Đại dịch, chuyển biến và những hướng đi mới từ 2020 - 2023
30
04/2023

Đại dịch, chuyển biến và những hướng đi mới từ 2020 - 2023

Gần đây, chắc mọi người đã nghe phong thanh tin tức về việc dịch bệnh đã quay trở lại, chúng ta cũng lại một lần nữa ở trong tình thế "xem xét" và "dự phòng" không biết đại cuộc sắp tới sẽ diễn biến thế nào? Liệu vaccine có hiệu quả và phòng ngừa, chữa trị được Covid như một căn bệnh thông thường không? Đó là câu hỏi mà chúng ta chưa ai có thể đủ tự tin và quả quyết để đưa ra nhận định. Lại không biết lần trở lại này các bạn virus có biến thể hay phát triển kỳ lạ như thế nào không?

Theo chiêm tinh học dự báo cùng kết nối thông tin qua dự cảm vào thời điểm năm rồi và dịp tết đầu năm nay (2023), mình cũng đã lên 3 bài dự báo, có đề cập dịch bệnh sẽ trở lại từ giữa năm 2023 trở đi, và nó đã thật sự diễn ra (mình sẽ để link 3 bài viết dưới comment), không chỉ dịch bệnh mà các vấn đề dị tượng thiên nhiên, thời tiết cực đoan, động đất, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, sóng thần, khủng hoảng năng lượng, chiến tranh... sẽ dần diễn ra dù chúng ta có chấp nhận hiện thực hay không. Vậy vấn đề là chúng ta cần thấu hiểu mọi việc để có góc nhìn đa chiều, nhìn được nguyên nhân gốc rễ của mọi việc đang xảy ra mà có sự chuẩn bị, đề phòng hoặc sẵn sàng ứng biến trước mọi điều có thể xảy đến. Trong bài này mình chỉ phân tích chủ yếu về vấn đề "Bệnh Tật", để chuẩn bị cho lần dịch bệnh đã quay trở lại này. Sức khoẻ là vàng, bình an là hạnh phúc, hãy chắc rằng bạn sẽ là người luôn làm chủ được cuộc đời mình bằng cách nắm giữ 2 điều này.

 

1. BỆNH VÀ NGHIỆP

Nghiệp – Karma chính là suy nghĩ, hành động dẫn đến nguyên nhân, kết quả các sự việc xảy đến. Cách nghiệp vận hành chính là quy luật nhân quả của vũ trụ - điều mà chúng ta vẫn khẳng định bấy lâu.

Nghiệp là sự ghi lại – cả những việc mang lợi ích và việc gây hại mà bạn làm, tạm gọi là nghiệp xấu và nghiệp tốt. Những việc gây hại cho người khác cũng chính là việc gây hại cho bạn (chỉ là nó chưa xảy ra ngay nên bạn chưa thấy mà thôi). Ví như một người nói dối hay lừa tiền người khác, nghĩ rằng mình khôn ngoan, nhưng thực ra đó là cách mà bạn đánh mất lòng tin của người khác vào chính mình, và đặt mình ra khỏi mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.

Vì vậy, Nghiệp là hành động và kết quả của hành động, chứ Nghiệp không phải là điều gì xấu. Hơn nữa, Nghiệp chính là bài học, là cơ chế để mình học hỏi và phát triển nên ai cũng có Nghiệp cả.

Mọi thứ xảy ra đều có nguyên do của nó. Mọi suy nghĩ nóng vội để đưa ra quyết định xử lý vấn đề trước khi tìm ra nguyên nhân thực sự của nó đều không giúp ích cho việc cởi bỏ gốc rễ.

2. VẬY LÀM SAO ĐỂ BƯỚC RA KHỎI VÒNG NGHIỆP?

Muốn tìm ra nguyên nhân thực sự, thì trước tiên mỗi người cần tự chịu trách nhiệm với chính mình, cuộc sống, cơ hội, sức khỏe, mối quan hệ…mọi thứ xảy đến với mình. Thái độ bình tĩnh chịu trách nhiệm này sẽ giúp ta gia tăng nội lực, bình tâm, sáng suốt để nhận ra các cơ hội và bài học khách quan trong mỗi sự việc.

Như một đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, nghịch cảnh hay bệnh tật cũng như là cơ hội để ta học được thái độ trân trọng với mọi thứ - nỗ lực đi lên, do đó chuyển hóa hoàn cảnh của mình thành một cuộc sống trọn vẹn. Nếu trong hoàn cảnh có tài sản, đứa trẻ vẫn phải có thái độ đúng đắn với tài sản, trân trọng và biết ơn thì khối lượng tài sản đó không chỉ không mất đi mà còn nhân rộng lên rất nhiều. Nhưng giả sử hoàn cảnh nghèo khó, nhưng khi đứa trẻ cho mình là nạn nhân, đổ lỗi, trông chờ sự giúp đỡ bên ngoài hay cào mặt ăn vạ…thì lớn lên nó sẽ rơi vào vòng xoáy tồi tệ, tiếp tục nghèo khó cho đến khi học được cách thay đổi, sống cho độc lập tử tế hơn.

Những điều này là thực tế cuộc sống chứ không chỉ là tôn giáo hay tâm linh.

Khi ta đến lớp đi học, ta phải thi lên lớp, hiểu bài, biết cách làm đúng rồi ta mới được cho qua. Vậy thì khi các bài học cuộc sống đến với ta trong thực tế, cũng đòi hỏi ta phải sáng suốt nhận thức được cách làm bài hợp lý, đúng đắn trong bối cảnh ấy để tự mình thoát ra. Chừng nào ta vẫn hành động như cũ thì những thứ liên quan đến ta (dạng phản ứng của ta với mọi người, khó khăn và các vấn đề mang tính luẩn quẩn, lặp lại vẫn sẽ không thay đổi). Vậy nên trong cuộc sống nếu sáng suốt nhận ra được nghiệp quả và nguyên nhân của nghiệp quả, bạn sẽ tốt nghiệp được bài học, vì ngay chính lúc này bạn đã mạnh mẽ thay đổi cách đối diện với vấn đề và hành động khác đi, bước ra khỏi vòng lặp nghiệp.

Ví dụ: bạn hay cả tin và giao quyền quyết định cho những người bạn tin tưởng, để rồi cuối cùng bạn bị hãm hại vì lợi ích. Thì trong công việc, nếu người đối tác xuất hiện và luôn tạo cho bạn cảm giác an toàn tin tưởng, để bạn trao quyền hạn trách nhiệm, bạn tin theo rồi bị gạt, thì nếu bạn vẫn chưa học được bài học về niềm tin và sự phân định, thì thoát khỏi người đối tác này sẽ lại có người đối tác khác đến cũng hành động y chang như thế để bạn phải tiếp tục đưa ra lựa chọn hành động thế nào. Đương nhiên bánh xe nghiệp quả sẽ rất "thông minh", những người đến ấy đều có duyên nghiệp với bạn và cũng là những người trong nhiều kiếp sống đã "thực hiện hành động vòng lặp" này với bạn, và bài học hoàn toàn có thể kết thúc một chiều, ngay khi bạn nhận ra điều cần thay đổi ở tâm thức, để thay đổi cách hành động (đối diện vấn đề), là chọn không tin tưởng đối tác này và dừng lại, kiểm tra kĩ mọi vấn đề và tuyệt nhiên không dễ dàng giao trách nhiệm quan trọng hay tạo bất cứ điều kiện nào mà người ta có thể lừa gạt bạn thì bạn qua bài.

Cái quan trọng là có dám thay đổi hay không? Có dám làm khác đi hay không? Bài học này rất nhiều người vướng mắc trong vấn đề duyên nghiệp tình cảm. Câu nói: Suy nghĩ gieo hành động - hành động gieo tính cách - gieo tính cách gặt số phận là như thế. Bạn chỉ cần thay đổi tâm thức ngay lúc đó bạn đã bước ra và chuyển hoá được năng lượng nghiệp quả đó. Vậy nên có những trường hợp khi bạn truy cập được vào vùng tiềm thức của bản thân bằng những phương pháp đặc biệt như thôi miên trị liệu tiềm thức hay thiền năng lượng kết nối lượng tử truy cập tiềm thức, bạn có thể thấy trước lại những kí ức về những hành động đã diễn ra, từ nghiệp quả trong các mối quan hệ mà học cách lựa chọn làm khác đi, không để vòng lặp này tiếp tục diễn ra trong tương lai để tiến hoá trên hành trình học hỏi của mình.

Vậy nghiệp về bệnh tật thì sao?

Bệnh tật là một dạng nghiệp: Bệnh tật không tự nhiên mà có, bao giờ nó cũng là một kết quả của một hành động, ta có thể chia nó ra thành 2 trường hợp:

Trường hợp đầu tiên sẽ chiếm phần nhiều, bệnh tật là hệ quả thấy rõ của một quá trình tác động đến từ cách sinh hoạt, lối sống, chế độ ăn uống ngủ nghỉ của một người:

Cơ thể khỏe mạnh là nhờ vào sự cân bằng chuyển hóa dinh dưỡng – năng lượng tái cấu trúc lại tế bào ở các cơ quan bên trong. Một khi quá trình này bị ảnh hưởng, rối nhiễu, tắc nghẽn thì bệnh tật sẽ phát sinh. Và những tắc nghẽn này không tự nhiên mà có, nó là kết quả của một quá trình dù ta ý thức hay không.

Trường hợp 2 là bệnh tật đến từ nghiệp quả: đến từ di truyền hoặc bạn có sống tốt, chỉn chu cẩn trọng từ lối sống, sinh hoạt, ăn uống khoa học vẫn mắc các căn bệnh mãn tính không nguyên nhân hoặc thậm chí là những căn bệnh nan y

Khoa học tâm thức nhìn nhận các khối tắc nghẽn này dưới 3 thể: tắc nghẽn vật chất (tắc nghẽn ở cơ thể vật lý – rối loạn các chức năng, chuyển hóa bên trong các cơ quan), tắc nghẽn năng lượng tại hệ thống tế bào (dẫn đến thừa hoặc thiếu năng lượng làm suy giảm hệ miễn dịch), tắc nghẽn tinh thần, tâm linh (kết quả của những hành động sai lầm trong quá khứ là ở trường hợp 2). Mà tâm bệnh sẽ sinh ra thân bệnh hoặc ngược lại, đây là một quá trình không tách rời, bởi vậy vì sao bây giờ vấn đề tinh thần lại quan trọng đến như vậy đối với sức khoẻ và bệnh tật.

Bệnh tật có là xấu không?

Bản chất Bệnh Tật không xấu mà nó còn là cơ hội – vì nó là bài học giúp ta nhận ra bản chất vấn đề và sống có ý thức trân trọng hơn. Còn cơ hội, là cơ hội cân bằng nghiệp lực đã gieo nên và chuyển hoá nó khi học cách đối diện với nó bằng một tâm thức đúng đắn. Khi đối mặt với nghiệp tiêu cực như thử thách, rủi ro, khó khăn, bạn cần nhìn nhận thẳng để tìm cách cải thiện vấn đề, buông bỏ bớt ham muốn, kì vọng, hoặc những thứ phù phiếm trong cuộc sống của bạn. Nghiệp đến từ ham muốn của chính mình, ham muốn làm chủ, kiểm soát mọi thứ mà quên đi những thứ mình đang có. Khi nghiệp xảy ra, người ta học bài học đối diện, chấp nhận, vị tha, buông bỏ để vượt qua một điều khó khăn, hướng đến sự tốt đẹp hơn.

Còn bệnh tật là một hình thức nghiệp đem đến bài học để ta biết trân trọng sức khỏe và yêu thương chính mình một cách trọn vẹn. Sức khỏe ta luôn có thể cải thiện. Bệnh và Nghiệp cũng như thế nếu ta điều chỉnh tâm thức – suy nghĩ – thái độ của chính mình sang hướng rộng mở, chia sẻ, chịu trách nhiệm, cho đi, trân trọng, biết ơn….

3. ĐẠI DỊCH COVID - HÀNH TRÌNH 3 NĂM VÀ NHỮNG BÀI HỌC

2020 – 2023 là những năm mà có lẽ rất lâu sau này người ta vẫn còn nhớ đến, bởi đó là những năm mà chúng ta đi qua đại dịch với toàn bộ những dịch chuyển thời hiện đại. Vậy lí do bệnh Covid đến với con người là gì? Covid mang theo bài học gì cho chúng ta? Nếu nắm được phần nào nguyên nhân gốc rễ bài học dịch bệnh mang lại ta sẽ xem xét xem chúng ta đã làm tốt hay chưa, đã tốt nghiệp bài học hay chưa? Vì sao nó lại quay trở lại?

Ngay khi con người rất tự hào về thành tựu khoa học kĩ thuật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ dự đoán và nhiều thứ khác thì Covid 19 và các biến chủng của nó ập đến như một cú sốc để toàn thế giới “giật mình tỉnh ngộ” về bản chất cuộc sống và những điều quan trọng.

Là một loại Virut đặc biệt với khả năng biến thể nhanh chóng và nguy hiểm, Covid 19 đã trở thành nỗi ám ảnh toàn cầu trong suốt 2 năm qua. Sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của Covid dạy cho con người thật nhiều bài học.

4. BÀI HỌC VỀ HƠI THỞ

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mình thở chưa? Bạn có thể sẽ trả lời hết sức đơn giản, thở để sống thở để tồn tại. Ai cũng biết sự sống quý giá đến từ hơi thở, nhưng chẳng mấy ai quý trọng việc thở của chính mình. Người ta bận kiếm tiền, bận tính toán, bận cãi cọ hay bận suy nghĩ xem mình thiếu cái gì, mà dễ dàng lãng quên việc điều hòa hơi thở để giữ lấy tinh, khí, thần của mình. Dần dần ngày nay đa số tất cả mọi người đều đang hít thở sai cách cho hành động sinh tồn hết sức cơ bản diễn ra từng phút từng giây này. Hãy hỏi cảm giác của các bệnh nhân ung thư phổi, họ sẽ cho bạn biết hơi thở quý giá đến nhường nào. Bài này mình chưa bàn đến những lợi ích thật sự khác của hơi thở ngoài việc cung cấp oxi cho cơ thể mà khi hít thở sai cách bạn hoàn toàn không kích hoạt được, hít thở sai cách sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ từ thể chất đến tinh thần: như mệt mỏi, căng thẳng, đau đầu, vấn đề về tiêu hoá, mất ngủ, dẫn đến chứng rối loạn lo âu, bất an mãn tính...

 

Covi.d 19 đánh thẳng vào đường thở và các giác quan như một cú ra đòn mạnh tay để con người hiểu tầm quan trọng của hơi thở. Đối mặt với lằn ranh sống chết thì tiền bạc, mối quan hệ chỉ là phù du, chỉ có hơi thở mới quyết định sự sống. Vậy, còn thở là còn may. Mọi chuyện khác, cứ duy trì nhịp thở rồi mới giải quyết phải không?

5. BÀI HỌC VỀ SỰ TUẦN HOÀN THUẬN TỰ NHIÊN VÀ RÈN LUYỆN THÂN THỂ

Theo sự tiến hóa thì cơ thể con người cần rèn giũa, tập luyện và thực hiện các hoạt động thể chất để bài tiết những chất tồn đọng, cải thiện lại khả năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Nhưng cuộc sống càng hiện đại, người ta càng dễ quên mất điều này.

Hàng loạt tiện ích được nghĩ ra để giảm thiểu sức lao động và các hoạt động thể chất sinh ra chứng lười thời đại mới. Nên con người ngày càng dễ béo phì, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, dị ứng hoặc bị bệnh bài tiết.

Dịch bệnh đến dạy người ta học cách trân trọng sự bài tiết, nên các hoạt động tập thể dục, xông hơi mới có tác dụng tích cực giúp phục hồi cơ thể hơn cả các loại thuốc vốn luôn đi kèm tác dụng phụ. Vận động tự nhiên, xông hơi trao đổi bài tiết để thải độc qua tuyến mồ hôi mà cách mà Covid 19 rèn con người nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể qua bài tập đẩy lùi virus.

Bằng một cách khắc nghiệt, Covid 19 dạy cho con người biết trân trọng miễn dịch tự nhiên và những khả năng thích nghi sinh tồn!

6. BÀI HỌC VỀ NHÌN NHẬN CHÂN GIÁ TRỊ

Bạn sẽ luôn bận rộn cho đến khi bạn bị Bệnh! Thật vậy, bạn sẽ thấy bạn luôn không đủ thời gian, luôn không làm hết việc, và có rất nhiều việc quan trọng, đầy ắp những mục tiêu chưa hoàn thành, điều gì cũng không thể bỏ qua, nhưng cho đến lúc bạn bệnh bạn sẽ thấy điều gì cũng có thể ngưng lại ngay lập tức và có cách xử lý nó, cái gì cũng không quan trọng bằng sức khoẻ.

7. BÀI HỌC VỀ SỰ BUÔNG BỎ VÀ VÔ THƯỜNG

Đừng bao giờ xem nhẹ bất cứ điều gì, đừng nghĩ: ai bị chứ mình không bị đâu! Có nhiều người cũng sống lối sống healthy, mọi việc trong cuộc sống đang diễn ra rất bình thường, nhưng đùng một cái phát hiện mình bị một căn bệnh lạ nào đấy trong khi bạn rất khoẻ mạnh và hầu như không có triệu chứng gì, hoặc tự nhiên phát hiện mình dính nhiễm virus dính Covid chẳng hạn, hay đang kinh doanh nền tảng vững chắc thì có thiên tai hoạ hạn xảy ra bất khả kháng lại trắng tay về 0... mọi thứ trên đời đều vận hành theo quy luật vô thường của vũ trụ. Nghĩa là điều gì cũng sẽ thay đổi, không có gì là mãi mãi cả. Kể cả những thứ bạn thấy nhìn như rất vững chắc như núi hay sông tưởng chừng không thể thay đổi nhưng nếu có một ngày, có dự án quy hoạch lớn nào đó họ cũng có thể phá núi làm nhà, mọi thứ đều là vô thường, hãy mở rộng góc nhìn và luôn tập cho mình có thái độ sẵn sàng trong mọi việc

8. BÀI HỌC VỀ CHỌN LỌC CƠ BẢN VÀ TRỞ VỀ NGUYÊN SƠ

Những người nhiễm Covid thường mất vị giác và khứu giác - hai trong những giác quan rất quan trọng giúp con người đánh giá và chọn lọc thực phẩm và những thứ thiết thực cho cuộc sống. Chúng ta biết tầm quan trọng của chúng, nhưng lại lạm dụng lựa chọn mọi thứ theo cảm quan và sở thích cá nhân. Một đồ ăn biết không có lợi vẫn sẽ ăn vì nó thơm ngon. Hay một món ăn dù biết chế biến thô hay nướng hấp không gia vị là tốt nhất nhưng chúng ta vẫn nêm nếm tẩm ướp rất đậm đà vào chỉ vì chiều theo vị giác, như việc biết ăn mặn là sẽ bị cao huyết áp nhưng người ta chẳng màn, chỉ lo chiều theo vị giác cho đến khi nào bị bệnh thật lúc đó mới lo.

Một lần nữa, Covid dạy người ta bằng trải nghiệm 'vô vi' trước mọi loại mùi vị và hương vị. Thứ gì cũng như nhau. Thì lúc này đây mới chọn ăn thứ gì giúp người ta khỏe, đủ chất, ăn trong sự nỗ lực và không phân biệt về vị giác hay không nữa, cơ bản là lúc này mới thấy vị giác không quan trọng đến mức như thế. Một người nếu tập thói quen ăn uống thanh đạm thì khi ăn một cọng rau cũng thấy rõ nó đậm vị thế nào, không lạt lẽo như ta nghĩ!

Bài toán chất lượng và cảm quan lúc này được đặt ra. Giải xong bài toán, khỏi bệnh rồi, người ta sẽ có cái nhìn khác về cách thức mình ăn uống: nguyên tắc chọn lọc từ nay có lẽ sẽ đi từ chất lượng lên trước cả hương vị và cảm quan. Nhưng liệu sau khi phục hồi trở về trạng thái "bình thường mới" mọi người thật sự đã nghiêm túc thay đổi điều này chưa?

9. BÀI HỌC TRỞ VỀ SỐNG THUẬN TỰ NHIÊN

Tự nhiên luôn cho ta đầy đủ tất cả mọi thứ không thiếu thứ gì, khi Covid đến ta sẽ thấy những thứ vô giá ta luôn được sở hữu từ mẹ thiên nhiên mới là những thứ nuôi sống ta, giúp ta có được sức khoẻ, sự sống và chữa lành, như không khí trong lành để thở, ánh nắng giúp ta phục hồi đề kháng cung cấp vitamin D hay nước khoáng tự nhiên giúp ta đào thải chuyển hoá các chất trong cơ thể, thực vật cây cối sinh trưởng trong tự nhiên có thể dùng làm lá thuốc hoặc rau để ăn.... tất cả mọi thứ này đều có sẵn và miễn phí, vậy mà ta không trân trọng lúc bình thường, luôn tốn tiền bạc công sức để chạy theo những thứ bên ngoài. Thật ra nếu biết sống thuận theo tự nhiên ta không cần phải nỗ lực làm gì cả cũng sẽ có được mọi thứ.

Tổng kết lại phần này, chúng ta có thể nhìn lại xem, bản thân mình 3 năm vừa qua, nhất là sau trận đại dịch lần cuối cùng quay trở lại bình thường mới bạn đã làm "mới" mình chưa? Đã thay đổi được bao nhiêu phần? Đã vượt qua được bài học hay bước ra vòng lặp nghiệp của mình chưa? Một lần nữa, không có điều gì xảy ra mà không có lí do đằng sau nó, chúng ta hãy dành ra một ít thời gian để ngẫm lại, lần này dịch bệnh Covid quay trở lại là có lý do gì? Ai chưa thay đổi, chưa tốt nghiệp được các bài học trên thì nên nghiêm túc suy xét thôi.

Phần tiếp theo mình sẽ phân tích về góc nhìn của mình với tình hình hiện trạng thực tế và xu hướng dịch bệnh tiếp theo nhé, cảm ơn các bạn độc giả đã quan tâm tuyến bài.

 

Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0

Tin tức liên quan

0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger