Trò chuyện cùng Vashna Thiên Kim
Câu hỏi 4
Câu hỏi: Chị ơi, em viết những dòng tâm sự này cũng hơi vội vã, không biết bắt đầu từ đâu nên nếu câu chữ có hơi lung tung thì mong chị đừng để tâm. Em đang bế tắc mà không biết mình bị vấn đề gì. Từ cuối năm ngoái, em thức tỉnh, hành trình tâm linh của em bắt đầu, và những khó khăn cứ thế dồn dập vào người em, em thấy nội tâm bên trong mình rối loạn và khó chịu cực kỳ. Có lúc em thấy sao mình có nhiều vấn đề thế nhỉ, dọn dẹp hoài cũng không hết, thấy mình vẫn ăn nói tù túng, vẫn sợ bị bạn bè bỏ rơi, nhưng mà nếu có ai hỏi em đang bị gì thì em hoàn toàn không biết. Rồi trước khi tỉnh thức, em không hay gặp may mắn, cái gì cũng phải cố gắng, sau khi tỉnh thức cũng thế, mọi chuyện khó khăn cứ đỗ xuống đấu, lúc trước khó khăn stress 1 thì giờ khó khăn stress 10, công việc đã khó khăn còn tự thấy phần nội tâm bên trong mình. Đôi lúc em bị cuốn theo đến độ sẽ quên mất hành trình tỉnh thức của mình, mình phải tách mình ra để quan sát cảm xúc hay chúng ta là một. Tất cả chỉ là lý thuyết khi em gặp khó khăn. Cuối cùng mọi thứ vẫn khó khăn như thế. Hành trình tỉnh thức của mọi người có khó khăn như vậy không ạ? Chị có thể chia sẻ một chút về những gì em đang trải nghiệm dưới góc nhìn của chị được không ạ? Làm sao để luôn giữ được các góc nhìn tỉnh thức trong mọi chuyện
Trả lời:
* Vâng, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho Vashna Thiên Kim, đây là một câu hỏi rất hay và cũng là một vấn đề khá phổ biến đối với những người trên hành trình thức tỉnh. Và Thiên Kim xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
* Thật ra Vashna cũng đã trải qua một quãng thời gian cảm thấy chênh vênh, tự soi chiếu nội tâm bên trong rất nhiều ở một quãng đường rất dài, cảm thấy mình trước đó là một người sống rất ổn, cách đối nhân xử thế hoàn toàn bình thường, cuộc sống không có vấn đề gì nhiều nhưng sau khi thức tỉnh, Kim cũng mới thấy mình có nhiều thiếu sót, có nhiều những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại khởi lên vô cùng dữ dội bên trong mình. Có nhiều sự rối loạn xảy ra và sự soi xét bên trong chính mình, mỗi suy nghĩ cho dù là nhỏ nhất hay phản ứng tự nhiên trong tiềm thức đều khởi lên rất mạnh mẽ và nó gây ra sự mất cân bằng, bản thân Kim cũng đã nhiều lần sụp đổ niềm tin, phải đập đi xây lại rất nhiều lần. Tôi cảm thấy chính bản thân mình từ bên trong có rất nhiều vấn đề và đây chính là lúc mà mình phải có cái tính quan sát và nhận biết. Cái tính biết này là cái tính mà Kim hay nói là “hãy tách mình ra và quan sát". Tại sao phải tách mình ra quan sát? Có nghĩa là mọi việc, mọi cảm xúc đến với mình, dù cho bên trong hay bên ngoài thì hãy để nó diễn ra, quan sát nó chứ không đè nén hay chống đối lại nó. Khi mình đã nhận biết ra được nó rồi, thì mình sẽ không để bị nó cuốn theo hay bị nó ảnh hưởng mà mình sẽ chuyển hoá được nó để vượt qua được bài học trong tâm thức. Nhận biết tâm trí (cái tôi) là bước đầu tiên trên hành trình thanh lọc thân tâm chuyển hoá cảm xúc, tỉnh thức là sống nhận biết, sống có tính biết, ý thức được mọi việc mình làm để thật sự trở thành ông chủ của tâm trí (cái tôi/ các giác quan)
* Thiên Kim sẽ ví dụ như thế này cho bạn dễ hình dung, vẫn là chính bạn nhưng khi có ai đó đến phỉ báng bạn thì điều chắc chắn là bạn sẽ khởi lên một sự khó chịu, tức giận từ bên trong thì đó chính là một cái tôi đang tức giận. Và ở đây Kim không khuyên - bạn tỉnh thức thì bạn phải kìm nén nó - bạn vẫn để cơn tức giận diễn ra, quan sát nó trong tính biết, bạn nhận diện là “à, mình đang giận nè, bản thân đang khởi lên cái giận nè". Nhưng chúng ta sẽ không đồng hoá mình với cơn giận đó hay để cái giận đó cuốn mình theo, khiến mình trong vô thức gây ra những chuỗi hành động thiếu tỉnh táo. Điều này cũng giống như nhiều người trước khi thức tỉnh đã sống trong sự vô minh và không biết cách kiểm soát, cân bằng cảm xúc của mình, dẫn đến nhiều hệ luỵ xảy ra trong cuộc sống. Dễ hình dung hơn là người tỉnh thức khi khởi lên cơn giận thì chỉ quán chiếu rằng cơn giận đến từ đâu và tự làm việc với bản thân rất nhiều. Còn đa số người không tỉnh thức thì sẽ có thể cự cãi, chống đối, hay thậm chí là động chân động tay với người đã phỉ báng mình. Vì thế trong hành trình tỉnh thức, người mới bắt đầu sẽ dễ bị rối loạn và khó chịu bên trong vì không chỉ có sự quán chiếu, tự làm việc với bản thân mà còn nhiều bài học, vòng lặp xảy đến liên tục khiến cho ta phải nhìn lại và thực sự học hỏi, thoát ra khỏi vòng lặp đó, tạo lập cho mình một hệ thống niềm tin và nội hàm khác đi. Đây là lúc mà chúng ta được chuyển hoá để sống cuộc đời tỉnh thức, một cuộc đời mà ở đó tâm ta luôn tĩnh lặng, sống ở đời là động, nhưng tâm ta luôn bất động. Sống với sự nhận biết và quan sát.
Chia sẻ thêm về tính biết và quan sát và vì sao lại nói chúng ta là một trong cái tính nhận biết, vì đây là điều rất quan trọng trong hành trình tỉnh thức:
* Thế giới bên ngoài là hình ảnh phản chiếu nội tâm bên trong của ta. Ta có hệ thống niềm tin như thế nào thì trong vô thức, tất cả mọi hành động, sự kiện diễn ra trong cuộc sống của ta đều hướng đến niềm tin đó để phù hợp với hệ giá trị mà ta đã tin tưởng. Tất cả những việc mà ta đang làm hàng ngày đều do niềm tin đó chi phối. Vì vậy ta hãy nhận diện được những điều nào làm giới hạn cuộc sống của ta và thay thế bằng những niềm tin khác tốt hơn. Chất lượng cuộc sống sẽ tỷ lệ thuận với chất lượng niềm tin của chúng ta. Ta có hệ thống niềm tin về những điều tốt đẹp, trong vô thức ta sẽ hành động để các điều đó diễn ra, vì vậy cuộc sống của ta sẽ tự nhiên mà thành công và hạnh phúc hơn rất nhiều.
* Nếu cuộc sống hiện tại của ta còn nhiều bất ổn quá, có nghĩa là bên trong ta đang có nhiều điều rối ren cần phải giải quyết. Ta phải nhận diện được những điều chưa tốt đang còn tồn tại và dũng cảm đối mặt với nó. Tất cả mối quan hệ đến với ta cũng vậy, nó đang phản ánh đúng tâm thức hiện tại của ta. Các tính cách của những người xung quanh vẫn luôn hiện diện đâu đó trong góc khuất của chính mình mà đôi khi ta không nhận ra.
* Tương tự cách ta suy nghĩ về người khác hay một việc sự việc, nó cũng phản ánh chính nội tâm bên trong ta đang có những điều đó. Từ đây ta cũng có thể nhận diện được những người xung quanh ta đang như thế nào. Chỉ cần ta để ý quan sát một chút, ta sẽ nhận ra được nhiều sự thật thú vị. Đôi khi những người mà lâu nay ta tưởng họ rất tốt, nhưng sự thật bên trong họ là những điều tiêu cực và đầy bóng tối. Còn một người ta nghĩ là bình thường nhưng luôn suy nghĩ những điều tốt đẹp cho người khác, thì tâm họ lại cực kỳ trong sáng.
* Ví dụ, mình đang thử thách thay đổi bản thân và lan toả nhiều điều tốt đẹp cho cộng đồng trong ít nhất một năm. Có nhiều người sẽ nghĩ rằng, mình đang làm là có một động cơ hoặc mục đích nào đó khác ngoài thuần tuý chia sẻ. Có nghĩa là trong tâm họ khi làm những điều tốt đẹp, thì đa phần không xuất phát từ trái tim chân thành mà vì một mục đích cá nhân nào đó, nên họ mới nảy sinh ra tâm nghi ngờ người khác như thế.
* Có nhiều người lại nghĩ rằng mình làm những điều trên vì danh, vì tiếng và vì muốn chứng tỏ bản thân. Điều đó cũng có nghĩa là, bên trong họ đang có lòng tham về danh tiếng và mong muốn được người khác chú ý, công nhận. Hầu hết những điều họ làm trong cuộc sống này đều nhằm để thoả mãn nhu cầu thể hiện bản thân, nên đi đâu làm gì họ cũng thấy điều đó và nghĩ những người khác đều như thế.
* Cũng có rất nhiều người lại nghĩ mình đang làm những điều tuyệt vời, lan toả giá trị cho cuộc đời. Vì vậy họ sẽ luôn bên cạnh động viên, hỗ trợ tiếp thêm sức mạnh cho mình. Điều đó cũng có nghĩa là họ có một cái tâm rất sáng, luôn giúp đỡ người khác và tin tưởng vào những điều tốt đẹp.
* Vì vậy đôi khi chỉ qua một suy nghĩ, lời nói về một chuyện hay ai đó, ta lại càng thấu hiểu hơn về bản thân và người khác nhiều hơn. Người càng bài trừ tham sân si của kẻ khác, thì bên trong họ lại càng đầy rẫy sự tham sân si. Tương tự, người càng không công nhận người khác thì bên trong họ đã tự không thừa nhận bản thân. Khi ta quan sát cách ta nghĩ về người khác, ta sẽ thấu hiểu được chính mình.
* Một lần nữa ta cần phải hiểu rằng, thế giới bên ngoài là hình ảnh phản chiếu thế giới nội tâm bên trong của ta như thể là 1 là tấm gương phản chiếu vậy, như thể chúng ta là 1. Chính vì lẽ đó ta chẳng cần phải thay đổi thế giới, ta chỉ cần thay đổi chính mình thì thế giới cũng sẽ tự nhiên mà đổi khác. Vạn sự trên đời này cũng đều do tâm của ta tạo ra. Nếu trong tâm ta có niềm an yên thực sự, ta thậm chí chẳng cần làm bất kỳ điều gì thì những người xung quanh ta vẫn sẽ nhận được niềm an yên đó từ ta và chinh ta cũng giữ được sự cân bằng này. Đây cũng là cách để giữ được góc nhìn tỉnh thức trong mọi chuyện với tính biết và quan sát rồi tự làm việc với bên trong chính mình.
Vashna Thiên Kim