Bí mật của tâm trí / cái tôi và cách kiểm soát
02
05/2023

Bí mật của tâm trí / cái tôi và cách kiểm soát

“Chinh phục được tâm trí/cái tôi quả thật là một bài toán khó của chung tất cả nhiều người trên con đường đi tìm sự giác ngộ và giải thoát, khó nhưng không phải là không thể, nếu chúng ta biết cách nhận diện và tách mình ra quan sát, chúng ta có thể làm chủ được chúng, làm chủ được tâm trí là làm chủ được cuộc sống”.

VÌ SAO TA CẦN KIỂM SOÁT TÂM TRÍ? 

Tâm trí tồn tại ở cơ thể dạng vía (không thể nhìn thấy bằng mắt thường). Tâm trí là một cầu nối để chúng ta tiếp nhận thực tại. Ta có thể hình dung tâm trí như một cặp mắt kính để ta thông qua nó nhìn thế giới bên ngoài, nhưng nếu cặp mắt kính này có sẵn những vết ố thì nó sẽ khiến bạn nhìn thế giới bên ngoài đầy khiếm khuyết, ố màu. Vì thế, sự hoạt động của tâm trí là nguyên nhân cho tất cả những vẻ ngoài ta nhìn thấy hay tiếp nhận, chừng nào còn chưa làm chủ được tâm trí thì sẽ còn những sự khác nhau, lớn nhỏ, cao thấp, thấp kém và ưu việc, tốt và xấu … Nhưng sự thật bên trong “là chính bạn” “chính cơ thể bạn” sẽ nghĩ khác. Bạn có thể xem “tâm trí” cũng như là “một nhân cách phụ khác” và nó ở bên ngoài bạn như tay chân, quần áo hay ngôi nhà bạn đang ở. 

 

 

"Ta tiếp nhận thông tin bên ngoài như thế nào thì thật ra đó là sự phản chiếu có điều kiện của tâm trí ta mà thôi!" Nếu ta giận dữ thì ta sẽ tìm ra lí do để giận dữ vì bất kể điều gì, nếu ta đang chán nản thì mọi sự trông có vẻ chán nản, như câu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, chính là do hoạt động của tâm trí, cho nên bạn đang nhìn thế giới bên ngoài như thế nào, nó phản chiếu nội tâm của bạn đang như thế. Toàn bộ thế giới này nó chính là nằm trong tâm trí của ta. Đôi khi, chúng ta có cảm giác rằng thế giới này quá rộng lớn và chúng ta không kiểm soát được nó, rồi cảm thấy mình như là nạn nhân của quá nhiều điều thì Thiền địnhYoga sẽ giúp chúng ta kiểm soát được tâm trí để lấy lại sự sáng suốt tĩnh lặng nhờ tiến trình đi vào bên trong tìm ra sự điều kiện hoá của trạng thái tâm trí của mình và điều chỉnh nó lại cho phù hợp thực tế, nhờ đó đưa chúng ta đến cái nhìn chân thật về bản thân và thực tại, giải thoát ra khỏi cái nhìn méo mó và những ảo tưởng của “những cái tôi, cái ngã”.

Để có thể kiểm soát tâm trí, ta phải tách mình ra khỏi nó và biết rằng tâm trí không phải là ta, mà chỉ là phương tiện đồng hành cùng ta giúp ta trải nghiệm và học những bài học trên hành trình cuộc đời. Cũng giống như mây che khuất mặt trời khiến ta nhầm tưởng rằng mặt trời không ở đó, nhưng nếu ta biết rằng mặt trời luôn ở đó thì ta có thể cảm thấy sự tối đen hay lạnh lẽo chỉ là tình trạng tạm thời. Tâm trí có thể sinh ra nhiều cái tôi khác nhau nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát chúng nếu như bạn hiểu được rằng, những gì bạn nhìn thấy hay cảm nhận được nó không phải là bạn, bạn hãy tách mình ra quan sát nó. Bạn phải biết rằng tâm trí không phải là bạn. 

Ví dụ, thay vì nói: “tôi tức giận” bạn hãy nói “có sự tức giận trong tâm trí tôi”, thay vì nói: “tôi mặc cảm hay tôi chán nản” sẽ là “có sự mặc cảm/chán nản trong tâm trí tôi”, bạn chỉ là chủ thể quan sát cơn tức giận đó, hiểu nó từ đâu đến và không làm gì . Phương pháp thực hành Yoga và thiền định sẽ giúp tâm trí và cơ thể chậm lại, giúp bạn dễ dàng nhận ra những cái tôi tâm trí để tách mình ra quan sát, không để chúng ảnh hưởng hay cuốn bạn đi. Nếu không làm chủ được tâm trí, như trường hợp ví dụ trên: bạn không tách mình ra khỏi cơn tức giận thì bạn bị tâm trí cuốn theo những hành động sau cơn tức giận như cãi vã, ẩu đả. Hay không phân biệt được cái tôi trì hoãn/chán nản thì bạn dễ dàng buông xuôi việc mà bạn đang làm , bạn rõ ràng không phải sự chán nản đó. 

 

Một số phương pháp diện - chuyển hóa - làm chủ " Tâm trí" 

- Tâm trí như một hồ nước, nó luôn phát ra tần sóng của các ý nghĩ. Vì thế những người tu sĩ Yogi thông qua phương pháp thiền định phấn đấu làm dịu xuống những sóng của ý nghĩ bằng sự tập trung. Một hồ nước trong không có sóng có thể cho bạn một hình phản chiếu chân thật về chính bạn (tâm trí Sattvic), một hồ nước có sóng làm méo mó hình phản chiếu (tâm trí Rajasic), một hồ nước đục bùn sẽ không cho phép bạn nhìn thấy sự thật nữa (tâm trí Tamasic).

 

 

- Tâm trí thì thích đi lang thang và luôn “nhảy nhót” lung tung, nó muốn sự đa dạng và tâm trí khởi lên các ý nghĩ không trật tự, không có nhiều sự liên tục, tập trung. Nhận biết được điều này, ta nên giữ cho tâm trí tĩnh lặng và rèn sự tập trung nhiều hơn.

- Tâm trí thường như con ngựa hoang, nó không thích bị huấn luyện, nó chỉ thích thoả được những điều nó muốn, làm theo những ý muốn của riêng nó. Ví dụ rõ ràng nếu lắng nghe cơ thể, bạn sẽ biết không nên ăn đồ chiên dầu mỡ, nhưng tâm trí sẽ có lí do: “ăn một chút cũng chẳng sao”; hay uống cafe sẽ hại cho cơ thể, nhưng tâm trí sẽ có nhiều lí do khác để biện minh và ta sẽ đắm mình trong việc nghiện cafe - xem như đây là món không thể thiếu mỗi ngày… tâm trí chúng ta thường được quy định bởi những kinh nghiệm trước đây và những thói quen. 

- Tâm trí chuyển động rất nhanh và bạn sẽ rất khó phân biệt được những ý nghĩ cái nào là của hệ thông tâm trí đã cài đặt niềm tin, còn cái nào là lắng nghe trực giác. Vì vậy mà trong Yoga, những asanas (tư thế) và pranayama (kĩ thuật hít thở) sẽ giúp làm chậm những sóng suy nghĩ lại, lúc này ta có thể quan sát những luồng suy nghĩ và chuyển đổi nó chọn lọc nó với sự minh triết. 

- Tâm trí liên quan mật thiết đến cơ thể, luyện tập asana sẽ giúp kiểm soát tâm trí, tâm trí phải cần sự tập trung cao độ mới có thể giữ vững các tư thế và ta còn phải làm việc rất nhiều với sự cố gắng và kiên trì của nó.

- Tâm trí liên quan đến hơi thở, kiểm soát được prana qua hơi thở (pranayama) bạn sẽ kiểm soát được tâm trí.

- Nếu giữ vững được sự tập trung của tâm trí, ta cũng sẽ bớt bị ảnh hưởng bởi các giác quan: không nghe những điều không cần thiết, không nhìn thấy những điều qua lăng kính không phải sự thật, không thèm ăn vô độ bất chợt …. Nói chung ta sẽ thoát được sự cám dỗ của các giác quan. 

- Cần rèn luyện chỉ làm mỗi một việc trong cùng một lúc, để rèn luyện sự tập trung của tâm trí, không để nhiều ý nghĩ lan man khởi lên.

- Tâm trí cũng hoạt động dựa trên những suy nghĩ liên tưởng, chúng ta có thể hình dung đến những điều tốt đẹp, tích cực và hữu ích để dẫn dắt tâm trí. 

Yoga là một bộ môn khoa học tâm trí, Yoga làm việc với 3 tầng của tâm thức: tiềm thức, hữu thức và siêu thức. Những tu sĩ Yogi muốn làm sạch tiềm thức (những bản năng và những cảm xúc) thì phải sử dụng trọn vẹn tầng hữu thức (trí tuệ, lý trí) và phát triển siêu thức (trực giác, linh tính). Điều này có thể đạt được qua thực hành Yoga và Thiền Định. 

 

Vashna Thiên Kim

Bình luận: 0

Tin tức liên quan

0916.84.8888
  • Phone
  • Zalo
  • Messenger