Sống Tỉnh Thức
ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG CỦA NÃO BỘ BẰNG CÁCH NÀO
Ở những bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu về cơ chế hình thành và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Như một vị tổng chỉ huy tối cao, sự phát triển của não bộ là yếu tố then chốt để con người phát huy được năng lực hành động của mình. Nhưng để phát triển được tiềm năng của não bộ, con người sẽ phải đứng cao hơn nhận thức của não bộ một bậc, để nắm quyền làm chủ, cân bằng bản thân, hướng đến những mục tiêu lớn của chính mình.
Bài viết ngày hôm nay sẽ tập trung vào trả lời 3 câu hỏi:
-
Ý thức tâm trí có trước hay bộ não có trước?
-
Những niềm tin sai lầm về tiềm năng của não bộ
-
Làm thế nào để hài hòa giữa tâm trí – suy nghĩ – hành động để làm chủ bộ não.
1. Ý thức/ tâm trí có trước hay bộ não có trước?
Mỗi ngày mới trở nên hứng thú và đáng sống với chúng ta là vì tất cả mọi thứ sống động mà ta cảm nhận được bằng tất cả các giác quan. Bất kể là ngày hôm nay bạn trải nghiệm những gì – chuyến đi chơi, cuốn sách hay, tách café, ý tưởng đột phá – thì chúng đều đã được điều chỉnh một cách cụ thể dành riêng cho bạn. Nhưng nếu thế giới này là duy nhất, được điều chỉnh cho mình bạn thì ai sẽ là người sáng tạo nên tất cả những chuyện đó?
Điều gì có trước và mang tính quyết định ở đây? Chính tâm trí của bạn hay bộ não của bạn?
Nếu bạn trả lời đó đơn thuần là sản phẩm của não bộ thì bạn đã tự giới hạn mình trong cơ thể vật lý. Rõ ràng bộ não thể chất không thể tự nó làm nên mọi chuyện. Đứng sau đó là tâm trí và việc xây dựng mối quan hệ giữa tâm trí và não bộ.
“Bạn không phải là bộ não của bạn”, cũng không phải là bất cứ chứng rối nhiễu nào bạn có thể gặp nhưng bình thường, người ta hay đồng hóa bản thân với tình trạng cảm xúc người ta hay gặp phải: ví dụ, khi bạn bị cảm nặng – bộ não truyền tín hiệu tới các bộ phận trong cơ thể cho bạn biết là bạn rất mệt, nhưng bạn biết rõ đó là một chứng bệnh, không phải bản chất của bạn. Nhưng khi bạn stress, trầm cảm, bạn sẽ nói “tôi stress, tôi trầm cảm”. Cách nói ấy tạo một ấn tượng sâu đậm trên tâm trí, tạo ra những cảm xúc thúc đẩy các liên kết sống của não bộ tạo ra kết quả thông tin tương ứng. Kết quả là khi bạn nói bạn stress, bạn dễ thấy rất nhiều thứ khiến mình bực bội thêm. Nhưng ngược lại, nếu bạn nói “tôi đang gặp phải tình trạng stress, và tôi muốn thoát khỏi tình trạng này” thì lập tức suy nghĩ, cảm xúc của bạn sẽ hướng đến việc giải quyết vấn đề, giải phóng cảm xúc – não bộ được lệnh phát ra những thông tin bảo vệ cơ thể - đưa cơ thể thoát khỏi cảm giác stress bằng một số hành động dễ thấy: đi bộ, uống nước, thả lỏng, thư giãn.
Như vậy, ta thấy giữa tâm trí và não bộ có mỗi liên kết sinh lý học mật thiết, biểu hiện bằng các cảm xúc và cảm giác. Khi não bộ nhận được thông tin từ các giác quan, tâm trí liền gắn vào đó những cảm xúc đến từ kinh nghiệm trong quá khứ để tạo ra các trường liên tưởng và quyết định. Tâm trí đóng vai trò như đấng tạo hóa sáng tạo ra mọi ý nghĩa, giá trị cho các thông tin và sự kiện xuất hiện trong cuộc sống của bạn. Biểu hiện rõ nhất là tính sáng tạo – làm mới để chuyển hóa nhận thức của chính mình.
2. Những niềm tin sai lầm về khả năng của não bộ
Rào cản lớn nhất khiến bạn không làm được điều bạn muốn đôi khi không đến từ bên ngoài, mà nó đến từ trong chính những niềm tin sai lầm về não bộ:
-
Niềm tin về bộ não tổn thương không thể chữa lành
Đã có một thời gian dài chúng ta tin rằng, khi bộ não bị tổn thương do chấn thương trong tai nạn hoặc đột quỵ, các tế bào thần kinh và những liên kết sống của chúng bị mất đi, và nạn nhân sẽ không thể sử dụng bất kì chức năng đã mất nào của bộ não. Đó là lý do người ta nói đến những tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi hay những di chứng theo con người cả đời.
Thực tế là khi các nơ ron và khớp thần kinh mất đi do thương tổn, các nơ ron lân cận sẽ bù đắp cho sự mất mát đó, cố gắng tái thiết lại những liên kết bị mất đi để tái xây dựng lại mạng lưới thần kinh bị hư hại một cách hữu hiệu. Nhờ vào “cơ chế thần kinh mềm dẻo”, bộ não có thể sửa đổi và tổ chức lại các liên kết sau chấn thương. Và không chỉ có chấn thương mới thúc đẩy sự tạo hình hệ thần kinh, mà các hệ thống trải nghiệm mới cũng tạo ra điều tương tự.
Bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm điều này từ việc thử đi trong căn phòng quen thuộc khi mọi thứ chìm trong bóng tối. Bạn sẽ khó khăn loạng quạng ban đầu, nhưng khi định hình lại, bạn sẽ thấy mình vẫn định vị được và tập sử dụng các giác quan khác hiệu quả hơn để tìm ra đường đi.
-
Niềm tin về việc không thể thay đổi phần cứng của não bộ
Nếu như bạn có thể tập luyện để nâng cao thể chất của mình thì điều đó cũng đúng với quá trình rèn luyện trí não. Trong bộ não, các khu vực có liên kết với nhau, kích thích lẫn nhau, thậm chí có khả năng tái kết cấu tạo ra hệ mạch mới. Đó là lý do chúng ta dễ dàng “làm mới bản thân” liên tục.
Trong đời sống hàng ngày, nếu chúng ta cố ý học hỏi những điều mới hoặc làm những việc quen thuộc theo cách mới tức là chúng ta đã tái cơ cấu và cải thiện não bộ một các hiệu quả. Sự rèn luyện thể chất giúp xây dựng hệ thống cơ bắp thì sự rèn luyện tinh thần sẽ tạo ra những liên kết thần kinh mới để làm cho mạng lưới thần kinh thêm vững mạnh. Rõ ràng, bộ não của chúng ta không phải là phần cứng, nó vô cùng mềm dẻo linh động để mang đến khả năng trong suy nghĩ, cảm nhận, hành động để phát triển theo bất cứ hướng nào bạn chọn.
-
Niềm tin về sự lão hóa của não bộ - không thể tránh khỏi, không thay đổi được.
Người ta thấy được sự lão hóa trên da, trên tóc, cái sự già đến từ các nếp nhăn, cảm giác đau mỏi của xương khớp…nên người ta cũng dễ dàng tin rằng bộ não cũng không tránh khỏi qui luật này: lão hóa và đào thải.
Nhưng chúng ta chỉ đúng một phần. Nguyên nhân khiến bộ não lão hóa, đào thải không đến từ tuổi tác, mà nó đến từ sự tập trung, hứng thú, khả năng học hỏi, làm mới và phát triển các liên kết mới trong mạng lưới neron thần kinh. Nếu bạn giữ được tinh thần học hỏi, minh mẫn linh lợi thì bộ não của bạn sẽ tiếp tục khỏe mạnh phục vụ bạn. Nhưng nếu bạn thờ ơ và mệt mỏi với cuộc sống, kém nhiệt tình với từng trải nghiệm trong khoảnh khắc của mình thì tiềm năng học hỏi của bạn sẽ bị suy giảm.
Khi bạn đam mê và hứng thú học hỏi trở lại – theo cách của trẻ con – các sợi nhánh và liên kết thần kinh sẽ hình thành, và ký ức của bạn có thể lại trở nên mạnh mẽ như khi bạn còn trẻ. Đồng thời khi nhớ về một kí ức cũ thông qua sự hồi phục tích cực, bạn sẽ tạo nên các liên kết thần kinh mới củng cố liên kết thần kinh cũ, gia tăng cơ hội nhớ về kí ức trong tương lai.
-
Niềm tin về việc không thể thay thế những tế bào não đã mất đi.
Bộ não con người mất đi khoảng 85000 nơ ron ở võ não mỗi ngày. Nhưng thực tế là tổng số tế bào thần kinh trong não khi bạn 20 tuổi không thay đổi đáng kể so với khi bạn bước vào tuổi 70. Như vậy rõ ràng là các tế bào đã mất đi hoàn toàn có thể được thay thế bằng các tế bào, liên kết mới. Quá trình này có thể được kích thích bằng rèn luyện thể chất hoặc các hoạt động kích thích tinh thần và kết nối xã hội.
Và việc liên tục có những tế bào mới, liên kết mới trong vỏ não mở ra cho chúng ta năng lực “làm mới chính mình”. Nên ta luôn có thể làm khác đi so với ta của ngày hôm qua.
-
Niềm tin về việc các phản ứng nguyên thủy (sợ hãi, tức giận, ghen tức, hung hăng) sẽ thủ tiêu bộ não cao cấp.
Tất cả chúng ta sinh ra với bộ nhớ di truyền cung cấp các bản năng cơ bản cần cho sự sống, sự tiến hóa nhắm đến mục đích đảm bảo duy trì nòi giống. Bản năng của chúng ta cần hoạt động song song với sự thôi thúc về cảm xúc để tìm thức ăn, chỗ ở, sức mạnh và sinh sản. Bản năng sợ hãi giúp chúng ta tránh các tình huống nguy hiểm đe dọa mạng sống của chúng ta. Có điều, sợ hãi sẽ làm bộ não cấp thấp chi phối hành động. Sự thật là bộ não hoạt động đa chiều để có thể cho phép bất kỳ trải nghiệm nào xuất hiện. Ta có thể trải nghiệm nỗi sợ hãi và niềm khát khao mỗi ngày như những phản ứng tự nhiên đối với thế giới mà không phải chịu sự chế ngự của chúng.
Chứng sợ hãi có thể được chữa trị hữu hiệu bằng cách mang lại nhận thức và khôi phục khả năng khống chế cho người sử dụng bộ não. Hành động dựa trên nỗi sợ hay hành động dựa trên nhận thức tỉnh táo là lựa chọn của mỗi chúng ta.
Thực tế là bộ não cao cấp có thể vượt qua nỗi sợ hãi bản năng dữ dội nhất, nếu không chúng ta sẽ không có những người tham gia các môn thể thao mạo hiểm như leo núi, làm xiếc.
Các phản ứng nguyên thủy chỉ có tác dụng khi ta cho phép nó ảnh hưởng đến các lựa chọn và hành động của ta, ta làm chủ não bộ.
3. Ta sẽ làm chủ bộ não như thế nào?
Để tạo ra trạng thái tốt nhất cho não bộ thì bạn cần phải là người sử dụng não bộ. Sử dụng não bộ một cách thông minh là cách để tiếp nhận món quà của tạo hóa ban cho một cách hiệu quả. Số lượng nơron hay các kết nối nội tại không tự nó đem lại hạnh phúc, hiệu quả cho chính bạn. Thay vào đó, việc bạn thực hiện các vai trò làm chủ với bộ não sẽ giúp cho các vấn đề được cải thiện rõ rệt.
-
Vai trò của người lãnh đạo, ra lệnh cho não bộ
Nếu bộ não là một chiếc siêu máy tính khổng lồ thì bạn chính là người sử dụng chiếc máy tính ấy. Càng sử dụng một cách thông minh, đưa ra các yêu cầu mới lạ và câu hỏi hóc búa thì bạn càng kích thích sự phát triển tiềm năng của não bộ. Thay vì nghĩ “mình sẽ mặc áo sơ mi và đồng phục vào ngày thứ 2 đi làm”, bạn có thể đưa ra mệnh lệnh cho não bộ dưới dạng câu hỏi: “Làm thế nào để mình trông hứng khởi và giàu năng lượng vào ngày thứ 2 nhỉ?”. Rõ ràng, mệnh lệnh thứ 2 sẽ đưa ra nhiều khả năng mở và mang cảm giác phấn chấn cho chính bạn.
Mỗi ngày của bạn đều có thể là một ngày mới, với cách cư xử khác, với những thói quen được điều chỉnh, với nhịp điệu của sự ngẫu hứng và với sự hào hứng khám phá mọi thứ xung quanh.
Ở vai trò lãnh đạo, bạn hoàn toàn có thể đưa ra những mệnh lệnh mang tính sáng tạo, mới mẻ, đầy cảm xúc tích cực.
-
Vai trò của nhà phát minh
Khác biệt lớn nhất giữa não bộ và các cơ quan trong cơ thể nằm ở khả năng phát triển, cải tiến. Lá gan, trái tim, lá phổi là những thứ tồn tại không thay đổi bản chất trong suốt cuộc đời con người. Bộ não thì không. Bộ não luôn có khả năng phát triển, cái tiến để tạo ra những phiên bản khác nhau ở con người: ngày hôm qua tôi có thể là người lười vận động…nhưng hôm nay tôi lại là kẻ chăm tập thể thao…Hãy tạo ra những điều mới lạ cho não bộ thực hiện, và bạn sẽ trở thành cội nguồn cho những kĩ năng mới.
Thực tế là cuộc đời chúng ta là một chuỗi các kĩ năng: từ nói, đọc, viết, bước đi….và chúng ta không cần phải giới hạn những kĩ năng đó bằng cách hài lòng với những gì mình đạt được. Việc chúng ta muốn hoàn thiện bản thân mình hơn mỗi ngày chính là động lực để não bộ hoàn thiện sức mạnh của chính mình. Đó là lý do người ta luôn cần thử thách để phá bỏ các giới hạn của chính mình.
-
Vai trò của một giáo viên
Kiến thức không xuất phát từ chân lý; nó xuất phát từ tính tò mò và hàng loạt những câu hỏi kích thích tính tò mò. Bạn cũng ở vị trí như thế với não bộ, nhưng có sự khác biệt lớn: bạn vừa là học sinh, vừa là giáo viên. Kích hoạt tính tò mò bạn cũng cảm thấy được kích thích. Không có một bộ não nào được truyền sẵn cảm hứng, thế nhưng khi được truyền cảm hứng, bạn sẽ kích hoạt một luồng phản ứng thắp sáng cho não, trong khi bộ não thờ ơ thì vẫn ngủ về cơ bản. Tiếp xúc với các nguồn cảm hứng lớn, cơ hội học hỏi hay tìm hiểu ở các lĩnh vực chuyên sâu sẽ giúp bạn đánh thức năng lực đổi mới của não bộ.
-
Vai trò người sử dụng
Vai trò này bao gồm ý thức nuôi dưỡng, sửa chữa và quản lý đúng cách đối với não bộ. Cung cấp cho não bộ những chất dinh dưỡng phù hợp cả về thể chất lẫn tinh thần. Tránh căng thẳng hàng ngày, ngừng lại những thói quen xấu, lặp lại những cách ứng xử độc hại trong quá khứ là cách đúng đắn để bạn bảo vệ não bộ.
Mặc dù bộ não của bạn không có cẩm nang hướng dẫn sử dụng, bạn có thể sử dụng nó đi theo con đường phát triển, gặt hái thành tựu, thỏa mãn cá nhân và học các kĩ năng mới. Khi nhận ra điều đó, bạn có khả năng thực hiện một bước đột phá về cách sử dụng não bộ. Và khi não bộ được khai sáng, sẽ xuất hiện khả năng quan sát và tồn tại trong sự thanh bình và yên lặng. Khi bạn quan tâm đến những câu hỏi muôn đời liên quan đến Thượng đế, linh hồn và cuộc sống sau khi chết – những thứ vượt ra ngoài phạm vi vật lý của cơ thể và não bộ, bạn sẽ đạt đến khía cạnh siêu việt của tâm trí và làm chủ não bộ.
Vashna Thiên Kim