ĐỪNG CỐ GẮNG HẠNH PHÚC!
28
06/2023

ĐỪNG CỐ GẮNG HẠNH PHÚC!

Nếu bạn cố tỏ ra thú vị, thì bạn sẽ chẳng bao giờ thú vị. Nếu bạn cố tìm kiếm hạnh phúc, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc. Có lẽ vấn đề mà nhiều người gặp phải ngày nay chính là họ đang cố gắng quá nhiều ở mọi mặt.

Hạnh phúc, như những cảm xúc khác, không phải là thứ gì đó bạn có thể đạt được, mà là thứ bạn sẽ tự có được trong vô thức. Khi bạn nổi cơn thịnh nộ và trút giận la hét vào mặt người đối diện, bạn không tự ý thức được trạng thái tức giận của mình lúc ấy. Bạn không kịp suy nghĩ rằng “Vậy là tôi đang tức giận ư? Tôi có đang giải tỏa đúng cách không”. Chắc chắn là không thể, vì lúc đó bạn đã mất kiểm soát. Bạn đã bước vào cơn tức giận và để nó dần chi phối bạn. Bạn chính là cơn tức giận đó. Và rồi bạn cũng đi qua nó. Trong khi nếu biết tách mình ra quan sát, bạn sẽ quan sát cơn nóng giận của bạn chứ không để nó kéo bạn làm ra chuỗi những hành động tiếp theo. 

Một người tự tin không bao giờ tự hỏi liệu mình có đủ tự tin không, tương tự, một người hạnh phúc cũng không thắc mắc liệu mình có hạnh phúc không hay họ phải đi tìm kiếm hạnh phúc, hạnh phúc không có đích đến. Họ chỉ đơn giản thấy hạnh phúc không vì điều gì.

Điều tôi muốn nói là hạnh phúc không phải là kết quả của quá trình tìm kiếm nó, mà chỉ là hiệu ứng phụ của chuỗi những trải nghiệm không ngừng trong cuộc sống. Điều này bị hiểu nhầm rất nhiều, nhất là từ khi “hạnh phúc” được sử dụng tràn lan trong thời đại ngày nay, như một mục tiêu trong cuộc sống. Phải có thước đo hay tiêu chuẩn nào đó và bạn mới có được hạnh phúc? Học cái này cái kia và bạn sẽ đạt được thành công và dẫn đến hạnh phúc...? Nhưng thực sự thì bạn không thể mua hạnh phúc và cũng không thể đạt được nó như một thành tựu. Nó chỉ đơn giản là một thứ mà bạn sẽ có được khi sắp xếp ổn thỏa những phần khác trong cuộc đời mình. 

Thật sự hạnh phúc là khi bạn kết nối với bên trong chính mình, ở đạo Phật còn gọi là Tánh Biết hay Phật Tánh, nó khác với những suy nghĩ ham muốn được hình thành nên từ : những cái tôi-những bản ngã-những cảm xúc! Những điều mà đại đa số mọi người đang đi tìm gọi là hạnh phúc thật chất đang thoã mãn cái tôi cái ham thích : thức ăn ngon, tình dục, xem TV hoặc phim rạp, xe hơi mới, tiệc tùng với bạn bè, massage toàn thân, giảm cân, trở nên nổi tiếng,…. 

Mặc dù thoã mãn những “cái tôi” cũng rất có ích ở một thời gian ngắn, nhưng nó không phải hạnh phúc, nó chỉ là một cảm xúc yêu thích ngắn hạn, nó có mối liên hệ với hạnh phúc nhưng nó không tạo ra hạnh phúc. Hãy hỏi bất kỳ người nghiện ma túy nào đó xem việc theo đuổi “cái tôi yêu thích” của họ thành ra như thế nào. Hãy hỏi một người phụ nữ ngoại tình đã làm tan vỡ gia đình và mất đi con cái liệu khoái cảm/cái yêu thích đó có khiến cô ấy hạnh phúc không? Hãy hỏi một người cuồng ăn đến mức béo phì xem việc theo đuổi những thứ mà người đó yêu thích khiến người đó cảm thấy như thế nào sau khi thoã mãn cảm giác thèm ăn đó?

Sự Yêu Thích xuất phát từ những cái ngã/cái tôi là một giá trị sai lầm. Nghiên cứu tâm lí học đã cho thấy rằng những người tập trung vào việc tìm kiếm và chiều theo những ý muốn mang tính vật chất và bề mặt thường trở nên lo âu nhiều hơn, cảm xúc bất ổn định hơn và kém hạnh phúc hơn về lâu dài. Nó có thể gọi là “hạnh phúc ảo”.

“Hạnh phúc ảo” là dạng thỏa mãn mang tính bề mặt nhất và do đó cũng dễ tìm nhất. “Hạnh phúc ảo” mới chính là thứ mà người ta đang rao bán cho chúng ta, chứ không phải “chân phúc”. Đó là thứ mà ta bị ám ảnh. Là thứ mà ta dùng để làm tê liệt cảm xúc và phân tán bản thân. Và ta phải luôn mãi chạy theo mà không có một điểm dừng nào cả. Điều lưu ý, “Chân Phúc” cũng có nghĩa, sau tất cả, bạn thật sự cảm thấy bình an và hạnh phúc. Cũng giống như bạn ý thức được việc bạn/hay tâm hồn bạn thật sự muốn thế nào mới đạt được trạng thái cân bằng khoẻ mạnh,ổn định sau một chuỗi các hành động, chứ không để cái sự thèm ăn/hay cơn tức giận kéo đi, và rồi chỉ đạt được trạng thái hài lòng ngắn hạn.

Hãy ngừng so sánh thế giới bên ngoài để làm thước đo cho “hạnh phúc” của bản thân. 

Ai cũng nói: “Thành công sẽ hạnh phúc” mô típ khá phổ biến gần đây cho rằng sở dĩ con người bất hạnh là do chúng ta bị áp đặt bởi những định kiến của xã hội, lớn lên với suy nghĩ – được người lớn vun đắp – rằng bản thân phải là một cá thể đặc biệt, độc đáo và có khả năng làm những điều thành công vượt trội, rồi sau đó Facebook lại không ngừng nhắc nhở ta rằng cuộc sống của những người khác tuyệt vời như thế nào, không như cuộc đời mà ta đang sống, khiến ta cảm thấy tồi tệ và không ngừng tự hỏi mình đã đi sai bước nào rồi chăng? Chúng ta bắt đầu than thân trách phận và bắt đầu rơi vào trạng thái rối loạn lo âu, hệ luỵ là ta sẽ càng cố gắng cố gắng nhiều hơn nữa, để đi tìm thứ gọi là thành công-hạnh phúc. 

Nhưng không, hạnh phúc nó có mặt ngay cả khi bạn trải qua những thất bại ê chề, vì đó chính là hành trình cần thiết để trải nghiệm. Khi bạn đã cố gắng đủ nhiều, có thành công rồi cũng từng thất bại, có tất cả rồi cũng từng về 0 thì bạn mới chợt nhận ra, hoá ra lúc mình cân bằng nhất chính là lúc mình thôi chạy theo những giá trị bên ngoài, mình chỉ làm những điều mình cảm thấy yêu thích, mình tự hào khi là chính mình và không so sánh với bất kì ai. Vậy đôi khi, không đạt được những kì vọng và mục tiêu cũng là một điều tốt đấy chứ? Bản thân tôi còn cho rằng khả năng trân trọng trải nghiệm dù là thất bại mới là yếu tố cơ bản để xây dựng nên tòa nhà hạnh phúc vững chãi về sau khi bạn tự thấu hiểu chính mình mà không còn với ra bên ngoài nữa. 

“Hạnh phúc là tiến trình trở thành con người lý tưởng của bản thân”

Hoàn thành một chặng đua marathon khiến chúng ta hạnh phúc hơn là được ăn một cái bánh sô-cô-la. Nuôi nấng một đứa con khiến ta hạnh phúc hơn việc thắng một ván game. Khởi nghiệp với những đứa bạn và nỗ lực để tạo ra lợi nhuận sẽ khiến ta hạnh phúc hơn là mua được một cái máy vi tính.

Và điều thú vị là cả 3 việc trên đều là những việc không dễ chịu chút nào, bao gồm việc đặt những kỳ vọng cao cùng với nguy cơ đối mặt với thất bại. Nhưng, đó lại là một vài trong những việc ý nghĩa nhất trong cuộc đời của chúng ta. Chúng bao gồm nỗi đau, nỗi vất vả, kể cả sự tức giận và tuyệt vọng. Nhưng một khi đã vượt qua được những trở ngại để theo đuổi và duy trì đến cùng, chúng ta lại có thể nhìn lại khoảng thời gian đó với cảm xúc dâng trào!

Vì sao?

Bởi vì chính những hoạt động này sẽ là thứ khiến chúng ta đến gần với con người lý tưởng của bản thân hơn. Chính quá trình không ngừng hoàn thiện bản thân cho chúng ta hạnh phúc, mặc cho những “cái tôi nông cạn” không được thỏa mãn thay cho những nỗi đau, mặc cho cảm xúc tích cực hay tiêu cực. Đây là lý do vì sao có những người hạnh phúc dù là trong chiến tranh nhưng cũng có những người không vui dù là ở đám cưới. Hay là lý do vì sao có người hào hứng vì công việc nhưng có người lại chẳng vui dù được tiệc tùng. Đó là vì những gì mà họ đang có không tương thích với con người mà họ muốn trở thành hay nói chính xác hơn là bản chất bên trong họ.

Kết quả cuối cùng không định nghĩa nên con người lý tưởng của chúng ta. Không phải việc về đích trong cuộc thi marathon khiến ta hạnh phúc, mà là sự thành công trong việc đạt được một mục tiêu khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian cùng kết quả về sức khoẻ/tinh thần sau đó. Không phải việc có một đứa con tài giỏi để ta có thể tự hào khiến ta hạnh phúc, mà chính là việc bản thân đã hy sinh tất cả cảm nhận tình yêu thương thiêng liêng bao nhiêu vì sự phát triển của một con người. Thứ khiến bạn hạnh phúc cũng không phải là địa vị và tiền bạc từ thương vụ thành công của mình, mà đó chính là quá trình vượt qua những chông gai, trở ngại cùng những người có ý nghĩa với ta.

Và đây cũng chính là lý do vì sao cố gắng để trở nên hạnh phúc lại càng khiến bạn bất hạnh. Bởi vì việc tìm kiếm hạnh phúc cho thấy rằng bạn chưa tiến tới con người lý tưởng của mình, bạn chưa tương thích với những phẩm chất của mẫu hình mình muốn trở thành. Nếu bạn đã được sống đúng với con người mà mình muốn, thì bạn sẽ chẳng có nhu cầu trở nên hạnh phúc nữa. Vậy nên tôi không cổ xuý việc cố gắng nỗ lực để trở thành một người thành công có địa vị, mà nếu đó chính là con người lí tưởng thật tương thích của bạn thì hãy trở thành, vì trên chính hành trình này, bạn đang hạnh phúc từng giây khi trải nghiệm nó. 

Và đây cũng chính là lý do vì sao hạnh phúc thường ngắn ngủi. Bất cứ ai từng đặt mục tiêu to lớn cho cuộc đời thì khi đạt được đều nhận ra rằng hạnh phúc mà họ có lúc này cũng chỉ ở mức tương đối thôi, đã bao nhiêu người đứng ở trên đỉnh vinh quang và đạt được mục tiêu họ đề ra và cảm thấy trọn vẹn hạnh phúc? Hay giây phút đó họ lại leo đến đỉnh tiếp theo và bị cuốn vào vòng xoáy không ngừng nghỉ đó? 

Hạnh phúc mà ta mong đợi luôn có cảm giác như nó đang ở đâu đó phía trước nhưng thật ra nó đã đang ở ngay đây. Ngay bên trong chính mình! Hãy tìm cách để thấu hiểu bản thân, và bạn sẽ tìm ta “chân phúc” trong chính mình ! 

 

Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0
0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger