Các căn bệnh cơ thể vật lý đến từ đâu? (Phần 1)
“Cơ thể của chúng ta thông minh hơn chúng ta nghĩ!” Hãy tưởng tượng, vào một ngày cuối tuần, bạn và người mình yêu nắm tay nhau đi dạo trong công viên dưới tiết trời mát mẻ. Hai bạn đang tay trong tay cùng nhau dạo bước thì bỗng dưng từng hạt mưa rơi xuống. Cơn mưa ngày càng nặng hạt nhưng hai bạn không có ý tìm một chỗ trú mưa vì hai bạn đã quyết định sẽ cùng nhau đằm mình dưới cơn mưa tươi mát.
Ngay giây phút đó, bạn dường như quên mất cơ thể mình và tưởng rằng một vài hạt mưa sẽ chẳng ảnh hưởng gì đâu, lâu lâu mới có một lần mà! Thế rồi hai bạn đã có những phút giây vô cùng hạnh phúc, cho đến khi bạn về nhà. Vừa mở cửa bước vào nhà, tắm rửa thay đồ xong thì bạn bắt đầu cảm thấy cơ thể mình uể oải mệt mỏi không thôi, toàn thân đau nhức, cơn đau đầu cũng ập đến và bắt đầu có những cơn hắt hơi liên tục. “Thôi xong, vậy là ốm rồi.” - Tiếng nói bên trong bạn vang lên. Vậy là cái tưởng rằng “cơ thể mình sẽ ổn” của bạn đã làm bạn quên đi tiếng nói bên trong mình, quên đi những dấu hiệu của cơ thể, cách mà cơ thể và trí não giao tiếp với bạn. Cơ thể bạn thông minh hơn bạn tưởng nhiều đó. Ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Cơ thể chúng ta - thật chất rất thông minh! Luôn nhận và phát tín hiệu, bởi từ thể hữu hình đến thể vô hình đều được cấu tạo bởi năng lượng. Tất cả những tế bào bên trong đều hoạt động như các linh kiện, phụ kiện, chi tiết của một bộ máy. Hãy tưởng tượng cơ thể bạn như một cỗ máy và bên trong nó là rất nhiều nhà máy cùng phân xưởng mà ở đó chúng hoạt động không ngừng nghỉ ngay cả khi bạn ngủ. Có nơi thì là nhà máy sản xuất dây chuyền, sản sinh ra các tế bào mới hàng ngày; có nơi thì là xưởng sửa chữa và bảo dưỡng, giúp phục hồi và tái tạo lại những thương tổn trong và ngoài cơ thể của bạn (đúng vậy, cơ thể chúng ta luôn có cơ chế tự chữa lành) và chúng luôn biết khi nào thì cơ thể bạn cần nghỉ ngơi, cần được tái tạo. Rồi có nơi như não bộ của chúng ta thì phụ trách ghi chép, sáng tạo như rất nhiều những thư ký mini gộp lại cùng nhau làm việc hàng ngày để giúp ta suy nghĩ, tư duy, tưởng tượng và đưa tín hiệu đến khắp mọi nơi trên cơ thể.
Bởi vậy nên bên trong cơ thể chúng ta nói chung và giữa các bộ máy nói riêng luôn luôn có sự kết nối với nhau và luôn gửi đi tín hiệu cho chủ thể là các bạn. Bởi vậy, chúng ta có thể hình dung và hãy coi như từng tế bào, phân tử nhỏ nhất trong cơ thể như một con người. Vì thế mà mỗi tế bào, bộ phận trong cơ thể ta đều có ý thức riêng. Kể cả khi chúng ta chết đi, ý thức của chúng ta vẫn luôn còn mặc dù cơ thể chúng ta không còn tồn tại. Từng ý niệm khởi lên, cách chúng ta suy nghĩ chính là các tế bào não, nơ ron thần kinh đang hoạt động; từng đồ ăn thức uống mà chúng ta ăn hàng ngày đi qua rất nhiều nơi trên cơ thể nhờ những nhu động của cơ trơn ở thành thực quản hay rất nhiều chức năng khác nữa, là cách mà cơ thể chúng ta làm việc hàng ngày.
Như bạn đã biết, bên trong chúng ta được cấu tạo bởi rất nhiều bộ phận và những bộ phận đó đều ở thể mềm, tồn tại và có sự sống ở môi trường bên trong cơ thể với nhiệt độ trung bình trong khoảng 36℃. Rồi mỗi nơi trên người ta lại có cảm nhận, tính chất riêng mà chỉ cần bạn chậm lại và chú tâm vào chúng, bạn sẽ nhận ra những dấu hiệu. Chẳng hạn như tim chúng ta sợ đồ ăn mặn vì thực phẩm chứa nhiều muối có thể làm ta bị huyết áp cao, bệnh tim mạch và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác; phổi thì sợ khói, dạ dày sợ lạnh vì ngoài thói quen ăn uống, dạ dày còn chịu ảnh hưởng của thời tiết bên ngoài. Hay những khi bạn buồn ngủ, mệt mỏi hay cảm thấy đau ở bất cứ đâu thì đó chính là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn cần nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, cơ thể của chúng ta, từ bên trong đến bên ngoài, bị tác động bởi những yếu tố như môi trường, tâm lý, tác động vật lý. Hãy tưởng tượng một nghệ sĩ chơi đàn dương cầm đang ở trước mặt bạn và người nghệ sĩ ấy đang lướt ngón tay trên từng phím đàn, tạo ra những bản nhạc vô cùng sâu lắng, cảm xúc, đi vào lòng người. Và ẩn sau những âm thanh hay, từng nốt nhạc hay được phát lên là cả một bộ máy hoạt động hết công suất của nó với từng chi tiết, bộ phận, thì cơ thể chúng ta cũng như vậy. Những tác động lên cơ thể, những thực phẩm chúng ta ăn vào chính là những ngón tay của người nghệ sĩ đánh lên các phím đàn; cách các tế bào, bộ phận bên trong chúng ta phản ứng cũng giống như cách các bộ phận bên trong chiếc đàn làm việc trong lúc người nghệ sĩ chơi đàn, và những triệu chứng phản ứng ra ngoài của cơ thể như bị đau, chảy máu, sốt,... cũng giống như âm thanh mà cây đàn dương cầm phát ra khi nó được chơi.
Bởi vậy nên, để một cây đàn cho ra âm thanh hay nhất, phù hợp nhất với người nghe là chúng ta thì người nghệ sĩ phải là một người chơi giỏi, có tâm, trân trọng cây đàn và bản thân cây đàn phải là một cây đàn tốt, được làm từ nhiều chất liệu tốt. Vậy ứng với cơ thể, cơ thể chúng ta về cơ bản phải khoẻ mạnh từ trong ra ngoài, từng bộ phận phải được chăm sóc bằng những vật liệu tốt nhất, ở trong một môi trường phù hợp nhất và ở bên cạnh những người có năng lượng tích cực.
LÀM SAO ĐỂ CHĂM SÓC CƠ THỂ ĐÚNG CÁCH?
Đó chính là sống thuận theo tự nhiên. Rất đơn giản, nếu bạn mệt thì hãy nghỉ ngơi, thấy đói thì hãy ăn (tất nhiên với một lượng vừa phải với cơ thể và thức ăn phù hợp/có lợi với cơ thể và tốt nhất vẫn là những thực phẩm đến từ tự nhiên - các bạn có thể tham khảo chế độ ăn Eat Clean 80% khẩu phần đối với người không ăn chay thuần), thấy khát thì uống nước,... Đừng bao giờ chống lại mong muốn của cơ thể mình hay cố gắng làm việc quá sức khi cơ thể thực sự cần nghỉ ngơi. Đừng gạt đi những dấu hiệu đó đi vì khi đó cơ thể bạn sẽ tốn gấp nhiều lần năng lượng để giúp bạn hoạt động, và khi tất cả các bộ máy bên trong không còn khả năng chống chọi nữa thì đó là lúc những căn bệnh vật lý xuất hiện.
Những thói quen tốt cho sức khỏe nên thực hiện mỗi ngày
Thêm vào đó, hãy xây dựng cho mình một thời gian biểu ăn, uống, ngủ, nghỉ, tập luyện đầy đủ, và với mỗi người, nhu cầu lại một khác. Có thể bạn không ăn 3 bữa một ngày mà thay vào đó bạn chia nhỏ ra nhiều bữa, hay chỉ ăn 2 bữa do cơ thể bạn không cần quá nhiều năng lượng hay dưỡng chất từ thực phẩm rắn để duy trì, hay một ngày bạn có thể vận động từ 30 phút đến 1 tiếng, đó là tuỳ vào thể trạng, tâm lý và sức khoẻ của từng người chúng ta. Và hãy nhớ rằng, tất cả mọi thứ đều được vận hành bởi năng lượng và năng lượng luôn hoạt động hai chiều, cũng có nghĩa là những thực phẩm chúng ta dung nạp, những con người chúng ta ở cạnh, những môi trường vật lý chúng ta ở bên trong hàng ngày, chúng ta đều tạo ra ảnh hưởng và đều ảnh hưởng lên cơ thể chúng ta. Bởi vậy nên ngoài việc xây dựng cho mình một chế độ, đồng hồ sinh hoạt phù hợp với cơ thể, bạn cũng thật sự cần phải giữ cho mình một tâm trí thoải mái, nhẹ nhàng để có một năng lượng tích cực và thanh khiết (cách làm sẽ có thêm chi tiết ở bài viết sau).
Ngoài những căn bệnh vật lý xuất phát từ lối sống, thói quen ăn uống, hay tâm sinh lý thì cũng có những căn bệnh xuất phát từ Sự tắc nghẽn Năng lượng hay các Bài học Nghiệp quả mà bạn cần vượt qua, những vấn đề này sẽ được đề cập sâu hơn ở phần sau của bài viết.
Vashna Thiên Kim
Tin tức liên quan
- Vashna Thiên Kim đem văn hóa Nepal và Nhật Bản vào sự kiện Thiền trà kết nối tại Hà Nội
- Đại sứ Vashna Thiên Kim chinh phục cự ly 21km tại Giải Marathon quốc tế
- Người đẹp Cần Thơ ẵm giải một chiếc Ford EcoSport hoàn toàn mới
- Omanda Sài Gòn khai trương trong không gian “thiền” ấm áp và trang trọng
- Văn hóa Nepal và Nhật Bản hoà quyện vào sự kiện thiền trà kết nối tại Hà Nội