lộn nhịp sinh học vốn được điều chỉnh rất tinh tế của cơ thể. Hầu hết các tuyến nội tiết quan trọng trong cơ thể đều dựa vào các chu kì ăn, ngủ, thức dậy đều đặn như việc sản xuất dịch mật, dịch tiết dạ dày và các loại dịch tiêu hóa cần thiết để phân rã thức ăn thành các chất dinh dưỡng cơ bản đạt đỉnh tự nhiên vào giữa trưa. – Rõ ràng đó mới là lúc nên ăn trưa. Nhưng những bữa ăn vặt, xen kẽ, không đúng giờ, liên tục nạp vào những giờ trái với đồng hồ sinh học. Bữa trưa ăn trễ, bổ sung bằng các bữa ăn phụ khác khiến cho dạ dày làm việc không ngừng nghỉ mà không thể tiêu hóa kĩ các thức ăn (chưa tiêu hóa xong bữa trước đã phải đón lượng thức ăn của bữa sau). Một lần nữa, những thức ăn dư thừa lại lên men và thối rữa, tích độc tố cho cơ thể.
  • Ăn nhiều vào buổi tối: chúng ta hay cho rằng bữa tối là bữa ăn chính (chuẩn bị ăn no để ngủ kĩ sau 1 đêm), nhưng thực tế thì khả năng tiêu hóa bữa tối chỉ bằng 20% so với bữa trưa. Vì vậy, một bữa tối quá giàu dinh dưỡng, khó tiêu, nặng nề lại trở thành gánh nặng của cơ thể khi những thức ăn thừa không thể được tiêu hóa hết. Chúng làm tắc nghẽn cơ thể, mới đầu ở đường ruột, sau lan ra bạch huyết và máu. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến năng lực tiêu hóa. Ăn trước khi ngủ cũng sẽ gây áp lực tương tự.
  • Ăn quá nhiều đạm: việc tiêu thụ protein quá mức dẫn đến mạch máu bị dày lên và tắc nghẽn màng đáy, trong đó có cả xoang gan. Protein đọng trong võng huyết quản cản trở cholesterol huyết thanh tách ra khỏi máu. Khi đó, tế bào gan cho rằng cơ thể bị thiếu cholesterol nên nó tăng cường sản xuất cholesterol lên mức cao bất thường, đây cũng là mầm mống của hàng loạt những nguy cơ: xơ vữa động mạch, mỡ trong gan, huyết áp cao, động mạch vành…

Bệnh sinh từ việc lạm dụng các giác quan

Đời sống hiện đại đặt con người trước nguy cơ quá tải đối với các giác quan: nghe quá nhiều âm thanh, đọc quá nhiều thông tin, xử lý quá nhiều công việc, tiếp xúc với quá nhiều mùi hóa chất….Tất cả những hiện tượng này là hệ lụy của lối sống theo đuổi tiền tài danh vọng. Các giác quan là món quà tạo hóa ban tặng con người, và chúng không thể giữ mãi trạng thái khỏe mạnh nếu bị khai thác, sử dụng quá mức trong một thời gian dài.

  • Nguy cơ với mắt: đến từ việc phơi nhiễm ánh sáng xanh dương: với thời gian làm việc kéo dài, việc giải trí nghỉ ngơi cũng phụ thuộc vào màn hình máy tính, điện thoại, ti vi…mắt luôn ở trong trạng thái làm việc dễ gây mệt mỏi, suy giảm thị lực, khô mắt, lão hóa, cận thị hoặc viễn thị, giảm khả năng quan sát
  • Nguy cơ với tai: những tiếng động lớn, âm thanh ồn ào liên tục tác động khiến tai bị quá tải, suy giảm độ nhanh nhạy, xử lý thông tin hay hạn chế tiếp nhận.
  • Nguy cơ với mũi: mũi là cửa ngõ thông khí của cơ thể, phải làm việc liên tục ngày đêm, nhưng khi mũi tiếp xúc với hóa chất lạ, bụi bặm hay liên tục phải ngửi những mùi khó chịu sẽ gây nên tình trạng viêm nhiễm, dị ứng, mẫn cảm. Tai mũi họng thông nhau. Nên bệnh về mũi sẽ kéo theo các ảnh hưởng đối với tai và họng, lâu dài ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và khả năng làm việc.
  • Nguy cơ tổng hợp: các giác quan bị quá tải thì sự căng thẳng sẽ dồn lên hệ thần kinh, dẫn đến khả năng xử lý, mức độ tập trung và mức độ chú ý giảm đi đáng kể. Trạng thái quá tải cũng đặt cơ thể vào trạng thái mỏi mệt, stress, lo âu, căng thẳng hoặc trầm cảm, khép kín với môi trường xung quanh.

Bệnh từ việc lạm dụng các giác quan có thể gọi chung bằng tình trạng quá tải và lão hóa. Tình trạng này nguy hiểm ở chỗ nó không xảy đến với chúng ta ngay trong thời gian ngắn, mà sự suy giảm sẽ đến từ từ theo một quá trình để cho ta mất cảnh giác, quên mất việc điều chỉnh hành vi. Chỉ đến khi ta nhận ra sự suy giảm nghiêm trọng ở khả năng xử lý, tiếp nhận của các giác quan thì mọi chuyện đã muộn.

Bệnh sinh ra từ sự dư thừa tiện nghi hiện đại

Với mong muốn tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho cuộc sống, con người đã có nhiều phát minh tạo ra các trang thiết bị hiện đại: hàng loạt những tiện ích ra đời để đem lại cảm giác dễ chịu hết sức cho con người. Thay vì để cơ thể trải nghiệm với sự thay đổi khí hậu tự nhiên, con người dung hòa cơ thể với điều hòa nhiệt độ suốt trong 4 mùa, giam mình trong các không gian kín, những trò giải trí tại chỗ. Máy móc cũng được tận dụng tối đa để giải phóng sức lao động. Thay vì làm việc nhà con người sử dụng máy móc: máy rửa bát, máy hút bụi, máy sấy….tất cả những loại máy móc này vừa sử dụng nhiều điện năng, vừa khiến cho con người sinh ra cảm giác lười, ngại vận động. Càng ngày càng xuất hiện nhiều người béo phì, thừa cân, thiếu đề kháng, thiếu kỹ năng sinh tồn và khả năng thích ứng. Tương tự như vậy, các loại thực phẩm đóng hộp tiện lợi, các mặt hàng phong phú đa dạng tràn ngập khắp mọi nơi. Hệ lụy đi cùng nó là tình trạng lãng phí, xả rác và thu hẹp các không gian sống của tự nhiên. Đi ngược với tự nhiên không bao giờ là con đường tiến hóa tích cực của con người.

Tiện nghi hiện đại có thể mang lại ảo tưởng về sự sung sướng, về khả năng chinh phục thử thách của con người, nhưng nó cũng chính là những tấm màng lớn mà con người tự đặt ra để giới hạn không gian sống của mình tách biệt ra khỏi thế giới tự nhiên. Hiện đại thì hại điện. Sẽ ra sao nếu trong tương lai, con người cứ bó hẹp mình vào môi trường nhân tạo, không thể chịu được/ làm được nếu mất điện hay thiếu vắng tiện nghi?

Có thể nói căn bệnh lớn nhất đến từ sự dư thừa tiện nghị hiện đại là sự vắng bóng của hệ miễn dịch tự nhiên và khả năng độc lập của cơ thể.

Bệnh sinh ra từ sự dư thừa mối quan tâm

Nếu như trước đây, chúng ta chỉ quan tâm đến những thứ thiệt thực xung quanh mình: gia đình, trường lớp, bè bạn, những con người trong một phạm vi gần, những lĩnh vực kiến thức chính thống được tiếp cận ở những nguồn tin cậy thì giờ đây, công nghệ nối liền tất cả bằng một mạng lưới kết nối khổng lồ. Mạng lưới này luôn đầy ắp thông tin, sống động, chi phối đến lối suy nghĩ, ứng xử và hình thành các thói quen của con người. Người ta bắt đầu kết nối nhiều hơn, quan tâm đến mọi lĩnh vực và phân tán năng lực của mình vào những mối quan tâm vô bổ. Bão hòa thông tin, quá nhiều mối quan tâm khiến ta quên đi những giá trị bản chất, và lầm tưởng về những thứ quan trọng với mình. Thời gian dành cho bản thân thực sự bị thu hẹp. Năng lượng và cảm xúc bị xáo trộn. Chúng ta đang ở một thế giới mà tâm lý mọi người rất dễ kích động, rất dễ mâu thuẫn với cả những thứ tưởng như không liên quan đến mình.

Có thể bạn không tin, nhưng bệnh vô cảm cũng bắt nguồn từ đây. Khi lượng thông tin trở nên bão hòa, các giác quan mỏi mệt và cảm xúc bị tê liệt thì con người không có nhu cầu chia sẻ hay quan tâm xem điều gì thực sự quan trọng với mình, đánh rơi những giá trị bản chất. Thông tin nhiều nhưng đến nhanh, đi nhanh và không đọng lại ấn tượng. Người ta không có thời gian đi sâu vào chất lượng để giải quyết triệt để thông tin.

Đó cũng là lý do vì sao giới trẻ có nhiều mối quan tâm sớm, dễ có xu hướng chạy theo trào lưu, hành động bột phát. Hẳn ta vẫn chưa quên những bi kịch tâm lý xuất phát từ một xã hội thông tin thật giả lẫn lộn như thế này…

Dư thừa bất cứ thứ gì cũng đẩy ta đi nhanh hơn trên hành trình của mình. Từ những căn bệnh tâm lý trầm kha, đến những trạng thái khó chịu của cơ thể, những căn bệnh trải dài ở 3 thể thân, tâm, trí đều là kết quả của sự dư thừa trong lối sống. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn nhìn lại cuộc sống và những lựa chọn của cá nhân, để hướng đến những lựa chọn sáng suốt đem lại sức khỏe, hạnh phúc và niềm vui cho chính mình.

Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger