Sống Tỉnh Thức
ĐỘNG VẬT CÓ KHẢ NĂNG CHỮA LÀNH?
Cuộc sống là một chuỗi những trải nghiệm mà ở đó ta luôn được hướng về tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Không chỉ với những người ta yêu thương, ta quan tâm, mà còn với cả những người xa lạ, cảnh vật, động vật hay thậm chí là đồ vật quanh ta. Khi ta nhận ra được điều ấy và biết rằng mình có thể tìm thấy sự chữa lành ở khắp mọi nơi, mọi vật, mọi điều thì tình yêu thương và sự yên bình trong ta sẽ được khơi dậy. Vừa rồi, Thiên Kim đã được trải nghiệm điều ấy với các bé cừu trong kỳ nghỉ ngắn ngày ở một thành phố biển bình yên.
Khi vừa bước chân tới đồi cừu, mặc dù tiết trời âm u nhưng cũng không ngăn tôi cảm nhận bầu năng lượng nhẹ nhàng và thanh bình của những chú cừu. Chúng cứ ăn cỏ và thức ăn rồi dạo chơi xung quanh trên cánh đồng cỏ xanh bao la bát ngát. Sự yên bình tràn ngập trong từng ánh mắt điệu bộ. Rong ruổi bên cạnh những chú cừu đáng yêu, tôi như quên hết những bộn bề thường trực, chỉ cảm thấy một sự hoà hợp trong từng cử chỉ chơi đùa. Ôm chúng vào lòng, cảm nhận từng xúc chạm trên bộ lông dày mượt như các bạn thú nhồi bông, tôi thấy mình như được trở về thuở ấu thơ hồn nhiên ngày nào...
Thật vậy, động vật có khả năng chữa lành, điều này đã được chứng minh và công nhận trên thế giới, bất cứ ai nuôi thú cưng đều đồng ý rằng động vật có khả năng chữa lành. Chúng lấp đầy ngôi nhà của bạn bằng tình yêu thương, khơi dậy trong bạn lòng trắc ẩn và sự bao dung, chúng gắn kết gia đình lại với nhau và các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chúng có thể cải thiện sức khỏe của bạn. Động vật cũng từ lâu đã được sử dụng trong bệnh viện như một phần của các chương trình trị liệu dành cho những người đang hồi phục sau các bệnh nặng.
Như Florence Nightingale đã nói vào những năm 1860: “Một con vật cưng nhỏ thường là người bạn đồng hành tuyệt vời đối với người bệnh, đặc biệt là đối với các bệnh mãn tính kéo dài”.
Thuật ngữ “động vật trị liệu” được biết đến lần đầu tiên vào giữa thập kỷ 1960 khi nhà tâm lý học người Mỹ Boris Levinson đưa ra phương pháp dùng động vật để điều trị cho những em nhỏ mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, từ thế kỷ 18, các bác sĩ của Bệnh viện tâm thần York Retreat (Anh) đã nuôi những con mèo, chó, thỏ, chim... để phục vụ chữa bệnh. Họ tin rằng những con vật có thể tạo cho bệnh nhân nhiều cảm xúc tích cực.
Các nhà khoa học khi nghiên cứu về sự tương quan giữa con người và động vật cũng đều nhất trí cho rằng các con vật là liệu pháp rất hữu ích cho sức khỏe. Sự giao tiếp giữa con người với chó, mèo, ngựa... có tác dụng làm giảm mức độ của hormon cortisol gây stress trong cơ thể, phòng và chữa được một số bệnh nguy hiểm. Thậm chí có con vật còn mang lại cho chủ nhân của nó động cơ để sống và chiến đấu với bệnh tật.
- Một ví dụ điển hình nghe có vẻ kỳ lạ nhưng mọi hành vi của mèo đều có thể chữa bệnh cho người. Tiếng kêu “gừ gừ” của nó có tần số 4-16 Hz, theo một cách nào đó có thể cải thiện hệ miễn dịch. Mèo cũng có khả năng bí ẩn nhận dạng những nội tạng đang đau đớn của con người. Khi con mèo cảm thấy người chủ của mình có vấn đề không ổn về nội tạng, nó sẽ sán lại gần, kêu gừ gừ, giậm chân và liên tục cào nhẹ vào người chủ nhân.
Những con mèo đáng yêu còn có thể giúp cho người bị chứng tâm thần phân liệt cảm thấy hưng phấn hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Technion (Anh quốc) đã khẳng định như vậy trong một nghiên cứu mới đây nhất, khi đưa những chú mèo cưng vào trong các buổi điều trị. Sau 10 tuần, nhóm sử dụng “liệu pháp mèo cưng” tỏ ra ít lãnh đạm với sự vật hơn, đồng thời có sự cải thiện đáng kể trong tâm trạng, năng động hơn so với những người được điều trị bằng phương pháp thông thường. Phát hiện này được xem là một bước tiến mới của khoa học trong việc phục hồi tâm lý và cải thiện cuộc sống của những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt. Ngay cả với những người khỏe mạnh, việc trò chuyện, vuốt ve một chú mèo cưng cũng giúp giải tỏa căng thẳng tâm lý, mệt mỏi, đau đầu, làm giảm huyết áp nếu nó quá cao, làm cân bằng các xung điện của cơ thể, đồng thời xoa dịu cái đau gây ra bởi bệnh thấp khớp hay dạ dày, mang lại tâm trạng thư thái, dễ chịu. Nuôi mèo chính là liều thuốc ít tốn kém nhất mà lại giúp chữa khỏi được nhiều bệnh tật…
- Đứng thứ hai ngay sau mèo trong danh sách những động vật “lương y” chính là những chú chó. Tại hội nghị của Hiệp hội tim mạch Mỹ năm 2005, nhà nghiên cứu Kathie Corle thuộc Trung tâm y tế Đại học California Los Angeles đã công bố một nghiên cứu về tính hiệu quả của liệu pháp “chó cưng” trong điều trị suy tim. Theo ông, tiếp xúc và chơi với chó cảnh hằng ngày có tác dụng điều hòa huyết áp và nhịp tim, xua tan chứng đau tức ở vùng ngực và chứng đau đầu, có tác dụng khắc phục chứng bệnh phổ biến trong thế giới hiện đại là stress. Đây được xem là nghiên cứu đầu tiên hoàn toàn dựa trên bằng chứng khoa học để ghi nhận tác dụng của liệu pháp chó cưng.
Ngày nay, chúng ta vẫn biết điều này là đúng và khoa học vẫn đang thử nghiệm những lợi ích chữa bệnh khác nhau mà động vật có thể mang lại. Và, một người sống tình cảm có thể không yêu thích động vật, nhưng một người biết gần gũi yêu thương động vật thì luôn là người có tình yêu thương ấm áp bên trong.
Khi cảm thấy mệt mỏi và cô đơn, con người ta luôn cần sự an ủi quan tâm, và động vật chính là một loài có kĩ năng lắng nghe tuyệt vời. Chúng không chỉ là thú nuôi, chúng là người thân, một người tri kỉ đặc biệt. Nhận ra việc con người và động vật có sự gắn kết chặt chẽ, chứng kiến nhiều mối quan hệ đẹp giữa người và vật và chính bản thân ,Thiên Kim cũng đồng cảm và thấu hiểu được.
Với mong muốn lan toả tình yêu thương, tìm kiếm sự chữa lành từ sâu trong tâm hồn mỗi chúng ta bằng rất nhiều các phương pháp khác nhau, nên trong chuyến đi này tôi đã tìm đến các bé cừu với mong muốn gắn kết và mở rộng tình yêu thương của chính mình, trở về hoà mình với vạn vật thiên nhiên. Tôi đã thật sự cảm nhận được sự ấm áp không lời và cũng đáp lại bằng những cái ôm trìu mến, là cảm giác mà giữa mình và các bé cừu dường như đã có sợi dây kết nối vô hình vô cùng mạnh mẽ. Chúng không đơn thuần là những con vật, mà hơn cả chúng đã trở thành những đứa con nhỏ của chính mình, đáng yêu, ấm áp và thấu hiểu. Còn bạn thì sao, bạn đã có cho mình một thú cưng bên cạnh hay những trải nghiệm vui vẻ bên những bạn động vật đáng yêu thế này chưa?
Vashna Thiên Kim